Đức ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ long trọng tuyên bố “tất cả những ai không phải hồng y xin ra ngoài, extra omnes.”
Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Thứ tư 27 tháng 2, lúc 8 giờ sáng, có ba hồng y đứng chờ lấy hành lý ở quầy hành lý các chuyến bay quốc tế phi trường Leonardo Da Vinci, Roma Fiumicino. Họ đến cùng giờ từ Buenos Aires, São Paulo và Manila. Đó là các hồng y Jorge Mario Bergoglio, Odilo Pedro Scherer và Luis Antonio Tagle. Hai người đầu mặc áo dòng. Người thứ ba mặc quần áo thường ra vẻ một người đàn ông rất trẻ. Họ biết nhau, họ kính trọng nhau, họ chào nhau. Ngày hôm sau, trong phòng Clémentine, cha Bergoglio gặp hồng y Tagle mặc áo dòng thêu, thắt lưng đỏ, đội mũ chỏm, cha nói đùa: “Nhưng hôm qua ở phi trường, có cậu thanh niên nào giống tớ y hệt.”
Trong suốt thời gian mật nghị ở nhà nguyện Sixtine, hồng y danh dự Thánh bộ Tu sĩ Hummes, tổng giám mục danh dự São Paulo ngồi bên cạnh cha Bergoglio. Họ quen biết nhau từ lâu, họ là bạn của nhau.
Ngày hôm sau, 28 tháng 2, lúc 8 giờ tối là ngày Tòa Thánh vắng ngôi. Đó là một ngày đặc biệt của cha Bergoglio. Mười lăn năm trước đây, cũng vào một ngày 28 tháng 2, hồng y Antonio Quarracino, tổng giám mục Buenos Aires chết. Trước đó, hồng y Bergoglio đã là phụ tá của ngài, ngày hôm đó, cha kế vị ngài để cai quản giáo phận Buenos Aires, thủ đô Argentina. Sự trùng hợp này không thể nào tránh được hồng y dòng Tên. Một dấu hiệu báo trước chăng?
Tân giáo hoàng ở nhà trọ Domus Sacerdotalis Paulus VI, nhà của các tu sĩ ở 70 Via délia Scrofa, ngài vẫn ở nhà trọ này trong những lần hiếm hoi về Roma. Cha Bergoglio là hồng y rất ít khi tự động rời giáo phận của mình. Các nhân viên, linh mục thường trú ở đó ai cũng biết ngài, vì ngài thường đồng tế lễ buổi sáng ở đó với họ.
Tiền mật nghị bắt đầu bằng các phiên hội chung, các buổi hội họp của các hồng y để thảo luận về tương lai, các nhu cầu, các vấn đề nghiêm trọng của Giáo hội. Cha Bergoglio khi nào cũng đi bộ đến Vatican, đi ngang qua những con đường nhỏ ở trung tâm Roma, cha không đội mũ chỏm. Sự chờ đợi của khối truyền thông làm cha rất bực mình: hàng ngàn ký giả khắp nơi trên thế giới đổ dồn về Thành phố Vĩnh cửu. Các hồng y hội họp trong căn phòng mới của Thượng Hội Nghị và hàng núi phóng viên, nhiếp ảnh gia, người quây phim chen chúc chờ họ trước chấn sắt của quảng trường Saint-Office. Các ống kính soi kỹ các khuôn mặt “có thể làm giáo hoàng.” Cha đi nhanh đến, gần như không ai biết cha. Họ quay nhiều lần khi cha đến nhưng không ai đến gần cũng không ai đặt câu hỏi với cha.
Chẳng bù với tám năm trước đây! Tổng giám mục Buenos Aires cũng đến đây như 113 trên 115 vị hồng y đến bầu vị kế nhiệm đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, đó là mật nghị đầu tiên của hồng y Bergoglio. Lúc đó có rất nhiều người đi hành hương đến Roma để tỏ lòng thương nhớ vị giáo hoàng cao cả Wojtyla. Đám đông dài bất tận sắp hàng ngày đêm để viếng xác, một cách nào đó chịu đã ảnh hưởng đến tâm lý của các hồng y. Cần phải bầu chọn nhanh. Lại còn có vài người tạo điều kiện thuận tiện để bầu chọn hồng y Ratzinger, như ở Tòa Thánh có hồng y người Colombia, Alfonso López Trujillo, “người làm ngai vua” cho đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Mật nghị rất nhanh. Các hồng y vào mật viện chiều 18-4-2005, xế trưa hôm sau, sau vòng thứ tư là đã bầu xong. Ngược với tất cả mong chờ, vị hồng y có nhiều phiếu sau hồng y Ratzinger lại là tổng giám mục Buenos Aires. Lần này thì không có gì được chuẩn bị. Một vài hồng y bạn bày tỏ sự ủng hộ của mình, một số ít khác ủng hộ theo. Vào lần bầu thứ hai của buổi sáng, Bergoglio được trên bốn mươi phiếu mang tên cha “Tôi xin bầu lên chức vị Giáo Hoàng – Eligo in Summum Pontificem.” Nhưng sau bữa ăn trưa, có một chuyện gì đó xảy ra, vì sau giờ nghỉ, các phiếu bầu cho hồng y Ratzinger tăng lên. Các ủng hộ cho hồng y Bergoglio chưa đủ đông để ngài được bầu chọn mà chỉ làm cản trở việc bầu người kia.
Nhưng đến vòng bầu đầu tiên của buổi xế trưa là điểm ngoặc: hồng y Argentina mất nhiều phiếu dù vẫn còn giữ lại một số phiếu đáng kể, và cuối cùng hồng y Ratzinger được bầu chọn. Chiều hôm đó, sau phép lành đầu tiên Urbi et Orbi (cho thành phố Roma và cho thế giới) và buổi ăn tối, hồng y Bergoglio từ nhà trọ Thánh Matta đi đến nhà của tân giáo hoàng Bênêđictô. Cha muốn đến thăm tân giáo hoàng nhưng thấy hiến binh Vatican đã đứng gác trước cỗng, cha đi lui. Có thể vì vậy mà chiều ngày 13-03-2013, cha muốn ngồi chung bàn và nói chuyện với “các hồng y bạn” trong những giây phút này.
Theo những gì chúng tôi học từ lịch sử chức giáo hoàng mới đây, ứng viên đứng thứ nhì trong một mật nghị sẽ không là giáo hoàng trong lần bầu sau. Hơn nữa cha Bergoglio đã 76 tuổi.
Những ngày trước khi bầu chọn đức giáo hoàng Phanxicô thật khó khăn, do các mưu toan làm áp lực và các cáo buộc rắc rối chống hồng y Keith O’Brien, người Ê-cốt và hồng y Roger Mahony, tổng giám mục danh dự Los Angeles: nhiều tổ chức bảo vệ nạn nhân các vụ ấu dâm đòi loại hai hồng y này ra khỏi mật nghị vì họ đã không biết xử lý trong các vụ linh mục lạm dụng trẻ con và các em bé trai. Các báo chí, kể cả báo chí Công giáo, tổ chức các cuộc thăm dò ý kiến chống hồng y Mỹ, họ hy vọng hồng y tình nguyện rút lui hoặc Vatican có biện pháp loại trừ không cho hồng y tham dự mật nghị.
Có một cái gì gây bối rối trong cuộc luận chiến ngày càng căng thẳng đối với hồng y Mahony. Theo lời những người cáo buộc, hồng y Mahony đã che giấu và nói dối về vụ các linh mục phạm tội ấu dâm trong địa phận của ngài vào những năm 1980, 1990, họ muốn ngăn chận không cho ngài dự mật nghị để bầu người kế vị giáo hoàng từ nhiệm Ratzinger. Nhưng Tông hiến Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa, Universi Dominici gregis, được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố năm 1996, khẳng định: “Tất cả các hồng y cử tri được triệu tập bởi vị hồng y niên trưởng, hoặc một hồng y khác nhân danh hồng y niên trưởng, để bầu chọn tân giáo hoàng, đều phải đến, theo lời khấn vâng lời, tuân theo lệnh triệu tập và đến nơi chỉ định, ngoại trừ khi đương sự không đến được do đau yếu hay vì một lý do nghiêm trọng nào khác ngăn cản, trong trường hợp này phải được hồng y đoàn ghi nhận.” Từ lâu, quyền cầm lá phiếu bầu giáo hoàng không chịu một áp lực nào ngoài luật lệ của mật nghị.
Ý tưởng cho rằng có những hồng y bất xứng để có thể dùng quyền quan trọng nhất của chức vị mình và sự “bất xứng” này lại do các tranh cãi của giới truyền thông thể hiện một nguy cơ tạo tiền lệ: sẽ luôn luôn có người, quả vậy, cho mình trong sạch hơn người kia để kết tội người kia không xứng đáng vào nhà nguyện Sixtine. Giáo hội luôn luôn – nhưng đôi khi không thành công – bảo vệ cuộc bầu chọn giáo hoàng tránh các áp lực và can dự bên ngoài. Năm 2005, có những phản kháng chống hồng y Bernard Law, tổng giám mục danh dự Boston tham dự mật nghị, buộc ngài phải từ chức mấy năm trước đó vì cách xử lý các vụ ấu dâm trong địa phận của ngài, nhưng các chiến dịch “phẫn nộ về sự hiện diện” của hồng y Mahony đã không đủ mạnh để ngăn cản hồng y Mahony.
Riêng trong trường hợp này, cần phải nhắc lại hồng y danh dự Los Angeles đã thật sự không phạm lỗi lầm trong hồ sơ các linh mục phạm tội ấu dâm trong quá khứ. Và khi cách đây hơn mười năm, đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và hồng y Ratzinger thiết lập các luật lệ mới để đối diện với các trường hợp này, hồng y Mahony là một trong những hồng y áp dụng nghiêm khắc như nhiều tài liệu đã chứng minh. Thí dụ của ngài là tích cực và cho thấy cách tiếp cận vấn đề đã thay đổi.
Người ta cũng không được che giấu rằng, trong suốt thời gian hàng chục năm các vụ bê bối này xảy ra, Giáo hội và ngay cả Tòa Thánh Vatican đã lượng định thấp các vấn đề này. Tại sao hồng y Mahony lại phải từ bỏ mật nghị, trong khi những người ở bờ bên kia sông Tibre (Vatican) và ở một thời không quá xa, đã theo một con đường khác con đường ngày hôm nay, lại không từ bỏ? Và thế nào về những người trong Giáo triều của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bảo vệ, thậm chí tôn trọng một cách không điều kiện vị sáng lập Binh Đoàn của Chúa Kitô, của Marcial Maciel, mà rất nhiều vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên đã được biết đến năm 2010?
Trận chiến chống sự tham dự mật nghị của hồng y Mahony nhân danh chính sách đứng đắn là một áp lực không có cơ sở, có nguy hại biến mật nghị thành một chương trình truyền hình loại hiện thực, loại chương trình tệ hại mà các ứng viên được dân chúng “đề cử” có thể bị tống ra đơn giản chỉ vì có một tin nhắn SMS gởi tới.
Tòa Thánh đã can thiệp bằng cách công bố một thông tri rất nghiêm khắc về các cáo buộc, nhưng không gởi đến một đối tượng nào đặc biệt. Và đó cũng không phải chỉ hồng y Mahony duy nhất bị nhắm đến: họ còn nhắc đến các vụ ấu dâm ở Ái Nhĩ Lan, ở Bỉ và đòi loại các hồng y Danneels và Brady ra khỏi mật nghị. Văn phòng Quốc vụ khanh phải bảo vệ cuộc bầu chọn giáo hoàng khỏi các cuộc tranh luận quốc tế, tiếp đó lại còn thêm các vụ rắc rối Vatileaks và các hoang tưởng của hồ sơ mật của ba vị hồng y. Thông tri của Vatican còn tố cáo các tin tức “không có bằng chứng, hoặc bằng chứng không kiểm chứng được, hoặc bằng chứng giả gây nguy hại cho người và cho tổ chức” để qua đó họ tìm cách tạo ảnh hưởng trên các hồng y sắp vào mật nghị.
Bản thông tri nhắc lại “trong nhiều thế kỷ, các hồng y đã phải đối diện với nhiều hình thức áp lực, thực thi trên từng cá nhân cử tri hoặc trên chính hồng y đoàn, trong mục đích ảnh hưởng các quyết định, bằng cách làm cho phù hợp theo lôgic của một kiểu chính trị hay thời thượng. Nếu trong quá khứ, thông tri ghi tiếp, những người gọi là có quyền lực, có nghĩa là các Quốc gia, tìm cách đưa những điều kiện riêng của họ vào cuộc bầu chọn giáo hoàng, thì ngày nay người ta tìm cách dùng ý kiến quần chúng để làm áp lực, thường thường đặt trên nền tảng của những phán xét không nắm vững khía cạnh tiêu biểu thiêng liêng ở thời buổi mà Giáo hội đang sống.” Thế cho nên “thật tệ hại khi các hồng y nghiêm mình, xét mình trước mặt Chúa để bầu chọn trong hoàn toàn tự do chọn lựa riêng của mình, thì các tin tức không được kiểm chứng hoặc không thể kiểm chứng được thậm chí còn giả tạo lại được phóng đại lên, tạo nguy hại cho người và cho tổ chức.” Và bản thông tri kết luận: “Chưa bao giờ người công giáo chú tâm vào điều thiết yếu trong giờ phút này cho bằng bây giờ: cầu nguyện cho đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, cầu nguyện để Thần Khí rọi sáng trên các hồng y… cầu nguyện cho tân giáo hoàng.”
Kèm theo thông tri của Vatican là sự can thiệp, cũng mạnh, của phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi, theo đó “luôn luôn có người lợi dụng thời khắc bất ngờ và đánh lệch hướng những người yếu kém để gieo hoang mang, hạ uy tín Giáo hội và Giáo quyền bằng cách viện đến những phương tiện xưa cổ như nói xấu, xuyên tạc thông tin, đôi khi còn vu khống, hoặc tạo những áp lực không chấp nhận được để đặt lại vấn đề quyền được bầu của người này người kia trong hồng y đoàn mà người ta nghĩ, vì lý do này hay lý do khác, đều không xứng đáng để được mong muốn.” Phong cách nói khá nghiêm trọng một cách bất thường. Thật táo bạo nếu so sánh các phê phán phẩm trật giáo sĩ bây giờ của các hệ thống truyền thông hàng loạt với các can thiệp của các vua, các hoàng đế thời xa xưa vào việc bầu chọn người kế vị thánh Phêrô.
Vụ hồng y Mahony vừa êm dịu thì bùng nổ quả bom O’Brien. Hồng y Ái Nhĩ Lan bị một vài cựu chủng sinh cáo buộc đã lạm dụng họ trong những năm 1980. Thời gian đầu, hồng y đã cực lực chối nhưng sau đó, hồng y đã nhận các sai lầm của mình: “Đã có những lúc, lối sống tình dục của tôi đã không ngang tầm với chức vụ của tôi, linh mục, tổng giám mục và hồng y.” Hồng y O’Brien xin lỗi “những người đã bị tôi lạm dụng, Giáo hội Công giáo và dân tộc Ái Nhĩ Lan.” Trước khi từ nhiệm, giáo hoàng Bênêđictô XVI chấp nhận đơn xin từ chức vì lý do tuổi tác của tổng giám mục Edimbourg đệ trình mấy tháng trước đó, nhưng không truất chức hồng y nên hồng y vẫn có quyền đi bầu chọn tân giáo hoàng. O’Brien vẫn là một cử tri. Chính hồng y thông báo công khai ngài không đi Roma tham dự mật nghị. Vì lý do sức khỏe, tổng giám mục danh dự Djakarta cũng không rời Nam Dương để qua Roma bầu chọn giáo hoàng, như thế có hai hồng y cử tri vắng mặt.
Mấy ngày trước khi Tòa Thánh trống ngôi, giờ chót giáo hoàng Bênêđictô XVI đã sửa đổi một vài luật lệ với một vài quy luật theo sáng kiến riêng của ngài, motu proprio Normas nonnullas, ký ngày 22-2-2013, ngày mừng lễ Ngai Tòa Phêrô. Điểm mới đáng kể trong tài liệu này nằm ở hai dòng thêm vào đoạn cơ chế áp dụng cho việc bầu chọn giáo hoàng: “để cho hồng y đoàn có quyền khởi đầu mật nghị trước thời hạn…” như thế giáo hoàng từ nhiệm quyết định ngày bầu chọn người kế vị mình có thể bắt đầu trước thời hạn, một thời hạn đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ấn định năm 1996, 15 ngày sau khi Tòa Thánh trống ngôi.
Vì thế hồng y đoàn – bắt đầu họp ngày 4 tháng 3 – sẽ ấn định một ngày trước thời hạn. Các hồng y, tất cả những ai đã có mặt ở Roma không kể tuổi, có thể ấn định một ngày trước hạn định với điều kiện tất cả cử tri đều có mặt, những ai không đến được phải gởi thông báo xác định lý do và phải được hồng y đoàn phê chuẩn.
Đây là đoạn 37 của hiến chương sau khi sửa đổi: “Tôi tuyên bố, kể từ khi Ngai tòa trống trong hợp pháp, hồng y đoàn chờ một thời gian mười lăm ngày sau khi trống để bắt đầu mật nghị; tuy nhiên tôi để hồng y đoàn bắt đầu mật nghị sớm hơn khi sự có mặt của tất cả cử tri đã được xác nhận, cũng như có thể làm khác hơn, trong trường hợp nghiêm trọng, khởi sự mật nghị trong ba ngày. Một khi quá hơn hai mươi ngày tối đa kể từ ngày trống Ngai tòa, tất cả hồng y có mặt phải tiến hành cuộc bầu chọn.”
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI không làm sớm mật nghị cũng không đề nghị các hồng y làm sớm: ngài mở ra một khả thể để hồng y đoàn quyết định trong hoàn cảnh này, tôn trọng một hoàn cảnh tuyệt đối chưa từng có trong Giáo hội, trong thời diểm nghiêm trọng, với một giáo hoàng từ nhiệm và ngày trống Ngai tòa đã được biết trước.
Không có điểm nào quan trọng cần phải sửa đổi trong thể thức bầu chọn. Mấy năm trước đó, giáo hoàng Ratzinger đã làm một sửa đổi quan trọng hơn. Khi đó ngài ấn định túc số phải luôn luôn có là hai phần ba số phiếu cử tri để bầu chọn giáo hoàng, dù sau khi bầu cả chục lần không có kết quả.
Ngày thứ hai 4 tháng 3, một ngày nắng đẹp nhưng còn lạnh, các hồng y bắt đầu họp và thảo luận. Rất nhiều hồng y nói đến tính đoàn thể và cải cách Giáo triều. Trong tiền mật nghị, chưa bao giớ có nhiều hồng y đòi hỏi một cách công khai sự thay đổi đường hướng trong việc quản trị “bộ máy” Giáo triều Vatican, không những đã có tiếng xấu trong vụ rò rỉ Vatileaks – ăn cắp và phát tán tài liệu mật ở văn phòng đức giáo hoàng -, mà còn lối làm việc nhiễu loạn và thiếu phối hợp. Như thế các hồng y – nối tiếp nhau người này người kia, trong một đối thoại thân tình nhưng thẳng thắn – đề cập đến vấn đề tổ chức các cơ quan, các bộ, sự phối hợp, quan hệ với các hội đồng giám mục. Những điểm suy tư mà giáo hoàng Phanxicô không thể không biết. Các yêu cầu xuất phát từ những kinh nghiệm khó khăn giữa Roma và hàng giám mục.
Rất nhiều hồng y có ảnh hưởng đã xử lý các vấn đề này bằng cách đi thẳng vào mục đích, hoặc đòi hỏi có thêm thông tin trên hồ sơ Vatileaks, hoặc đưa ra sự cần thiết phải thay đổi cách quản trị Giáo triều và văn phòng Quốc vụ khanh. Các câu trả lời cho yêu cầu đầu tiên này không thể trả lời ngay được, vì giáo hoàng Ratzinger đã quyết định bản “Quan hệ, Relatio” được các hồng y Herranz, Tomko và De Giorgi soạn thảo về việc tài liệu bị lộ và một cách chung chung, về vài vụ bê bối ở Giáo triều sẽ được chuyển giao cho tân giáo hoàng chứ không giao cho các hồng y trước mật nghị. Dù vậy, ba vị hồng y tiến hành cuộc điều tra này đã cung cấp cho hồng y nào có yêu cầu, để làm sáng tỏ một vài thông tin trong các cuộc nói chuyện diện đối diện và họ nghe trong phòng tên những người mà họ nghĩ có liên hệ: các giáo dân là nhân viên quan trọng của Vatican cũng như các viên chức cao cấp nước Ý trong những năm vừa qua đã có những quan hệ rất tốt với văn phòng Quốc vụ khanh. Hồng y Tarcisio Bertone, cựu Quốc vụ khanh và cũng giữ vai trò hồng y nhiếp chính do sự cho phép riêng biệt và đặc biệt vì Ngai tòa trống – cũng bị dư luận phê phán về cách quản trị của ngài.
Một cách chung chung về phần Giáo triều, trước cũng như sau phần trình bày các đề nghị cải cách của hồng y Francesco Coccopalmiero, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về các Văn bản luật, một vài hồng y khẳng định họ không còn có thể xét lại các thay đổi này, các thay đổi mà giáo hoàng từ nhiệm Bênêđictô XVI, trong ngày lễ Tro đã nói một cách cay đắng, ngài đã không thành công để làm được.
Như thế người ta nói đến một sự cần thiết phải cải thiện các quan hệ giữa giáo hoàng và trưởng các bộ, các cơ quan: sẽ hữu ích nếu có thể tiếp cận và trao đổi thường xuyên với giáo hoàng. Đã có một thời có những buổi tiếp kiến thường xuyên, những buổi gặp gỡ đã lên kế hoạch trước cả năm theo đó không những các giám quản các cơ quan bộ nhưng các bộ trưởng cũng gặp giáo hoàng, người có thể đưa ra ý tưởng cho các vấn đề và lấy quyết định. Trong những năm vừa qua, các buổi tiếp kiến đã giảm và chỉ còn áp dụng cho một vài trưởng ban ngành như các giám quản của các giám mục và cựu Thánh bộ Đức tin. Văn phòng Quốc vụ khanh càng ngày càng trở thành tấm đệm: dạo sau này, một hồng y ở chức vụ trưởng một bộ đã phải chờ nhiều tháng mới gặp được giáo hoàng.
Trong các buổi họp tiền mật nghị, các hồng y cũng bàn đến sự cần thiết phải có một khả năng phối hợp lớn hơn, một trao đổi thông tin nhiều hơn giữa các ban bộ trong nội bộ Giáo triều. Cũng như tương quan giữa trung tâm và ngoại biên, giữa Tòa Thánh và các hội đồng giám mục: điều quan trọng là các đòi hỏi của các giáo hội địa phương phải được cân nhắc để ý đến hơn. Và cũng quan trọng phải tăng tính đoàn thể của quyền lực để tránh tình trạng lặp lại các sự kiện đã làm tổn hại đến Giáo triều trong những năm vừa qua.
Các can thiệp tích cực để nhằm có một cách quản trị khác cho chính quyền trung ương của Giáo hội và một vài cải cách là do đề nghị của hồng y người Đức, Walter Kasper, người Áo Christoph Schonborn, người Hung, Peter Erdo, người Pêru, Juan Luis Cipriani Thorne, người Pháp, André Vingt-Trois, người Tây Ban Nha, Antonio Maria Rouco Varela, người Ấn Ivan Dias, người Slovène, Franc Rodé, người Ý, Giovanni Battista Re. Sự cần thiết phải thay đổi nhịp độ, tính đoàn thể cao hơn, hình ảnh một giáo hoàng ít cô lập hơn, ít được bảo vệ hơn bởi văn phòng Quốc vụ khanh đó là những yếu tố cần cân nhắc trong mật nghị.
Người ta cũng đề cập nhiều lần đến cách quản lý của Ngân hàng Vatican (IOR) trong năm vừa qua bị để ý đến do thời kỳ đen tối của việc bãi nhiệm giám đốc Ettore Gotti Tedeschi.
Tuy nhiên sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng các thảo luận giữa các hồng y trong các buổi họp chung chỉ tập trung vào các vấn đề của Giáo triều. Vấn đề tiên quyết của các hồng y là cách thức rao giảng Phúc Âm mới: làm sao tiếp tục đi theo con đường của đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã vạch? Làm sao loan báo Phúc Âm một cách mới cho những người đã xa đức tin trong các xã hội đã thế tục hóa? Sứ vụ, loan báo Tin Mừng đó là những chủ đề được đề cập đến nhiều nhất trong các cuộc thảo luận.
Sáng thứ năm 7 tháng 3, hồng y Bergoglio đọc một bài diễn văn chỉ dài 3 phút rưỡi – ít hơn năm phút được cho phép – kể từ khi cha cất lời. Cha nói đến sự “hân hoan khi loan báo về tình thương và lòng thương xót của Chúa,” một Giáo hội gần những người nơi họ đang sống. Đó là một tham luận đáng kể. Các hồng y đã nói với nhau khi họ chờ ngài đọc diễn văn: “Ngài nói với cả tấm lòng.” Chính trong những ngày thảo luận, gặp gỡ, ăn uống, giờ càphê mà phong cách ứng viên của hồng y Bergoglio được hình thành. Trong trường hợp của ngài, đúng là không có “người làm ngai vua,” cũng không có chiến dịch được tổ chức khi có cơ hội thuận tiện. Đúng hơn là lòng tôn trọng được chia sẻ và được kiên định. Các hồng y Á châu, Phi châu, một vài hồng y Nam Mỹ, một vài hồng y Mỹ và ngay cả một vài hồng y Ý của Giáo triều cũng nghĩ đến ngài.
Trong mật nghị, vấn đề địa dư chính trị không quan trọng. Dù hồng y Bergoglio là hồng y Châu Mỹ Latinh đầu tiên nhưng nguồn gốc địa dư của ngài không phải là yếu tố quyết định cho cuộc bầu chọn. Như thế, trong khi giới truyền thông bàn ngoài lề với các ứng viên “có khả năng làm giáo hoàng” – hồng y người Ý Scola, tổng giám mục Milan; hồng y người Canada, Marc Ouellet, Tổng trưởng bộ Giám mục; các hồng y Mỹ Sean Patrick O’Malley và Timothy Michael Dolan, đại diện hồng y đoàn Boston và New York -, thì rất nhiều hồng y bắt đầu nghĩ đến Bergoglio. Hồng y Bergoglio thật sự chưa bao giờ xuất hiện trong danh sách ngắn ngũi những người được giới truyền thông quốc tế ưa chuộng.
Sau gần một tuần gặp gỡ, các đề nghị cụ thể, các ứng viên bắt đầu được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn một cảm nhận mật nghị này không đơn giản: nó sẽ rắc rối hơnn tám năm trước đây.
Bây giờ là ngày thứ hai, 11 tháng 3, ngày họp chung cuối cùng trước khi vào mật nghị trong vòng 24 giờ sắp tới. Sáng hôm đó, hồng y Bergoglio không dâng thánh lễ nhưng giúp lễ ở nhà via délia Scrofa. Nói cách khác, hồng y làm em bé giúp lễ – ngài, một hồng y – cho một trong các linh mục tạm trú ở nhà này. Một hành vi khiêm tốn sâu đậm, làm nhớ lại trong một vài dịp, giáo hoàng Luciani, Gioan-Phaolô I đã xin giúp lễ cho thư ký của mình là cha John Magee. Lúc đó là 6 giờ 30 sáng. Chiều hôm sau, vị giám mục dòng Tên lớn tuổi này sẽ nghe tên mình xướng lên nhiều lần dưới vòm nhà nguyện Sixtine.
Thứ ba, 12 tháng 3, thành phố Roma bị một cơn gió lạnh bao phủ. Ở Quảng trường Thánh Phêrô, hồng y Angelo Sodano chủ lễ thánh lễ để bầu chọn giáo hoàng, pro eligendo Pontifice, cùng đồng tế với tất cả hồng y ứng viên dưới 80 tuổi cũng như các hồng y trên 80 tuổi không tham dự mật nghị.
Hồng y Sodano mặc chiếc áo đỏ mà tám năm trước đây hồng y Ratzinger đã mặc. Lúc đó, vị hồng y niên trưởng lo lắng nói đến hoàn cảnh của Giáo hội đang bị thế giới công kích: “bao nhiêu luồng gió tín lý mà chúng ta đã quen thuộc trong hàng chục năm vừa qua, bao nhiêu luồng tư tưởng, bao nhiêu lối suy nghĩ,” mà hồng y Ratzinger đã nói, từ “chủ nghĩa mác-xít đến chủ nghĩa tư bản tự do qua chủ nghĩa phóng đãng vô tín ngưỡng; tử chủ nghĩa tập thể đến cá nhân cực đoan; từ vô thần đến huyền bí hoang dại; từ bất khả tri đến hoà đồng chủ nghĩa và cứ thế mà tiếp. […] lòng thương xót của Chúa Kitô không phải là món quà rẻ tiền và lòng thương xót không chịu đựng được việc tầm thường hóa sự dữ,” trước khi được bầu chọn với một số phiếu tối đa.
Ngược lại bài giảng của hồng y Sodano là một bản ngợi ca lòng thương xót: Tình thương của Chúa Giêsu “là một tình thương đặc biệt được đánh dấu qua sự tiếp xúc với đau khổ, bất công, nghèo khó, với tất cả những mong manh của con người về mặt thể lý cũng như tinh thần.” Một “sứ vụ của lòng thương xót” đã “được Chúa Kitô giao phó cho các mục tử của Giáo hội,” nhưng “giám mục thành phố Roma còn dấn thân hơn.” Vị hồng y niên trưởng, không vào mật nghị nhưng điều khiển các phiên họp chung, vẻ lên chân dung một giáo hoàng không giống giáo hoàng “quản gia” hay một giáo hoàng nghiêm nhặt mà các xã hội thế tục liên tục lên án và đả kích Giáo triều. Giáo hội không cần vị sen đầm, cũng không cần người quản trị. Giáo hội cần một vị mục tử, một chứng nhân đích thực, một người thiết tha với Phúc Âm, nguồn của hy vọng. Vị niên trưởng vẻ lên hình ảnh tích cực của một mục tử tận tâm, ưu tiên hàng đầu là rao giảng Phúc Âm, loan báo về Chúa Kitô, “tác phẩm lớn nhất của đức ái,” và cũng là “yếu tố đầu tiên và là yếu tố chính của sự phát triển,” đó là điều hồng y niên trưởng nhắc lại lời của giáo hoàng Ratzinger và thông điệp Phát triển các Dân tộc, Populorum progressio của giáo hoàng Phaolô VI.
Trong bài giảng, hồng y nói đến đơn vị của Giáo hội, sứ vụ đặc biệt mà giáo hoàng hoàn tựu theo nghĩa này, và ngài cũng khẳng định “chúng ta tất cả phải cộng tác để xây dựng đơn vị Giáo hội”… Chúng ta tất cả, như thế, chúng ta được gọi để cộng tác với vị kế nhiệm thánh Phêrô.” Có thể đó là lời ám chỉ theo đòi hỏi chung để có một tính đoàn thể lớn hơn trong việc quản trị chính quyền trung ương của Giáo hội. Hồng y Sodano sau đó còn nhắc “chức vụ mục tử càng cao và càng phổ quát bao nhiêu, thì đức ái của mục tử càng phải lớn lao bấy nhiêu.”
Hồng y Sodano, trước là Quốc vụ khanh của đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và trong thời đầu nhiệm chức của giáo hoàng Ratzinger, cũng nói đến sự cần thiết phải dấn thân của Tòa Thánh, trong vết chân của các thời giáo hoàng trước đây, các “các sáng kiến hữu ích cho các dân tộc, cho cộng đồng quốc tế đã thường xuyên cổ động cho công chính và hòa bình. Chúng ta cầu nguyện cho tân giáo hoàng để ngài tiếp tục công trình bất tận này trên tầm mức hoàn vũ.” Và đó là lời ám chỉ địa vị quốc tế của Tòa Thánh mà trong những năm gần đây đóng một vai trò không mấy quan trọng trong các cơn khủng hoảng lớn của thế giới.
Hồng y Sodano kết thúc bài giảng với lời cầu bàu xin Thiên Chúa “cho giáo hoàng thực hiện sứ mạng với một quả tim quãng đại” sứ vụ do “đức ái chỉ đạo.”
Sẽ là sai lầm nếu rút ra các kết luận không thích đáng cho suy niệm thiêng liêng của hồng y Sodano, nhưng chân dung ngài vẻ lên có vẽ như phù hợp với hình ảnh của hồng y Bergoglio. Dù trong tham luận của hồng y Bergoglio trong các buổi phiên họp chung hay bài giảng của hồng y Sodano, chữ chính vẫn là “thương xót.”
16 giờ 30 cùng ngày, 115 hồng y từ nhà nguyện Pauline đi về nhà nguyện Sixtine, vừa đi vừa cầu xin Đức Chúa Thánh Thần soi sáng. Ở cương vị niên trưởng, hồng y Giovanni Battista Re điều khiển hồng y đoàn. Mỗi người để tay trên quyển Phúc Âm để thề giữ thinh lặng về cuộc bầu chọn và đảm nhận chức vụ giáo hoàng nếu được chọn. “Chúng tôi khấn hứa, chúng tôi bắt buộc, chúng tôi tuyên thệ dù ai trong chúng tôi được bầu làm giáo hoàng do ý muốn của Chúa, chúng tôi tuyên hứa chu toàn trọng trách lãnh đạo Tòa Thánh, munus Petrinum, trở thành Mục tử Hội thánh toàn thế giới và không ngừng khẳng định và hết lòng bảo vệ các quyền thiêng liêng và các quyền thế tục, cũng như tự do của Tòa thánh.”
Sau khi Đức ông Guido Marini, trưởng ban nghi lễ long trọng tuyên bố “tất cả những ai không phải hồng y xin ra ngoài, extra omnes,” các ứng viên nghe bài suy niệm của hồng y Prosper Grech, đã ngoài 84 tuổi và như thế thì không tham dự mật nghị,và quyết định tiến hành ngay lập tức vòng bầu thứ nhất.
Vòng thứ nhất là vòng sơ khởi, vòng lượng giá xem có bao nhiêu ứng viên sẽ vào cuộc. Ngay vòng đầu, Jorge Bergoglio đã có những lá phiếu hỗ trợ đáng kể, các phiếu khác chia giữa hồng y Angelo Scola, Marc Ouellet và Odilo Pedro Scherer. Như thế tổng giám mục Buenos Aires không phải là người ngoài cuộc, outsider, một ứng viên của ngày thứ hai hoặc thứ ba trong trường hợp bị kẹt không bầu được.
Cũng đừng quên bài tham luận hồng y Bergoglio đọc trong các phiên họp chung cũng như uy quyền của ngài đã tăng lên nhiều trong tám năm qua, kể từ mật nghị lần cuối, như trong cuộc họp Celam ở Aparecida năm 2007 hay trong các Thượng Hội Nghị Giám mục mà ngài có tham dự.
Các cuộc bầu chọn sơ khởi chiều thứ ba 12 tháng 3 cho thấy sự nghiêm túc của mật nghị. Chiều hôm đó, ở Nhà Sainte-Marthe, các hồng y ăn tối, nói chuyện và cầu nguyện. Đêm đến, trước khi qua vòng bầu thứ hai, là lúc họ suy nghĩ để đến nhà nguyện Sixtine với một ý tưởng rõ rệt hơn. Sáng thứ tư 13 tháng 3, các hồng y vội tiến hành các vòng bầu kế tiếp. Khói đen bốc lên buổi trưa. Cuộc bầu cuối ngày đầu tiên cho thấy hồng y Bergoglio cũng có một tiến trình giống tiến trình của hồng y Ratzinger: sự tín nhiệm vào hồng y Argentina tăng lên dần và tăng như thác cho đến khi có khói trắng. Hồng y người Brésil, Raymundo Damasceno nói: “Các hồng y Nam Mỹ rất mến chuộng hồng y Bergoglio, và tiếp sau đó thì rất nhiều hồng y khác cũng đồng ý.”
Vòng bầu cuối cùng trong ngày là vòng quyết định. Vòng trước đó, hồng y Buenos Aires cũng đã gần đến 2/3 số phiếu. Khi số phiếu tăng dần, hồng y Claudio Hummes, bạn của Bergoglio, ngồi bên cạnh trợ lực cho ngài và gợi ý cho ngài trong việc chọn thánh hiệu. Vào lúc 19 giờ 05, hồng y Buenos Aires nói với các hồng y cử tri: “Tên tôi sẽ là Phanxicô, Vocabor Franciscus,” sau khi đã trả lời cho hồng y niên trưởng: “Xin nhận, Accepto.”
19 giờ 05 là giờ đã được hồng y Angelo Comastri xác nhận.
Chính giáo hoàng giải thích sự lựa chọn tên của mình trong buổi gặp với giới báo chí ngày 16 tháng 3. Đây là lần đầu tiên trong hai ngàn năm lịch sử Giáo hội, người kế vị thánh Phêrô chọn tên Phanxicô, và ngay buổi chiều bầu chọn, một vài người còn nghi rằng Phanxicô Đaxi không phải là lựa chọn ban đầu.
Giáo hoàng Bergoglio nói: “Có một vài người không biết vì sao giám mục Roma chọn tên Phanxicô và nghĩ đó là Phanxicô Xaviê hay Phanxicô de Sales.” Đó là những người thấy lạ khi một tu sĩ dòng Tên lại chọn tên thánh của dòng Phan Sinh. Nhưng nguồn gốc của quyết định này là nơi cái vỗ vai an ủi của một người bạn.
“Trong buổi bầu chọn, tôi ngồi bên cạnh hồng y Claudio Hummes, tổng giám mục danh dự Sào Paulo, hồng y danh dự của Thánh bộ Tu sĩ: một người bạn thân, một người bạn thân!” tân giáo hoàng kể. “Khi tình thế trở nên khá nguy hiểm, ngài an ủi tôi,” ngài ám chỉ số phiếu tăng dần và càng ngày càng nhiều. “Và khi số phiếu đạt 2/3, như thường lệ mọi người vỗ tay vì đã bầu xong giáo hoàng. Ngài choàng vai ôm tôi, hôn và nói: ‘Đừng quên người nghèo!’”
“Câu nói đó đi vào lòng tôi: người nghèo, người nghèo. Rồi ngay sau đó, liên tưởng đến người nghèo, tôi nghĩ đến thánh Phanxicô Đaxi, đến chiến tranh, cuộc bầu tiếp tục cho đến khi hết các số phiếu. Phanxicô là nghệ nhân của hòa bình. Và thế là tên Phanxicô Đaxi đi vào lòng tôi. Với tôi, đó là con người của nghèo khó, của hoà bình, người yêu thương và bảo vệ Tạo Dựng, ngày hôm nay chúng ta có một tương giao không tốt với Tạo Dựng, có đúng không? Đó là người mang đến tinh thần hòa bình, một người nghèo… A! Tôi chỉ muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo!”
Và đó là lời giải thích việc lực chọn tên, một tên chưa từng được ai chọn, kết thúc bằng một câu tán thán mang rất nhiều ý nghĩa. Phanxicô nói đến Giáo hội của người nghèo và cùng một lúc, ngay từ những ngày đầu nhiệm chức, ngài đã gởi đến các dấu hiệu cụ thể trong nghĩa này. Ngẫu nhiên, tân giáo hoàng không ngừng ở đó. Ngài tiếp tục nói với các ký giả, không phải là không khôi hài, lời của các hồng y khác. “Sau đó, có người còn dí dỏm nói tôi phải chọn tên Adrien, vì chính Adrien VI là người cải cách và chúng ta cần người cải cách…” Đúng vậy, mới những ngày trước đây, các hồng y đã thảo luận rất nhiều về một khả thể cải cách Giáo triều. Và đương nhiên, tân giáo hoàng không xem đó là chuyện ưu tiên hàng đầu để khẳng định ngài.
“Và một người khác nói với tôi: Không, không, tên của cha phải là Clément. Tại sao? Vì bạn sẽ là Clément XV trả thù Clément XIV vì đã giải tán Tên!” Năm 1773 giáo hoàng Clément XIV là một giáo hoàng dòng Phan Sinh, đã giải tán dòng Tên. Buồn cười cho số phận, giáo hoàng dòng Tên đầu tiên trở thành giám mục Roma lại chọn tên Phanxicô Đaxi vì ngài muốn trước hết, một Giáo hội nghèo của người nghèo.
Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 3, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch