Phi châu, vườn ươm của Đức Phanxicô

202

Theo giáo sư Odon Vallet, chuyên gia về tôn giáo, nếu không có các linh mục Phi châu thì rất nhiều nhà thờ ở Âu châu phải bị đóng cửa.

lemonde.fr, Odon Vallet, 2017-04-13

Một vài giám mục Phi châu không thích Đức Phanxicô. Đó là trường hợp của Hồng y cực kỳ bảo thủ Sarah, cựu Tổng Giám mục giáo phận Conakry, và các chức sắc khác, họ cho rằng Giáo hoàng Argentina quá tiến bộ và quá “Tây phương”. Nhưng nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo, người sẽ đi Ai Cập vào ngày 28 và 29 tháng 4 sắp tới quan tâm rất nhiều đến Phi châu, châu lục có 50% dân số là tín hữu kitô, trong đó có 20% là người công giáo. Hơn nữa, Phi châu đúng là vườn ươm của các tiểu, đại chủng viện và đừng quên hàng ngàn linh mục của lục địa này đang mỗi ngày dâng thánh lễ ở Âu châu, mà nếu không có họ thì rất nhiều nhà thờ sẽ bị đóng cửa.

Đức Phanxicô ghi nhận, cũng như ở Châu Mỹ La Tinh, nhiều tín hữu đã bỏ Giáo hội La Mã để qua các tín ngưỡng phúc âm mà rất nhiều trong số họ xuất thân từ Phi châu như Giáo hội kitô thiên cung, Giáo hội Chérubin và Séraphin, Giáo hội Kimbangui. Vatican mong muốn kiểm soát kỹ các sáng kiến chính trị của các giám mục địa phương mà thường bị cho là can hệ quá sâu trong các vụ bầu cử nhiều tranh cãi.

Sự gần gũi của mũ miện và phòng phiếu

Nếu các trung gian hòa giải của Giám mục Souza, tòa giám mục Cotonou đã làm chấm dứt các ngõ bí chính trị như ngõ bí năm 1989 tại Bênin thì các can thiệp quá thường xuyên này có thể làm hại cho Giáo hội. Chúng ta đã thấy điều này ở Cộng hòa Congo (RDC) khi mũ miện và phòng phiếu gần nhau đã tạo nên vấn đề cho những người ủng hộ và chống đối Kabila. Cách đây 10 năm, trong cuộc xung đột ở Đảo Ngà, một vài giám mục Đảo Ngà đứng về phía tổng thống Laurent Gbagbo, trong khi các giám mục khác chống đối sự lẫn lộn giữa gậy giám mục và quyền lực chính trị, và sự trung gian hòa giải của Hồng y người Ghana Turkson đã bị thất bại. Từ đó, Hồng y Turkson đã tỏ ra hãi sợ hồi giáo một cách quá đáng, năm 2012, ngài dự đoán rằng Âu châu sẽ chính yếu là người hồi giáo, và văn minh kitô giáo sẽ bị xuống dốc.

Vì thế Đức Phanxicô mong muốn củng cố vai trò của các Sứ thần Tòa Thánh, thường thường đó là các niên trưởng trong lãnh vực ngoại giao, đôi khi cũng đáng lo ngại cho khuynh hướng đề nghị từ nhiệm các giám mục yếu kém trên vấn đề độc thân hay tham nhũng của họ.

Từ năm 2013, các thỏa thuận đã được ký với nhiều chính quyền ở Tchad, Cap-Vert, Guinêa vùng xích đạo, ở Nam Xuđăng, ở Cameroun, ở Burundi, Cộng hòa Congo, Bênin, ở Congo-Brazzaville, ở Mauritania… nhằm tiến đến một sự gần gũi của thỏa ước Phi châu được cảm hứng từ lịch sử Âu châu (khi một thỏa hiệp được ký giữa Vatican và một Quốc gia để xác định các lãnh vực quy định và làm sáng tỏ các quan hệ giữa Giáo hội công giáo và chính quyền dân sự).

Các thỏa hiệp này nhằm để bảo đảm tốt hơn các quyền của Giáo hội công giáo có mặt rất mạnh trong lãnh vực y tế và giáo dục. Và cũng đừng quên rất nhiều tiểu chủng viện thường là các trường học rất uy tín về văn chương, một tiểu chủng viện ở Dakar đã đưa vào chương trình văn học các tác giả như Louis-le-Grand và ngay cả Léopold Sédar Senghor.

Tài chánh của các địa phận và quỹ riêng

Nhưng các linh mục Phi châu cũng tạo ra nhiều vấn đề trên lãnh vực luân lý và kinh tế, vì trên châu lục này, đi tu được xem là con đường để thăng tiến trong xã hội. Năm 2009, Đức Bênêđictô XVI đã ngưng chức giám mục Milingo, tòa giám mục Lusaka, người tự xưng là nhà trừ quỹ và kết án các hồng y khác là Satan, sau đó hồng y Milingo đã lấy một cô Hàn quốc thuộc tà phái Mặt Trăng (Moon).

Năm 2012, Đức Bênêđictô XVI chấp nhận việc từ chức của hai giám mục của Cộng hòa Trung Phi, trong đó cựu giám mục giáo phận Bangui bị khép tội đã lẫn lộn tài chánh của địa phận với quỹ riêng của mình, và đã dung thứ cho nhiều linh mục có vợ. Những linh mục này đe dọa đình công không làm lễ nếu giáo hội không xét đến các nét đặc trưng về đời sống và sứ vụ của Phi châu.

Đức Phanxicô hiểu nếu không quan tâm đến các giáo phận Phi châu thì người công giáo ở Âu châu sẽ thiệt thòi, sẽ không còn thánh lễ, sẽ không còn lãnh nhận bí tích, các giám mục Âu châu thường phải xin các giáo phận Phi châu cung cấp các linh mục trẻ cho họ. Đức Phanxicô còn nhớ “giáo hoàng” Christophe XVIII, “cựu linh mục” địa phận Abomey ở Bênin, có người bạn gái trẻ người Banamé mà “giáo hoàng” tự cho mình là Chúa Cha xuống thế. Đức Phanxicô sẽ thiệt thòi nếu không quan tâm đến một châu lục có tầm mức thần nghiệm và sốt sắng với tất cả các tôn giáo.

Tác giả Odon Vallet là văn sĩ và nhà giáo, tiến sĩ luật và khoa học các tôn giáo. Ông là người quản trị hội các độc giả của báo “Thế giới” (Monde). Từ năm 2003, ông điều hành Quỹ Vallet đã phát gần 12 000 học bổng cho các học sinh Bênin.

Marta An Nguyễn dịch