Cuộc sống thứ nhì của các cựu linh mục

770

Cuộc sống thứ nhì của các cựu linh mục

aleteia.org, 2016-01-20

linh mục Vatican 

Đến thăm những người “từ nhiệm” để về với cuộc sống bên ngoài xã hội, và thường là đi về với một người bạn đời.

Có người làm cán sự xã hội, có người làm ở nhà máy, có người là chủ hãng hay buôn bán, người nào may thì đi dạy học, đa số thì chán nản phải đi tìm việc hoài. Dù vậy không ai nói mình không còn tin!

Đi vào thế giới của các cựu linh mục, đó là một thế giới rắc rối của những người treo áo chùng về hội nhập với xã hội, thường có người vợ đi cùng. Một xã hội trong đó họ phải đấu tranh, phải chạm trán với một đời sống mới, một căn tính mới, họ buộc phải đi lại từ đầu, người chưa bao giờ thảo một lý lịch hay đi tìm nhà. Những người con mồ côi của Giáo hội, không còn được Giáo hội ôm vào lòng, không có chế độ hưu bổng, đôi khi còn là tù nhân bất tận của tình trạng “không biết mình là ai” cả về mặt xã hội lẫn tâm lý, vì ai rời sứ vụ thì họ không còn được thực hành sứ vụ, đối với đức tin công giáo, chức linh mục là chức không tẩy xóa được. Ngắn gọn, linh mục là linh mục đời đời.

Có bao nhiêu người ở trong số này? Khó để trả lời, một số cơ quan cho rằng, trong 50 năm vừa qua, nước Ý 5 đến 7 000 linh mục bỏ đời tu trong tổng số 50 000 linh mục trên khắp nước Ý..

Và vấn đề của đội bịnh cựu linh mục này nằm trong lịch làm việc của Đức Phanxicô.

Cựu linh mục 76 tuổi Giovanni Monteasi, “tu xuất” từ năm 1983 và có một người con, cho biết: “Chúng tôi hy vọng ngài sẽ lo việc này nhưng chúng tôi cũng không mong chờ nhiều.” Cựu linh mục Monteasi là chủ tịch một hiệp hội các linh mục lập gia đình. “Chúng tôi không chống đối việc độc thân của linh mục, nhưng chúng tôi thích có được tự do lựa chọn.”

Một ý kiến mà cựu linh mục 83 tuổi Lorenzo Maestri cùng chia sẻ: “Tôi bằng lòng vì đã từ giã một Giáo hội “trung cổ” dù cái giá phải trả thật cực kỳ nặng nề: sau 20 năm dấn thân trong chức vụ linh mục, khi tôi loan báo sẽ từ nhiệm, tất cả mọi người, từ ông từ đến giám mục, tất cả mọi người đều quay lưng lại với tôi. Tôi làm thợ nề, đi buôn rồi đi dạy”.

Một quyết định làm lay động lương tâm mỗi khi cuối tháng đến, cựu linh mục 51 tuổi Giuseppe làm chứng, tháng 1 năm 2014, cha từ nhiệm trước khi lập gia đình dân sự với một cựu nữ tu, mà thu nhập duy nhất để hai vợ chồng sống là lương dạy học của người vợ. “Tôi đi tìm việc làm, tôi gởi hàng chục lý lịch nhưng không ai trả lời. Tôi cần làm việc, đó là vấn đề nhân phẩm.”

Cựu linh mục 61 tuổi Ernesto Miragoli, bây giờ đứng đầu một công ty xây dựng có bốn nhân viên, ông cũng cay đắng cảm thấy mình bị bỏ rơi. “Hồi đó tôi là hy vọng của giáo sĩ địa phương. Tôi mê lịch sử văn hóa nghệ thuật, tôi là nhà báo tự do địa phương, rồi tôi gặp một phụ nữ và tôi yêu. Lập gia đình, tôi có thể tiếp tục phục vụ Giáo hội nhưng họ không cho. Tôi làm việc cho Giáo hội cho đến năm tôi 32 tuổi, nhưng năm 1986, khi quyết định ra đi, tôi trở thành người vô hình, một loại phung cùi. Một giáo dân giúp tôi công việc viết xã luận, tôi có lương 400 âu kim giúp tôi cầm cự cho tới ngày tôi làm chủ một công ty xây dựng. Bây giờ chúng tôi có ba đứa con, tôi được giấy miễn, tôi đi lễ thường xuyên, tuy nhiên đôi khi ngông cuồng nghĩ, tôi ngứa ngáy muốn lên bàn thờ giảng theo ý của tôi…”

“Bí quyết” để không bị giam hãm trong ý tưởng mình là một cựu linh mục? Thay đổi không khí, tích lũy kinh nghiệm và sau đó, chỉ rất lâu sau đó mới đi trở về nước.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch