fr.aleteia.org, Marie-Laure Castelnau, 2017-05-21
Chịu đựng chướng khí của trẻ con, tính tình khó chịu của trẻ vị thành niên… Mỗi ngày, sự kiên nhẫn của cha mẹ bị thách thức. Làm sao học kiên nhẫn và để tiến bộ?
Kiên nhẫn là gì? “Dù sao tôi cũng không biết kiên nhẫn là gì”, Ioanna, 40 tuổi phá lên cười, bà là mẹ của hai đứa con trai nhỏ. Thường thường các bà mẹ bị stress, khi nào họ cũng vội vã, cũng chạy theo thời gian, họ có cảm tưởng như mình chưa làm nhanh đủ. “Nhanh lên con”, “Mẹ kêu mà sao các con chưa tới ăn?”, “Nhanh lên, lam bài xong còn thay đồ đi ngủ”. Kết quả: căng thẳng càng lúc càng tăng và nổ bùm! Vậy mà ai cũng biết căng thẳng chẳng giải quyết được gì!
Đứng trước kiên nhẫn, đàn ông, đàn bà đều ngang nhau
Nhưng đàn ông không chắc đã kiên nhẫn hơn đàn bà, ở sở cũng như ở nhà.
Ông Stanilas 53 tuổi cho biết: “Nhiều khi tôi bực lên với cô thư ký hay các cộng sự của tôi nếu buổi họp kéo dài quá lâu. Ở nhà cũng vậy, nếu tôi mệt, tôi khó chịu đựng được mấy tiếng la hét của trẻ con”. Nhà tâm lý Serge Ginger nói: “Chúng ta là hai giống loài khác nhau, nhưng về mặt kiên nhẫn, thì não bộ của đàn ông, đàn bà giống nhau. Cả hai đều bị ảnh hưởng của kích thích tố”.
Vì thế, đây là vấn đề của bản chất hay của cá tính. Trong một cặp, khi nào cũng có một trong hai kiên nhẫn hơn người kia. Và đôi khi các vai trò đổi ngược nhau tùy theo lúc, tùy theo chủ đề. Vậy mới là sức mạnh của đôi cặp!
Bản đồ địa lý của lòng kiên nhẫn
Bà Lola, 54 tuổi, nhà diễn thuyết người Nga nhấn mạnh đến một điểm rất đúng: “Đây cũng là ảnh hưởng của văn hóa”, trong các xa phương Tây hiện đại, kiên nhẫn thường khó đi đôi với nhịp sống. Ở một vài nước, một vài nền văn minh, lòng kiên nhẫn được trau dồi nhiều hơn. Bà nói tiếp: “Như nước Nga chúng tôi và ở Á châu, Phi châu, kiên nhẫn là một phần của nền văn hóa”.
Quả thật, lòng kiên nhẫn là một đức tính được chú trọng trong Phật giáo, trong khi nó ít được đặt nặng trong xã hội vật chất, nơi mọi sự phải được làm nhanh và có hiệu quả như mình mong muốn. Kinh Pháp Cú, một trong các kinh cổ nhất của Phật giáo dạy: “Biết chịu đựng kiên nhẫn là một đức hạnh tối cao”. Như thế người ta có thể thấy ở đây lòng kiên nhẫn có bản đồ địa lý của nó.
Mình mất kiên nhẫn với bất cứ ai?
Phải thành thật để trả lời: không! Nếu ông chủ chậm trả lời cho mình, mình bực mình nhưng không lộ ra mặt. Ngược lại, nếu chiều về nhà, con cái quên phụ dọn cơm thì cẩn thận!
Kiên nhẫn là gì?
Theo định nghĩa của tự điển, kiên nhẫn là “thái độ không bực mình lên trước các khó khăn, chịu đựng các khiếm khuyết, các sai lầm vvv. Đức tính của một người biết thanh thản chờ. Kiên trì, chăm chú làm một cái gì, theo đuổi một hoạch định”. Như thế phải có: kềm chế mình, chịu đựng, bình tâm, kiên trì.. Tất cả các đức tính này cùng một lúc? Không, nhưng đừng nản chí! Và ngay từ bây giờ cố gắng kiên nhẫn! Bạn làm mỗi việc từng chút một, như văn hào Rabelais nói “mọi sự đến đúng giờ cho ai biết chờ”.
Kiên nhẫn chìa khóa của một đời sống triển nở
Qua thế giới và qua các điều mình tin, lòng kiên nhẫn có một phẩm chất thiết yếu cho những ai cảm nghiệm được khôn ngoan. Một loại nghệ thuật hy vọng. Theo mục sư Jean Ruland, kiên nhẫn là “nét cá tính cần thiết nếu bạn muốn có bình an và kiên trì trong cuộc sống. Kiên nhẫn là chìa khóa của một đời sống triển nở”. Kiên nhẫn cũng thường được dạy trong Sách Thánh, sách nhấn mạnh những điểm lợi của tính kiên nhẫn trong cuộc sống chúng ta và dạy cho chúng ta biết, kiên nhẫn mang lại bình an. Bà Lola nhấn mạnh một cách thuyết phục: “Trên lý thuyết, đức tin mang đến cho chúng ta hy vọng, vì tin ở Chúa là phó thác và tin tưởng vào Ngài”.
Kiên nhẫn, rồi thì cuối cùng người ta cũng chăm chút nó
Nhưng chúng ta có thể học được kiên nhẫn không? “Các bạn hãy tin tưởng vào kinh nghiệm đau đớn của tôi, đúng, kiên nhẫn có thể học. Học và cuối cùng mình lại chăm chút nó. Bạn có thể yêu cái mà hôm nay bạn ghét và ngược lại”, một người bị tai nạn giao thông phải học sống, học đi cho biết. Một bà mẹ gia đình 50 tuổi cũng có cùng quan điểm: “Dần dần khi các con lớn lên, lòng kiên nhẫn của tôi cũng lớn theo. Vì tôi học được từ các lỗi lầm của tôi và tôi nhận thấy sốt ruột, bực mình chỉ làm kiệt sức và đôi khi lại không mang lại kết quả nào”.
Một vài lời khuyên để tiến bộ
– Tìm hiểu để nhận ra các yếu tố làm chúng ta mất kiên nhẫn: stress, mệt, khó khăn tài chánh, sợ… và cố gắng tránh những chuyện này nhiều nhất có thể.
– Đặt các câu hỏi đúng. “Trước khi tỏ ra mất kiên nhẫn, phải đặt những câu hỏi sau: có quan trọng không? Cái gì ở đàng sau sự vội vàng của mình? Cái hụt hẫng nào, cái ước muốn nào sẽ phù với nó?”, nhà tâm lý gia Bernard Hévin đề nghị nên đặt các câu hỏi trên. Theo cách này, chúng ta có thể gỡ bỏ một phần tính mất kiên nhẫn của mình.
– Biết buông bỏ. “Khi đứa con trai 3 tuổi của tôi nằm vạ, tôi bật nút off, và thay vì tìm cách chận nó, thay vì la hét nó, tôi cười với nó và bỏ đi vào bếp. Thường thường nó hết nằm vạ rất nhanh!”, cô Juliette, 32 tuổi kể kinh nghiệm của mình.
– Chấp nhận giao việc lại cho chồng, hay cho một người thứ ba nào khác như bà nội-ngoại khi thấy mình hết sức chịu đựng.
– Cả hai, bỏ thì giờ ra ở một mình vì rất quan trọng để nghỉ ngơi lấy sức, để có một độ lùi và thường sau vài giờ, vài ngày xa nhau, mọi người vui vẻ gặp lại nhau.
– Nên hỏi ý nhau, giữa vợ chồng cũng như giữa bạn bè và trao đổi là điều thiết yếu của vợ chồng và quan trọng là phải nâng đỡ nhau.
Marta An Nguyễn dịch