“Trở lại đạo hồi giáo hay bị chặt đầu”

680

Chứng từ can đảm của linh mục Jacques Mourad, Bề trên Đan viện Mar Elian, từng trải qua những ngày tháng giam cầm do tay ISIS

cath.ch, Jacques Berset, 2015-12-01

Linh mục Jacques Mourad 213

Đối với Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, các tín hữu kitô là người ngoại đạo, là kẻ thù không đợi trời chung, khi họ bị bắt, bất cứ lời nào họ nói ra cũng có thể làm họ mất mạng sống. Bị Nhà nước Hồi giáo Tự xưng bắt làm con tin từ ngày 21 tháng 5 đến 10 tháng 10-2015 là ngày cha được đào thoát, linh mục Jacques Mourad bị tra tấn để buộc phải cải qua đạo hồi giáo. Nhiều lần, linh mục đã bị đe dọa chặt đầu, bị đánh, bị giả hành quyết, cốt để làm cho cha suy sụp tinh thần.

Cha là linh mục công giáo người Syria, bề trên tu viện Maria Elian ở thành phố Syria Al-Qaryatayn, gần Palmyre, ngày 21 tháng 5-2015 cha bị lực lượng vũ trang vào tu viện bắt cóc. Cha cũng là cha xứ họ đạo syria-công giáo của thành phố này, một thành phố có đa số dân là người hồi giáo sunnit. Ở tu viện mình, cha đón nhận không biết bao nhiêu là người, vừa hồi giáo, vừa kitô giáo đang gặp khó khăn.

Dù bị tra tấn, đức tin của cha vẫn không bị nao núng

Theo nhà báo Fady Noun của nhật báo “Đông phương-Ban ngày, L’Orient-Le Jour”, linh mục Mourad bị giam 4 tháng 20 ngày, trước khi cha được về với “thế giới tự do”. Nhà báo đã gặp cha ở Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Truyền Tin của Giáo hội công giáo-syria ở Beyrouth.

Bị giam trong một nhà tắm mà ánh sáng chỉ có từ một cửa sổ nhỏ trên cao hắt xuống, cha bị bắt cùng với một thầy tập viện phụ tá của cha, thức ăn chính yếu là cơm và nước, hai lần một ngày, phòng không có điện, không đồng hồ, cha hoàn toàn cắt đứt với thế giới bên ngoài, nhưng cha luôn cảnh giác, cha vẫn giữ được tấm lòng trung kiên, không bao giờ để cho đức tin của mình bị nao núng. Cha nói: “Nhờ ơn Chúa hay có thể gọi là phép lạ mà tôi còn sống, tôi đã không từ chối đức tin của mình và đã tìm lại được tự do”.

Cha kể: “Tuần đầu tiên là tuần khó khăn nhất. Sau khi bị giữ vài ngày trên một chiếc xe, ngày chúa nhật lễ Hiện Xuống, họ đưa tôi đến Raqqa. Tôi sống những ngày đầu tiên bị bắt trong nỗi sợ, trong giận dữ và tủi nhục”.

“Cứ xem đây như một cuộc tĩnh tâm thiêng liêng”

Cha Mourad cho biết, bước ngoặc lớn trong vụ bắt bớ của mình gắn liền với sự kiện, vào ngày thứ tám, có một người mặc đồ đen, mang mặt nạ, như những người trong các video hành quyết của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng, ông vào xà lim giam của cha. Cha hãi sợ nhủ thầm: “Giờ của mình đã đến. Nhưng, ngược lại, sau khi hỏi tên tôi và tên người cùng xà lim với tôi, người đàn ông đó nói với tôi ‘chào bình an, assalam alẹkoun’ và đi vào xà lim. Sau đó là một buổi nói chuyện lâu, như thử người lạ mặt muốn biết hai người trước mặt mình là ai. Khi cha Mourad hỏi ông lý do gì mà mình bị bắt, người đàn ông đó trả lời: “Cứ xem đây như một cuộc tĩnh tâm thiêng liêng”.

“Từ lúc đó, lời cầu nguyện của tôi, những ngày bị giam giữ của tôi mang một ý nghĩa khác, linh mục tóm lại. Cha giải thích điều này như thế nào? Tôi cảm nhận qua người đàn ông đó, chính Chúa nói với tôi những lời này. Giây phút đó là giây phút an ủi lớn lao của tôi.” Nhờ lời cầu nguyện mà linh mục Mourad tìm được bình an.

“Lúc đó là tháng năm, tháng Đức Mẹ. Chúng tôi bắt đầu lần hạt mân côi mà trước đây tôi ít lần. Tôi gần lại với Đức Trinh Nữ. Lời cầu nguyện của Thánh Têrêxa Avila “Không có gì làm tôi giao động, không có gì làm tôi hãi sợ…” đã nuôi dưỡng tôi rất nhiều, có một đêm tôi sáng tác câu đó thành một giai điệu và tôi ngâm nga hát giai điệu đó. Lời cầu nguyện của chân phước Charles de Foucauld cũng giúp tôi phó thác vào tay Chúa, với ý thức rằng, tôi không có một chọn lựa nào khác. Bởi vì tất cả sự kiện cho tôi thấy, hoặc tôi theo đạo hồi giáo, hoặc tôi bị chặt đầu”.

Cha Jacques Mourad“Tôi biết bất cứ câu gì cũng có thể làm cho mình bị kết án”

Gần như mỗi ngày, các tên canh ngục đều vào xà lim của cha Mourad để hỏi về đức tin của cha. “Tôi sống trong tâm trạng đây là ngày cuối cùng của mình. Nhưng tôi không màng đến. Chúa đã cho tôi hai chuyện, thinh lặng và nhã nhặn tử tế. Tôi biết một vài câu trả lời có thể khiêu khích họ và bất cứ chữ nào cũng có thể làm mình bị kết án”.

Vì thế khi họ hỏi linh mục vì sao có rượu ở trong nhà dòng. Khi linh mục bắt đầu trả lời thì một người đàn ông cắt lời, “Ông cho rằng, lời của tôi thì không thể chịu đựng được. Tôi là kẻ ‘bất trung’. Nhờ cầu nguyện, nhờ đọc thánh vịnh, tôi được bình an  và bình an này luôn ở với tôi. Tôi còn nhớ lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm Thánh Matêô: ‘Chúc lành cho những người nguyền rủa con, cầu nguyện cho những người bách hại con’. Tôi vui vì có thể sống một cách cụ thể với lời Phúc Âm này. Không phải là chuyện nhỏ khi sống theo Phúc Âm, đặc biệt với những lời Phúc Âm khó khăn mà trước đây chỉ có trong lý thuyết. Tôi bắt đầu cảm nhận được lòng trắc ẩn đối với những người bách hại tôi”.

Bị đánh

Vào ngày thứ 23, linh mục Jacques Mourad bị đánh. “Bất thình lình họ đi vào xà lim như một kiểu dàn cảnh. Họ đánh khoảng ba mươi phút. Thân thể tôi bị đau, nhưng trong thâm tâm, tôi cảm thấy bình an. Tôi ở trong tâm trạng được an ủi lớn lao vì tôi biết, tôi đang chia sẻ được chút gì trong sự thương khó của Chúa Kitô. Tôi cũng cảm thấy cực kỳ hoang mang, và tôi cảm thấy mình bất xứng. Tôi tha cho người hành hạ tôi ngay cả khi họ đang đánh tôi. Thỉnh thoảng tôi được an ủi vì nụ cười của thầy phó tế  Boutros, người bạn đồng hành cùng bị bắt với tôi, thầy không thể chịu đựng nổi khi thấy tôi bị đánh. Sau đó, tôi nhớ câu mà Chúa nói, chính trong sự yếu đuối của mình mà sức mạnh của Chúa được thực hiện. Trước đây tôi cứ ngạc nhiên hoài, vì tôi biết, tôi yếu đuối cả về mặt thiêng liêng lẫn thể xác”.

Nỗi sợ lớn nhất của cha Mourad là khi một người cầm dao găm vào xà lim của cha. “Lúc đó tôi thấy lưỡi dao đã kê ở cổ, tôi có cảm tưởng giờ hành quyết đã đến. Trong cơn hãi sợ, tôi phó thác mình vào lòng thương xót Chúa. Nhưng đó chỉ là một cảnh giả bộ hành quyết, một cảnh thật khủng khiếp.”

“Một thủ lãnh Xauđi vào xà lim tôi”

Ngày 4 tháng 8, bọn khủng bố cực đoan kiểm soát thành phố Palmyre và Al-Qaryatayn. Vào rạng sớm hôm sau, họ bắt khoảng 250 con tin và dẫn đến Palmyre. Ngày 11 tháng 8, cha  Jacques Mourad và thầy cùng ở xà lim với cha cũng bị đưa đến đó. “Một thủ lãnh Xauđi vào xà lim chúng tôi. ‘Ông là cha Jacques? Ông đi, đi! Các tín hữu kitô ở Al-Qaryatayn làm chúng tôi điên đầu, họ nói với chúng tôi về ông!”. Linh mục Mourad tưởng mình sắp bị hành quyết.

“Chúng tôi đi trên một chiếc xe van suốt bốn giờ. Khi đi quá Palmyre, chúng tôi đi vào một con đường núi dẫn đến một căn nhà đóng kín bằng một cửa sắt. Cửa mở, và tôi thấy gì trước mắt? Cả dân thành phố Al-Qaryatayn, họ sững sờ khi thấy tôi. Đó là giây phút đau khổ không tả được đối với tôi. Còn với họ thì một niềm vui vô biên”.

Hai mươi ngày sau, các con tin được đưa đến Al-Qaryatayn, họ được tự do, nhưng cấm không được rời làng. Một hợp đồng tập thể tôn giáo được ký: “Từ nay chúng tôi ở dưới sự che chở của họ (ahl zemmé), nhưng phải trả một thuế đặc biệt (jizya) mà người hồi giáo không bị trả. Chúng tôi có thể giữ đạo của mình, với điều kiện là không được làm chướng tai gai mắt người hồi giáo”. Trong lễ an táng một nữ giáo dân chết vì bệnh ung thư, linh mục Mourad đến nghĩa trang gần tu viện Mar Elian mà những tên khủng bố cực đoan vừa dùng xe ủi lô san bằng tu viện.

Lòng trắc ẩn cho những người đi bắt cóc

Mặc cho lệnh cấm không được rời Qaryatayn, cha Jacques Mourad đã tìm cách để trốn và thấy mình có lòng trắc ẩn đối với những người bắt cóc mình. “Cảm nhận này đến từ sự chiêm nghiệm của tôi về cái nhìn của Thiên Chúa đối với họ dù cho họ rất hung bạo, như Chúa đã nhìn tất cả mọi người: một cái nhìn thuần khiết của lòng thương xót, không gợn chút mong muốn hận thù”.

Père Jacques Mourad

Cha Mourad là tu sĩ đan viện Mar Moussa, tu viện này do linh mục Dòng Tên người Ý Paolo Dall’Oglio sáng lập. Tháng 7 năm 2013, linh mục Dall’Oglio bị mất tích ở Raqqa, trong vùng của Nhà nước Hồi giáo Tự xưng kiểm soát. Linh mục Mourad xin tiếp tục cầu nguyện cho các giám mục chính thống – giám mục Boulos Yazigi và giám mục Yohanna Ibrahim – bị các tên khủng bố bắt cóc ngày 22 tháng 4-2013 gần Alep. Trước đó, ngày 9 tháng 2-2013, hai linh mục, linh mục Michel Kayyal, người công giáo Armênia và linh mục Maher Mahfouz, hy lạp-chính thống đã bị các tên khủng bố cực đoan giam giữ. Từ ngày đó, không một tin tức nào về số phận của hai linh mục này được công bố.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch