Tổng quan về chuyến viếng thăm của Đức Phanxicô đến trung tâm của một xã hội và Giáo hội phân cực
Vatican Insider – Andrea Tornielli – 27/9/2015
Một bức vẽ mới đây đã mô tả một người Dân chủ và một người Cộng hòa tranh luận trước Đức Giáo hoàng Phanxicô. Người đảng Dân chủ nói, ‘Ngài đứng về phía tôi về vấn đề biến đổi khí hậu.’ Còn người đảng Cộng hòa thì, ‘Ngài đứng về phía tôi về vấn đề sự sống.’ Chúa Giêsu, đứng gần đó, tiến tới và nói: ‘Xin lỗi, nhưng Ta chắc rằng Phanxicô đứng về phía Ta.’
Đây có lẽ là tổng kết cho những gì diễn ra trong tuần sôi động vừa qua. Cũng có thể thay thế hình ảnh các chính trị gia này, bằng những giám chức, cấp tiến và bảo thủ.
Những người với công việc là gieo chia rẽ, làm những chiến binh thập tự chinh, những người hạ giá đức tin thành một hệ tư tưởng dù là thiên tả hay thiên hữu, và những người phải vất vả để hiểu được Đức Phanxicô, bởi họ không thể đưa ngài vào khớp với những khuôn khổ của họ. Thay vì lấy hiện thực làm điểm mở đầu, họ lại diễn giải hiện thực qua lăng kính sai lầm của sự tối giản.
Và thường thì, từ đó xuất hiện cả hai phiên bản của chuyến công du Cuba-Hoa Kỳ. Một là diễn giải của một số giới truyền thông và trí thức, và diễn giải kia là của dân chúng. Quá nhiều con người đầy xúc cảm đang tràn ngập các ngả đường. Đây là những người để mình được lôi cuốn bởi những lời nói hành động của Đức Giáo hoàng, tại Benjamin Franklin Parkway, Philadelphia tối thứ bảy, sau một đêm cầu nguyện trông như một show diễn của Hollywood.
Đức Phanxicô biết rằng ngài đang sống trong một thời mà các phàn nàn, những hoài niệm quá khứ, cùng những tuyên xưng và đối lập, đang là điển hình của các ‘chiến binh văn hóa’ đang có gắng tìm cách làm phấn khích những người theo mình. Những việc này không chạm đến được những tâm hồn đang nhiều ‘thương tích’ ngày nay. Có thể nói là, họ đã không phúc âm hóa.
Điều có lẽ sẽ còn giữ lại trong trái tim của những người Mỹ là tuyên bố đầy hùng hồn của Đức Phanxicô về các bậc khai quốc Hoa Kỳ trong bài diễn văn với Lưỡng viện. Nhưng Đức Phanxicô cũng tuyên bố hai thông điệp quan trọng trong các bài diễn văn với các giám mục, một là bài nói chuyện với các giám mục Hoa Kỳ, và hai là bài nói chuyện với các hồng y khắp thế giới dự Đại hội Gia đình Thế giới.
Ngày nay, gia đình đang bị tấn công, người trẻ không còn muốn kết hôn, các nhà nước đang ra hợp pháp hóa cho hôn nhân đồng tính. Đức Phanxicô nói rằng, ‘Là các mục tử, những giám mục chúng ta được kêu gọi hãy lấy hết sức lực mình và tái hồi lửa mến để làm cho các gia đình tương hợp trọn vẹn hơn bao giờ hết với phúc lành Chúa ban là chính gia đình! Chúng ta cần vận dụng sức lực không phải phần nhiều trong việc nhắc đi nhắc lại những vấn đề của thế giới và các giá trị Kitô giáo, nhưng phải là lấy hết sức lực để mở ra một lời mời chân thành đến người trẻ, mời họ can đảm và chọn lấy hôn nhân và gia đình.’
Với những lời nói và hành động của mình, Đức Phanxicô chỉ ra con đường thay đổi, để chúng ta đi từ ‘một Kitô giáo ít thực hành mà cứ chăm chăm giải thích huấn giáo,’ đến ‘một Kitô giáo thông hiệp như tin mừng.’ Từ những Kitô hữu tìm chân giá trị của mình trong việc rao giảng giáo lý cho người khác, thậm chí một cách lỗ mãng, đến những Kitô hữu có thể ‘phí thời gian’ cho gia đình, và có thể gần gũi với những ai ‘lạc lối, bị bỏ rơi, tổn thương, tan vỡ, suy sụp và bị tước đoạt phẩm giá.’
Bởi nếu việc công bố Tin mừng là một cuộc gặp gỡ với cái nhìn thương xót của Chúa Giêsu, thì ngay cả một bà người Samari với năm người chồng không chính thức, cũng sẽ khám phá ra rằng bà có thể làm chứng, hay một người thu thuế lão làng cũng sẽ trèo xuống cây và trả lại gấp bốn cho người nghèo, những người mà cho đến lúc đó, ông chẳng một chút bận tâm.
Kẻ địch thù lớn nhất với Chúa Giêsu trong hai ngàn năm qua, không phải là các tội nhân, gái điếm, người thu thuế, hay trộm cướp. Mà chính là những bậc trọng vọng trong đạo thời đó, các luật sỹ, những người tự xem mình là công chính và hoàn hảo. Họ không cần ơn cứu độ, không cần lòng thương xót và sự giúp đỡ. Đây cũng giống hệt như những người ngày nay đang cố gắng ép Đức Phanxicô vào trong những khuôn khổ và định kiến hẹp hòi của mình, để họ không thấy mình bị chất vấn, để họ không thấy thúc giục hay kinh ngạc gì.
Qua chuyến công du Hoa Kỳ, nhiều người sẽ biết Đức Phanxicô cũng như lời chứng của ngài cho một đức tin sẽ khiến chúng ta kinh ngạc. Kinh ngạc với Tin mừng.