Linh mục Manoukian: “Ở đây, không có triết lý thần học gì cao lớn: ở đây là chỗ của kinh nghiệm!”

977

 

fr.aleteia.org, Louise Alméras, 2016-10-17

Một linh mục nói về  Trại Tối Ưu (camp Optimum) và những gì đã thay đổi cuộc đời của cha.

pere-manoukian

Linh mục Manoukian thuộc Cộng đoàn Emmanuel. Cha nói về Trại Tối Ưu, một trại tĩnh tâm cho đàn ông về chủ đề ơn gọi của phái nam.

Aleteia: Cha biết đến Trại này như thế nào?

Linh mục Francis Manoukian: Tôi biết những người tổ chức và tôi biết trại này làm những chuyện tuyệt vời.

Cha tham dự trại như một người đàn ông, cái gì đã làm cha kết nối với những người đàn ông khác trong kinh nghiệm này?

Cái gì kết hiệp tôi ư, đó là tôi cũng giống như họ! Như họ, tôi không bao giờ nói đến nam tính của mình trong suốt thời thơ ấu của tôi, như họ, tôi chưa bao giờ nói đến ơn gọi phái nam cũng như ơn gọi cách riêng của con người. Là linh mục và là người giáo dục các em trẻ, tôi phải tự đào tạo mình, tôi đã phải viết một quyển sách nhỏ về các giai đoạn trong đời sống con người. Nhưng ở Trại Tối Ưu, có một cách đơn giản và trực tiếp để nói. Không có lý thuyết triết lý, tâm lý gì to lớn: ở đây là kinh nghiệm! Điều làm tôi xúc động là tất cả mọi người đều nhận thấy qua những chữ được nói lên, một kinh nghiệm riêng về nam tính đang còn ngủ… «trong cái thùng».

Là linh mục, cha đã nghe người tham dự xưng tội, cha quan sát, cảm nhận, nghe được những gì nổi bật nhất qua tác động của trại trên các ông?

Điều đánh động tôi là sự kiện nói lên nam tính đã được nói lên từ quả tim. Khi người đàn ông biết mình có thể mạnh, thì lúc đó họ cũng có thể cho phép mình trở nên mong manh. Chính lúc đó họ khám phá quả tim con người của mình. Họ học để được “tốt”, chứ không phải “dễ thương”. Chúng ta nói “Chúa lòng lành”, chúng ta không nói “Chúa dễ thương”. Lòng tốt của người mục tử cho thấy nét dịu dàng và khiêm tốn của họ, và đó cũng là sức mạnh và đòi hỏi. Sự dễ thương chỉ nêu ra cái sợ và cái thỏa thuận, nói tóm một chữ: sự hèn nhát.

Khía cạnh thiêng liêng nào mang đến cho Trại dành riêng cho đàn ông và ơn gọi này?

“Đây là người”. Đó là câu Philatô nói về Chúa Giêsu trong Tuần Thương Khó của Ngài. Bị khơng còn nhận ra hình dạng con người, bị bầm dập, bị nhạo báng, Chúa Giêsu mặc áo phàm trong sự yếu đuối, khổ đau, nhưng cùng một lúc Ngài sẽ đứng dậy và mạc khải thành một con người mới, được hiển linh và vĩnh cửu.

Chúa Kitô là một người đàn ông chín chắn vì Ngài có một người cha và tương quan của Ngài với Người Cha là một tương quan đầy tình yêu và sức mạnh. Bí mật của sự phong phú của Chúa Giêsu và sức mạnh của Ngài trước sứ mệnh của mình là ở nơi sợi dây huyền bí kết hiệp Ngài với Chúa Cha. Sợi dây này ngày nay chúng ta cũng có, đó là phép rửa tội. Như thế chúng ta không thể suy nghĩ đến cùng về nam tính mà không so sánh với nam tính của Chúa Kitô được trao ban bởi hiền thê của mình là Giáo hội.

Tiếp cận của Trại có làm được với người không có đức tin, và đó có phải là một tiếp cận phổ quát cho đàn ông không?

Có, nếu nghĩ rằng mọi người đàn ông có một tâm hồn và có nam tính, thì họ có tâm hồn nam! Bây giờ, dù họ có đức tin hay không có, điều này không ngăn họ nhận thức như một người đàn ông với một ơn gọi nào đó.

Đâu là những thay đổi mà cha nhận thấy trong đời sống của cha sau khi đi Trại này?

Tôi đã nghiên cứu tác giả nguyên thủy đã khai sinh ra tiến trình này (Bất trị, Indomptable của John Eldredge, nhà xuất bản Farel, 2005), nhưng chỉ sau khi đi Trại, tôi mới khám phá khái niệm cộng đồng của nam tính. Tôi không phải là một người đàn ông riêng lẽ. Nam tính của tôi không độc lập với nam tính của cha tôi và những người đóng vai trò này trong đời tôi. Chúng tôi cần những người cha để trở thành cha. Cũng một cách này, chúng tôi cần gặp nhau giữa những người đàn ông để trở thành đàn ông hơn nữa. Điều đáng kể là những người đã đi qua hành trình của những chương trình giữa những người đàn ông như hướng đạo, câu lạc bộ rugby, các nhóm thể thao, các tổ chức quân đội, vv. họ dễ dàng đóng vai trò đàn ông và xây dựng một gia đình.

Các bài diễn văn của Trại Tối Ưu và nhấn mạnh đến nam tính của Chúa có thay đổi cái nhìn của cha về Chúa hay về chỗ đứng của đàn ông trong Giáo hội không?

Trước đây tôi đã suy nghĩ nhiều về chỗ đứng này và cái nhìn của tôi có về Chúa không thay đổi. Nhưng cái nhìn của tôi về chỗ đứng của người đàn ông trong Giáo hội không thay đổi nhưng được tiến triển nhanh hơn. Vị thế linh mục buộc tôi không được làm người cha ngăn con cái lớn lên, nhưng làm cho chúng lớn lên. Linh mục không chiếm chỗ duy nhất trong Giáo hội (chỗ cần phải bàn thảo lại) nhưng giúp mỗi người có chỗ của mình. Và có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu chỗ.

Cha có khám phá hay tái khám phá nam tính của mình trong Trại này không?

Nam tính được Chúa trao cho chứ không phải qua cái nhìn của con người. Nó là ‘nén bạc’ cần được sinh sôi nẩy nở. Chính vì tôi nhận một sứ mạng đặc thù trong nam tính, nên tôi mới có thể gặt được và mang hoa trái. Nam tính không đo ở số lượng thành tích nhưng ở cách chúng tôi dấn thân tâm hồn mình. Rất nhiều anh hùng yếu đuối lúc đầu nhưng họ biết đáp trả với tiếng gọi lớn hơn họ, và họ trở nên… lớn hơn.

Điều này có làm thay đổi phong cách linh mục của cha không?

Chuyện này thì phải hỏi những người ở chung quanh tôi.

 

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch