Bước đi trên mặt nước và chìm nghỉm
Ronald Rolheiser, 8-11-2014
Đức tin không phải là chuyện đơn giản có được. Không phải là chuyện chắc như đinh đóng cột. Mà đức tin như thế này: Có lúc bạn bước đi được trên mặt nước, và có lúc bạn chìm nghỉm như cục đá. Đức tin luôn có chỗ cho hoài nghi trước khi phục hồi sự xác quyết, rồi lại đánh mất lần nữa.
Chúng ta thấy điều này phản ánh sinh động trong câu chuyện Tin mừng về thánh Phêrô đi trên mặt nước. Chuyện như thế này: Các môn đệ vừa được chứng kiến một phép lạ lớn, là Chúa Giêsu cho 5000 người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá. Vừa chứng kiến một phép lạ, đức tin của họ đang rất mạnh. Không lâu sau, họ lên thuyền băng qua biển hồ. Nhưng Chúa Giêsu không đi cùng họ. Đi được một quãng, họ rơi vào cơn bão dữ dội và bắt đầu hoang mang. Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với họ. Lúc đầu họ sợ hãi vì tưởng Ngài là ma. Nhưng Ngài trấn an họ, khi từ giữa cơn bão, Ngài nói với họ, Ngài không chỉ là Giêsu mà còn là sự hiện diện của Thiên Chúa.
Ngay lập tức, Phêrô lòng đầy đức tin xin Chúa Giêsu cho ông cũng được đi trên nước như Ngài. Chúa Giêsu bảo ông cứ làm, và Phêrô đầy tự tin ra khỏi thuyền và bắt đầu đi trên mặt nước. Nhưng rồi, khi nhận ra việc mình đang làm là bất tự nhiên, ngay lập tức ông bắt đầu chìm, kêu gào xin cứu, và Chúa Giêsu đưa tay ra vớt ông lên.
Những gì minh trí ở đây là hai tâm điểm trong cảm nghiệm đức tin của chúng ta, cụ thể là, đức tin có lên có xuống, và đức tin mạnh nhất lúc chúng ta không nhầm lẫn đức tin với sức riêng của mình.
Đức tin có lên có xuống. Chúng ta thấy rõ điều này trong chuyện Phêrô đi trên nước. Lúc đầu, ông cảm nhận đức tin thật mạnh và tự tin đặt chân lên mặt biển và bắt đầu bước đi. Nhưng, gần như ngay khi nhận ra việc mình đang làm, ông bắt đầu chìm. Đức tin của chúng ta cũng y hệt như thế, có lúc đức tin cho chúng ta bước trên mặt nước, và có lúc chìm nghỉm. Hình ảnh Tin mừng về thánh Phêrô bước trên mặt nước đã tự nói lên tất cả.
Cho dù có thấy nản chí vì đức tin của mình dao động như thế, chúng ta vẫn có thể thấy an ủi nhờ những lời của Julian thành Norwich. Bà đã viết về một thị kiến của mình rằng: ‘Sau khi ngài cho tôi một niềm vui thiêng liêng tuyệt diệu nhất trong linh hồn: Lòng tôi hoàn toàn là một niềm chắc chắn không phai, được nâng đỡ mạnh mẽ và chẳng chút sợ hãi nào. Cảm giác này thật quá vui mừng và quá thiêng liêng đến nỗi tôi hoàn toàn bình an và thư thái, và chẳng có thứ gì trên đời có thể khiến tôi buồn lòng được. Việc này chỉ kéo dài được một lúc, rồi tôi bị thay đổi, tôi buông mình rơi vào sự buồn sầu lo lắng cho chính đời sống mình, khó chịu với chính mình đến nỗi tôi khó có thể đủ kiên nhẫn để sống. … Và ngay sau đó, Đức Chúa Lòng Lành lại cho tôi lòng thanh thản và nghỉ ngơi trong linh hồn, trong một niềm vui sướng và an toàn, quá hạnh phúc và quá mạnh mẽ đến nỗi không một lo sợ, buồn sầu, đau đớn thể xác nào có thể làm tôi khỗ não. Và rồi tôi lại cảm thấy nỗi đau lần nữa, rồi vui mừng hoan hỉ lại đến, lúc sự này, lúc sự kia, cứ lần này đến lần khác.’ (Quyển Bày tỏ, chương 15)
Julian thành Norwich là một nhà thần nghiệm lừng danh với một đức tin ngoại hạng, nhưng cũng như Phêrô, bà cũng quá dao động giữa việc đi trên mặt nước và chìm nghỉm. Những cảm giác tin chắc của bà đến rồi đi.
Cũng vậy, đức tin tốt nhất là khi chúng ta không nhầm lẫn đức tin với nỗ lực của chính mình. Ví dụ, trong quyển Sự Thánh thiện, Donald Nichol đã chia sẻ chuyện về một nhà truyền giáo người Anh ở châu Phi. Lúc mới đến đây, nhà truyền giáo được mời làm trung gian điều đình giữa hai bộ lạc. Ông chẳng chuẩn bị gì cho việc này, ngơ ngác và hoàn toàn không có kinh nghiệm. Nhưng ông đã dấn thân làm với đức tin, và ngạc nhiên thay, ông đã hòa giải được hai bộ lạc. Sau đó, phấn chấn vì thành công của mình, ông bắt đầu tự cho mình là một người điều đình và bắt đầu thể hiện mình là quan tòa cho các tranh chấp. Nhưng, cho đến bây giờ, những nỗ lực của ông đều vô nghĩa. Và điều thâm thúy là, khi ông không biết mình đang làm gì, nhưng ký thác hoàn toàn vào Chúa, ông có thể đi trên mặt nước, còn ngay khi đắm mình trong thành công, ông chìm nghỉm. Đức tin làm việc như thế. Chúng ta chỉ có thể đi trên mặt nước bao lâu chúng ta không nghĩ là mình đang làm việc này với sức riêng mình.
Nhà thần nghiệm Rumi, một thầy Hồi giáo Sufi, từng viết rằng chúng ta sống với một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi lại không biết, rồi lại biết. Đức tin là như thế, có lúc chúng ta đi trên mặt nước, có lúc chúng ta chìm nghỉm, và rồi lại đi trên mặt nước lần nữa.
J.B. Thái Hòa dịch