Các điểm hội tụ trong các truyền thống thiêng liêng lớn

183

Ronald Rolheiser, 2009-04-09

Khi nhìn vào tất cả các tôn giáo lớn, chúng ta thấy các tôn giáo đều giống nhau hơn là khác nhau trong cách tìm hiểu về con đường đi tìm một đời sống thiêng liêng, con đường tu tập và thánh thiện. Khi nhìn vào Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Lão giáo và những tôn giáo bản xứ, chúng ta có thể rút ra những điểm hội tụ lớn như sau:

Thứ nhất, tất cả đều giống nhau về mục đích của sự tìm kiếm thiêng liêng, đó là kết hợp với Thiên Chúa và kết hợp với mọi người, mọi sự. Có nhiều cách hiểu khác nhau về Thiên Chúa, về cuộc đời, cũng như khác nhau trong tu tập, nhưng cuối cùng, mọi truyền thống thiêng liêng lớn đều đi tìm một chuyện: kết hợp với thần linh, và qua đó, hòa hợp mình với người khác,  với mọi tạo vật được tạo dựng về mặt thể lý.

Thứ hai, trong tất cả các truyền thống thiêng liêng lớn, con đường dẫn đến kết hợp là con đường từ bi, bác ái. Trong mọi truyền thống thiêng liêng, điều mà các tôn giáo cố gắng đạt đến là có được từ tâm, nó chỉ hình thành được trong lòng thương xót và khôn ngoan. Khi đó, và chỉ duy nhất khi đó, việc thờ phượng, các tín điều và công chính mới được thực hiện cách đúng đắn.

Thứ ba, trong mọi truyền thống thiêng liêng lớn, con đường dẫn đến từ bi bác ái và nên một với Thiên Chúa đều là con đường nghịch lý, nghĩa là cách nào đó đòi hỏi chúng ta phải buông bỏ mình thì mới tìm lại được mình, phải chết thì mới được sống, phải cho đi thì mới được nhận lãnh. Mọi truyền thống thiêng liêng đều dạy chúng ta không thể có được niềm vui, hạnh phúc và an lạc bằng cách theo đuổi chúng; nhưng chính khi cố gắng đem niềm vui, hạnh phúc và an lạc đến cho người khác, thì chúng ta mới có được niềm vui, hạnh phúc, an lạc cho mình. Vì thế, mọi truyền thống thiêng liêng đều đồng ý với Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô: Chính lúc cho đi là khi nhận lãnh, chính lúc an ủi người là lúc được ủi an, chính lúc hiểu biết người là lúc được hiểu biết.

Thứ tư, mọi truyền thống thiêng liêng lớn đều nhấn mạnh, tiến bộ trong đời sống thiêng liêng đòi hỏi chúng ta khổ công luyện tập, buông bỏ chính mình, rằng «con đường mà phần lớn nhân loại thích đi» thực ra không đưa mình về nhà, nghĩa là đạt đích. Cửa vào thiên đường luôn là cửa hẹp, đòi hỏi tu tập và từ bỏ. Khi Ấn giáo và Phật giáo nói đến các hình thức yoga, thực ra đó là hình thức tu tập, đáng tiếc là bây giờ người ta chỉ hiểu yoga theo nghĩa rất hạn hẹp.

Thứ năm, mọi truyền thống thiêng liêng lớn đều nói cuộc tìm kiếm thiêng liêng là hành trình kéo dài suốt đời, không có đường tắt, không có xa lộ chạy nhanh, không có đường bí mật dành cho một thiểu số, và cũng không có chuyện đặc quyền đặc lợi để có thể đạt đích mà không cần tu tập và từ bỏ. Các truyền thống đó cũng cho chúng ta biết rằng đời sống thiêng liêng bao gồm mọi khía cạnh của đời sống, không có khía cạnh đạo đức hay tâm lý nào mà chúng ta bỏ qua, cho là không quan trọng. Không có truyền thống thiêng liêng lớn nào bảo chúng ta chỉ được chọn giữa phát huy nhân cách và công bằng xã hội, giữa thánh thiện cá nhân và hoạt động chính trị. Tôn giáo nào cũng nói cả hai đều quan trọng.

Thứ sáu, trong mọi truyền thống thiêng liêng lớn, an ủi và sầu muộn, sốt sắng và đêm tăm tối của tâm hồn, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong hành trình thiêng liêng. Dù rất khác nhau, cả hai đều cần thiết, như chất dinh dưỡng cho hành trình thiêng liêng. Cho nên mọi truyền thống đều cảnh giác chúng ta không nên đồng hoá an ủi, sốt sắng với tiến bộ trong đời sống thiêng liêng, cũng như đừng coi  đau khổ, phiền muộn và đêm tăm tối của linh hồn là cùng đích ở tự nó.

Thứ bảy và có lẽ là điều đáng ngạc nhiên, mọi truyền thống thiêng liêng lớn đều không cho các hiện tượng lạ thường trong hành trình thiêng liêng là quan trọng. Các thị kiến, các tình trạng thay đổi ý thức, kinh nghiệm thần bí, xuất thần, phép lạ hay những cuộc hiện ra của vị này vị nọ, sức mạnh này sức mạnh kia, dù lành hay dữ, tất cả các truyền thống thiêng liêng đều không cho đó là quan trọng. Những chuyện đó có thể là thật và in dấu trong đời chúng ta, nhưng nó không phải là dấu chỉ cho sự tăng trưởng và tiến bộ thiêng liêng đích thực. Sự tăng trưởng và tiến bộ thiêng liêng thực sự diễn ra trong chính đời thường chứ không phải bằng những chuyện lạ thường. Trong mọi truyền thống thiêng liêng lớn, các điều thiết yếu mà Thiên Chúa muốn chúng ta biết là những điều công khai, được viết ra, và ai cũng có thể biết. Cho nên mọi truyền thống đều phân biệt mặc khải công (nghĩa là ràng buộc mọi người) và mặc khải tư (có thể tốt nhưng không ràng buộc mọi người).

Thứ tám, mọi truyền thống thiêng liêng lớn đều khẳng định rằng khi đi trên con đường thiêng liêng, chúng ta sẽ gặp nhiều cám dỗ và ma quỷ quấy phá, cần phải nhận biết và nghiêm túc lưu tâm. Các truyền thống đều cảnh giác về sự ngây thơ, đặc biệt là ngây thơ trước những khuynh hướng bẩm sinh tự nhiên có trong chính mình hoặc do ảnh hưởng của đám đông.

Cuối cùng, mọi truyền thống thiêng liêng lớn đều đồng ý hành trình thiêng liêng luôn là hành trình có phần mầu nhiệm. Cũng như Thiên Chúa mà chúng ta gặp gỡ trong cuộc hành trình này là Đấng bất khả đạt thấu, thì kinh nghiệm của chúng ta về Ngài cũng thế. Xét cho cùng, chúng ta chẳng thể nào tìm được từ ngữ và ý niệm tương xứng để hiểu hoặc diễn tả điều mà chúng ta trải nghiệm được trong cuộc hành trình này. Vì thế, mọi truyền thống đều cảnh giác: đừng bao giờ nghĩ rằng mình đã ôm trọn được thực tại và diễn tả cách thích hợp.

Mọi truyền thống đều nhất trí rằng: đường thiêng liêng là đường hẹp và khó, và không có đường tắt để đi.

J.B. Thái Hòa dịch