Từ 13 năm nay, nữ tu Donatella đến lần chuỗi trước bức tường chia cách Israel và Palestina

429

Từ 13 năm nay, nữ tu Donatella đến lần chuỗi trước bức tường chia cách Israel và Palestina

fr.aleteia.org, Gelsomino Del Guercio, 2017-01-27

Từ 13 năm nay, cứ mỗi 5h30 chiều thứ sáu, nữ tu Donatella đến lần chuỗi trước bức tường. “Chúng tôi cầu nguyện nhưng chúng tôi cũng biết việc xây bức tường sẽ tiến hành”.

Trong khi Thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục đường lối cài đặt người dân Israel vào trong lãnh thổ người Palestina, làm trầm trọng thêm sự căng thẳng giữa người Israel và Palestina, thì có những người chọn cách cầu nguyện để mong có hòa bình thay vì giương vũ khí ra. Đó là trường hợp của nữ tu dũng cảm Donatella Lessio người Ý, nhân vật chính trong câu chuyện can đảm, chống việc xây bức tường một cách hòa bình. Từ năm 2004, cứ đến ngày thứ sáu, nữ tu đến bức tường ở Bê-Lem để lần chuỗi.

200 người chung quanh nữ tu

Nữ tu Donatella thuộc Dòng Phan-Sinh Isave (Suore elisabettine), sơ 54 tuổi và sơ đảm trách việc đào tạo nhân viên cho Bệnh viện Nhi đồng Caritas ở Bê-lem, cơ quan duy nhất của Cisjordania lo cho các em bé.

Nhưng nhất là cứ mỗi thứ sáu, lúc 5h30 chiều (6 giờ vào mùa hè), sơ đến lần chuỗi ở bức tường ngăn cách Israel và Cisjordanie. “Chúng tôi lần chuỗi như vậy từ năm 2004, bây giờ chúng tôi vừa đi vừa lần hạt”. Sơ Donatella thường được các sơ đồng tu đi cùng, ngoài ra còn có các sư huynh các Trường kitô giáo và một bà người Palestina ở gần bức tường. Có những người Palestina khác cũng muốn tham dự giờ cầu nguyện nhưng họ sợ bị trả thù. Ngày 25 tháng 1-2017, sơ Donatella cho biết, đôi khi có các nhóm du khách hành hương cùng lần hạt, có khi con số lên đến 200 người.

Giữa các tụ điểm kiểm soát và các đan viện

Cuộc đi bộ lần hạt bắt đầu từ tụ điểm kiểm soát, nơi có các cuộc bàn cải xem có cho phép nhóm đi qua hay không, sau đó họ đến đan viện Dòng Salê ở Bê-lem trước khi đi lên tượng Đức Mẹ trên tường do nghệ sĩ  người Anh Knowles thực hiện. Sơ Donatella kể: “Chúng tôi hát bài Salve Regina. Ở Bê-lem khí hậu rất nóng, đi lên đi xuống các sườn phía đông là cam kết: chúng tôi dấn thân, chúng tôi chịu khó để có hòa bình”.

Tại sao lần chuỗi?

Sơ giải thích: “Ý nghĩ lần chuỗi nảy sinh sau khi các em bé sắp được mổ nhưng lại bị bắt ngừng lại ở tụ điểm kiểm soát, các em không kịp đến bệnh viện Giêrusalem. Chúng tôi tự hỏi mình có thể làm gì: chúng tôi là nữ tu, chúng tôi không có một quyền lực chính trị nào, xin ơn ban hòa bình là nhiệm vụ của chúng tôi, nhất là ở những nơi có chia rẽ”. 

“Bức tường này phải bị hạ xuống”

Nữ tu Donatella nói tiếp: “Lời cầu nguyện mỗi thứ sáu của chúng tôi là sứ điệp của tình huynh đệ, chúng tôi xin Chúa để không có một bức tường nào trong tâm hồn của những người có quyền quyết định cho hòa bình ở Đất Thánh này. Chúng tôi cầu nguyện nhưng cùng lúc chúng tôi biết, việc xây bức tường này sẽ được tiến hành. Vậy phải làm sao để bức tường này bị hạ, để người Israel và Palestina có thể nhận biết nhau và chấp nhận nhau”.

Các cuộc gặp gỡ không thể được

Ở Bê-lem bức tường cao hơn tám mét và trên cao có dây kẻm gai. Bức tường đầy những hình vẽ đòi hòa bình. Sơ Donatella tuyên bố: “Theo tôi, bức tường này là sự sỉ nhục cho hòa bình”, lời nói này làm người ta liên tưởng đến lời của Thượng phụ la-tinh. Và đây cũng là một thất bại của con người. Con người được dựng nên là để có tương quan. Mỗi bức tường, bằng bê tông vũ trang, bằng dây kẻm gai hoặc bức tường trong tâm hồn đều ngăn mọi cuộc gặp gỡ, xóa đi lời của Sách Sáng Thế: “Con người ở một mình không tốt”, chữ “một mình” chắc chắn cũng muốn nói đến một dân tộc, một quốc gia, chứ không phải một mình trong nghĩa cá nhân.

Marta An Nguyễn dịch

 

Đức Phanxicô ở bức tường phân cách trong lần ngài viếng thăm Đất Thánh tháng 5-2014.

Marta An Nguyễn chuyển dịch