Monitor – Robert Mugagga – 09/11/ 2015
Trong chuyến công du sắp tới đến Uganda, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã lên lịch gặp phái đoàn đại diện cộng đồng Hồi giáo ở nước này. Hajj Nsereko Mutumba, trưởng truyền thông và thông tin của Hội đồng Hội giáo Tối cao Uganda (UMSC) với tổng hành dinh ở Old Kampala, đã xác nhận rằng cộng đồng Hồi giáo sẽ cùng với toàn thể dân Uganda chào mừng giáo hoàng.
‘Chúng tôi không có vấn đề gì với chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng, bởi chúng tôi đang có mối liên hệ thân ái với cộng đoàn Kitô giáo, bao gồm Công giáo.’ Ông Mutumba cũng ghi nhận rằng, ngày nay ở Uganda, cả người Hồi giáo lẫn Kitô hữu đều cần đến nhau để tồn tại.
‘Chúng tôi đang phải đối diện với các vấn đề chung, như nghèo đói, nạn thiếu học, HIV/Aids, bệnh sốt rét, và các dịch bệnh khác, vốn không chỉ đánh vào một vùng cụ thể nào, nhưng tấn công tất cả chúng tôi, và đây là lý do chúng tôi phải chung tay làm việc để giải trừ chúng.’
Theo ông Mutumba, Hội đồng Hội giáo Tối cao Uganda tôn trọng các lãnh đạo tôn giáo khác ở trong nước và trên thế giới, như đã được tuyên bố rõ trong chương 5 hiến chế của tổ chức.
Ông cũng cho biết là trong năm đầu tiên ở Uganda, sứ thần tòa thánh Michael Blume đã đến thăm đại giáo sỹ Ramadhan Mubajje ở đền thờ Old Kampala, và chuyển cho ngài một thông điệp về hòa bình từ Đức Phanxicô gởi người Hồi giáo Uganda.
‘Trong buổi gặp, đại giáo sỹ đã nói với tổng giám mục Blume rằng tất cả chúng ta được tạo dựng để nhận biết và chung sống với nhau, và không bao giờ là để giết hại nhau.’
Ông Mutumba còn thêm rằng trong buổi gặp, đại giáo sỹ đã kêu gọi truyền thông quốc tế hãy phân biệt giữa các hành động của những nhóm riêng lẻ với tôn giáo mà họ tự nhận về mình. Sứ thần tòa thánh cũng làm rõ rằng mục tiêu của Đức Giáo hoàng Phanxicô là thăng tiến hòa bình và đối thoại liên tôn.
Quan hệ của các Đức Giáo hoàng với Hồi giáo
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đi vào lịch sử là giáo hoàng đầu tiên từng đi vào một đền thờ Hồi giáo, và là người đầu tiên có một hành động mang nhiều ý nghĩa như thế với Hồi giáo. Trong chuyến công du lần thứ hai đến Trung Đông, 05-2001, Đức Gioan Phaolô II đã có bài diễn văn ở đền thờ Olmayyad, Damascus, nói rằng ngài ý thức về các thế kỷ xung đột đã qua ở Trung Đông, giữa Kitô hữu và người Hồi giáo, và ngài hi vọng rằng đầu thiên niên kỷ thứ ba này, các tôn giáo sẽ tìm được các con đường mới ‘để trình bày các tuyên tín của mình, như những người hợp tác chứ không phải như thù địch.’
Khi bước vào đền thờ, Đức Giáo hoàng cởi giày và mang đôi dép bệt trắng để đi trên nền gỗ, theo truyền thống Hồi giáo. Đức Gioan Phaolô đã thúc giục người Hồi giáo và Kitô hữu hãy tha thứ cho nhau những chuyện trong quá khứ. Ngài cũng yêu cầu hãy chống lại chủ nghĩa chính thống cực đoan dưới mọi hình thức. Đức Gioan Phaolô nói rằng cần phải dạy cho người trẻ biết tôn trọng và nhận thức.
‘Mong sao nhà của người Hồi giáo và Kitô hữu, đến với nhau trong tình huynh đệ và thân ái, để Thiên Chúa Toàn năng chúc lành cho chúng ta ơn hòa bình.
Vì tất cả những lần người Hồi giáo và Kitô hữu đã xúc phạm lẫn nhau, chúng ta cần phải xin Đấng Toàn năng tha thứ và đồng thời phải tha thứ cho nhau.’
Đức Gioan Phaolô viếng thăm Trung Đông cũng là để theo gót chân thánh Phaolô. Thời thánh Phaolô tông đồ còn sống, đền thờ Hồi giáo này là một đền thờ của người Roma.
Sau đó đền thờ trở thành nhà thờ Kitô giáo, và 1400 năm sau, những người Hồi giáo đến chiếm đóng. Ở trung tâm đền thờ, là một đền thánh được cho là cất giữ đầu của thánh Gioan Tẩy giả, vị thánh được người Hồi giáo lẫn Kitô hữu tôn kính.
Vào tháng 5, 2009, Đức Bênêđictô XVI đã đến thăm đền thờ Hussein Bin-Talal ở thủ đô Amman, ở Jordan, và trước đó, ngài cũng đã đến thăm đền thờ Xanh ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2006.
Tháng 11, 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thể hiện rõ ràng hơn nữa sự tận tâm của ngài muốn thúc đẩy quan hệ giữa Kitô giáo và Hồi giáo, khi đến cầu nguyện tại đền thờ Xanh, ở Istanbul, và viếng thăm đền thờ Haggia Sophia, đây là hai biểu tượng của cả đức tin Kitô giáo lẫn Hồi giáo.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch