Các linh mục tương lai không xem mình như anh hùng

362

Các linh mục tương lai không xem mình như anh hùng

Cuộc rước của các chủng sinh và tu sĩ trước thánh lễ Làm Phép Dầu ngày 28 tháng 3 tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris./ Cyril Badet / CIRIC

la-croix.com, Samuel Lieven, 2018-05-03

150 chủng sinh vùng Île-de-France gặp nhau ngày 1 tháng 5 tại Montmartre, một dịp để báo Thập Giá thăm dò các linh mục tương lai này nhìn sứ vụ của họ trong xã hội như thế nào.

Trong đám đông du khách đến Montmartre ngày thứ ba 1 tháng 5, chắc chắn người ta không nhận ra họ ngay. Tuổi từ 20 đến 49, đa số họ mang giày bata hay giày đen, 150 chủng sinh của sáu chủng viện các tỉnh vùng Île-de-France gặp ở Montmartre, nơi các tín hữu kitô phải đương đầu.

Linh mục Stéphane Duteurtre, giám đốc chủng viện Paris cho biết: “Léon Bloy hay Max Jacob đã sống trong các con hẻm thời mà Montmartre là nơi hội hè. Các hình ảnh này cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ và kín đáo của kitô giáo trong một xã hội xa dần đạo”.

Thiểu số ư? Chữ này không làm cho các linh mục tương lai lo sợ, dù số người giữ đạo không còn bao nhiêu và ơn gọi không còn ám ảnh họ như cha ông của họ. Một số nhỏ là con của các gia đình khá giả ở phía Tây Paris, hoặc các gia đình trung lưu ở ngoại ô, không nhất thiết họ thuộc các gia đình có đạo hoặc giữ đạo, tất cả đều không mặc cảm về lòng nhiệt thành truyền giáo của mình.

“Mục đích của chúng tôi không phải “làm tăng con số” nhưng “rao giảng Chúa Kitô với lòng tự tin và sáng suốt”, chủng sinh Jacques nói rõ mục đích của mình, anh 30 tuổi, sắp chịu chức phó tế ở giáo phận Versailles sau khi đã học xong ngành kiến trúc. Hai anh Rémy và Étienne, 26 tuổi, nói thêm: “Đưa giáo dân về với Chúa vì nhu cầu ở chung quanh chúng tôi rất nhiều!” Hai anh thuộc chủng viện Issy-les-Moulineaux. Một anh khác nói thêm: “Hoặc đón tiếp bất cứ ai đến”. 

“Ngoại ô là mãnh đất đức tin lạ thường”

Các chủng sinh thuộc lòng các điệp khúc của các nhà xã hội học. Thế tục hóa phi mã, hết hơi với mô mình giáo xứ ngoại ô, các linh mục kiệt sức vì làm việc quá nhiều… Dù được trang bị trên mức trung bình của quốc gia nhưng các giáo phận thuộc vùng Île-de-France – dĩ nhiên là ngoại trừ giáo phận Paris với hơn 500 linh mục đang hoạt động – thì các vùng này cũng không tránh được các vấn đề trên. Nhưng anh Jacques muốn quay về với phối cảnh: “Thế tục hóa là cả một thách thức lớn! Trong những ngày ở Rocamadour, tôi ghi nhận, nếu người dân không còn biết gì về kitô giáo, thì họ cũng không thù nghịch như ngày xưa. Như vậy có thể mở ra một đại lộ để giảng Tin Mừng”.

Từ khi các chủng sinh đến tham dự các ngày chúa nhật ở các giáo xứ Goussainville (Val-d’Oise) và Villemomble (Seine-Saint-Denis), Rémy và Étienne cùng khám phá ngoại ô là một “mảnh đất đức tin lạ lùng”. Anh Étienne tóm tắt: “Trong giáo xứ trưởng giả tôi lớn lên, người dân đúng là không cần Chúa. Rất nhiều người trẻ đi hành hương theo phong trào Huynh đệ, họ đi như đi chơi. Người dân ở các khu phố bình dân dấn thân trong các cộng đoàn công giáo hay tin lành nhiều hơn. Ngược lại với các môi trường khá giả, nơi người ta thường có khuynh hướg giấu đức tin của mình, ở đây khó mà nói mình là người vô thần”.

Dưới mắt các chủng sinh, các người di dân từ Phi châu hay ở vùng Trung Đông đến là một “cánh cửa đặc biệt để nói về Chúa, vì họ tin”. Có người nhắc đến phong trào canh tân – như nhóm cầu nguyện Even, hoạt động rất mạnh ở Paris – mà thời cha mẹ của họ không bành trướng như vậy.

“Tôi không chọn độc thân để thay cho một đời sống thoải mái 35 giờ”

Còn về công việc đè nặng trên vai linh mục, đó không phải là điều họ quan tâm. Chủng sinh Jean 31 tuổi cho biết: “Tôi dâng hiến đời tôi cho Chúa Kitô giữa giáo dân, hoặc tôi rời chủng viện! Tôi không chọn đời sống độc thân để thay cho một đời sống thoải mái 35 giờ”, cách đây hai năm, anh Jean về Paris sau khi anh học xong Khoa học-Chính trị và bắt đầu làm việc trong địa hạt kỹ nghệ.

Độc thân. Đối với đa số các bạn trẻ này, những người chung chung đã có một “đời sống trong thế giới” trước khi họ đẩy cánh cửa bước vào chủng viện, thì với họ là cả một từ bỏ. Anh Jean nói tiếp: “Trong suốt những năm Chúa gõ cửa mà tôi thật sự không nghe tiếng gọi của Ngài, thì đối với tôi, không có chuyện từ bỏ tình yêu của một phụ nữ. Chuyện không có con cháu nối dõi mới đặt sau này”.

Việc báo chí nói nhiều đến vụ linh mục David Gréa, một linh mục giáo phận Lyon bỏ sứ vụ về lập gia đình làm cho nhiều người không hiểu. Một trong các chủng sinh chia sẻ: “Điều đáng buồn trong việc này không phải là chuyện linh mục về lấy vợ, vì không ai ở đây biết được tương lai sẽ dành cho mình như thế nào. Nhưng đi kể khắp nơi, cho rằng đây là ý Chúa thì tôi nghĩ tốt hơn nên im lặng chứ đừng làm rối trí các đường đi”.

Ý thức mình chọn một đời sống tận căn đã làm cho họ thành những con người ngoại lệ của xã hội, nhưng không làm cho các tân linh mục nghĩ mình là anh hùng, bốn trên năm người vào chủng viện sẽ chịu chức. Ngay cả những người có quá trình gãy đổ nhất trước khi nghe tiếng gọi, như anh Joseph 49 tuổi, hồi trước anh là người vô gia cư, anh nói: “Các bạn trẻ chung quanh tôi đây, họ dâng hiến đời mình bất hoặc số tuổi hay kinh nghiệm của họ. Nếu Chúa gọi tôi trễ là vì trước đó tôi chưa sẵn sàng. Quá trình của tôi chắc chắn không làm cho tôi là một linh mục tốt hơn người khác”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch