Trích sách: Bênêđictô XVI, Những buổi nói chuyện cuối cùng với Peter Seewald. Nxb. Fayard.
Trọng kính Đức Thánh Cha, cha đã bổ nhiệm một tín hữu tin lành vào Ban điều hành Giáo hoàng học viện khoa học. Khi cha là giáo hoàng, đây là lần đầu tiên một giáo sư hồi giáo vào Đại học Gregoria và dạy Kinh Coran ở đó. Với việc thành lập Hội đồng Giáo hoàng Cổ động Tân phúc âm hóa, cha đã tạo nền tảng tổ chức cho một sứ vụ mới. Cha cũng đã cho các cộng đoàn khác, như cộng đoàn Anh giáo chẳng hạn được sống theo truyền thống của họ trong lòng Giáo hội công giáo. Trong khuôn khổ buổi nói chuyện này, chúng ta chỉ có thể đề cập đến một phần trong rất nhiều quyết định và sự kiện đáng kể trong triều giáo hoàng của cha. Như thế con mong chúng ta ngừng lại ở một số điểm mà các chỉ trích nhắm đến không phải để nâng uy tín mà hạ uy tín trong cách quản trị của cha. Một trong các điểm họ phê phán cha là cha quá ít thay đổi.
Cha bắt đầu bằng cách nhắc lại, triều giáo hoàng của cha bắt đầu lúc cha đã bảy mươi tám tuổi thì cha không thể nào nhắm đến các thay đổi lớn và mở các viễn cảnh rộng lớn, mà mình biết mình sẽ không thực hiện đến cùng. Cha đã nói đến điều này rồi. Thứ hai nữa, thay đổi lớn là gì? Điều quan trọng là đức tin phải ở trong thì hiện tại. Theo cha, đó là sứ vụ đầu tiên. Phần còn lại là các vấn đề quản trị thì không cần thiết phải giải quyết trong thời gian hạn hẹp của cha.
Cha không cảm thấy cần thiết phải vươn tới hiện đại hóa Giáo hội công giáo sao?
Tất cả tùy thuộc cái người ta gọi là vươn tới hiện đại hóa. Vấn đề không phải là biết cái gì là hiện đại, cái gì là không. Điều quan trọng trong thực tế không phải chỉ loan báo đức tin trong các hình thức đúng và tốt, nhưng chúng ta học để hiểu nó và để có thể giải thích nó theo một cách mới cho thời buổi hiện nay – và như thế cũng là một cách để xây dựng một lối sống mới. Và đó là những gì xảy ra. Qua Chúa quan phòng; qua Thần Khí; qua các phong trào gần đây trong các Dòng. Các phong trào này có các hình thức, qua đó đời sống Giáo hội mang một hình thức mới cho ngày nay.
Chẳng hạn khi cha so sánh các nữ tu Memores ở đan viện này với các nữ tu ngày xưa, thì cha thấy rõ có một đà vươn lên hiện đại hóa. Đơn giản ở đâu có đức tin sống động và tích cực, không sống trong tiêu cực mà sống trong niềm vui thì ở đó có những hình thức mới.
Cha rất vui vì thấy đức tin trong các phong trào trẻ của Giáo hội ngày nay và vì thế Giáo hội có một bộ mặt mới. Đó là một trong các nét chúng ta thấy rõ trong các Ngày Thế giới Trẻ. Đó không phải là những người kéo lê thời gian nhưng là những người trẻ, họ cảm thấy cần một cái gì khác hơn là những lời nói dài dòng như cũ. Đó là những người thật sự thổi ngọn lửa này lên. Trong các xung động Đức Gioan-Phaolô II đưa ra là đã mang một thế hệ mới, Giáo hội có một bộ mặt mới và trẻ.
Từ rất sớm, cha đã muốn Giáo hội tách ra một số của cải vật chất để sự tốt đích thực của Giáo hội được khẳng định. Mong muốn này đã không đi theo các dấu chỉ và hành động rõ ràng dưới triều giáo hoàng của cha?
Có thể, nhưng cũng khó. Phải luôn bắt đầu bằng chính mình. Vatican chiếm giữ quá nhiều? Cha không biết gì. Vatican phải làm rất nhiều việc cho những người nghèo nhất, cho những người cần sự giúp đỡ. Amazon ở đây, Phi châu ở kia, vv. Tiền bạc có là để cho, để phục vụ. Nhưng để có mà cho thì phải có thu vào. Đến mức mà cha không rõ mình có thể làm gì để đi ra khỏi chuyện này cho đúng. Cha nghĩ mỗi Giáo hội địa phương phải đặt câu hỏi này và bắt đầu là Giáo hội Đức.
Những gì xảy ra hiện nay dưới triều Đức Phanxicô là cũng đặt lại vấn đề của một vài khía cạnh xưa cổ trong việc quản trị Giáo hội.
Ngay từ đầu, cha thắc mắc rất nhiều về Ngân hàng Vatican (IOR) và cha đã tìm cách để cải cách nó. Không nhanh được vì cần có thời gian để am tường. Điều thiết yếu là phải cất trách nhiệm của những người đang tại chức ở đó. Phải giao ngân hàng cho một ban quản trị mới và vì nhiều lý do, không nên để người Ý đứng đầu. Cha nghĩ, với nam tước Freyberg, cha đã tìm được một giải pháp tốt.
Đó là ý tưởng của cha?
Đúng. Có những xếp đặt hợp pháp đã được làm dưới trách nhiệm của cha để ngăn việc rửa tiền. Nỗ lực này đã được biết trên tầm mức quốc tế. Dù sao cha cũng đã làm một cái gì để cải cách Ngân hàng Vatican. Cha cũng đã tăng cường hai ủy ban quốc tế phụ trách kiểm soát ngân hàng và họ đã ghi nhận có các tiến bộ thực. Âm thầm, cha đã làm việc trên các khía cạnh pháp lý cũng như các việc cụ thể. Từ đó, cha nghĩ bây giờ mới có thể đi xa hơn.
Dưới triều giáo hoàng của cha, có những chuyện ở trong bóng tối lâu ngày bây giờ được đưa ra ánh sáng.
Dĩ nhiên cha còn muốn làm nhiều hơn nữa. Sau chặng đàng thánh giá thứ chín*, nhiều người đã nói: “A! giáo hoàng sẽ can thiệp!”. Cha rất muốn như vậy, nhưng khó để thấy rõ. Có một sự nhằng nhịt nơi các vấn đề cơ cấu và nhân viên, can thiệp vội vã có thể gây nhiều thiệt hại hơn là tốt. Chính vì vậy phải làm chậm và cẩn thận.
Sau khi cha từ nhiệm, người ta biết cha đã cách chức hàng trăm linh mục trên thế giới trong các vụ lạm dụng tình dục.
Khi việc này bắt đầu, luật hình sự của Bộ luật Giáo hội (Codex) chỉ cho phép tạm ngưng chức. Trên quan điểm về luật ở Mỹ như thế là chưa đủ, vì các đương sự vẫn còn là linh mục. Vì thế chúng tôi phải lấy một quyết định chung với các giám mục Mỹ: để hình phạt được rõ ràng, các linh mục phải ngưng chức thánh, họ phải bị cách chức.
Cha nói đến thời cha còn làm bộ trưởng.
Đúng, đúng, đương nhiên. Khi đó cha xem lại hình phạt của luật hình sự, hồi đó rất khoan hòa, cha củng cố lại trước khi bảo vệ các nạn nhân và cho tiến nhanh các thủ tục mà trước đây thường có khuynh hướng kéo dài vô tận. Nếu trong vòng mười năm mà không phạt, thì xem như quá trễ.
Cách chức bốn trăm linh mục…
Chuyện này xảy ra trong thời cha làm giáo hoàng, chúng tôi dựa trên luật lệ pháp lý mà chúng tôi đã làm trước đó.
Chúng ta đã nói trước về vụ Williamson** trong quyển sách Ánh sáng thế gian. Một câu hỏi cuối về vấn đề này. Chính xác lúc nào thì cha được thông tin về việc này?
Cỉ sau khi sự việc đã xảy ra. Cha không hiểu. Khi sự việc đã được biết, đối với cha, gần như không thể hiểu, không thể tưởng tượng được rằng không một ai trong chúng tôi ý thức chuyện này.
Hồng y Quốc Vụ Khanh Bertone đã xin cha hoản sắc lệnh này.
Đương nhiên.
Chuyện này không tạo vấn đề.
Không có vấn đề gì. Tuy nhiên cha không nghĩ ngài biết thông tin; cha không hình dung được.
Người ta có thể xem vụ Williamson như một bước ngoặt trong triều giáo hoàng của cha. Cha có nhìn thấy như vậy không?
D nhiên hồi đó có một chiến dịch rộng lớn chống lại cha. Những người thù nghịch cha cuối cùng họ có lý do để nói: ngài không đủ khả năng và ngài không được giữ chức vụ này. Đó là giai đoạn đen tối và là một thời kỳ khó khăn. Nhưng rồi cuối cùng mọi người cũng hiểu, trên thực tế cha không được báo cho biết, tóm lại là như thế.
Có đúng chính xác là nó không có hệ quả trên nhân viên?
Không. Sau vụ này, cha hoàn toàn tái tổ chức lại Ủy ban Tòa Thánh về Giáo hội của Chúa (Ecclesia Dei), là Ủy ban có trách nhiệm với những gì đã xảy ra. Vì cha nhận thấy cần phải tổ chức lại cách làm việc của họ.
Cha có quá yếu không?
Cha xem chỉ duy ủy ban này là mắc lỗi. Và cha đã hoàn toàn cải cách nó.
Trong quyển sách của họ, quyển Bênêđictô XVI: một triều giáo hoàng dưới các tấn công, được xuất bản trước các vụ Vatileaks, các tác giả Ý Andrea Tornielli và Paolo Rodari đi đến kết luận, các môi trường bài-công giáo đã tổ chức các âm mưu, các chiến dịch tuyên truyền báo chí, các tấn công chống giáo hoàng Bênêđictô. Cha có cảm thấy có sự cự lại trong Giáo triều đối với một vài dự án không?
Không, cha sẽ không nói như vậy. Dù sao, các nhân vật quan trọng nhất, các bộ trưởng, các chủ tịch, tất cả đều ở với cha.
Hồng y Quốc Vụ Khanh Tarcisio Bertone đã chịu đựng mũi dùi chỉ trích. Hồng y Bertone không xuất thân từ ngành ngoại giao. Những người gièm pha cha cho rằng, nếu có một người am tường ngoại giao đứng đầu phủ Quốc Vụ Khanh thì sẽ tránh được nhiều cẩu thả và nhiều thiếu sót, những chuyện mà sau đó họ trách cha. Vì sao cha không tiến hành một bổ nhiệm mới vào chức vụ quan trọng này?
Bởi vì cha không thấy có một lý do nào để làm. Đúng là hồng y Bertone không phải là nhà ngoại giao, nhưng ngài là cha linh hướng, là giám mục, là thần học gia, giáo sư, chuyên gia về giáo luật. Là nhà giáo luật, ngài cũng dạy về luật quốc tế và rất am tường những gì dính đến khía cạnh luật pháp. Ngài là nạn nhân tiêu biểu của một thành kiến khổng lồ của một số người, đơn giản là như thế. Và những người này, đương nhiên họ sẽ khai thác tất cả những gì có thể khai thác để biện minh cho phán xét của họ. Chắc chắn vì ngài phạm nhiều sai lầm, đi quá nhiều, các bài diễn văn của ngài, vv. Nhưng khi còn làm Hồng y Quốc Vụ Khanh, Hồng y Eugenio Pacelli (Giáo hoàng tương lai Piô XII) cũng đi nhiều như Hồng y Bertone. Cha nghĩ, rất nhiều chỉ trích người ta trách cứ Hồng y Bertone, thực chất là để nhắm đến cha. Chúng tôi tin tưởng nhau, chúng tôi ăn ý với nhau, nên cha không buông ngài, bây giờ cũng vậy, khi cha thấy người ta vẫn còn tiếp tục chỉ trích ngài, cha thấy toàn là dối trá. Mặt khác, qua hành động của ngài ở tòa, ngài đã buộc các người vu khống mà ngài có thể nhận diện được, họ phải rút lại lời tuyên bố của họ.
Có phải trong một lần gặp cha, nhiều hồng y trong số này có Hồng y Schӧnborn đã xin cha thay thế Hồng y Bertone không? Và cha đã trả lời: “Bertone ở lại, thôi đủ rồi!”
Không, không đúng như vậy.
Theo hình ảnh thánh bổn mạng Bênêđictô của cha, cha cũng bị vụ “nuôi ong tay áo” – người quản gia Paolo Gabriele của cha bị cho là như vậy – người thân cận cha nhất đã ăn cắp các tài liệu mật. Chuyện này có làm cho cha bị tác động sâu đậm không?
Không đến mức rơi vào tuyệt vọng hoặc bị trầm cảm. Theo cha, trước hết là cha hoàn toàn không hiểu được. Dù khi cha nghĩ về cá nhân ông, cha cũng không tài nào hiểu vì sao người ta có thể làm một chuyện như vậy. Cha không hiểu làm sao người ta có thể hy vọng thoát ra được chuyện này. Đó là một loại tâm lý mà cha không cách nào thâm nhập vào được.
Một vài người nghĩ chuyện này xảy ra vì cha quá cả tin.
Đúng là không phải cha chọn ông ấy. Ngay cả cha cũng không biết ông ấy trước. Ông đi qua tất cả các giai đoạn của cấp bậc, tất cả các kỳ thi. Và theo như bề ngoài, thì tất cả đều phù hợp.
Có vẻ như biết người không phải là điểm mạnh của cha?
(Cha cười.) Đúng vậy, cha hoàn toàn đồng ý. Mặt khác, cha cũng rất thận trọng và rất cân nhắc vì cha hiểu các giới hạn của việc biết người nơi người khác và cả nơi cha.
Cha nhìn vụ này dưới khía cạnh pháp lý như thế nào?
Theo cha, chủ yếu là phải tôn trọng khía cạnh độc lập của tòa án hơn là đem phần lý về cho Vatican. Ông vua không nói: tôi nắm sự việc trong tay, nhưng công lý làm việc của mình trong một Quốc gia trọng pháp luật. Ông vua có quyền ân xá, nhưng đó là một chuyện khác.
Ngày 6 tháng 10-2012, cựu quản gia của cha bị lên án mười tám tháng tù vì tội ăn cắp tài liệu. Ông bắt đầu thọ án ngày 25 tháng 10 ở Vatican. Ngày 22 tháng 12 cha đến thăm ông trong tù, cha đã tha thứ cho ông và đã miễn cho ông án còn lại. Ông Gabriele đã được trả tự do ngay ngày hôm đó. Trong chuyến thăm này, ông đã kể gì cho cha?
Ông rất điêu đứng bởi những gì ông đã làm. Cha không muốn phân tích cá tính của ông. Đó là một cảm nhận pha trộn giữa những gì do mình thuyết phục họ hay chính do họ thuyết phục họ. Ông đã hiểu chính ra ông không được làm vậy, ông đã đi trên con đường sai, đơn giản là như thế.
Một vài người tự hỏi, làm sao một quản gia có thể làm một việc to lớn như vậy. Cha nghĩ gì về chuyện này?
Chắc chắn chính ông đã chuyển tài liệu. Không ai khác ngoài ông có thể vào được đây để làm.
Nhưng ông phải có các cảm tình viên, những người bạn thúc đẩy ông bước qua hành động.
Có thể, nhưng cha không biết gì. Dù sao thì nó đã không như vậy.
Cha đã thành lập một ủy ban để làm việc này rõ ràng. Cha không bị rúng động bởi tầm mức rộng lớn của ác ý, ghen tương, của kiếm lợi lộc và các mánh khóe của Vatican sao?
Đây là một cái gì đã được biết đến. Cha muốn nói rõ ràng, tất cả những chuyện này thật sự có tồn tại, nhưng nó không đại diện cho toàn bộ Vatican. Có một số người rất đáng kể, hoàn toàn tận tâm tận tụy làm việc từ sáng đến tối. Cha biết rất nhiều người tốt, tất cả những gì cha có thể nói là tốt, nhưng phải chấp nhận những chuyện như thế này vẫn tồn tại. Trong một tổ chức có hàng ngàn người, thì không thể chỉ có toàn người tốt. Phải chấp nhận chuyện này, dù nó đau buồn, nhưng không vì vậy mà không nhìn đến những người còn lại. Cha thật sự xúc động được gặp ở đây những người, trong tận thâm tâm họ, họ thật sự muốn làm một cái gì, họ ở đây là để cho Chúa, cho Giáo hội, cho người khác. Nếu con biết con số những người tốt ở đây, những người thật sự trong trắng mà cha đã gặp ở đây! Theo cha, như thế là đủ chuộc cho những người khác, và cha nghĩ: thế giới là như thế! Chúa cũng đã dạy như thế! Trong lưới cũng có những con cá xấu.
Để kết luận về vấn đề này, vị kế nhiệm của cha đã nêu lên vấn đề một nhóm gây sức ép đồng tính ở Vatican, một bè phái đồng tính tạo vấn đề. Cha có xem vấn đề này như vậy không?
Người ta có báo cho cha biết có một nhóm như thế, và cha đã giải thể. Trên thực tế thì chuyện này có trong biên bản của ủy ban ba thành viên, có một nhóm nhỏ, từ bốn đến năm người tất cả và chúng tôi đã giải thể. Cha không biết họ có tổ chức lại không. Dù sao người ta cũng không thể nói việc này nhiều như kiến.
Vụ Vatileaks có làm cho cha nản chí trong chức vụ của mình không?
Không, vì cha cho rằng những việc như thế này lúc nào cũng có. Như cha đã nói, chủ yếu là mình không ra đi khi đang trong cơn bão, nhưng là cự lại.
*
Ám chỉ đến các lời Hồng y Ratzinger nói về các tệ nạn trong Giáo hội trước khi ngài được bầu chọn.
**
Tháng 1 năm 2009, Đức Bênêđictô XVI ký sắc lệnh cất án dứt phép thông công bốn giám mục của Huynh đoàn Thánh Piô X, không qua quy chế giáo luật, đã tạo một cơn bão truyền thông khủng khiếp. Chúng tôi xin tóm tắt sự kiện theo năm tháng: Trưa 24 tháng 1, Vatican dự trù công bố Đức Thánh Cha quyết định cất án dứt phép thông công các giám mục của Huynh đoàn Thánh Piô X. Sự dứt phép thông công không còn hiệu lực vì qua một tuyên bố, Huynh đoàn đã tuần phục uy quyền tối thượng của giáo hoàng. Quyết định này không kéo theo việc hồi phục hay tái hội nhập vào Giáo hội công giáo. Một tuần trước đó, ngày 17 tháng 1, tin này đã được một ký giả Tây Ban Nha loan báo. Ngày 20 tháng 1, báo Spiegel có bài phỏng vấn một trong bốn giám mục của Huynh đoàn, Giám mục Richard Williamson trên đài truyền hình Thụy Điển, theo đó, Giám mục phủ nhận Lò thiêu người Do Thái (Holocauste). Cuộc phỏng vấn này được phát trên đài truyền hình Thụy Điển ngày 22 tháng 1. Cùng ngày, ký giả, nhà Vatican học Andrea Tornielli nhắc đến bài phỏng vấn này trên báo Il giornale. Cũng ngày 22 tháng 1, một cuộc họp cấp cao diễn ra ở Vatican có sự tham dự của các hồng y Giáo triều Bertone, Hoyos, Levada, Hummes và hai giám mục. Buổi họp kết thúc không có kết quả, không có gì xảy ra. Thư ký riêng của giáo hoàng Georg Gänswein bị bệnh nằm liệt giường. Khi đó vụ việc chuyển qua tính cách chính trị, dù cho các cải chính của Vatican xác nhận những người theo chủ nghĩa tiêu cực không có chỗ đứng của họ trong Giáo hội công giáo. Một vài tuần trước đó, Đức Bênêđictô XVI đã kêu gọi có một sự “đoàn kết sâu đậm với thế giới Do Thái” và nhấn mạnh đến đấu tranh của mình chống mọi hình thức bài-Do Thái, thế mà chính ngài cũng bị tố cáo là có chủ trương bài-Do Thái.
Marta An Nguyễn chuyển dịch