Con đường sức khỏe (7/7)

403

Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul

Rất nhiều người đến với Cha Piô khi cha còn ở trần thế, và còn rất nhiều người hơn nữa đến với cha sau khi cha lìa đời để xin cha cầu bàu với Chúa cho họ được sức khỏe.

Cha nói rõ, đôi khi rất uy quyền, rằng không phải cha chữa lành mà Chúa chữa lành. Tuy nhiên, khi Cha Piô cầu nguyện thì Chúa lại chữa lành cho họ.

Danh sách những người được lành quá dài để có thể có một danh sách đầy đủ. Chúng tôi chỉ giới hạn các vụ chữa lành đặc biệt để chúng ta thấy rõ ràng, làm thế nào mà theo kế hoạch của Chúa, Cha Piô đã mang lại sức khỏe cho họ.

Dù vậy, đã có lúc, Cha Piô tự hỏi: “Rất nhiều người bệnh được Chúa chữa lành một cách kỳ lạ. Nhưng những người không ở trong kế hoạch này, họ phải mang thánh giá cho bệnh của họ sao? Chúng ta có thể làm gì cho họ?”

Vì thế nảy sinh ra trong đầu cha ý định thực hiện một công trình đồ sộ có tên Nhà Xoa dịu Đau thương (Casa Sollievo della Sofferenza). Trong suy nghĩ của cha, nhà này không đơn giản chỉ là bệnh viện nhưng là nơi ở của người anh em có khuôn mặt của Chúa và chúng ta phải săn sóc họ như chính họ là Chúa. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: Sự gì anh em làm cho người nhỏ nhất trong các anh em, là anh em làm cho Ta.

Vì thế Căn Nhà này trở thành gương mẫu của tất cả các khía cạnh: nhân bản, tinh thần kitô, y khoa, khoa học, kỹ thuật… vv.

Nhưng chuyện kỳ thú là chuyện “viên đá tài chánh đầu tiên” được quyên như thế nào.

Khi tin Cha Piô sẽ xây Nhà Xoa dịu Đau thương loan ra, có một bà lớn tuổi đến tặng cha một đồng xu vàng nhỏ. Cha biết bà này cực kỳ nghèo, cha nói với bà: “Con giữ đồng tiền này cho con; con cần nó mà!

– Không thưa cha, xin cha giữ lấy! Cha năn nỉ:

– Không, chắc chắn con sẽ cần để mua bánh mì! Con nghe cha: con giữ cho con, con sẽ cần nó”.

Khi đó bà cụ ngại ngùng và bị nhục, bà nói: “Cha có lý, nó quá ít thưa cha”. Xúc động, Cha Piô nói: “Đưa hết đây cho cha và xin Chúa chúc lành cho con”.

Khi bắt đầu gây quỹ để xây dựng Nhà Xoa dịu Đau thương, Cha Piô nói với Hội đồng Quản trị: “Tôi đóng góp đầu tiên!” và ngài đưa ra đồng xu nhỏ bằng vàng.

Hương vị Phúc Âm đã có ở đây!

 

“Khi nào con mới ngưng làm cho cha điên đầu?”

Một phụ nữ ở San Giovanni thấy chồng bị bệnh của mình suy sụp quá nhanh và sắp qua đời. Hoảng sợ, bà đến tu viện xin Cha Piô cầu nguyện cho ông được lành. Nhưng dòng người chung quanh cha quá đông, bà không đến gần ngài được.

Phải làm gì bây giờ? Nói với ngài trong tòa giải tội hay sao? Có rất nhiều phụ nữ xưng tội, bà là người cuối cùng. Vừa suy nghĩ, vừa cầu nguyện liên lỉ trong đầu xin Cha Piô đến cứu chồng mình, ông có thể chết bất cứ lúc nào, để lại bà một mình với năm đứa con.

