Marx + Chúa = Jean Ziegler

789

letemps.ch, Alexis Favre, 2016-11-17

Cũng như văn hào Bernanos, ông Jean Ziegler nghĩ «Chúa không có bàn tay nào khác hơn là bàn tay chúng ta». Một lòng tin rọi sáng đời sống vĩnh cửu của một chiến binh. (Lea Kloos)

Một quyển sách, một cuốn phim, một hợp đồng mới: người trí thức danh tiếng nhất của nước Thụy Sĩ ở trên tất cả các chiến tuyến. Dấn thân hết mình, được ca tụng, bị ghét bỏ, ở tuổi 82, ông hé lộ động lực chiến đấu của ông, đức tin. Không phải là không làm buồn lòng cho gia đình theo chủ nghĩa vật chất của ông.

Quyển sách «Các con đường hy vọng» do nhà xuất bản Seuil phát hành vào tháng 10. Một cuốn phim tài liệu trên đài truyền hình ngày 23 tháng 11. Một hợp đồng tái ký của Hội đồng Cố vấn Nhân quyền: ông Jean Ziegler 82 tuổi có mặt trên các chiến tuyến, hăng hái sinh động hơn bao giờ. Mặc cho các dị ứng sẽ bị thất vọng, và dù cho có bị cười, người trí thức-thế giới của nước Thụy Sĩ là vĩnh cửu. Đúng, vĩnh cửu. Bằng chứng là ở trang 48 của quyển sách «Các con đường hy vọng», lần đầu tiên ông viết và viết như lời trối trên mộ bia: «Tôi tin vào sự sống lại. Vô tận của thời gian và vô tận của vũ trụ bao gồm chúng ta.»

«Lệnh ăn thịt người của thế giới»

Người công kích «Lệnh ăn thịt người của thế giới», kẻ thù không đội trời chung với các  «chính thể đầu sỏ tư bản» và của «thói mãi lộ ngân hàng», từ lâu ông Jean Ziegler luôn tôi luyện một biện chứng chủ nghĩa vật chất không thể hạ bệ được của mác-xít. Vì thế không một ai rớt xuống ghế của mình: «Tôi là người bônsêvít tin ở Chúa», người chiến binh già tuyên bố từ vùng quê yên tỉnh Genève của ông. Ông còn đèo theo văn hào Victor Hugo sau lưng: «Tôi ghét hết mọi nhà thờ, tôi yêu con người, tôi tin ở Chúa.»

Các người chú giải siêng năng chuyên cần nhất của tư tưởng ziegler đều biết chiều kích siêu việt của ông. Họ biết gốc rễ tin lành của thủ đô Berne của ông, biết ông trở lại đạo công giáo trong những năm 1960. Từ tuổi vị thành niên, ông quá bực bội «thuyết tiền định của Calvin», ông cho các bạn cộng sản của ông ở Paris hiểu «cuộc đấu tranh chống giai cấp không đủ để giải thích thế giới và số phận con người». Các tác giả viết tiểu sử của ông cũng đã kể cuộc gặp gỡ của ông với linh mục Dòng Tên Michel Riquet, người chiến binh bị giam ở trại tập trung, linh mục đã làm cho ông biết đến Thánh Âugutinô, đọc Phúc Âm Thánh Máthêu và nhận ra Ánh sáng.

Bônsêvít vì tin

Đọc quyển sách mới nhất của ông vào một buổi chiều ở làng quê êm đềm Russin của ông, làm lóe lên một sự thật hiển nhiên trọng yếu: Jean Ziegler là người bônsêvít vì ông tin ở Chúa. Vì ông thấy «quá nhiều tình yêu trên quả đất này» nên không thể không tin. Vì «Chúa Quan phòng đã quan phòng» cho ông, như một ngày năm 1973 khi người du kích đi trước ông trên con đường mòn ở rừng São Domingos, Guinée-Bissau đã dẫm mìn thay cho ông. Và ông nghĩ như văn hào Bernanos đã nghĩ «Chúa không có bàn tay nào khác hơn bàn tay chúng ta», ông giữ nhiều chức vụ, chiến binh, giáo sư, chính trị gia, tường thuật viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, tất cả đều để phục vụ cho một ý tưởng công chính. Đức tin là động lực hành động.

Năm 2002, ông được «Giải Kadhafi vì nhân quyền» nhưng ông không nhận, ông là người tích cực bảo vệ các chế độ Chavez hay Castro, ở trong tình trạng chênh vênh nguy hiểm đây đó với thực tế của các sự việc, Jean Ziegler có xưng các lỗi lầm của mình không? «Chắc chắn, rất nhiều kể cả lỗi đã tin vào chủ nghĩa xã hội-dân chủ!» Các tội của mình không? «Vô số!» một loại mù quáng, chẳng hạn ở Cuba? Ông do dự: «Một khi chiến thắng có được thì mới đến lúc chỉ trích. Nhưng không làm trước!»

«Chân trời tối hậu của lịch sử»

Cuộc chiến đấu. Các cuộc chiến đấu này «chúng tôi sẽ cùng thắng với nhau», đó là câu hứa hẹn phụ thêm dưới tựa đề quyển sách «Các con đường hy vọng». Một quyển sách tái khẳng định một lòng tin khác của ông: dù cho có những vụ tháo lui, dù bất lực, dù có nhiều thất vọng cho những giấc mơ đa chiều, ông viết: «Tổ chức tập thể của thế giới dưới thế lực của quyền chính đáng, có mục đích mang lại công chính, hòa bình và tự do cho hoàn vũ vẫn là chân trời tối hậu của lịch sử, không có một chân trời khác.»

Mĩa mai – hoặc tàn bạo cho số phận – của câu chuyện lịch sử kỳ quặc này, quyển sách phát hành ba tuần trước cuộc bầu cử của Donald Trump. Trước cuộc chiến thắng của chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa ích kỷ chỉ lo cho mình. Một phát ân huệ cho người lần này trích dẫn lời của kịch tác gia Bertolt Brecht, làm cho Liên Hiệp Quốc thành «hung bạo nhẹ nhàng của lý tính» không? Chúng ta hãy nghĩ về chuyện này! Ôâng Jean Ziegler trả lời: «Đó là một sự đi lui khủng khiếp, nhưng lịch sử dạy cho chúng ta con đường nhân loại hóa vẫn đi tới. Từ tinh thần bi quan của lý tính, phải trả lời cùng với Gramsci bằng tinh thần lạc quan của ý chí. Không có một chọn lựa nào khác ngoài hy vọng.»

«Con đường bấp bênh lay động của văn minh hóa»

Nơi nhà xã hội học dấn thân này, tất cả được nuôi dưỡng trong nôi nước Đức của Adorno và Horkheimer và cũng trong mác-xít. Mặc chiếc áo len nhẹ mùa thu, ông hăng hái nói: «Có hai lịch sử ở đây. Lịch sử của công chính đã thật sự có và bây giờ bị đi lui. Đó là ông Trump, đó là 61 triệu người tị nạn bỏ đi, một kỷ lục đáng buồn. Và một lịch sử của lương tâm, lịch sử này đòi được công chính. Lịch sử này tiến dần dần và đó là con đường bấp bênh lay động của văn minh hóa đang lên.  Sự tiến dần này làm cho không một ai dám yêu sách Malthus để biện minh cho nạn đói trên thế giới. Đó là thời cánh chung, là lôgic của các cùng đích. Những chuyện này được ở trong chúng ta.»

Ông, ông ở đường Thập giá Chì (Croix-de-Plomb). Chuyện này không phải là chuyện sáng chế ra: Jean Ziegler chiến đấu như người mang thập giá quá nặng. «Tôi ý thức tôi có được đặc ân khủng khiếp. Tôi là người trưởng giả da trắng bình thường, được có ăn, được phát triển bình thường, được sống ở một đất nước tự do. Như thế là đã quá nhiều… Nếu với những đặc ân này và biết những gì tôi biết, mà tôi không chiến đấu thì làm sao tôi có thể nhìn tôi trong gương?»

Tại sao phải chờ quá lâu để hé ra các bánh xe của bộ máy nội tâm? Ông thú nhận: «Vì tôi bị chấn thương bởi môi trường sống của tôi. Tôi biết gia đình, mà tôi rất yêu thương, chứ không nói gì đến các bạn tôi, không thích chuyện này. Họ còn trách tôi đã nói lên chuyện này. Và nhất là tôi ghét tuyên ra đức tin. Tôi rất ghét thuật ngữ Phúc Âm bị các thứ trật giáo hội trưng thu. Đối với tôi, làm việc là cầu nguyện, cầu nguyện là làm việc.»

Chân dung chính trị gia Jean Ziegler

1934 Sinh ở Thoune, Thụy Sĩ

1964 Gặp Che Guevara

1967 Được bầu vào Hội đồng Quốc gia

1977 Giáo sư xã hội học ở Đại học Genève cho đến năm 2002

1997 Xuất bản «Thụy Sĩ, vàng và những người chết»

2000 Tường trình viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho quyền thực phẩm, cho đến năm  2008

2016 Phim «Jean Ziegler, lạc quan của ý chíù», do Nicolas Wadimoff thực hiện.

zieglerMarta An Nguyễn chuyển dịch