Trong lần đưa di hài Cha Piô về Rôma ngày 3 tháng 2-2016
Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul
Người ta chen nhau đến hàng loạt chung quanh Cha Piô. Đa số giáo dân đến với ngài là các ông, các bà muốn trở lại sau một thời gian lang thang lầm đường lạc lối và cha hướng dẫn họ về với Chúa. Các phương pháp làm cho giáo dân trở lại của cha gây ra nhiều tranh luận: Cha Piô có cách đối xử thô bạo, đôi khi rất hung dữ, làm cho giáo dân lạc hướng. Nhưng trong cách đối xử này có những lý do rất sâu đậm. Khi giáo dân cho cha biết, sự thô bạo của cha có thể làm cho họ bối rối và có thể làm xa các linh hồn, cha trả lời: “Tôi, tôi đối xử với các tâm hồn theo những gì Chúa chỉ cho tôi”. Và những linh hồn mà Chúa chỉ cho cha, các linh hồn này cần những “chấn động” mà không có các chấn động này, họ sẽ không xa sự dữ. Chúng ta biết có một vài bệnh có thể chữa bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật. Người ta cần đến phẫu thuật khi không chữa được bằng thuốc. Tôi nghĩ Cha Piô có thể xem như nhà “giải phẫu của tâm hồn”. Khi cha buộc phải làm cho một linh hồn chấn động, thì linh hồn này có thể bị bối rối và phật ý lúc đó; nhưng nếu linh hồn này chân thành muốn được cứu thì cuối cùng họ sẽ trở về với Cha Piô. Như thế, theo cha, cách này là một chiến thuật, chứ không phải là đổ cơn giận.
Trong vòng một tháng rưỡi sau khi cha qua đời, tôi đến cầu nguyện trên mộ cha. Nhân dịp này, tôi muốn gặp cha Pellegrino Funicelli, người đã ở bên cạnh Cha Piô trong những giây phút cuối. Tôi hỏi cha Funicelli về sự thô bạo của Cha Piô. Cha nói với tôi, cha đã từng chứng kiến các vụ cãi lộn này. Có một lần là với một phụ nữ trước cửa tu viện. Nhưng một khi cánh cửa đã đóng và khi Cha Piô đã vào bên trong, thì cha bình thản và yên bình như chẳng có gì xảy ra. Tôi nhận xét, một cơn giận đích thực thì sẽ không nguội nhanh như vậy.
Cũng có những lý do khác cho sự thô bạo này. Cha Piô nhận thức rất rõ các giới hạn của tạo vật khi đứng trước mặt Chúa, cha không chịu đựng được khi thấy sự tôn sùng, cuồng tín mà cha là nạn nhân, nên cha phản ứng một cách hung bạo đối với các thái độ này. Phải biết là dưới lớp võ sù sì này là một tâm hồn rất dịu dàng và rất nhạy cảm; có thể cha tìm cách tự bảo vệ mình để không phản lại bản chất của mình. Như thế các khác biệt về cách đối xử của cha phải được xem xét rất cẩn thận.
Một bích chương thơm ngát
Nhà điêu khắc Francesco Messina nổi tiếng thế giới, từ nhỏ ông không được học đạo, ông xa mọi sinh hoạt nhà thờ. Bản chất thực tiển, ông dị ứng với mấy câu chuyện về phép lạ.
Mùa xuân năm 1945, ông tổ chức một buổi triển lãm các tác phẩm của mình ở thành phố Genova, nước Ý. Một buổi chiều nọ, cùng với vợ, ông ăn cơm tối với một nhóm bạn rất tôn kính Cha Piô. Họ nói chuyện với ông rất lâu về tu sĩ Dòng Capuxinô Gargano và cho ông xem một quyển tiểu sử khổng lồ của ngài. Ông Messina lật lật xem và đánh động sâu đậm bởi ánh nhìn sắc bén của tu sĩ này, y như trong hình.
Sau bữa ăn tối, ông và vợ đi về khách sạn. Nhưng ông khó ngủ khi nghĩ đến ánh nhìn này. Khoảng năm giờ sáng, ông bị đánh thức dậy vì chuông điện thoại reo. Ai vậy? Có tin gì mà phải điện thoại vào giờ này? Vì giờ giấc trái khuấy và sau một đêm mất ngủ, ông bực tức cầm điện thoại. Bực tức càng tăng khi ông nghe đầu dây bên kia là tiếng của người bạn thơ ấu, anh cho ông biết, anh ngữi thấy mùi hương của Cha Piô khi anh đứng trước bích chương giới thiệu buổi triển lãm của nhà điêu khắc ở quảng trường De Ferrari.
Người bạn còn nói thêm, đó là sự “trùng hợp”: anh phải đến gặp Cha Piô gấp vì mùi hương là tiếng gọi. Saltamerenda, tên của người bạn, còn nằn nì anh phải đi. Messina chỉ muốn tống khứ bạn mình đi… khuất mắt!, nhưng ông kềm lại. Để thoát khỏi người bạn phiền hà này, anh hứa sẽ suy nghĩ và xin lỗi có việc phải đi Milan, ở đó anh có một việc rất quan trọng.
Rồi ông đi Milan, nhưng đầu óc ông cứ nghĩ về Cha Piô hoài. Cuối cùng, ông nói: “Mình phải đi gặp ngài!” Một ít thời gian sau, ông nói chuyện lại với người bạn Saltamerenda, hai người quyết định đi với nhau đến San Giovanni Rotondo.
Khi họ đến tu viện, trời đã tối và Cha Piô đã về phòng. Nhưng Saltamerenda quen biết các tu sĩ và nằn nì xin họ để cho mình vào. Cha Piô tiếp anh Saltamerenda một cách cục mịch. Rồi cha quay qua Messina hỏi: “Còn con, con muốn gì?” Messina trả lời mình muốn gặp cha từ lâu và bây giờ ao ước của ông mới được thành tựu và ông xin phó mình trong tay cha. Cha Piô nói ngắn gọn: “Con có thể nói, con đang ở trong tay cha!” Rồi cha nói cả hai vào nhà thờ chuẩn bị xưng tội, còn cha sẽ xuống giải tội sau. Messina muốn giải thích, mình chưa sẵn sàng cả về mặt tâm lý lẫn thiêng liêng để xưng tội, nhưng cha đã đi xa. Một lúc sau khi cha xuống nhà thờ, Messina hấp tấp đến nói với cha mình chưa sẵn sàng. Cha Piô chận ông ngay: “Con, không nói gì hết, trả lời cho cha! ”, và cha bắt đầu rà lại từng chi tiết tất cả tội của Messina từ khi còn nhỏ cho đến bây giờ. Đứng trước tấm kiếng thiêng liêng lục soát không thương tiếc tất cả ẩn khuất tâm hồn ông, Messina xanh mặt và quy hàng hoàn toàn. Ngày hôm sau, ông dự thánh lễ của Cha Piô và rước lễ.
Đời ông thay đổi hoàn toàn và ông trở thành một trong các người con thiêng liêng của Cha Piô. Ông hay nói: “Tôi sinh ngày 11 tháng 4-1949” – đó là ngày ông gặp Cha Piô. Cho đến khi cha qua đời ông thường đến San Giovanni Rotondo để gặp cha, ông khắc cho cha một Chặng Đàng Thánh Giá khổng lồ mà khách hành hương có thể chiêm ngắm khi họ leo lên đồi, gần nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phước.
“Đó là lạc giáo!”
Trường hợp của ông Frédéric Abresch thì như hòn đá cổ ngàn năm trong danh sách các vụ trở lại nhờ Cha Piô. Ông là người Đức, ông từ tin lành qua công giáo, không phải do xác quyết của mình, nhưng để phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Sau đó ông theo khoa học huyền bí, nhưng cũng không tìm được bình an tâm hồn. Thỉnh thoảng người ta thấy ông ở nhà thờ, nhưng ông đi nhà thờ là chỉ để làm vui lòng vợ, vợ ông là người công giáo và rất mến mộ Cha Piô.
Bị vợ thúc đẩy, một ngày nọ, ông Frédéric Abresch đến San Giovanni Rotondo để tìm hiểu Cha Piô, người mà ông nghe kể nhiều chuyện phi thường về cha. Buổi gặp gỡ đầu tiên của ông là vào tháng 12 năm 1928. Đầu tiên, ông tỏ ra dửng dưng, cho đến khi ông xưng tội với Cha Piô. Cha cho ông biết, trong những lần xưng tội trước, ông đã không xưng các tội nặng, cha hỏi ông là do không nhớ hay cố ý quên. Ông Abresch cố gắng biện minh, ông cho việc xưng tội là hữu ích nhưng ông không tin vào bản chất siêu nhiên của nó. Nghe vậy, Cha Piô đã thốt ra một chữ rất nặng và rất đau, khác với bình thường: “Đó là lạc giáo!” Rồi cha nói thêm, tất cả các lần xưng tội trước là phạm sự thánh, phải bắt đầu lại từ con số không. Ông Abresch phải dọn mình và phải nhớ lại lần cuối mình xưng tội đàng hoàng là lần nào. Rồi cha rời ông để đi giải tội cho các bà khác. Ông Abresch lúng túng, ông không nhớ gì những chuyện đã xảy ra trong quá khứ.
Khi Cha Piô trở lại phòng thánh, ông Abresch vẫn đang còn hoang mang. Khi đó Cha Piô bắt đầu trước, ngài hỏi ông từng chi tiết những chuyện đã xảy ra, sau đó ngài nói: “Ông đã ca ngợi Satan, trong khi Chúa Giêsu, trong tình yêu vô tận của Ngài, lại chết vì ông”. Sau khi nhìn lại tâm hồn mình, ông Abresch ăn năn hối cải vô cùng. Được tha tội, ông ra khỏi tòa giải tội lòng hân hoan, trẻ trung, tâm hồn trọn một niềm vui không tả được.
Nhưng câu chuyện chưa ngừng ở đó. Vợ ông, người giục ông đi gặp Cha Piô lại ở trong tình trạng đau khổ: bà sẽ bị mổ và bác sĩ nói sau vụ mổ này, bà không hy vọng có con. Trong khi bà ao ước có con. Ông Abresch hỏi ý kiến Cha Piô. Sau khi cầu nguyện, cha nói: “Không mổ gì hết!” Từ đó, bà thấy mình được lành hoàn toàn. Hai năm sau, Cha Piô tiên đoán, bà sẽ có con trai và con bà sẽ là linh mục, và đã được xảy ra như cha nói.
Naïr, con người nhiệt tình
Ở Bologne có một phụ nữ nghị lực, bà ở trong số những người, mà khi họ có một chính nghĩa thì họ làm đến cùng. Họ muốn hoặc được, hoặc không. Phụ nữ đó tên là Italia Betti, nhưng người ta thường gọi là Naïr. Bà quyết định vào hàng ngủ đàn ông để chiến đấu cho công chính. Đầu tiên, bà nghĩ, cuộc chiến này chỉ có thể thắng nhờ cộng sản.
Sinh ra trong một gia đình có mười ba người con, bà hy sinh rất nhiều để có được bằng tiến sĩ và dạy toán-lý ở trường Galvani ở Bologne. Vào đảng cộng sản, bà nhanh chónh trở thành cán bộ nhiệt thành. Sự dấn thân của bà như một người… đi tu dũng cảm! Sau một thời gian dài đi trên con đường này, cuối cùng bà cảm thấy mệt mỏi, vừa cả thể xác lẫn tinh thần, vì bà nhận thấy, ngay cả chủ nghĩa cộng sản cũng không mang lại giải pháp cho mục đích bà đã ấn định lúc đầu: công chính. Chính trong giai đoạn này mà bà nằm mơ thấy Cha Piô. Cha đứng gần một căn nhà mà mình không thể vào mà không hãi sợ. Phải chọn: hoặc vào mà kinh hoàng, hoặc đứng ngoài mà được bình an. Bà bị đánh động bởi giấc mơ này, và để hiểu chuyện kỳ bí này, bà quyết định đi hỏi Cha Piô.
Bà đến San Giovanni Rotondo với mẹ và chị của mình. Đó là ngày 14 tháng 9 năm 1949. Bà dự thánh lễ của cha và thánh lễ này đã mở ra cho bà các chân trời của đời sống thiêng liêng đến mức bà cảm thấy mình phải suy nghĩ thêm, bà ở trong nhà thờ hai giờ. Sau đó bà xưng tội với Cha Piô, bà hiểu trận chiến vì công chính chỉ có thể làm trong tầm nhìn kitô. Khi đó bà trở lại và tập trung tất cả năng lực của mình vào con đường thiêng liêng mà Cha Piô hướng dẫn cho bà.
Bà không muốn rời San Giovanni Rotondo nữa. Bà bỏ tất cả những gì đã có ở Bologne, bà xây một căn nhà nhỏ gần căn nhà đã làm cho bà trở lại. Bà qua đời ngày 26 tháng 10-1950. Trong di chúc, bà viết: “Sự trở lại với đức tin, một đức tin mà tôi đã vứt bỏ trong hai mươi năm, là hoàn toàn sáng suốt, chứ không phải tôi sợ mất sự sống… Đó thật sự là tiếng gọi của lương tâm để tôi được thanh thản. Chỉ một ít ngày là đủ để tôi nắm được chiều sâu của cuộc sống không phải là cuộc sống mà tôi sống từ trước đến lúc đó. Tôi hiểu một cách không chối cãi, thật phi lý để nghĩ rằng con người – những sinh vật nhỏ bé có tổ chức của vũ trụ – là những yếu tố phối hợp cho mọi giáo huấn của con người.
“Con người là tạo vật thần thánh: như thế nó phải cảm nhận mình là một phần, chứ không phải tất cả; nó phải biết, nó không là gì, nó chỉ là một chút mảnh năng lượng, mà mỗi giây phút, nó đều phải cần một người hướng dẫn để giúp nó đi tới đàng trước”.
“Thôi đủ rồi!”
Là người Toscan, ông Giovanni Bardazzi không thiếu nhiệt thành, không thiếu táo bạo. Một cách nhanh chóng, ông trở thành người có chức vụ trong đảng cộng sản ở Prato. Mục đích của ông: sắp xếp mọi sự vào thứ trật theo chương trình của đảng. Ông không thể chịu đựng cặp mắt nhìn của các linh mục, các tu sĩ cả nam lẫn… nữ! Một hôm, ông thấy các “nữ tu” ở trong nhà! Tôi không dám kể, ông đuổi họ ra khỏi nhà ngay lập tức, ông giận vợ vì đã mời họ vào. Ông muốn biến tất cả nhà thờ thành phòng nhảy đầm và ông ra sức để làm như một tên tù khổ sai.
Nhưng có một đêm, ông năm mơ thấy một tu sĩ có râu, hai tay mang găng len, tu sĩ này nói với ông: “Thôi đủ rồi nghe! Đã đến lúc phải chấm dứt! Tôi chờ ông ở San Giovanni Rotondo!” Ông Bardazzi rất ấn tượng về giấc mơ này: nhưng người tu sĩ đó là ai? San Giovanni Rotondo ở đâu? Ông kể cho vợ nghe chuyện này, bà không những kể về Cha Piô và San Giovanni Rotondo mà bà còn khuyến khích ông đi San Giovanni Rotondo để biết cho rõ. Ông ngần ngại: “Đi hay không đi đây?” Ông để một thời gian trôi qua rồi ông quyết định đi, tâm hồn ông mới được yên. Một ngày nọ, ông lên đường đi với vợ và vài người bạn.
Đến San Giovanni Rotondo, ông đưa vợ và các bạn vào tu viện của Cha Piô. Còn ông thì đến phân bộ đảng cộng sản ở đây để biết về Cha Piô. Chắc chắn họ sẽ xác nhận bản chất của nhà thần nghiệm này… Nhưng, ông rất ngạc nhiên khi thấy các đồng chí không chia sẻ cùng quan điểm với ông. Cha Piô há, đừng đụng vào!… Mấy đồng chí hâm hẩm này bị gì vậy? Ông Bardazzi không hiểu gì. Chỉ có việc là ông phải đến tu viện để tận mắt thấy và nhận định. Tại chỗ, thêm một ngạc nhiên khác: một đám đông chờ để vào nhà thờ, trong lúc chờ đợi, mọi người đều cầu nguyện, tay cầm trạng hạt! Cả đàn ông cũng vậy! Ông lại càng không hiểu. Nhưng ông rơi vào thế giới nào đây?!…
Ông tự nhủ ngày mai mình sẽ nói chuyện với Cha Piô và ông sẽ làm cho ra lẽ. Ông tin chắc tất cả những chuyện này là chuyện huyền bí hóa để đánh lừa người dân khốn khổ. Đúng, nhưng phần ông, ông sẽ không để mình bị đánh lừa! Cha Piô đến và khi thấy cha đến thì ông bắt đầu run từ đầu đến chân. Quỷ ma! Chuyện gì vậy? Đến gần ông, Cha Piô thì thầm: “Con chiên ghẻ đã đến!” Chết giấm! Một lời khen đây sao! Nhưng bỗng ông Bardazzi cảm thấy mình bị bao phủ bởi một bầu khí lạ lùng và ông không tránh được cơn sốt thiêng liêng làm ông choáng váng.
Sáng hôm sau, ông dự thánh lễ Cha Piô làm ở bàn thờ Thánh Phanxicô trong nhà nguyện cũ. Ông Bardazzi tìm chỗ ngồi cách nào để có thể thấy rõ Cha Piô. Đến phần Dâng Lễ, cha quay lại, và giáo dân thấy hai bàn tay trần với các dấu thánh ở giữa, máu chảy chung quanh. Những người dự thánh lễ hốt hoảng, họ giữ thinh lặng và buồn bã vì thấy nét mặt cha lộ ra đau đớn. Ông Bardazzi muốn có một bằng chứng: “Nếu đúng là Cha Piô đau lúc Chúa Giêsu Kitô chịu Thương Khó, thì vì sao ông lại không cảm thấy mình dự phần?” Ông dám nghĩ như vậy! Bỗng nhiên ông cảm thấy có một cơn đau không chịu đựng nổi; nó chỉ kéo dài một lúc mà ông có cảm tưởng như một thế kỷ!
Và thế là người hùng dũng vùng Toscan của chúng ta được đưa vào bầu khí siêu nhiên bao trùm quanh Cha Piô. Ông bị chưng hửng. Những chuyện xảy ra ở một khía cạnh mới; dưới ánh sáng của ân sủng, ông cảm thấy mình đầy cả tội. Ông muốn đi xưng tội và đến gần Cha Piô, cha nói với ông: “Con nói với cha một chút, Chúa đã làm gì cho con?” Ông Bardazzi đối đáp lại: “Không có gì, tôi còn không biết Chúa có tồn tại không? Dĩ nhiên Chúa có tồn tại”. Hai người nói chuyện với nhau thật sít sao, nhưng kết thúc là “chẳng có gì làm được!”
Đối với Cha Piô thì người này chưa sẵn sàng và cha nói thẳng: “Cha không thể xá tội cho con, cha không muốn xuống địa ngục vì con!” Còn ông Bardazzi thì rơi trong một tình trạng đen tối hoàn toàn. Ông moi đầu moi óc, tự vấn lương tâm và quyết định đi ra khỏi mớ bòng bong này, đi ra một cách trong sáng và xác quyết.
Cuối cùng, dần dần, nhờ ơn Chúa và lời cầu nguyện của Cha Piô, ánh sáng lớn dần trong tâm hồn ông. Ông thấy con người thật của mình dưới mắt Chúa, ông chân thành xin Chúa tha thứ. Rồi ông trở lại xin Cha Piô xá tội.
Từ đó ông hoàn toàn thay đổi, ông về lại Prato, bỏ đảng cộng sản, mặc cho các bạn cũ chê cười, tâm hồn ông rất vững mạnh, sự xác tín thiêng liêng này nhờ Cha Piô giúp ông mới có được và ông bắt đầu một đời sống mới.
Marta An Nguyễn dịch