Đức Phanxicô đặt tay trên đầu một em bé gái mồ côi người Rohingya ở Dacca, 1 tháng 12-2017. / MUNIR UZ ZAMAN/AFP
la-croix.com, Nicolas Senèze, trên chuyến bay Dacca-Rôma, 2017-12-02
Chiều thứ bảy 2 tháng 12, sau 6 ngày đi Á châu, trên chuyến bay từ Dacca (Băng-la-đét), Đức Phanxicô kể chiều thứ sáu 1 tháng 12, khi gặp người Rohingya, ngài đã khóc.
Đức Phanxicô đã giải thích vì sao ngài phải chờ nhiều ngày mới dùng được chữ “Rohingya”, đặt lại tiến trình của ngài trong quan điểm đối thoại của mình.
Đức Phanxicô giải thích: “Đối với tôi, điều quan trọng nhất là sứ điệp phải được nghe, và tôi thấy, nếu tôi dùng chữ này trong các bài diễn văn chính thức thì tôi sẽ làm họ khó chịu”, ngài nhắc lại nhiều lần “mô tả các trạng huống”, nhắc lại “các quyền” và yêu cầu “không một ai bị loại trừ”. Như thế “giúp cho tôi vượt ra ngoài các buổi trao đổi riêng tư”.
Ngài cũng cho biết cuộc gặp với đại tướng tổng tư lệnh Min Aung Hlaing ngày thứ hai 27 tháng 11 là một “buổi trao đổi tốt đẹp”. Ngài cho biết: “Tôi không thể nói về cuộc gặp này vì đó là cuộc gặp riêng, nhưng tôi không nhường bước trước sự thật. Tôi đã làm để ông hiểu một tí là cách ông làm qua những năm tháng cay nghiệt là không thể sống được”
Ngài từ chối không cho biết mình có dùng chữ “Rohingya” trước mặt đại tướng hay không. Ngài giải thích: “Tôi dùng chữ để sứ điệp được chuyển đi. Khi tôi thấy sứ điệp được chấp nhận thì tôi mới dám nói những gì tôi muốn nói. Tôi không thích làm người khác khó chịu, tôi muốn đối thoại, muốn nghe người khác nói lên, muốn nói lên quan điểm của mình, và như thế sứ điệp mới đến được. Cho đến cuộc gặp ngày hôm qua”.
Một cuộc gặp mà ngài đã nghĩ là sẽ đến thăm người Rohingya nhưng không thể được, ngài mô tả như “đã dự định” được một phần, trong khi phần khác thì “xảy ra một cách tự phát”.
Gặp người Rohingya: “Điều kiện cho chuyến đi của tôi”
Đức Phanxicô giải thích: “Tôi biết tôi sẽ gặp người Rohingya, nhưng tôi không biết sẽ gặp họ ở đâu và cách nào. Đối với tôi, đó là điều kiện của chuyến đi”. Ngài ca ngợi “tấm gương tiếp đón” của người Băng-la-đét, họ đã đón gần một triệu người Rohingya đến đất nước họ.
Sau khi gặp phái đoàn liên tôn, “tất cả đều mở lòng ra với chúng tôi” thì “đến lúc người Rohingya đến chào tôi. Họ xếp hàng từng người một, người này sau người kia. Và bỗng nhiên người ta muốn đuổi họ ra khỏi chỗ này, khi đó tôi bắt đầu giận. Tôi lặp lại ‘tôn trọng, tôn trọng’. Và họ được ở lại. Qua người thông dịch, tôi nghe họ từng người một. Họ nói với tôi trong ngôn ngữ của họ. Tôi bắt đầu cảm nhận mọi chuyện trong thâm tâm tôi”.
“Và lúc này tôi khóc”
“Tôi nghĩ tôi không thể để họ ra đi mà không nói với họ một lời và tôi xin máy vi âm. Tôi bắt đầu nới”, ngài thổ lộ và nói ngài không còn nhớ mình đã nói gì nhưng ngài nhớ đã xin lỗi họ hai lần. “Khi đó tôi khóc, tôi tìm cách để đừng ai thấy. Và họ cũng khóc”, ngài kể tiếp, ngài mời các nhà lãnh đạo tôn giáo kết hiệp với mình, và ngài xin giáo sĩ của người Rohingya đọc một kinh.
Dù chuyến đi dài và khó khăn, Đức Phanxicô trong hai tuần nữa sẽ 81 tuổi nhưng trong buổi họp báo, ngài tỏ ra rất mạnh, ngài nói mình “hạnh phúc” với chuyến đi Á châu này, nhất là được gặp hai Giáo hội công giáo ở Miến Điện và ở Băng-la-đét.
Ngài thổ lộ với các nhà báo: “Tôi, chuyến đi làm tôi khỏe nếu tôi gặp được giáo dân ở đất nước tôi đến thăm, khi tôi nói chuyện được với họ, khi tôi gặp họ, chào họ. Dân chúng đích thực là chiều sâu của đất nước. và khi tôi tìm được chiều sâu này, tôi hạnh phúc”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch