Tuyên ngôn chung: Tám điểm nổi bật của bước ngoặt lịch sử

691

aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-02-13

Bản tuyên ngôn này đánh dấu sự làm mới lại các quan hệ giữa các Giáo hội công giáo và chính thống sau hơn 1000 năm chia cắt.

TNX-12487-popekirill_1Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill trao đổi với nhau gần hai giờ ở phòng khách của phi trường La Havana, trong tinh thần huynh đệ và trong bầu khí thư giãn.

Cuộc gặp gỡ này “cho chúng tôi có dịp nghe và hiểu quan điểm của nhau (…) bây giờ các Giáo hội của chúng tôi có thể làm việc tích cực với nhau, kết hiệp các cố gắng của mình để bảo vệ các tín hữu trên khắp thế giới, một cách có trách nhiệm và làm thế nào để không còn chiến tranh, để cuộc sống của con người ở mọi nơi được tôn trọng, để các giá trị nền tảng của đạo đức, của gia đình, của con người được củng cố”,  sau khi ký bản tuyên ngôn chung, Thượng phụ Kirill đã ứng khẩu phát biểu trong bài diễn văn ngắn như trên.

Sau Thượng phụ là Đức Phanxicô lên tiếng, ngài rất vui vì cuộc họp đã diễn ra trong tinh thần “nồng ấm và thẳng thắn”, ngài nói với các ký giả: “Chúng tôi đã nói thẳng với nhau như anh em, không nửa vời. (…) Trong lúc nói chuyện, tôi có cảm nhận Thần Khí nâng đỡ chúng tôi. (…) Đúng, đơn vị hiệp nhất được xây dựng khi chúng ta cùng đi, (…) đã có một loạt các sáng kiến để cùng nhau thực hiện và tôi nghĩ chúng ta có thể thực hiện được”.

2P20160213-PAL_0283-1200

Bản tuyên ngôn chung dài năm trang, quy tụ nhiều chủ đề:

“Đối diện với thách thức của thế giới”

Bản tuyên ngôn chung lấy làm tiếc cho việc “đánh mất sự hiệp nhất” giữa công giáo và chính thống giáo, hệ quả của sự “yếu đuối con người và của tội, đã xảy ra dù có Lời cầu nguyện cho giáo sĩ của Chúa Kitô Đấng Cứu Chuộc”. Nhận biết vẫn còn rất nhiều trở ngại phải vượt qua, Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill hy vọng cuộc gặp gỡ của họ sẽ góp phần vào việc “tái thành lập đơn vị hiệp nhất mà Chúa hằng mong ước này”, để nó sẽ là “dấu hiệu hy vọng cho tất cả những ai thiện tâm”, trong một thế giới đang chờ họ hành động.

Chống sự bách hại kitô hữu

“Chúng tôi quan tâm đến tất cả các vùng, nơi các tín hữu kitô bị bách hại (…), bị đuổi ra khỏi gia đình, khỏi thành phố, khỏi làng của họ”, Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill tiếp tục, những vùng như Trung Đông, Bắc Phi, nơi “nhà thờ bị phá hủy, bị hôi của một cách man rợ, các dụng cụ thờ phượng bị phạm thượng, các cơ sở đền đài bị phá hủy”. Đối diện với những điều khủng khiếp này, tín hữu kitô buộc lòng phải ra đi hàng loạt, hai vị lãnh đạo tôn giáo kêu gọi cộng đồng quốc tế phải “hành động khẩn cấp”. Hai vị kêu gọi lo cho tín hữu kitô, họ thương cảm với sự đau khổ của các tín hữu thuộc các tín ngưỡng khác cũng trở thành nạn nhân của cuộc nội chiến, của tình trạng hỗn độn, của bạo lực khủng bố.

Chống bạo lực và khủng bố

Nhắc đến Syria và Irak, nơi bạo lực đã cướp đi hàng ngàn mạng sống và hàng triệu người phải ra đi, không nhà không cửa, không có gì sinh sống, Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để “chấm dứt bạo lực và khủng bố, cùng lúc góp phần vào việc đối thoại để mang lại hòa bình cho dân chúng”, cùng bắt tay vào “làm việc chung, đồng lòng và phối hợp với nhau”. Một lời kêu gọi đưa ra cho các nước liên hệ để chiến đấu chống nạn khủng bố, để cùng làm việc trong tinh thần trách nhiệm và cẩn trọng.

Chống nạn cực đoan trong tôn giáo

“Trong giai đoạn lo âu này, “đối thoại liên tôn là điều cần thiết, các khác biệt trong việc thông hiểu các sự thật về tôn giáo không ngăn những người có tín ngưỡng khác nhau được sống trong hòa bình và tương thuận. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà lãnh đạo tôn giáo có trách nhiệm, đặc biệt là giáo dục tín hữu của mình trong tinh thần tôn trọng xác tín của những người có truyền thống tôn giáo khác. Các biện minh cho hành động tội ác của mình bằng các khẩu hiệu tôn giáo là điều tuyệt đối không thể chấp nhận. Không một tội ác nào có thể nhân danh Chúa để làm”.

Chống các vi phạm tự do tôn giáo

Một trong những quan tâm chung của hai Giáo hội: “Tình trạng ngày càng có nhiều xứ vi phạm quyền tự do tôn giáo, quyền làm chứng cho xác tín và sống theo xác tín của mình”. Sự biến đổi của một vài nước biến thành các “xã hội thế tục, xa lạ với mọi khái niệm về Chúa và chân lý của Ngài” là một nguy cơ nghiêm trọng cho tự do tôn giáo, Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill lấy làm tiếc. “Chúng tôi quan tâm hiện nay có sự giới hạn về các quyền của kitô hữu, thậm chí còn bị kỳ thị, khi một vài thế lực chính trị, bị hướng dẫn bởi ý thức hệ của một chế độ thế tục quá hung hãn, đẩy các kitô hữu sống bên lề cuộc sống công cộng.” Xác tín rằng Âu Châu phải trung thành với nguồn gốc kitô giáo của mình, hai vị lãnh đạo tôn giáo cảnh báo chống sự hội nhập Âu Châu “sẽ không tôn trọng bản tính tôn giáo”.

Chống sự dửng dưng đối với người nghèo và người di dân

Bản tuyên ngôn chung đưa ra một quyết tâm để cùng nhau chống nạn dửng dưng đứng trước những “người ở trong tình trạng khốn đốn, sống trong các điều kiện cực kỳ bấp bênh và nghèo khổ, trong khi sự giàu có về mặt vật chất của nhân loại ngày càng tăng”, đứng trước số phận của “hàng triệu người di dân và tị nạn đang đứng trước cửa các nước giàu”. Trong bối cảnh này, hai vị khẳng định, Giáo hội Kitô “ được gọi để bảo vệ các đòi hỏi của công chính, của sự tôn trọng các truyền thống các dân tộc và tình tương trợ với tất cả những ai đang đau khổ”.

Chống các vi phạm đến sự sống và đến gia đình

Một quan tâm chung khác: gia đình bị đe dọa trong việc “mở ra với sự sinh đẻ, giáo dục con cái, tương trợ giữa các thế hệ, tôn trọng những người yếu đuối nhất”; việc mở ra các hình thức sống chung ngoài hình thức hôn nhân, việc thụ thai như một ơn gọi đặc biệt của tình phụ tử, tình mẫu tử, ơn gọi của người đàn ông đàn bà theo bậc sống hôn nhân, được thánh hóa theo truyền thống Thánh Kinh, bây giờ bị “gạt ra khỏi lương thức chung”. Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill cũng quan tâm đến hàng triệu trẻ em “không được sinh ra”, lo lắng về việc phát triển trợ tử, dẫn đến việc “người già, người tàn tật bắt đầu nghĩ mình là gánh nặng quá sức cho gia đình họ, cho xã hội nói chung”, và về tiến bộ kỹ thuật trong việc thụ thai theo khoa học là một sự “xâm phạm vào chính nền tảng của con người, mà con người được tạo ra theo hình ảnh của Chúa”. Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô và Thượng phụ Kirill kêu gọi các người trẻ đừng sợ khi đi “ngược dòng để bảo vệ cho chân lý thiêng liêng, theo đó các tiêu chuẩn thế tục hiện đại luôn khó để phù hợp”.

Chống nạn chiêu dụ và cạnh tranh

Đức Giáo hoàng và Thượng phụ hy vọng cuộc gặp gỡ lịch sử của họ sẽ góp phần vào việc “giải hòa các căng thẳng đã từng có giữa người Hy Lạp công giáo và chính thống”. Người công giáo và chính thống không phải chỉ hiệp nhau qua Truyền thống Giáo hội của thế kỷ đầu tiên, nhưng còn hiệp nhau qua sứ mệnh rao giảng Phúc Âm của Chúa Kitô cho thế giới hiện đại. Sứ mệnh này bao gồm sự tôn trọng hỗ tương giữa các thành viên trong cộng đồng kitô hữu và loại ra tất cả mọi hình thức chiêu dụ. Bản tuyên ngôn chung kết luận: “Chúng ta là anh em với nhau, không phải là người đi cạnh tranh nhau: từ nhận thức này, chúng ta phải tiến hành tất cả mọi hành động đối với nhau và đối với thế giới bên ngoài. Chúng ta xin các người công giáo và chính thống của tất cả mọi nước, học để cùng sống chung với nhau trong hòa bình, trong tình thương và để “người này giúp người kia trong cùng khát vọng”. (…) Sẽ không có vấn đề dùng các phương tiện trái phép để thúc đẩy tín hữu từ Giáo hội này qua Giáo hội kia, chối bỏ tự do tôn giáo và truyền thống riêng của họ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch