Chỉ câu trả lời đúng thôi thì chưa đủ

216

Chỉ câu trả lời đúng thôi thì chưa đủ

Ronald Rolheiser, 2012-09-16

Chỉ sự thật thôi thì chưa đủ. Nó cần cân bằng với những thuộc tính tiên nghiệm khác của Chúa: tính duy nhất, lòng tốt, và vẻ đẹp.

Điều đó nghe có vẻ trừu tượng, nhưng chính xác là nó có nghĩa rằng đôi khi chúng ta có thể có tất cả các câu trả lời đúng nhưng chúng ta vẫn có thể sai. Làm sao như vậy? Nếu chúng ta hành động trong sự thật thì làm sao chúng ta lại có thể sai?

Cái bẫy đầu tiên là như thế này: Có thể chúng ta đang hành động dựa trên sự thật, và trên thực tế, có thể chúng ta đang làm tất cả những điều đúng, nhưng năng lượng của chúng ta có thể sai. T.S. Eliot từng nói một câu rất nổi tiếng: “Cám dỗ cuối cùng là sự bội tín lớn nhất: làm việc tốt vì lý do sai trái.” Chúng ta có thể thấy điều gì đang bị đe dọa ở đây bằng cách nhìn vào thái độ của người anh trong câu chuyện người con hoang đàng. Nhìn bề ngoài, sự tận tụy của anh đối với người cha không có gì chê trách. Anh đã tuyên bố, đời anh không có gì đáng chê trách, anh là mẫu hình của lòng hiếu thảo. Anh giữ tất cả các điều răn, anh chưa bao giờ bỏ nhà ra đi, anh làm mọi việc cha sai bảo. Điều trớ trêu là anh không nhận rằng anh đang không ở trong nhà cha mình, anh đang đứng bên ngoài và được cha anh nhẹ nhàng mời vào. Điều gì giữ anh đứng bên ngoài trong khi xét cho cùng anh làm mọi việc đúng đắn? Chính là sự chua chát và giận dữ. Hành động của anh là đúng, nhưng trái tim của anh lại sai. Chua chát và giận dữ không phải là loại năng lượng để nạp nhiên liệu cho chân lý. Chúng ta có thể trung thành trong từng đường tơ kẽ tóc nhưng vẫn thấy mình đứng bên ngoài ngôi nhà của Chúa, bên ngoài cộng đồng, bên ngoài lễ mừng chỉ vì chúng ta mang một trái tim chua chát. Lòng biết ơn là loại năng lượng mà rốt cục cần để nạp nhiên liệu cho chân lý.

Giống như người anh trong câu chuyện người con hoang đàng, chúng ta có thể làm mọi điều đúng, nhưng một cách nào đó, chúng ta lại sai. Và chỗ mà điều này đặc biệt quan trọng xét về mặt thách thức, là nỗ lực của chúng ta, về mặt cá nhân cũng như về mặt giáo hội để đem lại chân lý, những câu trả lời đúng cho những người xung quanh chúng ta, dù đó là những đứa con đã thôi không đi nhà thờ hay toàn xã hội nơi chúng ta sống. Nếu trong việc chúng ta nói lên sự thật mà có những yếu tố của sự đặc tuyển, kiêu căng, bất kính, thiếu thông hiểu, hay tệ hơn, răn dạy một cách chua chát, thì chân lý của chúng ta sẽ không được nghe thấy, không phải vì chân lý của chúng ta sai mà bởi vì năng lượng của chúng ta sai.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng “dụ ngôn để nói lên chân lý.” Chân lý không phải là cái búa tạ; nó là lời mời mà chúng ta phải trao cho người khác một cách đầy tôn trọng.

Và vẫn còn một cái bẫy tiềm tàng thứ hai nữa: Chúng ta có thể có câu trả lời đúng và năng lượng đúng, nhưng lại hiểu sai về câu trả lời đó. Chẳng hạn, chúng ta có thể thấy trường hợp này trong Phúc âm của Mác-cô khi Chúa Giêsu hỏi các môn đồ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đức Kitô, đấng Thiên Sai.”Nhưng ngay lập tức, Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người và sau đó ông bị quở trách: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy!” Tại sao? Chẳng lẽ ông không đúng sao?

Câu trả lời của Phêrô là đúng, Chúa Giêsu là Đức Kitô, nhưng cái hiểu của ông về ý nghĩa của điều đó chủ yếu là sai. Đối với thánh Phêrô, khái niệm một Thiên Sai hàm ý một quyền năng thế gian và đặc biệt là đặc quyền thế gian, trong khi đó với Đức Giêsu điều đó mang ý nghĩa của sự đau khổ và cái chết. Thánh Phêrô có câu trả lời đúng, nhưng lại có cái hiểu sai về câu trả lời đó. Một số học giả suy đoán rằng đó chính là lý do thực sự đằng sau cái gọi là “bí mật thiên sai” trong Phúc âm, khi Đức Giêsu liên tiếp yêu cầu các môn đồ không được để lộ danh tính của Người. Sự miễn cưỡng của Người trong việc để các môn đồ loan truyền rộng rãi Người là ai là dựa trên việc Người sợ rằng trước khi Người phục sinh và Hạ trần, họ không thể hiểu chính xác danh tính của Người và sẽ luôn luôn rao giảng một thông điệp sai lầm.

Chúng ta có thể có các câu trả lời đúng mà chúng ta vẫn sai bởi vì chúng ta mang loại năng lượng sai đi kèm với những câu trả lời đó hoặc vì chúng ta có cái hiểu sai lầm về các câu trả lời đó. Cần ghi nhớ nằm lòng điều này, đặc biệt khi chúng ta ở trong vai trò của một nhà tiên tri về mặt tôn giáo hoặc luân lý hay xã hội. Rất có thể chúng ta có dòng nước sự sống, chân lý giải phóng mọi người, và sự nghiệp chân chính, nhưng sẽ chẳng có ai trừ những người cùng tâm ý đồng ý tiếp nhận điều đó từ chúng ta nếu năng lượng của chúng ta sai lầm hoặc cái hiểu của chúng ta về chân lý đó sai lầm. Dễ dàng giải thích duy lý rằng đó là vì chúng ta là người tiên tri, là kẻ trung thành còn lại, là những chiến binh cuối cùng của chân lý vẫn còn đứng vững, nên người ta mới không nghe chúng ta và vì sao chúng ta bị căm ghét. Nhưng, thường thì người ta không lắng nghe chúng ta bởi vì chúng ta đang lầm lạc, ra vẻ đặc tuyển, không thấu cảm, quá sức không có tình, chứ chẳng phải vì chúng ta là những chiến binh của chân lý hay công lý.

Và vì thế chúng ta cần khiêm cung và cẩn thận chú ý lời răn dạy của Chúa Giêsu về việc canh giữ “bí mật thiên sai” và “nói chân lý của mình qua các câu chuyện dụ ngôn”. Nói ngắn gọn, chúng ta cần phải luôn luôn lo lắng kẻo một năng lượng sai lầm đằng sau chân lý của chúng ta hay một cái hiểu sai về chân lý đó khiến chúng ta bị bật ra khỏi sứ vụ tông đồ đến mức Chúa Giêsu phải quở mắng với những lời lẽ: “Xatan, lui lại đằng sau Thầy!”

J.B. Thái Hòa dịch