Khi Putin gần với các tôn giáo

839

Khi Putin gần với các tôn giáo

letemps.ch, 2016-02-06

Cuối cùng thì chủ nhân Điện Cẩm Linh thuyết phục được Thượng giáo chủ Matxcơva gặp Đức Giám mục Rôma, Giáo hoàng Phanxicô.

Cách đây mười ngày, Tòa Thượng Phụ Matxcơva còn cho rằng cuộc gặp này là khó có thể xảy ra, thậm chí còn “phi lý”. Nhưng, chiều thứ sáu 5 tháng 2, Thượng giáo chủ Hilarion, một giám chức cao cấp đại diện cho Tòa Thượng Phụ Matxcơva loan báo Đức Phanxicô sẽ gặp Đức Thượng Phụ của Giáo hội chính thống Nga, Kirill tại Cuba tuần sau. Cuộc hẹn sẽ dưới hình thức gặp mặt, sau đó có một tuyên bố chung và bài diễn văn trước công chúng. Mỗi người từ phía của mình, cả hai đều chuẩn bị từ lâu cho chuyến đi Châu Mỹ La Tinh này của họ.

Làm sao có thể giải thích được cú diễn biến ngoạn mục này? “Tình trạng hiện nay ở Trung Đông, ở miền Bắc và miền Trung Phi Châu, cũng như tất cả các vùng khác trên thế giới, nơi có các phong trào cực đoan gây nạn diệt chủng cho các tín hữu kitô, đòi phải có những biện pháp khẩn cấp và sự hợp tác chặt chẽ của các giáo hội kitô”, Thượng giáo chủ Hilarion tuyên bố vào ngày thứ sáu 5 tháng 2.

Tầm mức lịch sử

Cuộc gặp này có tầm mức lịch sử vì đây là lần đầu tiên Thượng phụ Matxcơva và giáo hoàng Rôma gặp nhau, sau vụï hai bên chia rẽ cả ngàn năm. Tòa Thượng Phụ Matxcơva đại diện cho một cộng đồng có 165 triệu tín hữu trên tổng số 250 tín hữu chính thống kitô.

Các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô đã nhiều lần cố gắng gặp Thượng phụ Nga. Nhưng không thành công. Rất nhiều xung đột giữa hai Giáo hội đã làm cho Tòa Thượng Phụ Matxcơva đặc biệt cương quyết không có các liên hệ ở cấp cao nhất. Cuộc xung đột ở Đông Ukraina đã làm khơi dậy các hận thù cũ giữa các tín hữu muốn hợp nhất, liên kết với Rôma, và chính thống giáo Nga. Tòa Thượng Phụ Matxcơva bực mình vì các hoạt động truyền giáo của người công giáo (và tất cả các tôn giáo khác) ở Nga, mà họ xem nước Nga là “vùng tôn giáo” của họ. Nhất là, hàng giáo sĩ chính thống luôn chống đối mãnh liệt cuộc viếng thăm của một giáo hoàng công giáo ở đất Nga.

Về phần mình, Điện Cẩm Linh luôn đi theo đường hướng của Tòa Thượng Phụ Matxcơva. Đạo công giáo không được ở trong nhóm “bốn tôn giáo truyền thống của Nga” (chính thống, hồi giáo, phật giáo và do thái giáo) được Tổng thống Vladimir Putin thành lập. “Điều tốt hơn là họ gặp nhau ở một miền đất trung lập (Cuba), linh mục Igor Kovalevsky nhấn mạnh. Với tư cách cá nhân, đương nhiên tôi mong Đức Giáo hoàng đến Nga. Nhưng chúng tôi không gấp. Tuyệt đối không được ép các sự việc. Xã hội Nga cần phải chín muồi để sẵn sàng với một sự kiện như vậy. Vẫn còn một dè chừng rất mạnh nuôi dưỡng từ tinh thần sống theo mẫu đồng loạt và các chuyện có từ trước, đã thấm nhập vào não trạng giáo hữu.” Giáo hội Công giáo có truyền thống kết hiệp với người xâm chiếm tây phương, dù đó là người Ba Lan hay hiệp sĩ Đức.

Linh mục Igor ước lượng số tín hữu công giáo ở Nga là 600 000 người (trên dân số 146 triệu dân), linh mục cho biết, Giáo hội không có một hành động nào để lôi cuốn người dân ở đây. “Từ năm năm nay, giáo hội chính thống ngưng tố cáo chúng tôi. Tôi nghĩ, họ đã hiểu chúng tôi không ‘đe dọa’ họ,” cha cho biết.

Trên thực tế tình trạng này là đảo ngược, bà Elena Volkova, nhà văn hóa học và chuyên gia về chính thống phân tích. “Chính người công giáo sợ Giáo hội chính thống, bà tin chắc. Họ làm tất cả để không  mếch lòng, họ sợ mất giấy phép, mất đăng ký (quản trị) của họ hoặc bị kết án là cực đoan.”

Theo bà, có ba mức độ có thể cho phép hiểu vì sao có cuộc gặp lịch sử bây giờ.

Động lực đầu tiên là chính trị. “Vì có cuộc xung đột Ukraina, nên Thượng phụ Kirill không muốn gặp Đức Phanxicô, bà Elena Volkova khẳng định. Nhưng Thượng phụ vâng lời Putin.” Vì bị cô lập về mặt ngoại giao, và các cáo buộc ngày càng nặng của Phương Tây đối với ông (tham nhũng, móc nối với mafia, ám sát những người đối lập), Tổng thống Nga quyết định phải dùng con bài chính thống.

“Vladimir Putin mong mình đóng vai trò người cứu Syria, nhưng chuyện này không thành vì các vụ dội bom lên công dân vô tội và lên phe đối lập, bà nói thêm. Vì thế ông nhờ Kirill đóng vai người bình định, khi xích lại với thế giới công giáo.”

Động lực thứ nhì là tôn giáo. Putin muốn mình đứng đầu thế giới theo chủ nghĩa bảo thủ. “Vladimir Putin kết hiệp với Thượng phụ Kirill để cùng Đức Phanxicô thành lập một mặt trận bảo thủ và chống với nước Mỹ ở Châu Mỹ La Tinh.”

Động lực thứ ba là liên kết với các tương quan lực lượng ngay trong lòng Tòa Thượng Phụ Matxcơva. Thượng phụ Kirill bị mất ổn định vì sự chống đối của hai vòng ảnh hưởng, các người chính thống tận căn và thành phần giáo sĩ vẫn còn liên hệ chặt chẽ với các cơ cấu an toàn. “Nếu Thượng phụ muốn giữ địa vị của mình, ông phải chứng tỏ mình trung thành hoàn toàn với Putin,” bà Volkova nói.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch