Vatican là một trong các “người cha” của Colombia

260

cath.ch, 2017-08-27

Hãng tin I.MEDIA cho biết, ông Guillermo León Escobar, đại sứ của Colombia tại Tòa Thánh tuyên bố: “Chuyến đi Colombia của Đức Phanxicô từ ngày 6 đến ngày 11 tháng 9 – 2017 “sẽ thành công” giống như chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II cách đây 30 năm. Vì theo đại sứ, dù rất kín đáo nhưng Tòa Thánh đóng một vai trò thiết yếu trong tiến trình đi đến hòa bình của đất nước này.

Từ văn phòng bên cạnh Vatican của mình, nhà ngoại giao có một cái nhìn về sự quyết tâm của Đức Giáo hoàng để mang lại hòa bình cho Colombia, cũng như “vai trò thầm lặng” của Tòa Thánh trong các cuộc thương thuyết hòa bình ở La Havane với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Đại sứ Escobar xác nhận: “Từ khi tôi trình ủy nhiệm thư lên Tòa Thánh ngày 25 tháng 4-2015, tôi biết Phanxicô rất muốn đi Colombia và rất yêu mến đất nước này”. 

Trăm năm cô đơn

Vì Đức Phanxicô rất quan tâm đến sự đau khổ lâu dài của dân tộc Colombia: “60 năm bạo lực do ý thức hệ và bạo lực của các vụ lật đổ, những năm tháng này thay thế 40 năm bạo lực giữa các đảng phái chính trị. Cọng lại là Trăm năm cô đơn, như trong tiểu thuyết của văn hào Gabriel García Márquez mô tả”.

Theo ông đại sứ, thỏa hiệp hòa bình ở Colombia “nếu thất bại, Colombia là đứa trẻ mồ côi nhưng nếu thành công, Colombia có rất nhiều cha. Và dưới mắt ông, thỏa hiệp này có ba người cha: Đức Phanxicô, Tổng thống Juan Manuel Santos và Hội đồng Giám mục Colombia”.

Rôma, một trong các nơi có nhiều thông tin xác đáng nhất của các cuộc thương thuyết

Ông nhấn mạnh: “Để đi đến được thỏa hiệp này, cách của Tòa Thánh làm thì cực kỳ tế nhị. Người ta không nhận ra, nhưng nó đã được làm”. Ông Guillermo León Escobar nhấn mạnh: “Khi hai bên thương thuyết ở Cuba, giữa chính quyền và Lực lượng Vũ trang Cách mạng FARC, nơi được báo các thông tin xác đáng nhất chắc chắn là ở đây, tại Rôma, do sự hiện diện của Đức ông Giorgio Lingua, sứ thần tòa thánh ở Cuba.

Đức ông Giorgio Lingua là cựu sứ thần ở Irak và ở Georgia, Đức ông biết tất cả những người điều khiển lực lượng mác-xít ở Colombia. Năm 2000, Đức ông tham dự các cuộc họp ở Rôma với vị chỉ huy Lực lượng Vũ trang Cách mạng FARC. Các cuộc họp này Đức Gioan-Phaolô II cho phép… Nhưng đây lại là một “câu chuyện lịch sử khác còn phải viết…”, nhà đại sứ cho biết.

Nhờ sự hiện diện của sứ thần, Tòa Thánh “luôn biết tin mới nhất” của các cuộc họp trong các năm 2012 và 2016, nên đã có đường dây trực tiếp, giúp sự phân tích được rõ ràng để có thể mang lại phần giúp đỡ của Tòa Thánh”.

Đại sứ nhắc lại: “Như thế, sự hiện diện của Tòa Thánh luôn thầm lặng. Với sự thầm lặng khôn ngoan được giữ một cách tài tình trong suốt 1500 năm tham dự trong các vấn đề chính trị của thế giới. Tất cả, đã không cần một đại diện ở bàn thương thuyết, nhưng qua chất lượng các tin tức nhận được và các lời khuyên đưa ra”. 

Tình báo đa quốc gia

Theo nhà ngoại giao, Tòa Thánh “đã thận trọng hành động trong cần thiết để các nhân vật chính không bao giờ cảm thấy mình bị lấy đi vai trò của mình. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một hành vi không phù hợp nào của Phủ Quốc Vụ Khanh”.

Do đó, theo ông, Phủ Quốc Vụ Khanh hành động theo một mạng lưới “tình báo đa quốc gia với các sứ thần, các giáo xứ và các cộng đoàn trên thế giới”.

Sau bốn năm đối thoại tại Cuba giữa chính quyền Colombia và các thành viên của Lực lượng Vũ trang Cách mạng, một lực lượng vũ trang xưa cổ nhất của Châu Mỹ La Tinh, một dự án luật đã được Quốc hội Colombia thông qua vào tháng 2 năm 2017. Các thỏa hiệp hòa bình đã được ký tại Carthagène ngày 26 tháng 9 năm 2016, kêu gọi Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia phải nạp vũ khí.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch