petitapetitour.com, 30-10-2014
Sau ba tuần gặp gỡ, cầu nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha, bây giờ chúng tôi đang rời Argentina, nhân đây tôi nhìn lại những gì chúng tôi đã thấy ở xứ sở của Đức giáo hoàng Phanxicô. Chúng tôi muốn thấy một Giáo hội trong nét đa dạng của nó, với các truyền thống, các văn hóa khác nhau, để hiểu hơn cái gì đã làm Giáo hội Argentina đồng nhất, phổ quát; cũng như tự hỏi về cách chúng tôi giữ đạo theo kiểu châu Âu ở Pháp. Những gì chúng tôi thấy trong ba tuần vừa qua đã không làm cho chúng tôi thất vọng.
Đầu tiên hết, tôn giáo gần như hiện diện trong đời sống của người Argentina. Lòng mộ đạo bình dân, đó là cách người dân gọi như vậy, thì rất hiển hiện ở đây. Chuyện không hiếm thấy ở đây là ngay ngoài đường, trên xe buýt, người dân Argentina làm dấu thánh giá mỗi khi đi ngang nhà thờ hay thấy một nữ tu mặc áo dòng, và sau khi làm dấu, họ hôn ngón cái và ngón trỏ, hai ngón này gấp lại với nhau thành hình thập giá, họ làm một cách tự nhiên ba, bốn lần liên tiếp mà chẳng làm ai ngạc nhiên. Lại thêm Jean và Quentin khi nào cũng ở bên cạnh tôi để nhắc chừng sợ tôi quên!
Còn nếu bạn cầm một bức tượng nhỏ Đức Mẹ Luján (thánh bổn mạng của Argentina) đi ngoài đường ở Buenos Aires, thì bảo đảm với bạn, cứ năm phút bạn sẽ thấy có ít nhất ba người đi đường dừng lại để xin sờ hay hôn tượng Đức Mẹ. Tôi chưa bao giờ dám thử cầm tượng Đức Mẹ Lộ Đức đi trên các đại lộ khu Champs Elysées ở trung tâm thành phố Paris, nhưng tôi không chắc sẽ có cùng kết quả.
Như thế ở góc này của thế giới, tôn giáo mở ra một cách tự nhiên. Tôi tự nhủ, không nhất thiết phải chối bỏ gốc gác của mình, người Pháp chúng tôi có thể có mặc cảm hơi nhiều, nói đúng hơn là quá rụt rè. Ở đây, tuyên xưng đức tin là niềm tự hào quốc gia! Trong tất cả các nhà thờ chúng tôi viếng thăm, ca đoàn được trang hoàng bằng cờ Argentina và hình ảnh của Đức Phanxicô. Đôi khi ngoài mặt tiền nhà thờ còn phủ cả một băng rôn khổng lồ “Hoan hô giáo hoàng Argentina của chúng ta!”. Hình như việc tôn thờ mang tính quốc gia này chỉ bắt đầu khi hồng y Jorge Bergoglio lên ngôi Thánh Phêrô, nói như vậy không phải là nói xấu, tôi không trách niềm tự hào và say sưa của họ.
Ngược lại có những yếu tố khác làm tôi thắc mắc hơn. Trong ngôi làng nhỏ Iruya ở phía bắc Argentina, sát biên giới Bolivia, muốn đến đó phải đi 3 giờ đường đất ở một độ cao 4000 mét, chúng tôi đã dự một lễ “bổn mạng” lạ kỳ. Trong buổi lễ hàng năm rất phổ thông này, phổ thông vì cả làng đều tham dự. Các thế hệ già trẻ lớn bé tụ họp nhau lại ở trung tâm, chuông nhà thờ reo inh ỏi, trong khi hàng chục người dân tộc thiểu số mặc y phục truyền thống, đầu phủ mặt nạ trắng kiểu giấy cắt nham nhở, đội mũ hình con bò tót hay con ngựa, nhún nhảy xô đẩy nhau cho té trước cửa nhà thờ. Các cuộc “đấu” này có thể hung bạo nhưng lại làm cho dân chúng sảng khoái. Chung quanh cuộc ẩu đả có nhịp điệu này là ảnh tượng các thánh và Đức Mẹ, mặc những bộ áo đẹp nhất, trang hoàng hoa nhựa đủ màu.
Ngoài những ảnh tượng này, người ta không thấy có một cái gì mang tinh thần Kitô trong các buổi biểu diễn ngoài đường như thế này. Sau một lúc thì có một người đàn ông đứng từ lâu bên bóng nhà thờ tiến ra. Đó là giám mục ẩn nấp, mọi người đứng yên. Ngài ban phép lành rất lâu trên các người “đang nhảy”. Tất cả dân làng làm dấu nhiều lần (lần này thì chúng tôi không còn ngạc nhiên). Rồi giám mục rảy nước trên người đứng đầu các vũ công, ông này đội cái mũ bò tót đen trên đầu, giống như bắt chước lễ rửa tội. Rồi lại bắt đầu đấm đá nhau. Sau 45 phút – đúng là lâu – Jean và Quentin cùng chia sẻ lòng nghi ngờ của tôi đứng trước loại pha trộn nghi thức lễ lạc mang tích cách Kitô giáo và lương dân này.
Chắc chắn là chúng tôi rất ngạc nhiên với Giáo hội Argentina. Cả ba chúng tôi thảo luận lại với cha Hermano Juan-José, bề trên Dòng Phan Sinh ở Jujuy mà các vị bề trên trước của Dòng đã rao giảng Phúc Âm ở miền đất Nam Mỹ này, chúng tôi hiểu là không có gì dị giáo ở đây vì Giáo hội có thể thích ứng với các văn hóa, các lịch sử, các não trạng đặc biệt của từng sắc dân nhưng sức mạnh và chân lý lời giảng của họ không bị biến chất. Và phải tin tưởng giáo dân để nhận định thế nào là tôn trọng truyền thống địa phương và dị giáo.
Dần dần sau vài tuần, chúng tôi thấy các khía cạnh ngạc nhiên khác của Giáo hội Argentina. Đặc biệt người Argentina không giữ đạo: có khoảng chừng 15% người dân đi lễ ngày chúa nhật. Khi nhớ lại hình ảnh người dân làm dấu khi đi ngoài đường, tôi không chắc là tôi đã hiểu họ. Mặt khác, các nữ tu xác nhận cho chúng tôi biết, rất ít người dân nghèo trong các khu phố họ đi thăm đi xem lễ, trong khi các bức tường nhà của họ thì phủ đầy hình ảnh mộ đạo.
Cha Sergio cũng cho chúng tôi biết nước Argentina cũng đối diện với vấn đề ơn gọi sút giảm như ở châu Âu. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống người dân Argentina, lòng mộ đạo bình dân nhìn bề ngoài thì rất mạnh này là phản ảnh của truyền thống nhiều hơn hay đây chỉ là dị đoan chứ không phải là một đức tin sống động và tự giác? Đương nhiên tôi không phải là người phán xét việc này.
Cuối cùng, chính trong Tông huấn của Đức Phanxicô mà tôi tìm được câu trả lời cho các câu hỏi này. Ngài nói, “Không phải biện minh cho lôgic của nhập thể mà nghĩ tinh thần Kitô giáo là đơn văn hóa và đơn điệu” (§117). Vậy thì lòng mộ đạo bình dân, “di sản quý báu của Giáo hội Công giáo” (Bênêđictô XVI), là cách diễn tả nguyên thủy của hành động có tính cách truyền giáo tự phát của dân Chúa […], một hiện trạng được phát triển liên tục nơi có Thần Khí là tác nhân đầu tiên”.
Hôm nay chúng tôi hiểu, trong năm nay, chúng tôi sẽ thấy các thánh lễ, các nghi lễ tôn giáo “hơi kỳ lạ”, nhiều lần chúng tôi có cảm tưởng mình sẽ ngờ về các mâu thuẫn, các chuyện đi ngược chiều này. Tôi tự nhủ phải giữ một tinh thần phê phán nhưng nhất là phải giữ một khả năng kinh ngạc của “Giáo hội này, một Giáo hội đón nhận các văn hóa khác nhau, một Giáo hội là hiền thê mang nhiều trang sức xinh đẹp (Is 61, 10)” (§116).
Geoffroy
Marta An Nguyễn dịch