“Kính ngài Macron, xin ngài hãy là một tổng thống của văn chương”
lemonde.fr, Eric-Emmanuel Schmitt, Hàn lâm viện Goncourt, 2017-05-14
Nước Pháp nổi bật với truyền thống văn chương của nó. Một vài tổng thống của nền Đệ Ngũ Cộng hòa cho thấy rõ rệt họ gắn bó với chữ nghĩa. Emmanuel Macron phải nối lại với quá khứ này, ông Eric-Emmanuel Schmitt, Hàn lâm viện Goncourt viết trên diễn đàn của ông.
Sắp tới đây, một tân tổng thống sẽ điều khiển nước Pháp. Tôi chân thành chúc ông thành công, vì tôi chúc chúng ta, tất cả chúng ta, một cách mãnh liệt là phải thành công. Emmanuel Macron trẻ (không trẻ mãi), thông minh (sẽ còn), có năng khiếu (sẽ giúp ông), nhân bản (phải trau dồi mãi), khiêm tốn (dễ quên lắm), tham vọng (lúc này là cho nước Pháp chứ không phải cho ông), ông toát ra một năng động lạc quan mà tôi mong năng động này sẽ được lây lan và trong năng động này, chúng ta sẽ tìm thấy để nhận biết mình. Tôi muốn kéo sự chú ý của ông về những gì mà ngày hôm nay chỉ còn trong huyền thoại, nhưng với độ lùi, chúng ta thấy đây là điều đáng kể và có tính biểu tượng: mối dây liên hệ của các tổng thống với văn chương.
Nước Pháp là một nước văn chương vì người dân Pháp đọc rất nhiều và viết còn nhiều hơn. Văn chương vì người dân Pháp được nuôi dưỡng bởi La Fontaine, Saint-Exupéry hay Marcel Aymé từ khi còn trong nôi. Văn chương vì người dân Pháp qua tuổi vị thành niên với Verlaine, Rimbaud, Baudelaire. Văn chương vì người ta gọi ngôn ngữ Pháp là ngôn ngữ của Molière. Văn chương vì nước Pháp tỏa rạng trên thế giới bởi các văn sĩ và tư tưởng gia sáng chói từ Voltaire đến Lévi-Strauss. Văn chương vì nước Pháp đưa các tác giả được nổi tiếng, được vinh danh, được chào mừng lên các đường phố, các đường phố thường mang tên các tiểu thuyết gia, các thi sĩ hay các nhà viết kịch. Văn chương vì nước Pháp có nhiều giải văn chương cũng như giải phô-mai ngon. Văn chương vì mọi người đều muốn viết một quyển sách, ngay cả những người chỉ cần ký vào là được. Văn chương vì ở Pháp ngự trị ý tưởng cao thượng của văn chương: khác với các phương tiện truyền thông viết trên nước, văn chương được viết trên giấy, được khắc trên đá cẩm thạch không bị thời gian làm phai mòn. Văn chương vì các văn sĩ Pháp vẫn còn dù cho thế hệ của họ đã tắt ngúm. Văn chương vì nó dám đùa với vĩnh cửu.
Đã có một thời các tổng thống của nền Cộng hòa Pháp biểu lộ rõ họ dính đến văn chương. Charles de Gaulle không những chỉ đọc mà ông còn viết ký ức vào bậc thầy. Georges Pompidou, thạc sĩ văn chương, ông đã viết tác phẩm Hợp tuyển Thơ, tác phẩm đã là kinh nhật tụng của tôi trong thời son trẻ. Valéry Giscard d’Estaing nói lên tình yêu của ông đối với Maupassant và bây giờ ông ở trong Hàn lâm viện Pháp. François Mitterrand thết tiệc một cách thanh lịch và hậu hĩnh các tác phẩm, ông đã gặp rất nhiều các văn sĩ mà ông ngưỡng mộ như Michel Tournier.
Người nào đọc, họ đạt đến tầm mức phổ quát
Sau họ thì cái khuôn này bị bể. Không phải vì Jacques Chirac, Nicolas Sarkozy, François Hollande không phải là không có văn hóa, nhưng chúng ta ghi nhận, một cách trại ra, về văn chương họ có một sự hiếu kỳ theo thời điểm, nhưng không có đam mê. Vậy, một cách đồng tình, như thế nhiệm kỳ tổng thống của họ có mất đi quyền uy và danh giá không. Có thể nào ở đây có một sôi dây liên hệ không?
Yêu văn chương là vượt lên các rạn nứt, các vận động hành làng, các đảng phái. Yêu văn chương là quan tâm đến thợ thuyền như Zola mô tả, cũng như quan tâm đến Công chúa Clèves, yêu nông dân như Sand cũng như yêu các nhà quý tộc như Proust, yêu những kẻ phóng đãng như Laclos, cũng như yêu các tâm hồn đau khổ như Bernanos, yêu kitô giáo như Bossuet, cũng như chỉ trích kitô giáo như Diderot. Yêu văn chương, không những vượt lên các ý thức hệ tê cứng nhưng còn vượt qua các biên giới: trở nên người Nga với Dostoïevski, người Nhật với Mishima, người Ý với Moravia, người Đức với Mann, người Ai Cập với Mahfouz. Văn chương còn lấn qua biên giới của thời gian, nó cho phép tôi sống từ thế kỷ thứ năm trước Thiên Chúa giáng sinh với Sophocle hay thời Phục hưng với Shakespeare và Cervantes.
Người nào đọc, họ đạt đến tầm mức phổ quát. Họ không còn ở trong một nhóm cố định, với các quan tâm riêng, với một tầng lớp xã hội, một mức thang xã hội, không, người đó vượt lên các định nghĩa và không còn biết cái gì là xa lạ. Người đó mang lấy nét đa dạng trong tính phức hợp của nó. Và tổng thống là người như thế nào, nếu không phải là người mang lấy nét đa dạng trong tính phức hợp của nó?
Emmanuel Macron cho thấy ông mê văn chương: ông học văn chương, học triết và người ta nói với tôi, ông mong trở thành nhà văn. Với cách ông dùng chữ, với sở thích nói chính xác, với niềm vui khi chọn được một tính từ, tôi nhận ra tổng thống hiện nay là người của văn chương. Thưa ngài Macron, xin ngài đừng xấu hổ vì mê văn chương, nhưng hãy rạng rỡ với văn chương. Là một tổng thống của văn chương, ngài sẽ là Tổng thống của tất cả mọi người.
Marta An Nguyễn dịch