Một buổi sáng tháng 9 năm 1918

428

Giáo dân bên di hài Cha Thánh Piô tại Rôma, 5 tháng 2-2016

Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul

Cha Piô nhận dấu thánh Chúa Kitô ngày 20 tháng 9 năm 1918. Sự kiện này đã được ấn định trong định mệnh của cha và biến cha thành một dấu chỉ cực mạnh đối với thế giới. Nhưng đâu là ý nghĩa này cho đúng? Có thể đó là điều mà Thánh Phaolô nói về chính mình khi ngài viết: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân xác cho đủ mức…” (Col 1, 24).

Những gian nan thử thách nào Đức Kitô còn phải chịu? Tự bản chất, tuyệt đối không còn gì! Các đau khổ của Ngài đã có một giá trị vô cùng, và đã cứu chuộc toàn thế giới mà không cần một đau khổ nào khác. Nếu thiếu một cái gì, thì chính Chúa quyết định điều thiếu này, và chính xác đó là sự tự do của con người nếu nó muốn tham dự vào chính sự cứu rỗi của mình. Và ở đây, điều cần thiết là phải hiểu ý nghĩa của tội theo tinh thần kitô: tội là từ chối tình yêu của Chúa. Trong tội, phải xem lại những vì Thánh Âugutinô đã nói qua lời của ngài: “Một tình yêu của tạo vật đi đến việc khinh thường Chúa”. … Một tình yêu ở ngoài thứ trật của Chúa, tạo ra lạc thú tách ra khỏi Chúa. Phải vừa yêu Chúa vừa tách ra khỏi tình yêu mang tính tội của các tạo vật. Nhưng việc tách rời này thì làm đau đớn như khi sắp lại một cái xương đã bị trật khớp. Dù vậy, đó luôn là tình yêu. Không có chuyện chấp nhận đau khổ vì đau khổ: điều này không nhân bản lại không mang tinh thần kitô, nhưng đau khổ tự đặt cho mình phải yêu thương như mình phải thương.

Các dấu thánh này luôn làm cho Cha Piô đau đớn liên tục. Chúa xin cha góp phần phi thường để bổ túc các thử thách gian nan Chúa Kitô còn phải chịu, và cha đã chấp nhận lời xin này với tất cả tâm hồn của mình. Thỉnh thoảng các con thiêng liêng của cha hỏi cha về sự đau đớn này, cha vén cho thấy một góc tấm màn che, để hé cho thấy cả một bối cảnh có thể làm cho bất cứ ai ghê sợ. Nhất là khi cha ám chỉ đến cái đau khi cha dâng thánh lễ, lúc đó cha như sống lại sự Thương Khó của Chúa. Tuy nhiên khi giáo dân muốn chia sẻ sự tử đạo này của cha, cha cho biết, cha quý các đau đớn này và với giá nào cũng không nhường cho ai. Đây là bằng chứng cho tình yêu của cha với Chúa và với các tâm hồn, cha không những chỉ chấp nhận mà còn mong ước mỗi đau đớn của mình có thể cứu cho vô số người phạm tội đến chung quanh cha. 

Sự kiện

Không ai chứng kiến cảnh Cha Piô nhận các dấu thánh. Bề trên của cha là Linh mục  Paolino de Casacalenda ngày đó ở San Marco in Lamis, một thị trấn gần San Giovanni Rotondo và các tu sĩ khác của tu viện thì đi ra ngoài. Tất cả xảy ra trong sự mật thiết giữa Cha Piô và Chúa, trước cây thánh giá mà bây giờ chúng ta còn thấy ở phòng họp, ở trên lối vào nhà thờ nhỏ. Nếu chuyện này chỉ dính tới một mình cha thì Cha Piô sẽ không bao giờ nói cho ai biết; nhưng đến một lúc, bề trên Tỉnh Dòng của cha là Linh mục Benedetto, ở San Marco in Lamis ra lệnh Cha Piô phải viết chi tiết về sự việc này. Cha Piô vâng lời. Ngày 22 tháng 10 năm 1918, cha viết như sau:

“Đó là buổi sáng ngày 20 tháng vừa qua, ở trong phòng họp, sau khi dâng thánh lễ buổi sáng; tôi ngạc nhiên thấy mình thư thái nghỉ ngơi trong một trạng thái như một giấc ngủ nhẹ nhàng… Tất cả giác quan của tôi, bên trong cũng như bên ngoài, kể cả tình trạng tâm hồn của tôi, như chìm vào trong một tình trạng yên tỉnh không thể tả được. Thêm vào đó, trong tôi và chung quanh tôi là một sự thinh lặng hoàn toàn, kế đó là một sự bình an rất lớn… Rồi, như một tia chớp, tôi thấy trước mặt tôi một nhân vật kỳ bí như người tôi đã thấy ngày 5 tháng 8, chỉ với một khác biệt: tay, chân và cạnh sườn của người đó chảy máu…”

Cha Piô bối rối, đau đớn. Bị đau, Cha Piô không đứng dậy được, cha phải bò về phòng mình, để lại vết máu ngoài hành lang. Cha ráng chùi các vết thương và băng lại để giấu các vết thương này. Khi cha bề trên Paolino về tu viện, cha thấy Cha Piô có vẻ khác thường nhưng cha không chú ý mấy… Rồi càng ngày cha càng thấy Cha Piô như giấu mình một chuyện gì. Hỏi Cha Piô, thì Cha Piô không lộ gì. Tuy nhiên không biết bằng cách nào mà cha Paolino nghe nói đến các dấu thánh. Nghi ngờ, cha muốn biết sự thật. Một ngày nọ, cha vào phòng Cha Piô mà không gõ cửa và cha biết được bí mật. Cha báo cho cha bề trên Tỉnh Dòng, cha bề trên Tỉnh Dòng dặn phải rất dè dặt và xin Cha Piô viết kể lại mọi chuyện… Từ đó chung quanh người mang dấu thánh này là một bầu khí yêu mến, thậm chí còn đưa đến việc tôn sùng, kể cả việc ghét cay ghét đắng: và đó là thánh giá của cha. Cho đến khi chết, Cha Piô là dấu chỉ của một sự mâu thuẫn. 

“Ê! Bạn làm gì vậy?”

Thời gian đầu, Cha Piô cẩn thận giấu các vết thương của mình, không những với khách mà còn với cả các bạn đồng tu. Một trong các bạn đồng tu, một thanh niên trẻ đặc biệt rất gần với Cha Piô, thấy cha trọn lòng với các đau đớn mình chịu vì tình yêu cho Chúa và cho sự cứu rỗi của các tâm hồn nên Cha Piô đã không lo chăm sóc cho mình. Một ngày nọ, Cha Piô bị đau, anh giúp Cha Piô và thấy cũng cần rửa chân cho cha. Cha Piô để cho anh làm. Khi đó mới thấy chung quanh vết thương của cha đã có những cục chai làm cho cha đi đứng khó khăn. Anh nhẹ nhàng gỡ các cục chai đã đóng vảy, rửa và lau chân cho cha, anh hôn chân cha trước khi mang bít tất. Cha Piô nói anh không được làm và kêu lên: “Ê! Bạn làm gì vậy?” Người bạn trả lời đó là thói quen anh làm cho những trường hợp tương tự. Cha Piô nói lại ngay: “Hừ! Bạn làm cho người khác, không làm cho tôi!”                                    

Một cuộc ẩu đả giữa Capuxinô và Biển Đức

Từ lâu Cha Piô bị đau thoát vị (sa ruột, hernie) làm cho cha rất đau khi đi đứng. Cha tránh mổ cho đến khi chịu không được, cha mới chịu mổ. Bác sĩ Giorgio Festa là người được trở lại nhờ Cha Piô và rất trung thành với cha, ông sắp xếp một phòng mổ trong tu viện và ngày 10 tháng 10 năm 1925 là ngày mổ. Nhưng khi bác sĩ Festa muốn đánh thuốc mê thì bệnh nhân từ chối: “Anh không cự lại ước muốn nhìn các vết thương của tôi à?”. Bác sĩ thẳng thắn trả lời: “Không”.  Cha Piô đối đáp lại: “Thấy chưa, tôi có lý để mình không bị ngủ say”. Bác sĩ cho biết, cuộc phẫu thuật sẽ lâu và rất đau, nhưng Cha Piô đã nhận lệnh không để cho ai thấy dấu thánh của mình, cha muốn vâng lệnh này dù phải đau đớn khủng khiếp. Cha giữ lời và không chịu đánh thuốc mê. Bác sĩ Festa nói, thôi thì cha uống một ly “Bénédictine” (rượu Biển Đức) để chịu đựng. Cha Piô uống một ly. Bác sĩ muốn cha uống thêm một ly nữa, nhưng cha dứt khoát từ chối: “Không, đủ rồi! Nếu không sẽ có ẩu đả lôi thôi giữa Capuxinô và Biển Đức!”

Cha Piô chịu một cơn đau quá sức con người. Cuối cùng cha bị ngất xỉu phải đem cha về phòng. Thừa dịp này, cùng với hai tu sĩ khác, bác sĩ Festa đã vội vã xem xét các dấu thánh, ông đã biết được những gì ông muốn biết.

Marta An Nguyễn dịch