la-croix.com, Dorian Malovic, 2016-01-29
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, muốn đưa sứ điệp hòa bình của mình đến nơi tưởng niệm Chiến tranh Thế giới Thứ nhì ở Á Châu.
Sứ điệp hòa bình của Nhật hoàng Akihito ngày càng rõ. Ở tuổi 82, người con của Nhật hoàng Hirohito – trong thời trị vì vào đầu thế kỷ 20 của ông, nước Nhật đã phạm những tội ác khắc nghiệt tại Á Châu, mãi cho đến khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử mới ngưng – tiếp tục chuyến hành hương vì hòa bình ở những nơi tưởng niệm Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Cùng đi với hoàng hậu Michiko, 81 tuổi, Nhật hoàng Akihito vừa đến Phi Luật Tân năm ngày, chuyến đi lịch sử đầu tiên của một Nhật hoàng.
Hành hương vì hòa bình
Trong chuyến đi này, cặp vợ chồng vương giả muốn tưởng niệm tất cả các nạn nhân của các cuộc xung đột.
Thứ sáu 29-1, Nhật hoàng đã nghiêng mình hai lần (một hành vi rất tôn trọng trong văn hóa Nhật Bản) trước đài tưởng niệm các chiến sĩ Phi Luật Tân bị giết, trong thời kỳ hòn đảo này bị quân đội hoàng gia chiếm đóng từ năm 1942 đến 1945. Trước hôm đó, ngày 28 tháng 1, hai người đã đến Nghĩa trang các Anh hùng, nơi tưởng niệm các chiến sĩ Phi Luật Tân bị giết trong những trận chiến khốc liệt nhất trong cuộc xung đột thế giới ở Á Châu.
“Trong thời kỳ chiến tranh, rất nhiều người Phi Luật Tân, Mỹ và Nhật đã thiệt mạng tại Phi Luật Tân. Chúng tôi mong chuyến đi này sẽ được ghi khắc mãi trong ký ức”, Nhật hoàng đã tuyên bố như trên trước khi rời Nhật để đi Phi Luật Tân. Đây là chuyến đi kỷ niệm 60 năm tái hồi quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong nhiều thập niên, Manilla và Tokyo là đồng minh với nhau và Nhật trở thành nước ngoài đầu tư lớn nhất ở Phi Luật Tân.
Nhật hoàng bày tỏ lòng “hối hận sâu xa”
Dù có những bó buộc mà Mỹ áp đặt lên Thể chế để ngăn ngừa một sự quay trở về chế độ quân đội từ đầu thời trị vì của vua cha Hirohito, Nhật hoàng Akihito cũng đã truyền được sứ điệp “tài sản quý giá” là hòa bình trong các chuyến đi của mình ở nước ngoài.
Nhật hoàng cũng đã đến những nơi mà chiến sĩ và người dân Nhật đã chiến đấu một cách vô vọng nhân danh vua cha mình. Năm 2005, Nhật hoàng đã đến đảo Saipan (trong quần đảo Marianne miền Bắc, thuộc Mỹ), nơi có trận chiến khốc liệt giữa quân đội hoàng gia Nhật và quân đội Mỹ năm 1944, Nhật hoàng đã đến tưởng niệm “tất cả những ai đã thiệt mạng trong cuộc chiến” bất cứ ở bên phía nào. Năm 2015 Nhật hoàng đã đến Cộng hòa Palaos, quần đảo ở phía đông Phi Luật Tân.
Ngày 15 tháng 8 vừa qua, nhân kỷ niệm 70 năm chấm dứt chiến tranh, Nhật hoàng đã bày tỏ “niềm hối tiếc sâu xa” về Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Theo báo chí Nhật, đây là lần đầu tiên Nhật hoàng đã có những lời này nhân dịp tưởng niệm ngày đầu hàng 15 tháng 8.
Theo sử gia và văn sĩ Masayasu Hosaka, chuyên gia của kỷ nguyên Showa, (thời hoàng đế Hirohito trị vì), vừa xuất bản một tác phẩm nói về chương trình nguyên tử của Nhật trong thời kỳ chiến tranh, thì Nhật hoàng hiện nay muốn nhấn mạnh về sứ điệp hòa bình. “Có thể ông làm bản kết toán đời mình và những gì ông đã phải làm hoặc những gì ông phải nói nhiều hơn, hoặc cũng có thể ông nghĩ những lời này là những lời ông muốn để lại cho hậu thế””, nhà sử gia tự hỏi.
Một thủ tướng Nhật ra trận
Một cách nghịch lý, sứ điệp rõ ràng mang tính cách hòa bình của Nhật hoàng thì lại ngược với lăng kính chủ nghĩa dân tộc của chính quyền Nhật và thủ tướng Shinzo Abe, 62 tuổi. Thủ tướng Shinzo Abe là cháu của Nobusuke Kishi, người bị tù vì tình nghi nhúng vào tội ác chiến tranh của giai cấp A từ 1945 đến 1948, ông nhìn lại thể chế chủ hòa của sự chiếm đóng sau chiến tranh do Mỹ để lại, để Nhật có một vai trò tích cực hơn trên chính trường quốc tế.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch