Bình tâm của Đức Phanxicô, cuộc gặp gỡ với các linh mục Argentina

226

zenit.org, Sergio Mora, 2016-03-08

Đức Phanxicô sẽ đi Argentina

Tháng 1-2016 vừa qua, Đức Phanxicô đã tiếp các thành viên của Giáo hoàng Học viện Argentina tại Rôma nhân dịp có chuyến thăm mục vụ của Hội đồng Giám mục các Bộ, của Hội nghị Giám mục (CEMIN).

Trong cuộc gặp dài một giờ này, Giám mục địa phận Rôma và các giám mục, các linh mục Argentina đã có buổi nói chuyện “thân tình, nồng ấm và sâu đậm”: Đức Phanxicô thố lộ, kể từ ngày được bầu chọn, ngài luôn có bình tâm, sắp tới đây là kỷ niệm ba năm ngày ngài được bầu chọn, 13 tháng 3-2013.

Linh mục Angel Hernandez, Giáo hoàng Học viện Argentina tại Rôma, có cuộc phỏng vấn với báo Zenit, cha nhấn mạnh đến bầu khí chân thành của cuộc gặp gỡ. Trước hết, Đức Phanxicô nhắc đến Năm Thánh Lòng Thương Xót như một khởi hứng từ Thần Khí. Ngài kêu gọi các tu sĩ hãy “đích thực là người cha” khi ngồi tòa và ngài cũng xin họ “hãy là mục tử” dù ở đâu, trong điều kiện nào. Ngài cũng cảnh báo nạn lạc giáo “không cần đến ơn Chúa” của tu sĩ pêlagiô và nạn chủ trương “hiểu biết mới ngộ đạo”.

Về vấn đề cải cách giáo triều La Mã, ngài cho biết, dù báo chí có nói gì đi chăng nữa, thì cũng có nhiều thánh trong Giáo hội và trong giáo triều hiện nay. Ngài cũng cho biết thêm, từ ngày được bầu chọn, ngài luôn cảm thấy mình được “bình tâm”, một trạng thái ngài luôn có cả trong những lúc gặp khó khăn.

Đức Phanxicô gặp các giám mục, linh mục của Giáo hoàng Học viện Argentina tại Rôma ngày 14 tháng 1-2016
Đức Phanxicô gặp các giám mục, linh mục của Giáo hoàng Học viện Argentina tại Rôma ngày 14 tháng 1-2016

Zenit: Bầu khí cuộc gặp của cha với Đức Giáo hoàng là như thế nào?

Linh mục Hernandez: Không diễn văn cũng không tuyên bố chính thức, sau khi chào hỏi và chụp hình lưu niệm, chúng tôi ngồi xuống nói chuyện đủ các vấn đề khác nhau và rất phong phú. Một bầu khí chân tình, đơn sơ, thân mật, bông đùa, với các câu hỏi cá nhân trong  tinh thần vui vẻ và hiệp thông.

Chủ đề nào là chủ đề đầu tiên Đức Giáo hoàng đề cập đến?

Chủ đề đầu tiên là Năm Thánh Lòng Thương Xót vừa bắt đầu trên toàn thế giới. Đức Phanxicô nhấn mạnh sáng kiến của sự kiện phi thường này là đích thực từ Thần Khí, được nảy sinh khi ngài cầu nguyện riêng với Chúa và được khẳng định khi bàn chuyện với một vài cố vấn của mình.

Song song vào đó, ngài cũng nói đến việc đào sâu con đường Đức Phaolô VI đã phác họa và được Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh qua Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (Dives in Misericordia), qua việc phong thánh cho nữ tu Faustine Kowalska và qua việc thành lập lễ Lòng thương xót Chúa vào chúa nhật thứ hai sau Phục Sinh, cũng như nhiều lựa chọn khác của ngài.

Vậy cụ thể Đức Phanxicô nói gì về Năm Thánh?

Như thường lệ, cái nhìn tổng thể của Đức Phanxicô về công việc mục vụ rất cụ thể, đặc biệt ngài quan tâm đến sứ vụ hòa giải. Đối với ngài, cần thiết là các cha giải tội phải ý thức mình là khí cụ của lòng thương xót, là những con người thánh thiện và phải sẵn sàng tiếp nhận mọi khi mọi lúc hối nhân, để họ cảm nhận họ luôn được đón nhận, dù trong bất cứ trường hợp nào, ngay cả khi họ không được xóa tội. Nói tóm lại, Đức Giáo hoàng khẳng định, cha giải tội phải đích thực là người cha trong tòa giải tội.

Tôi hình dung cũng có những câu hỏi các linh mục đặt cho ngài?

Các câu hỏi của các thành viên Giáo hoàng Học viện liên hệ đến đời sống linh mục và sứ vụ chờ họ khi họ trở về địa phận của mình, khi họ học xong ở Rôma. Đức Phanxicô nhấn mạnh điều quan trọng là họ luôn là “mục tử” ở bất cứ đâu, trong bất cứ công việc nào, dù lúc học hành, dù trong chủng viện hay nơi mình phục vụ. Ngài nhắc lại trọng tâm của sứ vụ tông đồ trong sách Công vụ Tông đồ cũng là trọng tâm sứ vụ của các linh mục: “Cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa”.

Đâu là các thách thức và các bất trắc ngài nhắc đến?

Về các thách thức đối với Giáo hội, ngài nói hiện nay vẫn còn hai nguy cơ do các kiểu lạc giáo xưa cũ vẫn còn tác động: thuyết pêlagiô không cần ơn Chúa và thuyết chủ trương phải hiểu biết mới ngộ đạo (pélagianisme và gnosticisme). Nạn pêlagiô đặc biệt khi người ta bị thúc đẩy phải tái tạo một tình trạng đã không còn nữa, nhưng trên thực tế lại cho thấy một sự mong manh nội tâm trong cách họ sống đức tin của mình. Sự tái tạo này chung chung che giấu một hình thức thời thượng thiêng liêng, thật sự rất nguy hiểm cho tín hữu. Vì thế Đức Giáo hoàng nhắc lại, cần thiết là các linh mục của Giáo hoàng Học viện phải phân biệt giữa thế giới và tinh thần của thế giới, để không che giấu thực tế, nhưng cũng không đánh mất những gì làm chúng ta là người kitô giáo, đó là giữ lời cầu nguyện của Chúa Con với Chúa Cha: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17: 15).

Các linh mục có nói là ngài rất được yêu mến không?

Các linh mục nói cho ngài biết, các giáo dân trong các địa phận của họ gởi lời cầu nguyện, lòng yêu mến của họ đến Đức Giáo hoàng. Đức Phanxicô gởi lời cám ơn họ và như thường lệ, ngài cho biết, ngài cần đến lời cầu nguyện của từng người như thế nào, ngài cũng cần sự tiếp xúc hàng ngày với mọi người, đặc biệt trong khi ngài dâng thánh lễ hàng ngày ở Nhà nguyện Thánh Mácta. Ngài nói: “Tôi cảm thấy khỏe khi được ở gần mọi người”.

Ngài có nói gì về các án phong thánh đang tiến hành?

Có, ngài nhắc đến hai người Argentina, một phong chân phước, một phong thánh, Mẹ Antula và Sư huynh Brochero; các phép lạ của họ vừa được Hội đồng y khoa của bộ Phong thánh chấp nhận.

Ngài có nhắc đến vụ Vatileaks và cải cách giáo triều không?

Đối với một vài sự kiện đặc biệt có ảnh hưởng trên truyền thông, ngài nói, dù cho có những trường hợp này nhưng bây giờ “có nhiều thánh trong Giáo hội cũng như trong giáo triều”. Ngược với những gì báo chí hay đề cập.

Còn đời sống hàng ngày của ngài?

Khi nói đến nhiều thách thức và trách nhiệm ngài phải đối diện mỗi ngày, ngài cho biết mình luôn có “bình tâm”, một bình tâm đi theo ngài từ ngày được bầu chọn và không bao giờ rời ngài, dù giữa các khó khăn, dù khi thực hiện, niềm vui nỗi buồn hàng ngày trong khi thi hành sứ vụ tông đồ. “Cha ở trong bàn tay của Chúa,” đó là một trong những lời cuối cùng ngài nói với chúng tôi trong cuộc gặp gỡ này, một cuộc gặp gỡ thân tình trong tình bằng hữu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch