Các linh mục Uganda có thể noi theo gương đơn sơ khiêm nhượng của Đức Phanxicô hay không?

389

The Observer –  John Vianney Nsimbe

Tay áo Đức Phanxicô

Khi Đức Giáo hoàng Phanxicô bắt đầu chuyến công du Uganda từ ngày hôm nay 27-11, rất nhiều sự chú ý tập trung vào thông điệp suốt 32 tháng triều giáo hoàng của ngài, đó là đơn sơ và khiêm nhượng.

Ngày từ khi chuyến công du chưa bắt đầu, một trong những chủ đề đinh là về chiếc xe mà Đại diện Chúa Kitô sẽ đi ở Uganda. Bởi phải tuân thủ nghi thức tiếp tân với những nhân vật cấp rất cao như ngài, nên việc chiếc xe mà Đức Phanxicô chọn khiến nhiều người ở Uganda thấy bối rối.

Bất kỳ nơi đâu, Đức Giáo hoàng Phanxicô đều dùng những chiếc xe vừa nhỏ vừa rẻ, trái ngược hẳn với những chiếc xe to, cổ điển, đắt tiền đầy vẻ vương giả. Ngay cả khi về Vatican, Đức Giáo hoàng cũng không ở trong dinh thự, mà lại chọn căn hộ trong một nhà khách nhỏ đơn sơ.

Chọn lựa của ngài là một phê phán cho lối sống xa hoa của nhiều lãnh đạo, cả trong hàng giáo sỹ. Đức Giáo hoàng Phanxicô gắn chặt với cái ‘không có,’ ngài giảng về một đời sống tham đạm mà các lãnh đạo cần phải có để tìm lợi ích cho những người ít được ưu ái hơn.

Ở Uganda, nơi hơn 40% dân số là người Công giáo, các linh mục và giám mục không cảm thấy cần thiết phải sống như Đức Phanxicô. Họ thường là những người được chăm lo tốt, giữa những cộng đoàn bần cùng dâng cúng cho họ chút của mình có. Có những người đã biến giáo hội thành một cỗ máy làm tiền để chu cấp cho bản thân và người thân.

Một câu hỏi, là Đức Giáo hoàng Phanxicô thực tế đến mức nào trong lời kêu gọi hàng giáo sỹ Uganda hãy sống đơn sơ?

Cha Wynand Katende, một linh mục ở tổng giáo phận Kampala, đồng lòng với lời kêu gọi của Đức Phanxicô, đặc biệt là lời kêu gọi các giáo sỹ hãy sống thanh đạm. Nhưng cha cũng cảnh báo rằng Đức Giáo hoàng không muốn các linh mục của mình bị chết đói, hay phải cuối bộ hàng chục dặm.

‘Đức Giáo hoàng đang nhắc nhở tất cả chúng ta, giáo sỹ và giáo dân, rằng chúng ta không được cứ nhắm đến những của cải không cần thiết mà quên đi sự quan trọng nhất là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta càng tìm kiếm giàu có, thì càng xa Chúa Kitô.’

Cha Katende nói thêm câu Tin mừng Matthêu 6, 21. ‘Kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó.’

Nhưng nếu một linh mục, một đức cha, một mục tử cứ nghĩ trong đầu về khoản tiền sắp tới, thì lòng họ ở đâu nào? Khi các linh mục mưu cầu của cải trần gian như thế, thì dễ dẫn đến chiến tranh, chia rẽ giữa giáo sỹ và giáo dân, và như thế là rạn vỡ giáo hội.

Và theo đức cha Cyprian Kizito Lwanga, tổng giám mục Kampala, thì ‘người linh mục dựa vào sự nâng đỡ và tình thương của các Kitô hữu, nên người mang áo chùng thâm phải xác định đúng các ưu tiên hàng đầu của mình.

Chúa Giêsu Kitô là hình mẫu đời sống, vì thế, dù một linh mục có thể sở hữu, nhưng người linh mục phải dùng của mình có vì lợi ích nhân loại và vì người nghèo.’

Apostle Alex Mitala, một lãnh đạo danh tiếng của phái Ngũ tuần, cũng đồng ý với Đức Giáo hoàng, rằng hàng giáo sỹ cần phải có đời sống mẫu mực hơn. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng thông điệp của Đức Giáo hoàng cũng đúng với những giáo dân thu tích của cải bằng cách bóc lột.

Ông cũng nói rằng Vatican, nơi Đức Giáo hoàng ở, cũng nổi tiếng là giàu sang. Ông cũng hi vọng những người ở Vatican cũng nghe theo lời Đức Giáo hoàng.

Giám mục Paul Ssemogerere của giáo phận Kasana-Luweero thì nhận định, ‘Tất nhiên là thế. Vatican luôn luôn sẵn sàng cho người nghèo và người bị thiệt thòi. Và đây là lý do vì sao bạn thấy có nhiều trường học, bệnh viện và nhà thờ ở Uganda này, được xây nhờ tiền từ Vatican.’

Cha Emmanuel Ssemambo, phó xứ Jinja Karoli, ở Kawempe, nói rằng đời sống khiêm nhượng của Đức Giáo hoàng Phanxicô là một tuyên bố đích thực, dù ngài là một nhân vật vĩ đại trên thế giới, nhưng ngài không muốn mình hoành tráng.

Với cha Emmanuel, vấn đề không phải là các linh mục của chúng ta có thể noi theo gương Đức Giáo hoàng Phanxicô hay không. Mà đây là chuyện phải làm. Biết lắng nghe người đứng đầu giáo hội, một mẫu gương sáng, các linh mục sẽ được kéo lại gần hơn với một đời sống như Chúa Giêsu muốn.

Cha Emmanuel nói rằng, ‘Chúa Giêsu quá đỗi quyền năng, nhưng Ngài không bao giờ lạm dụng quyền năng của mình. Thật vậy, trong Tin mừng theo thánh Matthêu 11, 28-30, Chúa Giêsu nói rằng, ‘Hãy đến với Ta, hỡi những ai lao công và gánh nặng. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của Ta, và học cùng Ta, bởi Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch