Bài phỏng vấn trên chuyến bay từ Cartagena về Roma

387

Vatican Insider | Andrea Tornielli

“Cha vươn người ra để chào các em nhỏ, và cha không thấy tấm kính, thế là… bùm!” Trên má trái vẫn còn một vết thâm đen, Đức Giáo hoàng bật cười, trả lời câu hỏi của ký giả về vụ tai nạn nhỏ ngài gặp phải ở Cartagena.

Ngay khi máy bay vừa cất cánh khỏi Cartagena, Đức Phanxicô đã trả lời câu hỏi của các ký giả trong 38 phút về nhiều chủ đề, như di dân, biến đổi khí hậu, quyết định của ông Trump, và tình hình ở Venezuela.

Giáo hội Ý đã bày tỏ sự thông cảm với chính sách của chính phủ về việc hạn chế những người đến từ Libya. Có tin về việc cha đã hội kiến với Thủ tướng Ý, Paolo Gentiloni, cha có nói về vấn đề này không? Và cha nghĩ sao về chính sách ngăn chặn này, khi mà những người di dân còn mắc kẹt ở Libya đang phải sống trong những điều kiện mất phẩm giá? 

Đấy là buổi hội kiến riêng với ông Gentiloni, và buổi đó diễn ra trước khi có chuyện này, nên chuyện này không được bàn tới. Tuy nhiên, cha thấy phải có trách nhiệm bày tỏ lòng biết ơn với nước Ý và Hy Lạp, bởi họ đã mở lòng với người di dân. Chào đón ngoại kiều là một giới răn của Chúa… Nhưng một chính phủ phải xử lý vấn đề này một cách cẩn trọng. Trước hết, bạn có bao nhiêu chỗ để tiếp đón? Thứ hai, không chỉ là “chào đón” mà còn phải “dung nạp” họ. Cha đã thấy những mẫu mực dung nạp rất đẹp ở nước Ý. Khi cha đến Đại học Tre ở Roma, có vẻ cha nhận ra một trong bốn sinh viên đặt câu hỏi cho cha, cha nhớ khuôn mặt cô ấy. Cô ấy là một trong những người đi cùng cha từ Lesvos về Roma. Cô ấy học tiếng Ý, và các chứng chỉ học thuật của cô ấy đã được công nhận. Đây là dung nạp. Thứ ba, là đang có một vấn đề nhân đạo. Nhân loại đang dần nhận thức những vấn đề này, về tình trạng mà những người di dân này phải chịu trong sa mạc, cha đã thấy một số tấm ảnh. Cha có ấn tượng là chính phủ Ý đang làm bất kỳ điều gì trong khả năng để cứu trợ nhân đạo, giải quyết các vấn đề vốn không phải là chuyện họ phải làm. Vậy nên, hãy luôn luôn mở rộng tấm lòng, cẩn trọng, dung nạp, và gần gũi. Nhưng có một suy nghĩ vô thức chung như thế này: “Phải bóc lột châu Phi.” Như thế không được, và chúng ta phải đảo ngược chuyện này, phải nghĩ: “Châu Phi là bạn và chúng ta phải giúp đỡ.”

Trên đường bay, chúng ta đang đi gần cơn bão Irma. Sau khi gây ra hàng chục thương vong ở biển Caribbe, giờ nó đang hướng đến Florida, nơi hàng triệu người đã phải di tản. Các nhà khoa học nghĩ rằng việc đại dương nóng lên đang kiến các cơn bão ngày càng dữ dội. Các lãnh đạo chính trị từ chối cộng tác với các quốc gia bằng cách không công nhận rằng biến đổi khí hậu là do con người mà ra, những lãnh đạo đó có chịu trách nhiệm đạo đức nào không? 

Những người chối bỏ chuyện này, thì họ cần hỏi ý kiến các nhà khoa học. Khoa học đã nói rất rõ, rất chính xác về chuyện này. Hôm trước, có tin là một tàu của Nga đi từ Na Uy đến Nhật Bản, và đi qua Bắc Cực mà không thấy một tảng băng nào. Ở một trường đại học, họ nói là chúng ta chỉ có ba năm để “lùi lại” nếu không, hậu quả sẽ thật khủng khiếp. Cha không biết có thật là ba năm không, nhưng nếu chúng ta không lùi lại, thì sẽ sa chân mất thôi! Chúng ta có thể thấy biến đổi khí hậu qua những tác động của nó, và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức khi ra quyết định. Cha nghĩ đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức, và các chính trị gia cũng vậy. Hãy đi hỏi các nhà khoa học rồi hẵng quyết định. Lịch sử sẽ phán xét các quyết định của họ.

Nước Ý bắt đầu cảm nhận sự biến đổi khí hậu. Những ngày qua, có nhiều người chết và rất nhiều thiệt hại… Tại sao chính phủ lại trì hoãn việc thừa nhận biến đổi khí hậu, trong khi lại nhanh chân trong những vấn đề khác, chẳng hạn như cuộc chạy đua vũ trang ở Triều Tiên? 

Cha nhớ lại một câu trong Cựu Ước: con người là kẻ ngu ngốc, ngoan cố không chịu nhìn, là con vật duy nhất ngã hai lần vì cùng một cái hố. Kiêu căng và tự phụ…. Rồi còn “Đồng tiền biết nói nữa.” Nhiều quyết định được đưa ra dựa trên tiền bạc. Hôm nay, cha mở đầu chuyến thăm Cartagena bằng cách đi thăm khu dân nghèo của thành phố. Nhưng ở đó, cũng có những khu du lịch, xa hoa, một mức độ xa hoa không có tiêu chuẩn đạo đức. Nhưng những người ở đó không để ý thấy sao? Những nhà phân tích chính trị xã hội không nhận thấy sao? Khi bạn không muốn thấy, là bạn không thấy, bạn chỉ biết nhìn vào một phía mà thôi. Còn về Bắc Hàn, cha không thật sự hiểu về địa chính trị, nhưng cha tin rằng đang có một cuộc đấu đá lợi ích.

Mỗi lần gặp giới trẻ, cha đều bảo là: đừng để hy vọng và tương lai bị tước đoạt. Tổng thống Trump của Hoa Kỳ vừa bỏ DACA, hay còn gọi là luật cho người ước mơ, nghĩa là 800.000 trẻ em bất hợp pháp, những người nhập cư bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, sẽ bị mất tương lai ở nước Mỹ. Cha nghĩ gì về chuyện này. 

Cha đã nghe về việc bãi bỏ luật này, nhưng cha chưa có những bài báo nói về cách thức và lý do của quyết định này. Cha không nắm rõ tình hình lắm. Tuy nhiên, việc tách những người trẻ khỏi gia đình của mình, sẽ chẳng đem lại hoa trái tốt đẹp gì cho người trẻ lẫn gia đình của họ. Luật này đến từ tổng thống, chứ không phải nghị viện, nếu thế, cha hy vọng họ sẽ nghĩ lại chuyện này một chút. Cha đã nghe tổng thống Hoa Kỳ phát biểu, ông nhận mình là một người ủng hộ sự sống. Nếu ông ấy là một người ủng hộ sự sống, thì ông ấy hiểu tầm quan trọng của gia đình và sự sống, hiểu là phải bảo vệ sự hiệp nhất của gia đình. Khi người trẻ cảm thấy mình bị bóc lột, họ thấy tuyệt vọng tột cùng. Và ai cướp của họ? Là thuốc phiện, đủ loại nghiện, tự vẫn… chúng sẽ ập đến khi bạn bị mất gốc rễ. Bất kỳ thứ gì đi ngược lại gốc rễ đều cướp đi hy vọng.

Cuối chuyến đi này, cha đã nói về Venezuela, cha cầu nguyện xin cho bạo lực ở đất nước này chấm dứt. Và ở Bogota, cha đã gặp một số giám mục Venezuela. Tòa Thánh đang đối thoại, nhưng tổng thống Nicolas Maduro lại dùng những lời bạo lực với các giám mục thế mà vẫn khẳng định mình “theo Đức Giáo hoàng Phanxicô.” Cha nghĩ thế nào về chuyện này? 

Cha tin là Tòa Thánh đã nói rõ ràng rồi. Những gì Maduro nói, thì Maduro phải giải thích. Cha không biết ông ấy nghĩ gì. Tòa Thánh đã làm rất nhiều việc, đã gởi các nhóm làm việc đến gặp bốn cựu tổng thống trước đó, một phái đoàn sứ thần cấp cao nhất. Cha thường nói tại các buổi kinh Truyền tin, tìm kiếm một “lối thoát” đề nghị giúp đỡ để thoát khỏi tình trạng này, nhưng có lẽ mọi chuyện rất khó khăn, và điều cha đau lòng nhất là về vấn đề nhân đạo, quá nhiều người bỏ xứ mà đi hoặc phải chịu đau khổ. Chúng ta phải giúp giải quyết tình trạng này bằng mọi cách có thể. Cha tin là Liên hiệp quốc phải lên tiếng, phải giúp đỡ.

Cha đến Colombia, một quốc gia chia rẽ giữa những người chấp nhận và không chấp nhận hòa ước. Cần phải làm gì để thắng được lòng thù hận? Nếu vài năm sau cha trở lại, cha muốn thấy một Colombia như thế nào? 

Khẩu hiệu của chuyến đi lần này là, “Hãy đi bước đầu tiên.” Nếu trở lại Colombia lần nữa, cha muốn khẩu hiệu là: “Hãy đi bước thứ hai.” Đây là cuộc chiến tranh du kích suốt 54 năm, và thù oán đã tích tụ, nhiều lòng người đã biến dạng. Các du kích và quân đội đã phạm những tội lỗi nặng nề và gây ra dịch bệnh thù hận này. Nhưng có những bước đi đem lại hy vọng. Mới nhất là việc ELN ngừng bắn, và cha cảm ơn họ rất nhiều. Cha đã thấy một khao khát muốn tiến tới, xa hơn cả những thương lượng hiện thời. Cha thấy một nguồn lực tự phát từ khát khao của người dân. Người dân muốn được hít thở chút không khí, và chúng ta phải gần gũi, cầu với họ.

Colombia đã chịu nhiều thập kỷ bạo lực do xung đột vũ trang và buôn thuốc phiện. Tham nhũng không phải là chuyện mới ở quốc gia này, và giờ khi không còn lo chiến tranh, vấn đề này đang nổi cộm hơn bao giờ hết. Chúng ta phải làm gì với tai ương này? Những người tha hóa có phải bị rút phép thông công không? 

Những người tha hóa có thể được tha thứ không? Cha tự hỏi mình như thế, và khi còn ở Argentina, cha gặp một vụ đánh đập và xâm hại một cô gái trẻ, vụ này có liên quan đến một vài ông lớn chính trị, và cha đã viết một quyển sách nhỏ với tiêu đề “Tội lỗi và tha hóa.” Tất cả chúng ta đều là người có tội, và chúng ta biết rằng Thiên Chúa gần gũi chúng ta, và không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Nhưng người có tội thì xin được tha thứ, còn người tha hóa thì chán xin được tha thứ và họ cũng quên mất rằng phải ngỏ lời xin tha thứ. Thế là người đó ở trong tình trạng vô cảm với các giá trị đạo đức, vô cảm trước sự bóc lột con người. Thật khó để giúp một người tha hóa, nhưng Thiên Chúa có thể làm được điều đó.

Cha đã nói về bước đầu tiên, hôm nay cha nói rằng để đạt được hòa bình, cần phải có những bên tham gia khác nhau. Cha có nghĩ rằng Colombia là một hình mẫu cho các cuộc xung đột khác không? 

Liên kết với người khác, đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra, nó đã từng xảy ra cho nhiều cuộc xung đột rồi. “Tiến tới” là hành động khôn ngoan, yêu cầu giúp đỡ là khôn ngoan. Có lúc cần các thỏa thuận chính trị, và đôi khi cần Liên Hiệp Quốc can thiệp để thoát ra khỏi khủng hoảng, nhưng một tiến trình hòa chỉ tiến tới khi mọi người thật sự bắt tay xây dựng nó.  

J.B. Thái Hòa chuyển dịch