Các năm tháng của họ ở trường Dòng Tên

640

Các năm tháng của họ ở trường Dòng Tênlesechos.fr, Dominique Seux, 2017-02-03

Họ rất nhiều, đó là các nhân vật trên bàn cờ chính trị, trong thế giới tài chánh, trong lãnh vực nghệ thuật, họ học ở các trường Dòng Tên, Dòng được vinh danh qua cuốn phim mới nhất của nhà đạo diễn Martin Scorsese. Chúng tôi hỏi họ đã rút tỉa được gì từ đó. Và ở đây, các tu sĩ thường bị gán huấn luyện cho thành phần ưu tú là không đứng vững.

Đâu là điểm chung giữa François Fillon và Noël Mamère? Giữa Lọck Peyron và Emmanuel Macron? Carlos Ghosn và Léa Salamé? Tidjane Thiam và Louis Gallois? Stromae và François-Henri Pinault? Laurent Delahousse và Sophie de Closets? Trước tiên, có ít chuyện, nếu không là họ có cùng một sác xuất lớn, họ xúc động mạnh trước cuốn phim Thinh lặng, cuốn phim mới nhất của Martin Scorsese. Cuốn phim kể chuyện hai tu sĩ Dòng Tên của thế kỷ 17 đi tìm một trong các đồng bạn của họ ở Nhật. Nhưng các nhân vật nêu trên, trong tuổi thanh xuân của họ, họ đã từng học vài năm ở các trường do các tu sĩ, nhà giáo này điều khiển. Hàng trăm dân biểu, chủ hãng, các nhà khoa học, nghệ sĩ đã theo học trong các trường Dòng Tên hoặc học ở  Ginette (Sainte-Geneviève, à Versailles), một trong các nơi có các lớp chuẩn bị tốt nhất để vào các trường lớn.

Ah, các cha Dòng Tên! Dòng nuôi dưỡng một số quan niệm sai lầm. Năm 2013, lần đầu tiên trong hai ngàn năm, một trong các người của họ lên ngôi Thánh Phêrô làm cho mọi người, thêm một lần nữa, chú ý đến họ. Nếu mọi người đều biết họ thông minh, họ trí tuệ trong tất cả các nghĩa của chữ này thì đôi khi người ta trách họ lắt léo (câu “trả lời danh tiếng của Dòng Tên”), như câu chuyện đùa xưa cổ cho thấy. Một người đi lạc ở Rôma, hỏi một tu sỉ Dòng Tên đường đến Vatican: “Ông không thấy sao, cứ đi thẳng!” Nhất là người ta thường chú trọng đến khía cạnh mánh khóe, thậm chí đáng lo ngại về sự gần gũi những người quyền lực của họï. Vậy mà bây giờ họ ở trên đỉnh của Giáo hội công giáo… Các lời tuyên bố của Đức Phanxicô, giáo hoàng bảo vệ người nghèo, xem tiền bạc là “phân chuồng của Quỷ” và thường xuyên lên án mãnh liệt các quá độ của chủ nghĩa tư bản trong những từ gay gắt nhất, cũng không đủ để xóa đi các định kiến này.

Để biết thực sự họ là những người như thế nào, chúng tôi hỏi một số người đã gần họ trong những năm đào tạo quan trọng của mình. Câu trả lời gần như thống nhất: họ giữ một kỷ niệm rất tích cực. Ông Michel de Rovira trả lời: “Một giai đoạn vẫn còn gây cảm hứng cho tôi cho đến bây giờ và cảm hứng cho các giá trị của hãng chúng tôi” , ông Rovira và ông Augustin Paluel-Marmont là người cùng điều khiển công ty Michel và Augustin, hai người gặp nhau ở ghế nhà trường Saint-Louis-de-Gonzague, ở Paris, trường nổi tiếng và còn có tên là trường Franklin. Khẩu hiệu giáo dục của các tu sĩ Dòng Tên “Đào tạo những người cho người khác” khơi nguồn cho các quan hệ của ông với các nhóm của ông, ông Rovira tin chắc.

“Một Dòng trí thức”

Trường Dòng Tên Saint-Louis-de-Gonzague vào những năm 1900

Ông Noël Mamère cho biết, đó là “những năm không thể tưởng tượng được”, những năm tháng rất quan trọng. Nhà dân biểu “xanh” đã học ở trường Saint-Joseph de Sarlat, vùng Dordogne, ông thích thú nhớ lại “một hình thức tự quản trị nào đó trong cách điều hành và giám sát”. Ông, người duy nhất không giữ đạo công giáo của gia đình khen ngợi tinh thần khoáng rộng của các nhà giáo “rất cởi mở trong mười lăm năm học ở đây”. Ông quen hết cả đại gia đình nhà Ceyrac, gia đình đã có một ông chủ của các ông chủ (François, chủ của Hiệp hội  quốc gia các chủ nhân, CNPF – ông tổ của Phong trào các hãng Pháp, Medef – từ năm 1972 đến năm 1981, và Linh mục truyền giáo Dòng Tên nổi tiếng ở Ấn Độ, cha Pierre Ceyrac). Con đối với ông Tidjane Thiam thì “đây là một giai đoạn cực kỳ tích cực”, ông là giám đốc Quỹ Tín dụng Thụy Sĩ (Crédit Suisse), ông học lớp chuẩn bị ở Ginette để vào trường Bách Khoa (Polytechnique).  Còn ông Laurent Delahousse thì “giữ những kỷ niệm rất đẹp” ở đây, ông là người dẫn chương trình truyền hình France 2 vào cuối tuần, ông học ngành thể thao ở trường La Providence, ở Amiens. Bà Valérie Pécresse thì cho biết, bà “lớn lên, trong tất cả mọi nghĩa của chữ này, kể cả hình thành một đầu óc phê phán” từ những năm học ở trường Hauts-de-Seine, Daniélou, bà Pécresse là chủ tịch vùng Île -de-France. Còn ông Xavier Fontanet thì ông có thể nói hàng giờ không uống nước về mười bảy năm “rèn luyện” của ông, ông là cựu giám đốc Essilor. Với ông Carlos Ghosn thì đó là “một kỷ niệm” đẹp, ông là chủ của tập đoàn hai hãng xe Renault và Nissan, đã học mười hai năm trung học ở trường Notre-Dame de Jamhour, ở Beyrouth. Nhà khảo luận Pascal Bruckner, cựu học sinh trường Thánh Giuse ở Lyon thì vẫn còn đọc tập san Nghiên cứu, Études của Dòng Tên, ông ngưỡng mộ “Dòng tri thức lớn” này.

Ngay cả những người dè dặt nhất cũng công nhận, dù họ chỉ nói ít. Nữ ký giả Léa Salamé làm việc ở đài truyền hình France 2 và France Inter cho biết: “Sự đào tạo mà tôi nhận được đã cấu trúc con người tôi hoàn toàn. Dù người ta cố đóng tôi vào một cái khuôn mà tôi không thích hợp”. Nhà hàng hải Loïck Peyron là người tỏ ra nghiêm khắc nhất: “Những năm tôi học ở trường trung học Vannes đã làm cho tôi xa mọi tín ngưỡng. Và tôi đã bị đuổi vì leo tường!”. Dù vậy ông cũng cho hai trong số bốn người con của ông theo học trường Dòng Tên! Như thế đào tạo cũng phải có các khía cạnh tốt…

Các cựu học sinh: Carlos Ghosn và Valérie Pécresse ©SIPA

Trong số các cựu học sinh mà chúng tôi hỏi, chỉ có hai người không trả lời. Ông François Fillon có lẽ không muốn thêm gì sau khi tuyên bố trên truyền hình để bảo vệ ý kiến của mình liên quan đến An ninh xã hội: “Tôi là người kitô giáo cánh tả”. Và ông Emmanuel Macron, người đầu tiên chấp nhận, nhưng sau thay đổi ý kiến, ông sợ gây phiền toái trong thời gian tranh cử quyết liệt chăng? Chính ở trường các tu sĩ Dòng Tên ở Amiens mà ông gặp vợ ông là bà Brigitte, gần đây bà vẫn còn dạy ở trường Franklin. Sau lần nói chuyện soi nổi trong cuộc mít-ting ở Paris tháng 12, ông nói với tuần báo công giáo Sự sống (La Vie), những năm tháng học ở trường La Providence “mang đến cho ông một tinh thần kỹ luật và một ý chỉ mở ra với thế giới”. Một nét thoáng của ứng viên công giáo, rất tinh tế…

Mỗi người kể một giai thoại đã đánh dấu cuộc đời của họ. Ông Louis Gallois còn nhớ chính xác ngày “13 tháng 7-1962, một linh mục của trường Ginette gọi tôi đến để khuyên tôi không nên học lớp chuẩn bị vào ngành khoa học, hướng tôi vào con đường bán thực phẩm”. Đó là trường Cao đẳng Thương mãi, HEC, rồi trường Quốc gia Hành chánh Pháp, ENA. “Trực giác bén nhạy và phân tích con người tôi thời đó”, cựu giám đốc các Công ty Quốc gia đường sắt Pháp SNCF và Công ty Hàng không Vũ trụ EADS, bây giờ ông là chủ tịch văn phòng cố vấn kiểm sát của Công ty xe Peugeot, PSA. Còn với ông Bruno Le Maire thì một lời phê khôi hài, “có thể khá hơn” với điểm 20/20 ở trường Franklin, đó là một trong các động lực dẫn ông đến trường Cao đẳng Sư phạm, Normale Sup, thạc sĩ, rồi Quốc gia Hành chánh Pháp, ENA.

20 000 học sinh trên toàn nước Pháp

Ông Xavier Fontanet, cựu giám đốc Essilor cho biết “việc học tập để có tin tưởng và lắng nghe người khác” đã giúp ông rất nhiều trong các công việc phức tạp ở Nam Hàn và Nhật bản. Ông Carlos Ghosn thì rất ấn tượng với ban giảng huấn tứ xứ, các giáo sư người Pháp, Liban, Syria, Ai Cập, Thụy Điển, Canada… “Từ còn nhỏ tôi đã sống với sự đa dạng của thế giới”, bây giờ ông Ghosn sống ở trên nhiều lục địa, ông điều khiển hai nhóm khác hẳn nhau, xe Renault và xe Nissan. Ông  Charles Fries theo đạo tin lành, là đại sứ Pháp ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông biết ơn các cựu giáo sư đã thay thế môn học giáo lý cho ông bằng môn học dương cầm. Ông vui vẻ nhớ, bà của ông đã trách cha mẹ ông nặng nề vì đã cho con “học trường đạo”. Còn người hồi giáo thì sao? “Không có vấn đề”, ông Tidjane Thiam xác nhận, phần ông được giao việc quan hệ với các giáo sư và ban quản trị.

Mỗi người có ý kiến về đặc tính của các trường học Dòng Tên, hiện nay trường nhận hơn 20 000 hy sinh trên toàn nước Pháp: “Học để có tự lập và có ý tưởng rằng, đời sống có một ý nghĩa” (Valérie Pécresse), “kỹ luật, chặt chẽ” (Laurent Delahousse), “đòi hỏi và thi đua tích cực”, bà Sophie de Closets làm chứng, bà là giám đốc nhà xuất bản Fayard, “con gái của…”, cha của bà đã dọa: “Ngay khi cha thấy con giống các học sinh khác của trường Franklin là cha đem con ra khỏi trường!” Nói cách khác: “Khi con có vẻ trưởng giả của thế kỷ 16”… “Tôi nghĩ tôi đã học ở họ khả năng thinh lặng. Quyền uy không thể hiện qua la hét nhưng với hiệu năng làm chứng. Tôi bảo đảm với bạn, đi tàu với một ê-kíp như vậy thì hữu dụng vô cùng”, ông Loïck Peyron xác nhận.

Tinh thần lãnh đạo và tự tin

Các cựu học sinh: Léa Salamé và Bruno Le Maire©SIPA

Nhưng các trường của giáo dân có thể áp dụng cùng nguyên tắc và dạy cùng các giá trị: như thế phải đào sâu hơn. Ông Bernard Ramanantsoa từ lâu là giám đốc trường Cao đẳng Thương mại, HEC suy nghĩ về vấn đề này, ông học lớp chuẩn bị ở Versailles. Kết luận của ông: “Các linh mục Dòng Tên lo cho tầng lớp ưu tú, nói với tầng lớp này, họ có một sứ mệnh phải chu toàn, đó là bổn phận lo cho lợi ích chung. Thẳng thắn mà nói, đó cũng khá đặc biệt”. Đối với giáo sư Olivier Goulet, trưởng khoa dạ dày-ruột ở bệnh viện Necker thì: “Sư phạm của họ là dạy lắng nghe, khoan dung và tinh thần truyền giáo. Chính họ đã thúc đẩy tôi không nên khám riêng ở trong cũng như ở ngoài bệnh viện”.

Còn chuyện khác? Dựa trên bốn năm học ở trường Tivoli de Bordeaux, ông Nicolas de Tavernost (M6) phân tích: “Tôi nghĩ những gì học sinh học ở đây là tinh thần lãnh đạo, tinh thần tự tin rất mạnh vào mình, thoải mái ngay khi mình làm các cố gắng cần thiết và trên tất cả, là không để bất cứ gì tác động trên mình, ngoại trừ những gì là thiêng liêng”. Còn ông François Sureau, luật sư danh tiếng ở Paris, và là một trong những người thân cận của các tu sĩ Dòng Tên thì ông nghĩ mình khám phá được bí mật của họ: “Từ khi các nhà thờ trống rỗng, chưa bao giờ có nhiều bài giảng như vậy. Đâu đâu người ta cũng giảng cho chúng tôi nghe. Vậy mà các tu sĩ Dòng Tên không giảng về đức tin, về đời sống, họ chứng thực cho thấy. Họ không tìm cách đưa các giá trị vào đầu chúng tôi, họ sống”. Ông nhẹ nhàng thở dài nói thêm, họ “thoát ra khỏi đường lối truyền thống nhất của người công giáo ngày nay. Như vậy lại là tốt”. Còn người trong cuộc thì tóm lại trong vài câu vàng ngọc: “Chúng tôi đề nghị mỗi học sinh học để đọc các cảm xúc của mình, chú ý đến lời ăn tiếng nói của mình. Chúng tôi cố gắng tìm sự quân bình giữa thi đua và đoàn kết. Chúng tôi nhấn mạnh đến tự lập cá nhân hơn là tập thể”, linh mục Pascal Sevez giải thích, cha phụ trách Trung tâm nghiên cứu sư phạm I-Nhã.

Không phải học sinh nào cũng thích: “Những học sinh nào khó thích ứng với quyền uy thì ít thoải mái”, bà Léa Salamé giải thích, bà học ở trường Franklin. Ông Carlos Ghosn bây giờ mới thú nhận: “Đó là một hệ thống thường gặp khó khăn với các học sinh nổi loạn. Tôi ở trong loại này, chỉ vì có điểm tốt tôi mới ở lại được Jamhour!”. Trường Liban không tin ông chuyện này, nên cách đây hai năm họ mời ông đến chủ sự các buổi lễ chính thức. Ông Louis Gallois nghiêm túc lưu ý: “Các tu sĩ Dòng Tên khéo léo trong các trạng huống xung đột nhưng đôi khi cũng có một chút xi-níc trong sự khéo léo của họ. Và thỉnh thoảng họ cũng làm ngạc nhiên”. Một hình thức hài hước cách biệt có thể bị cho là kiêu ngạo. Như loại nói đùa sau: trong lời cầu nguyện của mình, một tu sĩ Dòng Tên hỏi Chúa xem có phải các tu sĩ Dòng Tên là các tu sĩ mà Chúa thích có trên quả đất này không. Ngày hôm sau, cha thấy một chữ trên bàn ở đầu giường. “Không, thật sự Ta thương tất cả mọi người như nhau”. Ký tên: Chúa, SJ. SJ là chữ ký tắt của các tu sĩ Dòng Tên, Societas Jesu!

Một phương pháp giảng dạy

Dù dè dặt như thế nào, kết quả vẫn hiển nhiên, các cha mẹ gởi con đến đó. Năm 2016, trường Ginette được xếp là trường hàng đầu ở Pháp để chuẩn bị vào các trường Bách khoa và bộ ba các trường tài chánh giỏi nhất Cao Đẳng Thương Mại HEC, Trường Thương mại Essec Pháp và ESCP Âu châu. Và trong các kỳ thi tuyển, chắc chắn phương pháp học của Dòng Tên là cổ động cho tinh thần làm việc nhóm. Ông Tidjane Thiam nhớ ở trường Ginette, mỗi học sinh đứng đầu (của một phần ba lớp) phải có bổn phận giúp những học sinh kém hơn. Tuy nhiên thường thì dữ dội hơn: “Ở trường Louis-le-Grand, cạnh tranh đến mức mà các học sinh xé rách các trang sách ở thư viện để giữ cho mình được hơn”, một cựu học sinh bây giờ là chủ của một hãng lớn cho biết như trên, ông xin giữ ẩn danh. Các tu sĩ Dòng Tên phủ nhận chủ trương chuộng thành phần ưu tú mà họ thường bị gán cho. Linh mục Pascal Sevez công nhận: “Chúng tôi chịu đựng rất nhiều qua hình ảnh này, tuy nhiên cha lập luận một cách hài hước. Nhưng Đức Giáo hoàng, ngài ưu tú trong lãnh vực của mình, đúng không?” Đó là, trên quan điểm của tu sĩ Dòng Tên, có ưu tú tốt, có ưu tú xấu.

Khi điều khiển trường Dòng Tên ở Marseille cách đây ba năm, linh mục Sevez đã có sáng kiến “đi hơi xa” và có tính cách biểu tượng, đã gây tiếng vang lớn trên các phương tiện truyền thông. Ngài cấm các nhãn hiệu áo quần quá rõ rệt để các học sinh không dựa trên đó mà phân biệt giai cấp xã hội. Các tu sĩ Dòng Tên cũng nhắc lại, quyền ghi tên vào trường của họ tùy thuộc vào lợi tức của cha mẹ, và họ phải cung cấy giấy tờ chứng minh. Bà Valérie Pécresse nhớ lại: “ Khi tôi làm Bộ trưởng Nghiên cứu, những gì các cha Dòng Tên làm ở trường của họ, giúp những người kém may mắn nhất cũng có được một con đường tốt nhất, đã nhắc nhở tôi tạo các lớp chuẩn bị cho các lớp chuẩn bị”.

Andrew Garfield đóng vai Linh mục Sebastião Rodrigues trong cuốn phim Thinh lặng của Scorsese ©Kerry Brown

Làm việc trên các vấn đề xã hội

Trên thực tế, hình ảnh bạn bè của những người quyền thế gán cho các tu sĩ Dòng Tên đã có từ rất lâu. Dù sao từ năm nay, các tu sĩ Dòng Tên không còn điều khiển trực tiếp bất cứ một cơ sở nào. Họ đảm bảo việc giám hộ, những gì còn lại dĩ nhiên rất quan trọng. Tuy nhiên đòn bẫy ảnh hưởng của họ thật sự thì ở nơi khác. Chẳng hạn vai trò tuyên úy trong các trường trung học hay trường lớn. Một trong các trung tâm hoạt động mạnh nhất của họ là ở trường Khoa học Chính trị ở Paris (Sciences Po) nơi có một căn nhà nhỏ cách đường Saint-Guillaume 100 mét và có rất nhiều sinh viên lui tới. So với ngày xưa, sự gần gũi tối thiểu với “những người quyền lực” được thấy nơi các dấu chỉ khác. Một trong các dấu chỉ này là: từ nhiều thập niên qua, không còn các cha Dòng Tên trong hàng ngủ tuyên úy quốc gia bên cạnh phong trào của các Nhà thầu và các tín hữu cầm đầu.

Các tu sĩ Dòng Tên lựa chọn nơi khác. Trong các trường kỹ sư khác, trường Icam ở  Nantes, ở Toulousechha, cũng như trong các trường sản xuất và học việc mà báo chí ít nói tới nhưng quan trọng dưới mắt họ. Rất nhiều các cha Dòng Tên làm việc trên các vấn đề xã hội. Các Trung tâm nghiên cứu, các tạp chí chuyên ngành, các cộng đoàn ở các ngoại ô  khó khăn, đón nhận người tị nạn với hiệp hội Welcome – rất được báo chí đề cập đến vào mua thu năm 2015… Các địa bàn hoạt động của họ thì đa dạng. Ông François Sureau nghiêm khắc đánh giá: “Sự thật là họ đã bỏ những người ưu tú ngày nay. Và tôi nghĩ đó là một sai lầm”. Văn sĩ, ông là tác giả của một quyển sách về Thánh I-Nhã, ông rất tích cực trong mạng luật sư giúp đỡ những người xin tị nạn chính trị.

Quá trình của linh mục Dòng Tên Gaël Giraud là một minh họa: ở trong thành phần ưu tú, nhưng chống lại các ý tưởng cho rằng ưu tú… Tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm (Normalien) và kinh tế gia, hiện nay cha làm việc trong chức vụ kinh tế gia của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), đường lối chính trị của chính quyền trong việc chống lại nạn nghèo khổ và cổ động cho việc phát triển lâu dài. Như vậy là ở trung tâm quyền lực. Nhưng cha tranh đấu rất mạnh cho một cách điều hành kinh tế khác. Nhất là trong việc cải cách sâu xa hệ thống tài chánh và quy định cách điều hành ngân hàng. Cha cũng bảo vệ ý tưởng đặt một mức cố định cho các khác biệt lợi tức giữa người Pháp với tỷ lệ từ 1 đến 12…

Còn đối với hoang tưởng về vòng bí mật của một vận động hành lang công giáo thì nó không lọt được khi kiểm tra các sự việc. Một số lớn cựu học sinh không còn giữ liên lạc với các tu sĩ Dòng Tên. Vì lý do cá nhân hoặc vì không có cơ hội. Ngược lại, có một điều đúng và đó là bằng chứng cho sự thành công của các tu sĩ Dòng Tên, đó là họ cho con cái họ đi học các trường Dòng Tên.

Do đó, từ thế hệ này qua thế hệ khác, các giá trị của Dòng Tên ngấm sâu. Nhưng làm sao một số ít người, bây giờ chỉ còn 400 tu sĩ Dòng Tên ở nước Pháp, có thể để lại một dấu ấn mạnh cho hàng chục ngàn người khác? Đây có thể là một chủ đề nghiên cứu khác.

Một Dòng có từ 500 năm

Dòng Tên được Thánh I-Nhã người Tây Ban Nha thành lập năm 1539, hiện nay có khoảng 16 000 tu sĩ trên khắp thế giới, ở Pháp có khoảng 400 tu sĩ. Từ đầu, ơn gọi của Dòng nam này là rao giảng Phúc Âm (Matéo Ricci ỏ thế kỷ 16 là người Âu châu đầu tiên ở lâu dài ở Trung quốc), giáo dục và công chính xã hội. Nhưng điều làm họ nổi bật nhất, đó là sự đòi hỏi cao về mặt tri thức. Họ học mười hai năm, một thời gian đặc biệt dài. Họ điều khiển các trường đại học rất danh tiếng như trường đại học Georgetown, ở Washington. Bill Clinton và nhiều người khác đã học ở đây. Người giải tội cho các vua, tư vấn thiêng liêng, đôi khi họ có các quan hệ khó khăn với tầng lớp quyền lực chính trị. Năm 1773, dưới áp lực của các vương quốc Âu châu, Giáo hoàng Clément XIV cấm họ làm việc. Dòng phải chờ đến năm 1814 mới hoạt động chính thức lại.

Marta An Nguyễn dịch