Trẻ em chạy chơi trên các con đường trải thảm hoa
fr.aleteia.org, Marinella Bandini, 2017-06-21
Ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa, cộng đoàn nhỏ Genzano gần Rôma trải thảm hoa trên các con đường. Một truyền thống đẹp có từ 200 năm nay. Chúng tôi gặp ông Gino, người tổ chức sự kiện này.
“Khi trái thông có ba màu!”. Khi ông Gino đắm chìm trong màu sắc của cây cối, hoa trái để chuẩn bị cho sự kiện Hội Hoa Infiorata, đôi mắt của ông sáng rực lên. Ở tuổi 70, khám phá được trái thông có ba màu khác nhau thì đó là một “kỳ công”. Ngoài ra còn có các khám phá khác, bắp, gạo, cám, hoàng dương.
Infiorata là sự kiện nghệ thuật quốc tế của ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa
Genzano là một thị trấn của Castelli Romani, cách Rôma 20 cây số về phía Nam. Lễ hội Infiorata dinh liền với lễ Mình Máu Thánh Chúa và trở nên một sự kiện nghệ thuật quốc tế, đã làm cho thị trấn nhỏ này bây giờ trở thành nổi tiếng. Vào dịp này, con đường chính trải thảm hoa làm bằng cánh hoa và cây cối. Một truyền thống có từ 200 năm nay truyền từ đời cha đến đời con.
Gino là nghệ nhân của công trình, là cả một trường phái. Khi ông bắt đầu, ông chỉ mới là đứa con nít. Đó là vào lúc sau chiến tranh. Ông đi theo người lớn vào các cánh đồng, vào rừng để nhặt đủ các loại hoa và rau cỏ thực vật. Công trường là nơi làm việc khó nhọc nhất, cần lao động chân tay nhưng cũng cần cả sáng tạo. Phải học để biết phải đi đâu để nhặt vật liệu, màu sắc, phải biết làm việc với cây cối và gìn giữ chúng.
Một tổ chức có tính đòi hỏi cao
Ông Gino làm việc rất tỉ mỉ, xem từng chút vật liệu. Những gì bền bỉ không hư được bảo quản trong các túi xắc cất ở kho của tòa thị chính. Hoa và cây cối được đưa đến một, hai ngày trước ngày lễ để giữ độ tươi. Khi hoa đến, phải tận dụng tất cả thời gian. Hoa không được hư. Khoảng 70 đến 80 người bắt đầu tách cánh hoa ra khỏi cành. Đó là công đoạn “bóc vỏ”, hoa cẩm chướng và hoa đậu kim là các hoa được dùng nhiều vì cánh hoa to và dễ bảo quản, ngày xưa thì người ta dùng tất cả loại hoa. Để có một mét vuông thảm hoa, phải cần từ 250 đến 300 hoa cẩm chướng.
Đám đông đi trên các hình vẽ dưới đất
Trong xưởng của mình, ông Gino luôn duy trì một tinh thần làm việc thân tình. Đích thân ông nấu ăn mỗi buổi chiều cho các người làm việc, ông là chủ tiệm ăn. Ngày xưa người ta vừa làm vừa hát trong công đoạn “bóc vỏ”. Bây giờ không còn nữa, cũng như bây giờ chúng ta đã đánh mất ý nghĩa ý nghĩa “làm việc nhưng không” trong các công việc.
Tuy vậy niềm đam mê nơi ông vẫn còn. Ông Gino đã đào tạo hai người trẻ, dạy cho họ “bí mật” nghề nghiệp và bây giờ chính họ điều khiển “công trường”.
Marta An Nguyễn dịch