Khi bà thấy Cha Piô đi về hướng bàn thờ để dâng lễ, bà chạy theo: nhưng ở đây cũng vậy, giáo dân quây chung quanh, bà còn không thấy cha! Bà rẽ bên mặt, bên trái nhưng cũng không làm gì được. Chỉ còn cách âm thầm cầu nguyện, bà quá lo sợ với ý nghĩ chồng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Khi dâng thánh lễ xong và khi Cha Piô vào phòng thánh, bà len được vào hành lang cha sẽ đi qua để về tu viện. Ở đây, bà cũng tiếp tục cầu nguyện liên lỉ trong lòng. Cha Piô đi gần bà và nói: “Phụ nữ yếu lòng tin! Khi nào con mới ngưng làm cha điên đầu với những tiếng như ong vo ve trong tai cha? Cha có điếc đâu? Con đã nói cả thảy năm lần, bên trái, bên mặt, đàng trước, đàng sau… cha hiểu, cha hiểu!… Con về nhà nhanh lên! Mọi chuyện sẽ tốt đẹp!”

Lòng hân hoan, bà cám ơn cha và chạy như bay về nhà, chồng bà đã lành hoàn toàn. 

Tấm khăn chữa lành

Ông Joseph Canaponi kể, mùa đông 1954, ông đến San Giovanni Rotondo trong một cơn mưa gió bão bùng. Ông đi một đoạn đường dài đến tu viện của Cha Piô, người đẫm nước, lạnh tê cóng và mất tiếng hoàn toàn. Vì là người quen thuộc với cha, ông đi thẳng lên phòng cha, cha đang nói chuyện với Bề trên Tu viện.

Ông Canaponi chào hai cha, ông nói không ra hơi. Cha Piô hỏi lý do vì sao ông ở trong tình trạng thê thảm này. Rồi cha sờ vào ông và nói: “Nhưng con ướt hết rồi, bạn thân mến của cha!” Cha Piô quay về cha bề trên và hỏi: “Nhà mình có cái gì để đắp trên lưng Canaponi cho ấm không”. Nhưng cha bề trên ra dấu mình không biết có gì để cho. Khi đó Cha Piô lục trong phòng và cuối cùng tìm thấy sau cánh cửa một tấm khăn to. Cha lấy xuống và nói: “Con hên nhé, chiếc khăn này còn mới. Cha chưa dùng qua!” Rồi cha quấn chung quanh cổ cho ông. Trong khi cha đang quấn khăn thì ông Canaponi cảm thấy có một luồng nhiệt, ông kêu lên: “Con đỡ rồi!” Khi nói như vậy, ông nhận ra mình không còn bị tắt giọng. Cha Piô đơn giản nói thêm: “Con thấy đó, có ấm cũng tốt hơn!”

“Không được nhúc nhích trước đó!”

Ở San Giovanni Rotondo có một cô siêng năng đi nhà thờ ở tu viện và dự thánh lễ của Cha Piô. Cô bị nhiễm trùng ở chân và phải nằm trên giường lâu ngày vì thế cô không đến tu viện được. Cô chăm sóc cẩn thận để rút ngắn thời gian bệnh nhưng lâu mới lành. Sốt ruột, một ngày nọ cô thử đứng dậy nhưng cô bị té, chân sưng phồng lên.

Khi đó cô xin Cha Piô cầu nguyện cho cô vì cô chờ không nỗi, cô muốn đi lễ chúa nhật này. Cha Piô trả lời cho cô: “Được, chúa nhật con sẽ đi lễ nhưng từ đây đến đó con không được nhúc nhích!”

Trước sự ngạc nhiên của bác sĩ chữa trị, chúa nhật đó cô lành hoàn toàn và cô có thể đi lễ. 

“Cha, cha sẽ đi theo con”

Ông Todini là một kỹ sư ở Rôma, ông đến thăm Cha Piô, ông ở lại nói chuyện với cha đến khuya. Khi thấy đã khuya, ông muốn về nhà trọ nhưng khi mở cửa ra, thì ông thấy trời mưa dữ dội. Ông lại không có dù. Làm gì bây giờ? Giữa tu viện và nhà trọ là hai cây số. Nếu đi trong cơn mưa này mà không có áo mưa thì sẽ bị cảm lạnh. Ông hỏi Cha Piô xem ông có thể ở lại đây được không. Cha nói không, nhưng khuyên ông cứ đội mưa mà đi vì cha sẽ đi theo ông. Ông Todini chưa hiểu ý nghĩa của câu này nhưng yên tâm đi. Kỳ lạ thay! Cơn mưa dường như dứt ngay, từ tu viện về nhà trọ, ông Todini không thấy một giọt mưa nào. Khi đến nhà trọ, cô nhân viên ngạc nhiên thấy ông đi dưới cơn lũ như vậy mà người không ướt! Ông nói với cô là ông không thấy ướt gì hết, hoàn toàn khô ráo, cô có thể… kiểm! Đúng là người ông hoàn toàn khô ráo!Cô nhìn ra bên ngoài, mưa vẫn còn rơi tầm tã, mưa rơi như thế hơn cả giờ rồi!

Cô hoàn toàn không hiểu: “Nhưng làm sao ông đi mà không ướt?” Ông trả lời: “Cha Piô nói ngài đi theo tôi và cô thấy đó, ngài không để tôi bị ướt!”

Cô kêu lên: “Đi với Cha Piô thì còn tốt hơn là mang dù!”

“Chưa phải giờ để ra đi…”

Ngày xưa ở tu viện San Giovanni Rotondo có Sư huynh Léon de Tora sống. Sư huynh mang căn bệnh kinh niên làm sư huynh đau đớn. Mỗi khi đi giải tội về phòng, Cha Piô không bao giờ quên ghé thăm sư huynh để hỏi thăm sức khỏe và an ủi sư huynh.

Một ngày nọ, như thường lệ, Cha Piô cùng với các đồng bạn đến thêm sư huynh Léon, trong số này có Sư huynh Daniel, người được Cha Piô cứu nhờ lời cầu nguyện sốt sắng và nhờ dâng các hy sinh của mình. Khi đến gần giường Sư huynh Léon, cha hỏi thăm sức khỏe và cởi nút áo cổ, cha lấy găng phủ các dấu thánh của mình lướt nhẹ qua cổ của sư huynh.

Không muốn chịu đau nữa, Sư huynh Léon nói với Cha Piô: “Thưa cha, con muốn ra đi. – Sư huynh, vé xe lửa của anh chưa có”.

Sư huynh Daniel theo Cha Piô về phòng của cha và hỏi: “Nhưng vé của con thì có chưa? – Có, vé của con đã có sẵn và xe lửa cũng đã sẵn! Con không thể biết cha tốn bao nhiêu cho con!” 

“Đừng nói với ai!”

Cha Placido de San Marco ở Lamis là bạn với Cha Piô. Họ cùng ở chủng viện, cùng học chung với nhau. Tháng 7 năm 1957, cha bị xơ gan phải nhập viện ở San Severo.

Một đêm cha thấy Cha Piô đến gần cha, an ủi cha và hứa sẽ chữa lành cho cha, rồi cha đi ra phía cửa sổ, để tay trên kiếng và biến mất. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, cha Placido cảm thấy khỏe trong người, cha đứng dậy đến gần cửa sổ và thấy trên kiếng có vết tay của Cha Piô.

Tin loan nhanh toàn bệnh viện, mọi người chạy đến phòng cha để xem dấu tay này. Tin còn loan ra ngoài khuôn viên bệnh viện và dòng người đến xem còn nhiều hơn. Lẽ tự nhiên, chuyện này gây phiền hà cho bệnh viện nên ban giám đốc phải can thiệp.

Nhiều người khác bắt đầu gièm pha chuyện này, nhưng cha Placido tiếp tục xác nhận chính Cha Piô đã đến đây và để lại dấu tay trên kiếng. Sau đó người ta chùi kiếng nhưng vết tay vẫn còn, và nó ở lại một thời gian.

Cha Alberto D’Apolito, khi đó ở San Severo, cha đến bệnh viện xem và cha cũng thấy như vậy. Cha muốn kiểm chứng tin này với Cha Piô nên cha đến San Giovanni Rotondo để hỏi ngài. Cha Piô trả lời: “Có, tôi có đến; nhưng anh, anh đừng nói với ai!”

Marta An Nguyễn dịch