Đi viếng, xem lại đi viếng

210

 

Ronald Rolheiser, 12-15-2014

Chúng ta đã quá quen câu chuyện Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave trong Thánh Kinh. Đây là chuyện ở phần đầu Phúc âm theo thánh Luca. Đức Mẹ và người bà con Isave đều đang mang thai, họ gặp nhau. Một người mang Chúa Giêsu, một người mang thánh Gioan Tẩy giả. Tin Mừng muốn chúng ta nhận ra rằng cả hai việc thụ thai này đều là bất khả thi về mặt sinh học, một người thụ thai khi vẫn là trinh nữ, và người kia thụ thai khi đã son sẻ quá lâu. Vậy nên, rõ ràng đây là một việc thiêng liêng. Nói đơn giản, mỗi người đều mang một ơn trọng từ trời, và mỗi người đang mang một phần lời hứa thiêng liêng rằng rồi đến một ngày hòa bình của Thiên Chúa sẽ thiết lập trên địa cầu.

Nhưng cả Đức Mẹ lẫn Isave đều ý thức nhận ra mối liên kết thiêng liêng giữa hai đứa trẻ mà họ đang mang. Tin Mừng cho chúng ta biết đây là “hai người bà con,” cả hai đứa trẻ và hai bà mẹ, nhưng Tin mừng muốn chúng ta suy nghĩ xa hơn về mặt huyết thống. Họ là bà con, cũng như Chúa Kitô và tất cả những gì thiêng liêng là bà con vậy. Đây là một trong những ý nghĩa của khái niệm Đi viếng.

Đức Mẹ và bà Isave gặp nhau, cả hai đều mang thai thiêng liêng. Mỗi người đều mang trong mình đứa trẻ từ trời, một người mang Chúa Kitô và người kia mang ngôn sứ độc nhất, người bà con của Chúa Kitô. Và khi họ gặp nhau, có một chuyện đáng phải chú ý. Người bà con của Chúa Kitô trong bụng mẹ, không có một nhận thức rõ ràng, đã nhảy lên vui sướng khi Chúa Kitô đến thăm và phản ứng đó đã làm cho dạ mang Chúa Kitô trỗi lên bài ca Ngợi khen.

Có nhiều điều trong hình ảnh này: Người bà con của Chúa Kitô vô thức nhảy lên vui sướng khi Chúa đến thăm, và phản ứng đó khơi dậy bài Ngợi khen từ lòng người nữ mang Chúa Kitô. Christian de Cherge, đan viện phụ dòng Xitô, tử đạo ở Algeria năm 1996, đã cho rằng, đây là điểm mấu chốt để chúng ta, những Kitô hữu, được định gặp gỡ các tôn giáo khác trên thế giới. Ngài thấy hình ảnh này soi sáng cho luận thuyết này:

Kitô giáo đang mang Chúa Kitô và các tôn giáo khác cũng đang mang một sự thiêng liêng, một “người bà con” thiêng liêng, một người dẫn hướng đến Chúa Kitô. Nhưng tất cả đều đang trong tình trạng vô thức, chúng ta không thực sự nắm bắt được mối dây này, liên kết này giữa những gì chúng ta mang trong lòng với những gì trong lòng người khác. Nhưng khi đứng trước người khác, người không có cùng đức tin Kitô như chúng ta, nhưng thành tâm và theo đúng đức tin của mình, chúng ta sẽ nhận ra mối quan hệ này, dù là vô thức. Trong cuộc gặp gỡ đó, chúng ta sẽ thấy được mối liên kết: Những gì chúng ta mang trong lòng sẽ làm cho lòng người khác có một sự gì đó nhảy lên vui mừng, và điều này sẽ cho chúng ta cất lên lời Ngợi khen, như Đức Mẹ lúc xưa vậy, và chúng ta sẽ muốn ở lại với người khác để cùng nâng đỡ nhau.

Và chúng ta cần sự nâng đỡ đó, như người khác cũng vậy. Đan viện phụ Christian de Cherge đã nói: “Chúng ta biết rằng những người chúng ta đến gặp cũng như Isave vậy: họ mang trong mình một thông điệp từ Thiên Chúa. Giáo hội chúng ta không bảo cho chúng ta biết và cũng không biết chính xác mối liên kết giữa Tin Mừng mà chúng ta mang trong lòng với thông điệp đem lại sự sống cho người khác.  … Chúng ta có lẽ chẳng bao giờ biết đích xác mối liên kết này là gì, nhưng chúng ta biết rằng người khác cũng đang mang một thông điệp từ Thiên Chúa. Vậy chúng ta phải làm gì? Chứng tá nào trong việc này? Sứ mạng nào cho chúng ta?  … Hãy xem, khi Đức Mẹ đến nhà, chính Isave  đã mở lời trước. Hay là Đức Mẹ? …. Chắc hẳn Đức Mẹ đã nói rằng: “Bình an, Bình an ở cùng chị.” Và lời chào đơn giản này đã thổi bùng sinh lực cho một sự gì đó, một người nào đó, bên trong bà Isave. Và trong sự rung động này, sẽ thốt ra lời. … Đây chính là Tin Mừng, không phải là toàn bộ Tin Mừng, nhưng là điều có thể thoáng thấy Tin Mừng ngay lúc này.”

Đan viện phụ Christian de Cherge nói thêm: “Đến cuối cùng, nếu chú tâm thì khi chúng ta gặp người khác với tấm lòng tận tâm và khao khát được gặp họ, cần đến họ, cần những lời họ nói với mình, thì có lẽ người kia sẽ nói với chúng ta một điều gì đó liên kết với những gì chúng ta đang mang trong lòng, một điều gì đó bày tỏ sự đồng lòng với chúng ta … cho chúng ta mở rộng Phép Thánh Thể của mình.”

Chúng ta cần nhau, tất cả mọi người mọi người trên địa cầu đều cần nhau, Kitô hữu và không Kitô, Do Thái và Hồi giáo, Tin Lành và Công giáo La Mã, phái Phúc âm và phái Độc vị, những người theo thuyết bất khả tri và vô thần thành tâm, chúng ta cần đến nhau để hiểu được mặc khải của Thiên Chúa. Không một ai hiểu trọn vẹn mà không nhờ người khác. Do đó, mối quan hệ qua lại của chúng ta với người khác không chỉ phát xuất từ lòng nhiệt thành với sự thật chúng ta đã nhận, nhưng còn từ sự thiếu thốn những sự thật khác nữa. Không có người khác, không nhận ra người khác cũng đang mang tính thiêng liêng, thì chúng ta sẽ không thể thực sự cất lên lời Ngợi khen. Không có nhau, không một ai trong chúng ta có thể đọc được Kinh nguyện Thánh Thể rằng “máu này đổ ra cho nhiều người được tha tội.”

J.B. Thái Hòa dịch