Các bài giảng nhẹ nhàng hơn, thời gian linh động hơn

223

Đức Phanxicô kêu gọi thay đổi tinh thần trong Giáo hội, các bài giảng nhẹ nhàng hơn, thời gian linh động hơn

Vatican Insider, Domencio Agasso Jr, Roma, 27-11-2014

Đức Phanxicô có bài nói chuyện với các thành viên Hội nghị Mục vụ Quốc tế về các Thành phố lớn trên Thế giới “Hãy hướng ra và thuận tiện hóa” đừng sợ các tình huống đa văn hóa hay sợ tuyên xưng Chúa Giêsu.

Ngay từ đầu, giáo hoàng đã thành thật nói thẳng rằng: “Tôi không muốn một bài diễn văn nghiêm trang, một phần vì tôi muốn nói tự phát, một phần tôi không có thì giờ nào để chuẩn bị bất kỳ bài diễn văn nào ngoài các bài sẽ nói ở Nghị viện Âu châu và các bài trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ.” Đây là lời của giáo hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến ban sáng với các hồng y và giám mục tham dự Hội nghị Mục vụ Quốc tế về các Thành phố lớn trên Thế giới, tổ chức tại Barcelona từ ngày 24 đến 26 tháng 11. “Tôi muốn nói với các bạn từ kinh nghiệm riêng của mình.”

Đức Phanxicô tập trung vào các thách thức của các thành phố lớn đối với từng cá nhân, toàn thế giới, và cả giáo hội nữa. Gọi đây là một “biến đổi Giáo hội” thực sự, một thay đổi trong tinh thần “từ việc đón nhận hướng ra và chờ đón mọi người đến với mình, trở thành đi ra và tìm kiếm họ.” Đức Phanxicô nhắc lại sứ mạng của Giáo hội, một sứ mạng luôn luôn “đi ra.” Ngài đề xuất các biến đổi trong Giáo hội, với một tinh thần truyền giáo. Ngài khuyến khích Giáo hội thích ứng với tốc độ thời gian của thành phố. Điều này nghĩa là “làm cho Phép Rửa dễ tiếp cận hơn, bảo đảm các nhà thờ mở rộng cửa và các văn phòng điều hành có giờ mở cửa phù hợp với nhu cầu của người đi làm,” và bảo đảm “Giáo lý phù hợp về nội dung và thích hợp với thời gian hạn chế của những người sống trong các thành phố lớn.”

Đức Phanxicô nói rằng, “Tất cả đều nhắm đến đi ra và gặp gỡ Chúa, Đấng sống với người nghèo trong các thành phố. Gặp gỡ, lắng nghe, chúc lành, đi cùng người dân, thuận tiện hóa cuộc gặp gỡ với Chúa như luật đời mình.”

Chúng ta thấy rằng giúp đức tin lớn lên thì dễ hơn sinh ra đức tin. Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục nhìn vào những thay đổi cần thiết trong nhiều việc dạy giáo lý căn bản của mình. Điều căn bản, là phải thay đổi các phương pháp sư phạm sao cho nội dung trở nên dễ hiểu hơn. Song song với việc này, chúng ta cần phải học cách tái thức tỉnh óc hiếu kỳ và hứng thú của mọi người với Chúa Giêsu Kitô, để chúng ta có thể mời gọi họ theo Ngài.” Giáo hoàng bình luận bộc phát, có một vị thánh bổn mạng của tính hiếu kỳ, đó là Giakêu: “Chúng ta cầu nguyện với thánh Giakêu để ngài giúp chúng ta … Chúng ta phải học cách truyền cảm hứng đức tin.” Giáo hoàng nói thêm, “Ở Strasbourg, tôi đã lên tiếng với một châu Âu đa văn hóa. Nhưng các thành phố lớn cũng đa văn hóa. Và không e dè, chúng ta phải lên tiếng với thực tại này. Đã đến thời cần có đối thoại mục vụ mà không theo tư tưởng tương đối, không thương lượng về căn tính Kitô hữu của mình, nhưng vươn đến tâm hồn người khác, những người khác với chúng ta, để gieo Tin mừng ở đó. Chúng ta không được loại bỏ đóng góp của nhiều ngành khoa học khác nhau có thể giúp hiểu về hiện tượng thành thị, những đóng góp này rất quan trọng, để từ đó suy tư tìm cách khám phá nền tảng của các nền văn hóa, vốn trong cốt lõi sâu sắc nhất đều luôn mở ra hướng khát khao Thiên Chúa.” “Và tôi thường nghĩ về sự sáng tạo và dũng cảm mà thánh Phaolô đã thể hiện trong bài nói với dân thành Athen: ngài đã cho thấy sự sáng tạo … ngài mang suy tư của một Kitô hữu Do Thái, nhưng đã vận dụng để đi vào nền văn hóa Athen, và đã thành công, ngài cố làm cho dân thành này hiểu mình, nhưng với tư cách là một Kitô hữu Do Thái.”

Giáo hoàng cũng thúc giục các giám mục và hồng y, đừng để nỗi sợ làm họ trở nên tê liệt hay bối rối. “Chúng ta phải có can đảm để phúc âm hóa mục vụ với sự táo bạo và không e dè.” “Khi cùng suy tư với các linh mục, tôi mong ước giúp xem lại một vài nỗi sợ nào đó mà chúng ta ai cũng thường có, không cách này thì cách khác, những nỗi sợ làm cho chúng ta hoang mang và tê liệt.

Chúng ta không được để bị hoang mang, vì nó sẽ đưa chúng ta đến những con đường sai lầm,” cũng như sẽ làm cho giáo dân đang tìm kiếm Sự sống, Sự thật và Ý nghĩa, bị hoang mang. Thực hành mục vụ của chúng ta bị lỗi thời hàng thế kỷ, thời mà Giáo hội là điểm quy chiếu văn hóa duy nhất. Như các thầy dạy đích thực, Giáo hội cảm thấy trách nhiệm của mình là phác thảo và đặt ra, không chỉ các hình mẫu mà còn là các giá trị văn hóa. Hơn nữa, Giáo hội mong muốn dò theo ý thức cá nhân và tập thể, nói cách khác là các trình thuật mà người dân có thể xoay quanh để tìm ra các ý nghĩa tối hậu và đáp ứng với chất vấn của họ trong cuộc đời.”

“Chúng ta không còn ở thời đại trước nữa. Chúng ta không còn ở trong thế giới Kitô giáo nữa. Ngày nay, chúng ta không là người độc nhất tạo dựng văn hóa, chúng ta không phải là người được lắng nghe đầu tiên và nhiều nhất nữa.” Do đó, chúng ta cần thay đổi trong suy tính mục vụ. Nhưng, giáo hoàng cho thấy, chúng ta không cần “chăm lo mục vụ theo chủ nghĩa tương đối” vốn sẽ làm cho con người cô đơn và “rời khỏi bàn tay Thiên Chúa: “Đây không phải là chăm lo mục vụ!” Đức Phaxicô nói rằng nó sẽ làm cho con người rơi vào mối nguy bước vào con đường cô độc và sự chết.”

“Chúng ta phải có can đảm để dám và bạo dạn trong chăm sóc mục vụ, vì đây là những gì mà mọi người, các gia đình và dân thành thị kỳ vọng nơi chúng ta, và cần cho đời sống của họ, chính là lời về Chúa Giêsu và Tin mừng của Ngài. Tôi hay nghe giáo dân cảm thấy xấu hổ không dám bày tỏ mình. Chúng ta phải làm việc để không xấu hổ hay miễn cưỡng loan báo Chúa Giêsu Kitô.”

J.B.Thái Hòa dịch