Ronald Rolheiser, 2011-03-06
Có một câu chuyện cổ Phật giáo với đại ý như sau: Ngày nọ khi vị Phật đang ngồi dưới gốc cây, một người lính trẻ ăn mặc chỉnh tề đi ngang, nhìn vị Phật, để ý cân nặng và vẻ mập mạp của vị đó, anh nói: “Ông trông như con lợn!” Vị Phật bình thản ngước nhìn người lính và nói: “Còn anh giống như Thượng đế!” Ngạc nhiên trước nhận xét đó, người lính hỏi vị Phật: “Tại sao ông nói tôi giống Thượng đế?” Vị Phật trả lời: “À, chúng ta không thật sự nhìn thấy những gì bên ngoài chúng ta, chúng ta nhìn thấy những gì bên trong chúng ta và phóng chiếu nó ra bên ngoài. Tôi ngồi ở gốc cây này cả ngày và tôi nghĩ về Thượng đế, cho nên khi tôi nhìn ra, tôi thấy như vậy. Còn anh, chắc hẳn anh đang nghĩ về những thứ khác!”
Có một chân lý hiển nhiên trong triết lý cho rằng cái cách chúng ta cảm nhận và phán xét chịu ảnh hưởng sâu sắc và nhuốm màu nội tâm của chính mình. Đó là lý do tại sao không bao giờ có thể hoàn toàn khách quan, và tại sao năm người cùng chứng kiến một sự việc, nhìn thấy cùng một sự vật, lại có năm câu chuyện rất khác nhau về những gì xảy ra. Thánh Tôma Aquinas đã thể hiện điều đó trong một phương ngôn nổi tiếng: Bất cứ cái gì được tiếp nhận là được tiếp nhận theo phương thức của kẻ tiếp nhận nó.
Nếu điều đó đúng, và quả thật là như vậy, thì như câu chuyện cổ Phật giáo cho thấy, cách chúng ta cảm nhận về người khác nói lên rất nhiều về những gì đang diễn ra bên trong chúng ta. Bên cạnh những thứ khác, nó cho thấy liệu chúng ta đang vận hành trên một tâm thức được chúc phúc hay một tâm thức bị nguyền rủa.
Chúng ta hãy bắt đầu với một tâm thức tích cực, được chúc phúc: Chúng ta thấy tâm thức đó ở Giê-su, trong cái cách người cảm nhận và cách người phán xét. Tâm thức của người là một tâm thức được chúc phúc. Phúc âm mô tả, trong lễ rửa tội của Người, tầng trời mở ra và giọng Chúa Cha vang lên: “Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về con.” Và, dường như, trọn đời, Chúa Giêsu luôn ý thức theo cách nào đó lời Chúa Cha đã nói với Người: “Con là con được chúc phúc của Ta!” Vì vậy, Người có thể nhìn ra thế giới và nói rằng: “Con được chúc phúc khi con là người nghèo, hay khi con bị ngược đãi, hay đang bị đau đớn theo bất kỳ cách gì. Con luôn luôn được chúc phúc, bất kể hoàn cảnh cuộc sống của con ra sao.” Người biết chính người được chúc phúc, cảm thấy điều đó, và bởi vậy, có thể vận hành trên một tâm thức được chúc phúc, một tâm thức có thể nhìn ra và thấy những người khác và thế giới được chúc phúc.
Buồn thay, đối với nhiều người trong số chúng ta, sự thật lại ngược lại: Chúng ta cảm nhận những người khác và thế giới không thông qua một tâm thức được chúc phúc mà thông qua một tâm thức bị nguyền rủa. Chúng ta đã bị nguyền rủa và bởi vì vậy, chúng ta nguyền rủa người khác, theo bất cứ cách tế vi nào.
Một lời nguyền rủa là gì? Một lời nguyền rủa không phải là một ngôn ngữ màu mè tuôn ra khỏi miệng ta khi chúng ta bị kẹt giao thông hay khi chúng ta đánh trái bóng đi trật hướng. Có thể cái mà chúng ta nói lúc đó là mất mỹ cảm và rất thô tục, nhưng đó không phải là một lời nguyền rủa. Một lời nguyền rủa còn độc hại hơn.
Nguyền rủa là điều mình làm khi nhìn người mình không thích và nghĩ hoặc nói thế này: “Tao ước gì mày không ở đây! Tao căm ghét sự có mặt của mày! Tao ước gì mày cút đi!” Nguyền rủa là điều chúng ta làm khi cáu bẳn trước những tiếng kêu vui sướng của một đứa trẻ và nói: “Câm miệng! Đừng làm ta khó chịu!” Nguyền rủa là điều chúng ta làm khi chúng ta nhìn vào một ai đó và nghĩ hay nói rằng: “Thật là một đứa ngu độn! Một tên đần!”
Nguyền rủa là cái chúng ta làm bất kỳ khi nào chúng ta nhìn vào một người khác một cách xét nét và nghĩ hay nói rằng: “Ông nghĩ ông là ai! Ông nghĩ ông là nghệ sĩ à! Ông nghĩ ông tài giỏi hả! Ông chẳng tài năng gì sất, ông đầy tự cao tự đại!” Hãy để ý rằng trong mỗi ví dụ trên, những gì được nói chính là phản đề của những gì Chúa cha đã nói với Giê-su trong lễ rửa tội: “Con là con được chúc phúc của Ta, con đẹp lòng Ta mọi đàng!”
Nếu bất kỳ ai trong số chúng ta có thể chiếu lại cuộc đời mình như một cuốn phim, chúng ta sẽ thấy vô số lần, đặc biệt hồi còn trẻ, chúng ta bị nguyền rủa một cách vi tế, khi chúng ta nghe thấy hay trực cảm thấy những từ: Câm miệng! Mày nghĩ mày là ai! Cút đi! Chẳng ai muốn mày ở đây! Mày chẳng quan trọng đến mức ấy! Mày ngu ngốc! Mày tự cao tự đại! Tất cả những lúc đó là lúc năng lượng và lòng nhiệt thành của chúng ta bị coi là mối đe dọa, và chúng ta thật sự bị chà đạp.
Và kết quả tồn dư trong lòng chúng ta là nỗi hổ nhục, trầm uất, và một tâm thức bị nguyền rủa. Khác với Giê-su, chúng ta không nhìn thấy người khác và thế giới như được chúc phúc. Thay vào đó, giống như anh lính trẻ nhìn vào vị Phật béo ngồi ở gốc cây, lời phán xét tự phát của chúng ta tức thì và chết người: “Ông trông như con lợn!”
Bất cứ cái gì được tiếp nhận là được tiếp nhận theo phương thức của kẻ tiếp nhận nó. Những lời phán xét khắc nghiệt của chúng ta đối với người khác nói ít về họ nhưng lại nói nhiều về chúng ta. Sự tiêu cực của chúng ta đối với người khác và thế giới chủ yếu bộc lộ ra chúng ta đã bị bầm dập, tổn thương, hổ thẹn và trầm uất như thế nào – và bản thân chúng ta đã ít khi nghe thấy ai nói với mình: “Ta hài lòng về con!”
J.B. Thái Hòa dịch