pelerin.com, Alice Le Dréau, 2017-01-25
Tôi cho,
Bạn cho,
Chúng ta cho.
Cho thì giờ, cho tiền của, cho sự chú tâm. Người ta cứ nghĩ giới trẻ Pháp kiêu căng, ích kỷ nhưng giới trẻ Pháp cũng có lòng yêu tha nhân đủ để đem… bán!
Christian Pagé 43 tuổi quấn một lô áo quần vào mình, ông trải mền dưới một cánh cổng, trong những ngày này, ông luôn canh chừng để tránh gió. Từ hai năm nay, cựu nhân viên quản lý tiệm ăn không có nơi ở cố định ở Paris. Ông kể đời sống hàng ngày của mình trên trang Twitter. Từng câu ngắn, ông tả cảnh khổ cực của mình, mưa ập xuống khi vừa xếp xong túi ngủ, sống cảnh thiếu vệ sinh, thiếu an ninh…, nhưng ông cũng kể những lúc hạnh phúc. Đó là khi cô láng giềng cho ông ly cà phê nóng, khi một người không quen biết, trong đêm tối đã âm thầm để bữa ăn sáng bên cạnh hành lý của ông. Ông viết, những cử chỉ ẩn giấu nhưng không phải là không quan trọng. Tình tương trợ tự phát, các biểu lộ lòng yêu tha nhân đã gắn kết ông với xã hội và giúp ông đứng vững, giữa muôn vàn khó khăn.
Mặc cho những người bi quan, những người thích chuyện buồn, lòng quảng đại vẫn là một đức tính quan trọng. Chúng ta có thể tỏ lòng rộng lượng qua nhiều cách: qua tiền bạc, qua thì giờ, qua lắng nghe, qua vật dụng, qua chia sẻ các đam mê, các hiểu biết của mình, qua chính bản thân mình. Nhưng muốn nói đến lòng quảng đại trước hết phải nói đến các con số. Và những con số này thật hùng hồn. Theo con số của tổ chức Nghiên cứu Và Tương trợ, năm 2015 người Pháp khai thuế với tổng số tiền cho các cơ quan, các hiệp hội từ thiện là 2,5 tỷ euro.
Sự cam kết đóng góp tăng mạnh
Kể từ bản kết toán năm 2014, con số này ngày càng tăng mạnh. Con số trung bình của tiền tặng là 463 euro và dĩ nhiên con số này sẽ khác nhau giữa các tầng lớp xã hội, giữa tuổi tác và các vùng khác nhau trong nước Pháp. Các hiệp hội được người dân tặng nhiều nhất là Tiệm ăn của quả tim (Restos du coeur), Hiệp hội Pháp giúp các bệnh về cơ (AFM), Cứu Cấp Công giáo (Secours catholique), hội Chữ Thập Đỏ… Theo bản công bố hàng năm của tổ chức Nước Pháp Quảng đại, thì có 58 % người Pháp tặng cơ quan từ thiện trong ba năm gần đây. Trong số này 46 % cho thường xuyên, có nghĩa là mỗi năm họ cho một lần hoặc nhiều hơn.
Nhưng lòng quảng đại không phải chỉ đo bằng tiền. Từ năm 2013 đến năm 2016, có từ 11,7 đến 13,1 triệu người Pháp làm việc trong các tổ chức từ thiện. Ông Jacques Malet, chủ tịch tổ chức Nghiên cứu và Tương trợ cho biết: “Con số này sẽ lên đến gần 20 triệu người nếu thêm vào con số này, số lượng người đã bỏ thì giờ của mình một cách không chính thức trong các công việc thiện nguyện”. Còn về những người trợ giúp thì có trên 8 triệu người giúp thân nhân của mình bị bệnh hoặc bị khuyết tật.
Vậy thì người Pháp có thật sự ích kỷ không? Triết gia Paul Ricoeur đã viết: “Thiện hướng của lòng tốt thì mạnh hơn, sâu hơn là khuynh hướng của sự xấu.” Ông Jacques Lecomte, tâm lý gia, người khai sinh môn tâm lý tích cực và tác giả quyển sách Lòng tốt của con người (Nhà xuất bản Odile Jacob) chia sẻ cùng quan điểm này.
Ông giải thích thêm: “Con người là thiên về tình yêu, về yêu tha nhân, về hợp tác”. Theo cuộc thăm dó của chúng tôi, nếu đa số người Pháp rộng lượng với những người thân cận mình thì chỉ có 32 % là đã giúp cho người hoàn toàn không quen biết. Nhưng trong những hoàn cảnh cực kỳ đặc biệt thì bảy trên mười người Pháp sẽ liều mình để cứu giúp một người khác. Ông Jérôme Fourquet, giám đốc phân bộ ý kiến quần chúng của cơ quan Ifop cho biết: “Không phải chỉ ngồi nhà tuyên bố suông, xã hội chúng ta thường bị cho là theo chủ nghĩa cá nhân, nhưng chuẩn mực được nhận biết một cách chính đáng của xã hội chúng ta là giúp đỡ người khác trong trường hợp khẩn cấp. Các báo địa phương đầy các câu chuyện của những công dân bình thường, họ đã cứu cấp ngay khi có đám cháy ngay hoặc không chần chừ khi nhảy xuống sông cứu người bị chết đuối”. (…)
Hình: Antoine Martel (thứ hai từ bên mặt đang thao luyện cùng với các bạn) chưa bao giờ có nhiều động lực như bây giờ. Ngày 9 tháng 4, anh sẽ tham dự cuộc chạy bộ Marathon của Paris lần đầu tiên và sẽ khoác chiếc áo trên lưng có chữ “tương trợ”. © Aldo Sperber
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch