Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Rất nhiều người đến với Cha Piô khi cha còn ở trần thế, và còn rất nhiều người hơn nữa đến với cha sau khi cha lìa đời để xin cha cầu bàu với Chúa cho họ được sức khỏe.
Cha nói rõ, đôi khi rất uy quyền, rằng không phải cha chữa lành mà Chúa chữa lành. Tuy nhiên, khi Cha Piô cầu nguyện thì Chúa lại chữa lành cho họ.
Danh sách những người được lành quá dài để có thể có một danh sách đầy đủ. Chúng tôi chỉ giới hạn các vụ chữa lành đặc biệt để chúng ta thấy rõ ràng, làm thế nào mà theo kế hoạch của Chúa, Cha Piô đã mang lại sức khỏe cho họ.
Dù vậy, đã có lúc, Cha Piô tự hỏi: “Rất nhiều người bệnh được Chúa chữa lành một cách kỳ lạ. Nhưng những người không ở trong kế hoạch này, họ phải mang thánh giá cho bệnh của họ sao? Chúng ta có thể làm gì cho họ?”
Vì thế nảy sinh ra trong đầu cha ý định thực hiện một công trình đồ sộ có tên Nhà Xoa dịu Đau thương (Casa Sollievo della Sofferenza). Trong suy nghĩ của cha, nhà này không đơn giản chỉ là bệnh viện nhưng là nơi ở của người anh em có khuôn mặt của Chúa và chúng ta phải săn sóc họ như chính họ là Chúa. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: Sự gì anh em làm cho người nhỏ nhất trong các anh em, là anh em làm cho Ta.
Vì thế Căn Nhà này trở thành gương mẫu của tất cả các khía cạnh: nhân bản, tinh thần kitô, y khoa, khoa học, kỹ thuật… vv.
Nhưng chuyện kỳ thú là chuyện “viên đá tài chánh đầu tiên” được quyên như thế nào.
Khi tin Cha Piô sẽ xây Nhà Xoa dịu Đau thương loan ra, có một bà lớn tuổi đến tặng cha một đồng xu vàng nhỏ. Cha biết bà này cực kỳ nghèo, cha nói với bà: “Con giữ đồng tiền này cho con; con cần nó mà!
– Không thưa cha, xin cha giữ lấy! Cha năn nỉ:
– Không, chắc chắn con sẽ cần để mua bánh mì! Con nghe cha: con giữ cho con, con sẽ cần nó”.
Khi đó bà cụ ngại ngùng và bị nhục, bà nói: “Cha có lý, nó quá ít thưa cha”. Xúc động, Cha Piô nói: “Đưa hết đây cho cha và xin Chúa chúc lành cho con”.
Khi bắt đầu gây quỹ để xây dựng Nhà Xoa dịu Đau thương, Cha Piô nói với Hội đồng Quản trị: “Tôi đóng góp đầu tiên!” và ngài đưa ra đồng xu nhỏ bằng vàng.
Hương vị Phúc Âm đã có ở đây!
Chương trình của Chúa không thích bị thúc bách
Cha Piô nói cho hai vợ chồng ông bà Pennisi biết, Chúa đã có một chương trình cho việc chữa lành con gái Maria của hai ông bà, nhưng hai ông bà không muốn từng bước theo chương trình này. Dù cuối cùng con gái của họ cũng được lành, nhưng cháu phải chịu hệ quả của sự sốt ruột của cha mẹ mình.
Maria sinh ở New York và theo cha mẹ về Pietrelcina (Bénévent), quê hương của Cha Piô. Khi còn nhỏ, Maria bị lao phổi, vào thời đó (năm 1922), bệnh này khó chữa. Maria ho liên tục và đau bên vai trái.
Cha mẹ em cố hết sức để chữa cho con mà không được. Họ mang em đến Napoli, nơi có các bác sĩ giỏi, trong đó có bác sĩ thánh thiện Joseph Moscati. Ông này khám kỹ và cũng chỉ xác nhận những gì các đồng nghiệp của ông đã chẩn đoán: em bị lao phổi không chữa lành và có thể sẽ sắp chết. Cha mẹ mang em về Pietrelcina và tìm đủ mọi cách để em đỡ đau.
Một ngày nọ, người cha đưa em đến gặp Cha Piô. Vì vợ mình không đi theo được, ông xin một trong các cô em vợ đi theo. Cha Piô chưa bao giờ nghe nói đến, cũng như chưa bao giờ gặp bệnh nhân nhưng cha nói: “Con là Maria Pennesi, con đau phải không? Nhưng không đâu, con còn mạnh hơn cha!” rồi cha đặt tay lên vai em. Người cha nghĩ mình có bổn phận nói với Cha Piô là em Maria bị bệnh rất nặng và ông đem em đến đây để xin cha chữa. Nhưng Cha Piô trả lời: “Ông đừng lo. Tôi sẽ lo cho cháu!”
Sau đó cả ba người về khách sạn. Ngày hôm sau, Maria cảm thấy đỡ hơn, em muốn đến nhà thờ ở tu viện để rước lễ từ tay Cha Piô. Và em tiếp tục như thế trong tám ngày. Người cha quyết định mang em về Pietrelcina vì em phải đi học. Dù đã quyết định, nhưng trước khi đi, ông cũng muốn hỏi ý kiến của Cha Piô, cha nói: “Em Maria chỉ có thể đến trường sau lễ Noel.
– Nhưng cha, cha có thể ban ơn từ xa.
– Không, ông phải để Maria ở lại San Giovanni Rotondo. Ông không nhớ câu: ‘có con mắt chăm sóc của chủ thì con ngựa mới mập sao!’”.
Nhưng ông Pennesi không nghe lời cha, ông đem con về ø Pietrelcina. Vài ngày sau em bé bị sưng màng phổi. Khi cha hay tin, cha kêu lên: “Nếu em ở lại San Giovanni Rotondo thì em đã không bị bệnh này”.
Trong thời gian này, cha mẹ đưa em đi bác sĩ, họ do dự không biết có phải rút nước trong phổi ra hay không? Tình trạng của em rất nặng và họ sợ nguy đến tính mạng.
Khi đó có một bà đến nhà họ, bà mang các vật dụng của Cha Piô đến và bà xin được xức trên người em bé. Cha mẹ em để cho bà làm. Lập tức Maria ngủ yên bình. Khi em dậy, nhiệt độ từ 40 xuống còn 37. Bác sĩ săn sóc em kiểm lui kiểm tới, nhiệt độ vẫn 37 độ. Kinh ngạc, bác sĩ chỉ có thể xác nhận không còn sốt và bệnh nhân đã lành hẳn. Ông kêu lên: “Phải tin vào phép lạ!”
Lúc đó cha mẹ em viết thư cho Cha Piô báo tin em được lành và hỏi cha em có đi học được chưa. Cha trả lời: “Em phải chờ mười hai ngày nữa”. Lần này thì họ vâng lời cha.
Dù bị bệnh hết năm mươi ba ngày, em vẫn đứng đầu trong các kỳ thi.
Khi gia đình đến cám ơn Cha Piô, cha nói với em Maria: “Con cám ơn Chúa đã cho con khỏi ho và còn chữa cho con lần này. Chính Ngài là người con phải cám ơn chứ không phải ai khác!”
Không mổ!
Cha Piô nói những lời này khi cha biết Chúa muốn trực tiếp chữa lành cho một người bệnh. Đó là trường hợp của bà Palma Mannelli.
Tháng 6 năm 1940, bà bị đau bụng dưới dữ dội và bị xuất huyết bên trong. Bà được đưa khẩn cấp vào bệnh viện, tại đây họ cho biết bà bị ung thư tử cung.
Bà Palma đi Florence để làm xạ trị ở Viện Xạ trị. Kết quả tốt đẹp sau một tháng chữa trị: nhưng có lành hẳn hay chỉ tạm thời? Khi cho bà về, các bác sĩ nói vài tháng sau bà trở lại tái khám.
Palma về nhà, nhưng ung thư tái phát, và lần này thì hoặc xạ trị hoặc phải cắt tử cung. Bà Palma có cô con gái tên là Liliane. Trong đêm, Liliane mơ thấy Cha Piô đến lặp lui lặp tới: “Mẹ của con sẽ lành… sẽ lành… sẽ lành hẳn”. Vì người ta khuyên bà Palma không được di chuyển nên bà nhờ chồng mình đến gặp Cha Piô để xin cha cầu nguyện cho mình được lành.
Người chồng ra đi và gặp cha hai lần về chuyện bệnh của vợ mình. Cha Piô bảo đảm với ông, bà sẽ được chữa trị lại và không cần phải mổ, ngài khuyên: “Không được mổ!”
Cùng lúc đó, bà Palma ngữi thấy mùi hương huyền bí và đặc biệt của Cha Piô, còn cô con gái Liliane thì ban đêm lại có một giấc mơ khác. Cô thấy Cha Piô cầu nguyện trước bàn thờ, tay nắm chìa khóa bằng vàng để trên quả tim. Cha nói với cô: “Con canh cả đêm phải không?” Rồi cha cho cô rước lễ, cha đưa cô đến một cái bàn nhỏ trong nhà thờ, trên bàn này có nhiều tượng Đức Mẹ Ơn Phước của tu viện San Giovanni Rotondo.
Còn về phần bà Palma, khi bà về Florence để tái khám, các bác sĩ và giáo sư của trường Đại học khám thật kỹ. Không còn một dấu vết ung thư nào! Khi đó bà biết mình đã được lành bệnh hẳn.
“Mà con đâu có bướu gì!”
Tháng 7 năm 1933, Alexandre Galeoti bị đau âm ỉ ở dạ dày, một cơn đau không những làm ông thở không được mà còn làm cho thức ăn không giữ được trong bao tử, ông chỉ uống được vài ngụm xi-rô hay nước có gaz.
Bác sĩ gia đình cũng như các bác sĩ chuyên gia không tìm ra nguyên do bệnh, dù họ đã xem xét hết các nguyên do, không phải loét dạ dày, cũng không phải ung bướu. Người bệnh không ngủ được.
Vì thế sau khi nghe nói về Cha Piô, ông muốn đi gặp cha để xin cha cầu nguyện cho mình được lành. Ông đi cùng với mẹ đến gặp cha, cha nhân lành tiếp ông và nói ông chờ cha vào buổi chiều. Ông về khách sạn, nhưng bệnh ông trở nên nặng. Ông cố gắng hết sức để không trễ hẹn với Cha Piô. Khi thấy ông, cha đến gần, cầm tay ông siết chặt vào bàn tay bị thương của mình, cha hỏi:
“Con đau đâu?
– Thưa cha, con đau đây (ông lấy tay chỉ nơi bị đau), con sợ một bướu ác tính.
– Mà con đâu có bướu gì!” Ngay lúc đó, ông Alexandre cảm thấy có một cái gì như đứt trong người, rồi nó biến mất. Ngay lập tức ông cảm thấy khỏe và tìm lại được sức khỏe.
Từ đó, ông không còn đau nữa.
Marta An Nguyễn dịch