Một linh mục dưới chế độ độc tài

411

Một linh mục dưới chế độ độc tài

Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis

Lý lịch của Jorge Mario Bergoglio thì không giống ai. Trong những năm 70 và 80, vị giáo hoàng tương lai đi dạy, làm mục vụ ở giáo xứ và hướng dẫn các sinh hoạt thiêng liêng. Sau ba năm làm giám đốc tập viện Villa Barillari ở San Miguel, giáo sư và khoa trưởng phân khoa Thần học – thời gian này, cha nấu cơm cho sinh viên -, Bergoglio được bầu chọn làm Bề trên Giám tỉnh dòng Tên Argentina, chức vụ ngài đảm trách trong sáu năm.

Đó là giai đoạn khắc nghiệt dưới chế độ độc tài của tổng thống Jorge Rafael Videla từ năm 1976 đến 1981, sau cú Đảo Chánh chống bà Isabel Perón. Chế độ này đã vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống, bắt cóc, tra tấn, ám sát hàng ngàn người, bất cứ ai chống đối chế độ mà người ta gọi là những người mất tích, desaparecidos. Các cáo buộc vu khống được đưa ra nhằm chống cha Giám tỉnh Bergoglio về thái độ của cha đối với hai linh mục dòng Tên trong thời kỳ này. Hồ sơ ngụy tạo đã được đưa ra trước mật nghị năm 2005; và bây giờ lại được khơi lại khi ngài xuất hiện ở ban công thánh đường Thánh Phêrô.

Các cáo buộc la do ký giả Argentina, ông Horacio Verbitsky mà trong các sách của ông, ông quy trách nhiệm cho vị giáo hoàng tương lai hai lỗi nặng. Trước hết là đã bỏ rơi hai linh mục dòng Tên Orlando Yorio và Francisco Jalics vì chế độ độc tài không có thiện cảm về các hành động của họ trong những khu phố ổ chuột, favelas. Thứ nhì, nặng hơn, là đã hợp tác với chế độ độc tài Videla. Vào thời điểm đó, cha Bergoglio là Giám tỉnh dòng Tên, nhưng cha không có một trách vụ nào ở cấp cao của Giáo hội Argentina. Ngược lại, người ta có thể khẳng định, như họ đã viết, “là một linh mục dòng Tên, ngài có quyền lực rất lớn trên các cộng đoàn tu sĩ làm việc trong các khu phố ổ chuột ở Buenos Aires.”

Không mấy bằng lòng Giáo hội Công giáo, Tòa án Argentina quyết định bắt tay vào việc. Không có một cáo buộc nào chống Bergoglio trong cuộc điều tra về các vụ bắt cóc các em bé, trẻ con của những người bị mất tích, cũng như của các binh lính trong các vụ khủng khiếp xảy ra ở Escuela de Mecánica de la Armanda (ESMA), trại cải tạo nổi tiếng giam những người chống đối và trung tâm của các nhà “hộ sinh chui” nơi có ít nhất sáu ngàn người bị chết. Các cáo buộc của ông Verbitsky được nhật báo Pagina 12 đăng lại, nhật báo này được xem như cơ quan ngôn luận chính thức của Cộng Hòa Argentina. Theo ông Verbitsky, hai linh mục dòng Tên cáo buộc cha Bergoglio đã giao nộp họ cho quân đội. Bị bắt cóc năm 1976, họ bị tù năm tháng. Trong vụ bắt bớ này, quân đội đã bắt bốn nữ giáo lý viên, trong đó có hai người bị bắt với chồng của họ. Những người này không bao giờ được tìm thấy.

Sau khi bầu chọn giáo hoàng Phanxicô xong, ông Verbitsky cáo buộc trở lại, ông đưa ra tài liệu theo đó Giám tỉnh Bergoglio đã cho rằng hai bạn đồng tu dòng Tên của mình có ý “lật đổ” chính quyền. Tuy nhiên tài liệu này lại phủ nhận các cáo buộc của ký giả: trước hết vì tài liệu này có sau khi hai linh mục được thả, kế đó không có gì chứng minh Bergoglio nói họ là những người muốn “lật đổ.” Cuối cùng nó cho thấy hai linh mục không bị Giám tỉnh đuổi ra khỏi dòng Tên như ông Verbitsky khẳng định, nhưng chính họ xin ra khỏi dòng. Trong trường hợp linh mục Jalics, lời yêu cầu bị từ chối vì cha đã khấn trọn đời. Do đó cha vẫn là linh mục dòng Tên.

Nhưng còn hơn nữa. Rõ ràng cái gọi là tài liệu sôi sục chống Bergoglio lại được làm do nghe tin đồn của một nhân viên đặc trách Tôn giáo của bộ Nội Vụ. Giám sát và làm giả mạo là một trong những chuyên ngành của nhóm đảo chính Argentina. Cuối cùng, tài liệu bao gồm những thông tin không chính xác về các quy trình nội bộ của dòng Tên: thêm một bằng chứng cho thấy tài liệu này sai.

“Tóm lại,” sử gia Matteo Luigi Napolitano, người nghiên cứu vấn đề này cho biết “tài liệu do nhật báo Pagina 12 đăng không phải về Bergoglio, nó không phản ảnh tư tưởng của Bergoglio, và có thể nói một cách hợp pháp, tài liệu này được xem như một tài liệu của “chế độ,” sản phẩm của chế độ độc tài được dùng để kiểm soát phe chống đối và để chứng tỏ họ nhận được sự ủng hộ của Giáo hội Argentina.”

Jorge Ithurburu, chủ tịch Hiệp Hội 24 tháng 3, một thành viên dân sự trong các vụ kiện chống quân đội Argentina, đã cho rằng các cáo buộc của ký giả Verbitsky là sai, trong một phỏng vấn của nhật báo Ý II Sole 24 Ore, ông nói: “Trách nhiệm của Giáo hội Công giáo như một tổ chức là một chuyện, trách nhiệm của từng cá nhân là một chuyện khác. Vào thời đó, Bergoglio chưa là giám mục và không có một bằng chứng nào về trách nhiệm cá nhân.”

Vì sao cha Bergoglio lại yêu cầu hai linh mục rời cộng đồng ở khu phố ổ chuột nơi họ đang hoạt động? Và họ đã không vâng lời. Ông Napolitano viết: “Đương nhiên cha đã cảm thấy có một cái gì sắp xảy ra. Sau cú Đảo chánh, hai linh mục dòng Tên bị bắt và bị tù trong cơ sở của ESMA (Escuela de Mecánica de la Armanda) trường dành cho sĩ quan Hải quân được biến thành nơi giam cầm và tra tấn. Khoảng 6 tháng sau họ được thả.”

Đối với ông Ithurburu, “đương nhiên giai đoạn này có thể được hiểu theo hai cách: có thể nghĩ các bề trên của hai linh mục này chịu trách nhiệm vì đã bỏ rơi họ, hoặc cũng các bề trên này đã can thiệp để họ được thả. Tôi nghiêng về giả thuyết thứ hai: ESMA không bao giờ thả ai không có lý do, và không ai trong Giáo hội sẽ chấp nhận đã có dàn xếp kín đáo. Giáo hội sẽ không nói những chuyện này. Sự phóng thích hai linh mục là một sự kiện.”

Ngày 15 tháng 3, 2013 phát ngôn viên Tòa thánh, Federico Lombardi đã nói đến “những vận động đặt điều và vu khống”, “phơi bày chống hàng tu sĩ” để chống giáo hoàng. Ông nói thêm “sẽ không bao giờ có một cáo buộc cụ thể đáng tin cậy… Luật pháp Argentina đã chất vấn Bergoglio một lần trong tư cách là chứng nhân sự kiện, nhưng không bao giờ họ cáo giác. Còn về phần cha, cha dựa trên các bằng chứng và đã bác tất cả các cáo buộc. Có nhiều chứng cớ trên những gì cha làm để bảo vệ những người chống chế độ.”

Một tài liệu bí mật, giữ tại Washington về những năm dưới chế độ độc tài này xác nhận một cách gián tiếp lời nói của phát ngôn viên Vatican. Naspolitano viết: “Tài liệu này ghi lại (bằng tiếng Tây Ban Nha) các tuyên bố của chính đại tướng Videla, tác giả của cú Đảo chánh. Videla, ngay ngày hôm sau nắm chính quyền, quan sát và thấy “tình hình hiện tại của xứ sở có đặc nét của một chính quyền dở, hỗn độn, tham nhũng nhưng vẫn có những luồng ý kiến công khai của dân chúng, những xác quyết chính trị được ăn sâu bám rễ, với một thành phần công nhân ở ngoài luồng thống trị… với một Giáo hội Công giáo run sợ, tuy nhiên vẫn cương quyết tố cáo mọi vi phạm nhân quyền quá đáng.” (Défense Intelligence Agency, Forwarding of Spanish Documents, “Mardi 25, 1976: Philosophy and Bio of LTGEN Jorge Rafặl Videla”, 24 -3- 1976, p. 1, National Security Archive).

Theo lời của đại tướng Videla, Giáo hội Argentina “vẫn còn cương quyết tố cáo mọi vi phạm nhân quyền quá đáng”, đây là bằng chứng cho thấy chân dung của ký giả Horacio Verbitsky mô tả về Giáo hội Argentina không đúng. Nói như thế không có nghĩa là khẳng định không có các vụ thông đồng hay các sai phạm, nhưng chỉ để muốn nói lên một thực tế phức tạp hơn là tài liệu chống Bergoglio mà báo chí quốc tế đưa ra trong những ngày đầu chức giáo hoàng của ngài. Và đó là cũng trường hợp có người đưa tài liệu đến tay một vài hồng y, như vẫn thường xảy ra khi có cuộc bầu chọn giáo hoàng. Tuy nhiên chẳng có một kết quả nào.

Một ít thời gian sau cuộc bầu chọn, sự cáo buộc đã được cải chính bởi chính chứng nhân trực tiếp, linh mục Jalics: trong một tài liệu đăng trên trang mạng Tỉnh dòng Tên ở Đức, cha đã nói lên tiếng nói của mình, tiếng nói này cần được nghe: “Tôi sống ở Buenos Aires từ năm 1957. Năm 1974, do ước muốn tự đáy lòng tôi là được sống theo Phúc Âm và quan tâm đến cái nghèo cùng cực ở đây, được sự cho phép của tổng giám mục Aramburu và Bề trên tỉnh dòng Jorge Mario Bergoglio, cùng với một bạn đồng tu, tôi đến ở khu phố ổ chuột, một trong những khu phố nghèo nhất thành phố. Sống ở đó nhưng chúng tôi tiếp tục giảng dạy ở trường Đại học. Những năm đó, nước Argentina trải qua một cuộc nội chiến. Trong vòng hai năm, có khoảng ba mươi ngàn người – các quân nổi loạn cánh tả cũng như dân sự – đã bị phe quân đội ám sát giết.

“Vì chúng tôi sống trong một khu phố cực kỳ nghèo, chúng tôi không bao giờ tiếp xúc với lực lượng quân đội hay với quân phiến loạn. Vào thời đó, các thông tin liên lạc khó khăn hoặc thường bị bóp méo vì lý do có những thông tin giả mạo nên tình trạng của chúng tôi thường bị hiểu sai, ngay cả trong nội bộ Giáo hội. Chính trong thời gian này, chúng tôi mất liên lạc với một trong những cộng sự chúng tôi vì họ tham gia vào đội quân phiến loạn. Chín tháng sau, quân đội đã bắt được họ và họ bị đem ra hỏi cung. Do đó quân đội biết, trong quá khứ, người này có liên hệ với chúng tôi.”

Linh mục Jalics giải thích: “Họ cho rằng chúng tôi có quan hệ với quân phiến loạn và hai chúng tôi bị bắt. Họ hỏi cung chúng tôi năm ngày. Sau năm ngày, viên sĩ quan điều khiển cuộc hỏi cung đến gặp chúng tôi và chào từ giả, ông nói: “Kính thưa các cha, các cha không có tội gì hết. Tôi sẽ đích thân lo hồ sơ các cha và sẽ can thiệp để các cha trở về sống trong khu phố mà các cha đã chọn.” Dù đã hứa như vậy nhưng chúng tôi cũng không được thả. Vì những lý do nào tôi không được biết, chúng tôi bị giam, bị còng tay, mắt bịt kín trong vòng năm tháng. Tôi không thể nào nói cho quý vị biết cha Bergoglio đóng vai trò nào trong việc này. Sau khi được thả ra, tôi rời Argentina.”

Bằng cách nào vị giáo hoàng tương lai trả lời 33 câu hỏi của chính quyền Argentina vào tháng 4 năm 2011? Tài liệu được nhật báo Ý Avvenire đăng: “Tôi đã làm trong thẩm quyền của tôi ở tuổi đó (dưới 40 tuổi, ghi chú của người dịch) và với một ít quan hệ của tôi, tôi can thiệp để phóng thích các người bị giam giữ,” cha Bergoglio kể. Các kết quả của cuộc điều tra xác nhận những lời khai của cha, khác với các linh mục khác bị thẩm vấn, cha Bergoglio chưa bao giờ bị hỏi cung.

Ông German Castelli, một trong ba quan tòa của vụ chống các quân nhân của ESMA giải thích cho nhật báo La Nación về các cáo buộc chống giáo hoàng Phanxicô hiện nay: “Chúng tôi xét hồ sơ rất cẩn thận, chúng tôi đã kiểm tất cả các dữ liệu và chúng tôi đi đến kết luận, không có một cáo buộc nào có thể dđua ra để chống Bergoglio.”

Cách đây hai năm, người mà lúc đó là hồng y Bergoglio tuyên bố đã gặp “đại tướng Videla và thống đốc Emilio Massera hai lần.” Đối với những người giem pha hồng y, hai lần gặp gỡ này là bằng chứng ngài có hợp tác với chế độ. Trên thực tế, vị giáo hoàng tương lai muốn biết “cha tuyên úy quân đội nào dâng thánh lễ trong các trung tâm tra tấn.” Một lần chính đại tướng Videla cho cha biết tên, cha thuyết phục vị linh mục tuyên úy quân đội đó giả đau để cha thay thế. Đó là bằng chứng tu sĩ dòng Tên không tin tưởng một vài người trong Giáo hội, cha quyết định tự làm một mình, trong nguy hiểm, giống như có lần cha đã giúp cho “một người trẻ rất giống cha” bằng cách “đưa cho họ thẻ căn cước và giả trang họ thành linh mục: chỉ có cách đó mới cứu mạng sống họ được.”

Bergoglio đã xin gặp riêng đại tướng Videla để biết số phận các linh mục bị bắt giữ. Quan toà Castelli lặp lại: “Nói Bergoglio giao nộp các linh mục là hoàn toàn sai.” Vị giáo hoàng tương lai tâm sự với một người bạn: “làm những chuyện gì đó là hoàn toàn điên khùng” trong thời gian năm tháng hai bạn đồng tu bị giam. Cha khai với các quan tòa: “Tôi không đến nơi giam giữ, trừ một hôm, tôi đến căn cứ hàng không, gần San Miguel, bên cạnh cơ sở José C. Paz để biết số phận của một em bé trai.”

Các cáo buộc vì mục đích chính trị trong những ngày đầu sau khi được bầu chọn, cũng như hồ sơ đưa cho một vài hồng y là “hành động vô lại,” để dùng lại những chữ mà biện lý Julio Strassera của vụ án chống quân đội đã dùng. Ông nhấn mạnh “tất cả đều hoàn toàn sai.” Các tổ chức như tổ chức Ân Xá Quốc tế đều xác nhận hệ thống luật pháp Argentina được xem như hệ thống tiến bộ nhất Châu Mỹ Latinh. Chưa bao giờ họ dành đặc ân cho Giáo hội, như trường hợp của linh mục Christian von Wernich cho thấy, ông là linh mục tuyên úy cho cảnh sát, bị kết án 6 năm tù vì có liên quan đến 7 vụ giết người, 42 vụ giam giữ và 31 vụ tra tấn.

Giữa các nhân vật chính “buộc tội” Bergoglio, có một vài cựu phiến loạn, montoneros. Giáo sư Loris Zanatta, dạy môn sử học Châu Mỹ Latinh ở Đại học Bologne đã xác nhận trong quyển sách vừa mới được nhà xuất bản Laterza phát hành như sau: “Dù cho họ biết con đường bạo lực đã đưa đến cuộc Đảo chính nhưng họ vẫn kịch liệt đi theo con đường này.” Nhà nghiên cứu viết: “Khi quân đội nắm quyền, họ nghĩ dân chúng sẽ nổi loạn, nhưng trên thực tế, qua những năm tháng dài sống trong bạo lực và chiến tranh ý thức hệ, lúc đại tướng Videla lên nắm chính quyền, dân chúng trở nên bất động.” Một trong các thủ lãnh của quân phiến loạn chính là ông Horacio Verbitsky. Khôi hài thay, ông này lại thân cận với tổng thống Nestor Kirchner. Một trong những quyển sách của ông xuất bản năm 2005, Verbitsky tấn công Bergoglio sau sự kiện tòa giám mục Buenos Aires chống đối Tổng thống Argentina. Kirchner cho rằng Bergoglio là “thủ lãnh đích thực của chống đối.”

Cuối cùng, cũng cần phải nhắc lại, ông Adolfo Pérez Esquivel, người được giải thưởng Hòa Bình năm 1980, người chống đối kịch liệt chế độ quân đội đã nhanh chóng bày tỏ lập trường về việc này. Trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC, ông tuyên bố giáo hoàng Phanxicô “không có mối liên lạc với chế độ độc tài Argentina. Một vài giám mục thông đồng với chế độ nhưng giám mục Bergoglio thì không. Đó là chủ đề được đưa ra thảo luận vì người ta cho rằng khi còn làm Giám tỉnh dòng Tên, cha chưa làm hết sức mình để can thiệp cho hai linh mục. Tôi tin chắc có nhiều giám mục đã xin quân đội phóng thích hai linh mục, nhưng lời yêu cầu chưa bao giờ được chấp nhận.”

Một bằng chứng cuối là bức thư của Giám tỉnh dòng Tên gởi cho Franz Jalics năm 1976, anh của một trong hai linh mục bị bắt. Bức thư này được Frankfurter Allgemeine Zeitung đăng lại tháng 3 năm 2013: “Tôi đã can thiệp với chính quyền nhiều lần để anh của ông được thả ra. Vào lúc đó, chúng tôi không có một kết quả nào nhưng vẫn hy vọng anh của ông được thả… Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm để anh của ông được thả. Tôi xem việc này là việc của Tôi, và các bất đồng mà anh của ông và tôi có về mặt tôn giáo thì không dính gì đến chuyện này.”

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo La Stampa, bà Maria Elena, em của cha đã nói về những cáo buộc này như sau: “Ông nghĩ điều này có thể xảy ra được sao? Làm như vậy là phản lại những gì cha chúng tôi đã dạy chúng tôi. Anh Jorge đã bảo vệ và giúp đỡ rất nhiều người bị bách hại dưới chế độ độc tài. Lúc đó tình cảnh đen tối và phải rất cẩn thận, nhưng phải xác nhận là anh tôi đã hết lòng lo cho các nạn nhân.”

Năm 2000, tổng giám mục Buenos Aires, vị giáo hoàng tương lai, cùng với các giám mục trong nước đã xin người dân Argentina tha thứ vì thái độ của hàng giáo sĩ trong thời chế độ độc tài: “Vì, vào những lúc khác nhau trong lịch sử, chúng tôi đã khoan dung đối với chế độ độc tài, một chế độ độc tài đã vi phạm quyền tự do dân chủ và nhân phẩm. Bởi vì, qua những hành động và những thiếu sót, chúng tôi đã kỳ thị một số anh em, không hết lòng bảo vệ quyền lợi cho họ. Chúng con cầu xin Chúa, Thiên Chúa của lịch sử, xin nhận tấm lòng hối cải của chúng con, xin chữa lành vết thương của chúng con. Lạy cha, chúng con có bổn phận phải nhắc lại các hành vi bi thảm và hung dữ. Chúng con xin Chúa tha thứ vì sự im lặng của những người có trách nhiệm và sự tham dự của con của Chúa trong cuộc chiến chính trị, trong bạo lực chống tự do, trong tra tấn và vu khống, trong bách hại chính trị, trong sự cố chấp về mặt ý thức hệ, trong các cuộc đấu tranh và chiến tranh, trong cái chết phi lý đẫm máu của xứ sở chúng con. Lạy Chúa của lòng nhân lành và tình thương, xin tha thứ cho chúng con và ban cho chúng con ơn sủng để tái lập lại các mối dây liên hệ xã hội và chữa lành các vết thương vẫn còn nóng của cộng đoàn của Chúa.

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 6, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch