Đức Bênêđictô XVI, thần học gia, nhạc sĩ

587

 Đức Bênêđictô XVI đánh đàn dương cầm ©OR-CPP-CIRIC

famillechretienne.fr, Hilaire Vallier 2017-11-15

Đức Bênêđictô XVI là một nhạc sĩ, đối với ngài phụng vụ và âm nhạc đi đôi với nhau để tìm lại hài hòa, một hài hòa đã có ngay cả trước tội tổ tông.

Đức Bênêđictô XVI chắc chắn là một trong các giáo hoàng nhạc sĩ lớn của lịch sử. Không những là thần học gia, ngài còn là tư tưởng gia về âm nhạc, là nhạc sĩ chơi đàn dương cầm. Ai cũng thấy hình ngài đánh đàn dương cầm, con mèo Milly của ngài gừ gừ bên cạnh: là giáo hoàng nhưng không vì vậy mà ngài không chơi đàn và yêu súc vật!

Ngài viết nhiều bài về âm nhạc, ngài viết về các đề tài thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, độc giả ngạc nhiên khi thấy ngài viết các bài phê bình âm nhạc rất sắc bén, về các tác phẩm không ở trong lãnh vực nhạc thiêng liêng như bản Giao hưởng số 9 của nhạc sĩ Beethoven hay phân tích kỹ lưỡng một bản giao hưởng của Bruckner. Tư tưởng của ngài độc đáo và trọn vẹn, pha lẫn triết lý và thần học… và cả một mức độ tinh tế âm nhạc rất cao. Và nhất là trong các cuộc tranh luận gay go về chỗ đứng của âm nhạc trong phụng vụ thời hậu Công đồng Vatican II, qua đó ngài tham dự như thần học gia của Hồng y Frings, ngài phản ứng trước một vài quá độ của một số người về quan điểm tham gia tích cực được ủng hộ bởi hiến pháp Sacrosanctum concilium.

Đức Bênêđictô XVI luôn nhạy cảm trước thực tế văn hóa. Ở Paris, chúng ta còn nhớ bài diễn văn huy hoàng trong lãnh vực văn hóa ngài đọc tại Hội nghị các tu sĩ Bernardins ở Paris ngày 12 tháng 9 năm 2008. Trong các bài viết của ngài, ngài cho thấy sự hợp pháp và thậm chí sự nổi bật của nghệ thuật trong đức tin kitô và trong phụng vụ. Trước khi nói về âm nhạc thiêng liêng, ngài thấy âm nhạc là điều Chúa muốn, “nhà sáng tác Tạo dựng (1)”. Ngài nhắc cho chúng ta nhớ, đối với người Hy Lạp, các tư tưởng gia Trung cổ xếp hạng các nhạc sĩ trong số các nhà toán học, vì âm nhạc là khoa học của các tỷ lệ, ngang với hình học, cả hai dự phần vào việc hài hòa chung của vũ trụ; hài hòa của các lãnh vực của Pythagore, nói về các nhạc thiên cung, nhạc giai điệu trong các âm điệu khác nhau các quãng, các nửa cung… Chúng ta có cảm tưởng như ở trong một lớp nhạc lý!

Đối với Đức Bênêđictô XVI, sự sáng tác nhạc của con người là một hình thức tìm lại sự hài hòa đã mất của thế giới trước thời tội tổ tông. Từ đó, tìm loại danh dự của con người. Vì thế, trong phụng vụ, âm nhạc giữ một địa vị thiết yếu: “Từ ban đầu, phụng vụ và âm nhạc đi đôi với nhau. Vì khi con người có ý định ca ngợi Thiên Chúa, lời thôi chưa đủ (2)”. “Phải thức tỉnh giọng nói của vũ trụ khi ca ngợi Đấng Tạo Dựng (3)”.

Đức Bênêđictô XVI không tránh được khó khăn khi hòa giải “phụng vụ như một hành động cộng đồng và nghệ thuật, dưới một vài khía cạnh, đó là hành động của tầng lớp ưu tú (4)”. Chẳng hạn ngài nhắc lại, các “phát biểu của Thánh Jérôme chống lại sự hư hỏng của các nghệ sĩ”, cũng giống như âm nhạc bên trong và âm nhạc bên ngoài. “Âm nhạc thiêng liêng, thực chất của nó là một hành động phụng vụ, nhưng cũng trong chừng mực này, nó cũng là một hành động âm nhạc (5)”. Về điểm này, ngài phản đối những người cho rằng bài hát chỉ có tính cách tiện ích và thế tục (ngài muốn nói ở đây là thần học gia Karl Rahner): “Đơn giản không có nghĩa là thấp. Có một đơn giản bình thường và có một đơn giản của trưởng thành. Trong Giáo hội, nó chỉ là cái thứ nhì (3)”. Tầm nhìn rất thăng bằng về âm nhạc thiêng liêng vừa vững chắc về mặt tín điều vừa rất nhẹ nhàng, thể hiện sự tôn trọng tuyệt vời cho nghệ thuật thiêng liêng, cùng tồn tại với con người: “Nguồn gốc của bài hát là tình yêu (6)”.

(1) Bài diễn văn ngày 18 tháng 11-2006.

(2) Một bài ca mới cho Chúa, Desclée-Mame, 1995.

(3) Tụng ca đức tin, Téqui, 1995.

(4) Tin và dâng lễ, Parole et Silence, 2008.

(5) Bàn tròn “Nghề nhạc sĩ thiêng liêng ngày nay”, 25 tháng 5-1975.

(6) 20 tháng 7 – 2007, tại lâu đài Mirabello.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch