21-9-1953: “Tôi không biết chuyện gì xảy ra”
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-09-20
“Tôi không biết chuyện gì xảy ra”: Ngày 21 tháng 9 -1953, ngày lễ Thánh Mát-thêu, thanh niên trẻ Mario Bergoglio lúc đó mới 16 tuổi đã có một quyết định dứt khoát cho đời mình.
Hôm nay ngài nhắn nhủ với người trẻ kinh nghiệm tuổi trẻ của mình một cách kín đáo và tế nhị. Một ngày trước ngày lễ Thánh Mát-thêu, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-9 Đức Phanxicô chào các bạn trẻ: “Ước gì sự trở lại của Thánh Mát-thêu là tấm gương cho các con, các con thân mến, đó là tấm gương để các con sống theo tiêu chuẩn của đức tin”.
Đức Phanxicô không bao giờ quên ngày lễ Thánh Mát-thêu, 21-9-1953, ngày ngài xưng tội ở Buenos Aires, ngày đã làm thay đổi cuộc đời của ngài.
Ngài sinh ngày 17 tháng 12-1936, như thế lúc đó ngài mới… 16 tuổi! Lúc đó linh mục Carlos B. Duarte Ibarra ở Flores: “Tôi không nghi ngờ gì tôi sẽ là linh mục”, chính Đức Phanxicô kể về mình. Nhà văn Austen Ivereigh kể trong quyển tiểu sử ông viết về Đức Phanxicô “Phanxicô, nhà cải cách, từ Buenos Aires đến Rôma” (François, le réformateur, de Buenos Aires à Rome, nxb. Emmanuel, 2017) : “Chúa ‘đi qua’ người thanh niên trẻ ngày 21 tháng 9 – 1953 (…). Đi bộ đến đường Avenida Rivadavia, người thanh niên đi qua trước Nhà thờ Thánh Giuse mà anh biết rất rành. Khi đó ngài cảm thấy có một bức bách lạ lùng là phải vào nhà thờ. ‘Tôi vào và tôi cảm thấy tôi phải vào – những chuyện mình chỉ cảm thấy trong lòng mà không biết cái đó là gì’, ngài giải thích với linh mục Isasmendi”.
Và tác giả kể đoạn này (tr.54): “Tôi nhìn, trời còn tối, đó là một buổi sáng tháng 9, có thể lúc đó là 9 giờ sáng, tôi thấy một linh mục đi bộ, tôi không biết ngài, ngài không phải là một trong các linh mục của giáo xứ. Ngài ngồi ở một trong các tòa giải tội, tòa cuối cùng bên trái khi nhìn lên bàn thờ. Tôi có cảm tưởng như có ai đẩy tôi vào tòa giải tội. Dĩ nhiên tôi kể cho ngài nghe các chuyện… nhưng thật sự tôi không biết chuyện gì xảy ra.
Khi xưng tội xong, tôi hỏi ngài ở đâu đến vì tôi không biết ngài, ngài nói với tôi: ‘Cha đến từ Corrientes và cha ở gần đây. Thỉnh thoảng cha đến dâng thánh lễ ở đây’. Cha bị ung thư máu và năm sau cha qua đời.
Khi đó, tôi biết là tôi sẽ là linh mục. Tôi xác tín và tin chắc. Thay vì tiếp tục đi chơi với bạn, tôi về nhà vì tôi chìm đắm trong chuyện này. Sau đó tôi tiếp tục chương trình học và từ đó, tôi biết tôi sẽ làm gì”.
Tác giả Ivereigh viết tiếp: “Trong một bức thư viết năm 1990 để tả kinh nghiệm này, ngài giải thích mình như bị ngã ngựa”. (tr. 55).
Nhưng về nhà, Jorge Mario trong hơn một năm không nói với ai chuyện này. Ngài đã có ý định rõ ràng. Ngài thổ lộ với Oscar Crespo, người cùng làm ở phòng thí nghiệm hóa học với mình: “Tôi sẽ học xong trường trung học dạy nghề với các bạn. Nhưng tôi sẽ không làm nhà hóa học gia. Tôi sẽ làm linh mục. Nhưng không phải linh mục trong đền thánh. Tôi sẽ đi tu Dòng Tên vì tôi muốn đi đến các khu vực nghèo, các thôn xóm để ở với giáo dân”.
Các chữ nền tảng của sứ vụ Bergoglio là đã có ở đây: “đi ra”, “đến với giáo dân”.
Ngài kể mình đã có “kinh nghiệm lòng thương xót Chúa”, cảm thấy mình được “gọi” như Thánh Mát-thêu và Thánh I-Nhã đã được gọi.
Phúc Âm ngày lễ Thánh Mát-thêu nói đến lời kêu gọi của Chúa Giêsu và ánh mắt nhìn của Ngài: “Hôm đó Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người”. Đức Giáo hoàng bị ‘thôi miên’ bởi ánh nhìn của Chúa Giêsu trên Thánh Mát-thêu, trên chính mình, trên từng người. Ngài thường hay mời gọi hãy buông mình để được Chúa Kitô nhìn đến, để hành động dưới ánh nhìn của Chúa Kitô.
Khẩu hiệu giám mục và giáo hoàng của ngài giải thích ý nghĩa này: “Được chọn vì được thương xót’’ (Eligendo atque miserando”, được chọn, tiếng gọi của Chúa Kitô mang đến lòng thương xót để môn đệ của Ngài cũng làm như vậy.
Và khi ngài đến Rôma, ngài ở trọ ở Nhà Tu sĩ ở đường Via della Scrofa, gần nhà thờ Thánh Lui của người Pháp, ngài thường đến ngắm bức tranh “Ơn gọi của Thánh Mát-thêu” do họa sĩ Caravage (1571-1610) vẽ vào giữa năm 1599 và 1600 cho nhà nguyện Contarelli của nhà thờ Thánh Lui của người Pháp, và bức tranh vẫn còn ở đây cho đến ngày nay.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch