Caritas Quốc tế – 28/8/15
‘Người Sudan? Không, tôi là người Lybia.’ anh Amjaad cho biết.
Có rất nhiều quốc tịch trong số hơn 2000 người sống trong trại ‘Jungle 2’ ở gần cảng Calais, phía bắc nước Pháp. Người Sudan, Afghanistan, Syria và Eritrea: tất cả hợp nhất với nhau vì chuyện đời đã phải trải qua xung đột và nghèo đói khiến họ phải bỏ quê nhà lưu lạc đến đây.
Trại được dựng trên một vùng đất hoang. Các đám mây bụi thổi qua vườn rau lơ thơ, giật giật các tấm bạt nhựa làm lều tạm. Nơi này cách Calais 7 cây số đường đầy bụi và nóng nực. Đây như là tận cùng của thế giới chứ không chỉ là điểm cuối đường.
Không một ai chọn đến sống ở đây, nhưng trại này được xem là một bước tiến lớn bởi đã được chính quyền địa phương chấp nhận.
Cô Mariam Guerey, làm việc cho Caritas Pháp ở Calais cho biết, ‘Trong nhiều năm, các di dân dựng các mái nhà tạm bợ có thể bị cảnh sát phá dỡ bất kỳ lúc nào. Mọi chuyện sẽ thay đổi hoàn toàn khi bạn không còn bị rơi vào cảnh chưa biết tối nay sẽ ngủ ở đâu.’
Anh Amjaad đang hoàn tất bộ khung nhà hội cộng đồng của trại. Nổi tiếng là ‘Người xây dựng’ anh đã hoàn tất hơn 100 công trình ở trại Jungle 2 này. Caritas cung cấp các dụng cụ xây nhà, nhưng người thực hiện là chính các cư dân ở đây.
Pierre Gobled, trưởng một nhóm tình nguyện viên cho biết, ‘Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng hầu hết mọi người ở đầy đều rất trình độ. Chúng tôi chỉ đứng bên mà thôi. Đôi lúc khi hoàn tất, họ tự hào chỉ cho chúng tôi xem những gì tay họ vừa dựng lên.’
Ngoài nhà ở, còn dựng thêm các nhà hàng và tiệm cà phê. Vincent de Coninck, trưởng nhóm công việc di dân của Caritas Pháp cho biết, ‘Xây dựng những không gian tập thể là điều hết sức quan trọng. Cần phải có đời sống xã hội. Đó là lý do vì sao chúng tôi xây dựng năm đền thờ Hồi giáo, một nhà thờ, hai trường học, và vài nhà hàng nữa. Đây là những nơi con người gặp gỡ nhau.’
Một trong những điểm đẹp nhất là một nhà thờ được người Eritrea xây dựng, với gác chuông cao hơn 5m. Có lẽ những người đi dã ngoại cũng có thể thấy được gác chuông này khi đang lái xe dọc con đường được chắn rào thép gai cao đến 4m. Hàng rào này là để ngăn người di dân khỏi đi lậu bằng xe. Calais là một phố cảng huyên náo, với những người đi dã ngoại nghỉ hè và các xe tải thương mại. Đây cũng là nơi tập kết của các di dân mong muốn tìm đường đến Anh quốc.
Adam thuộc nhóm người Sudan và Chadean sống ở trại Jungle 2 này. Anh đã đi qua Libya, vượt Địa Trung hải đến Ý, rồi lên phía bắc, và đến được Calais cách đây 8 ngày. Tối nay, họ sẽ vượt các rào chắn rồi băng qua eo biển Manche. ‘Rồi chúng ta sẽ thấy.’
Houmed, 17 tuổi, từ Eritrea, cũng từng có kế hoạch tương tự. Và đám tang của anh vừa được cử hành cách đây vài ngày. Con số di dân bị chết khi cố gắng tìm đường đến Anh quốc, trong vòng tháng 6 và tháng 7 năm nay, còn cao hơn 6 tháng cuối năm 2014.
Mariam cho hay, ‘Chỉ có những người thuộc nhóm của Houmed đến dự tang lễ của anh. Tôi mong sao những người khác cũng có tinh thần đoàn kết.’ Xây dựng được ý thức cộng đồng là một việc khó khăn do bởi các rào cản ngôn ngữ và văn hóa, ở một nơi người ta đến rồi đi, và nơi mà ưu tiên hàng đầu là sống còn.
Anh Amjaad đang làm việc với những người Ai Cập và Sudan để hoàn tất phòng hội cho các di dân. Mục tiêu là đem lại một không gian cho đại diện của các quốc tịch khác nhau thường xuyên tụ họp như một ‘Hội đồng’ để bàn thảo cách phát triển trại.
‘Người nhập cư cũng thấy được tầm quan trọng của việc này, khi chúng tôi xin được nhà chức trách các điểm lấy nước, vấn đề rác thải, và điện. Họ thấy được những gì cụ thể thiết thực.’
Ý tưởng về các buổi hội cũng là để xác định các vấn đề chính sách rộng hơn đang tác động đến những người di dân trên đường tìm nơi trú ẩn, chẳng hạn như về chuyện đơn xin cư trú ở EU để mong thay đổi các chính sách.
Anh Vincent de Coninck cho biết, ‘Thật khó để họ chú tâm khi những chuyện này phải mất hàng năm mới mong thay đổi.’
Abderraouf là một sinh viên đến từ Sudan, anh cho biết, ‘Điều quan trọng là tạo các không gian gặp gỡ. Một nơi để mọi người có thể trao đổi các nhu cầu và vấn đề trong trại, để rồi phản ánh lên chính quyền.’
Chàng trai trẻ Sudan này đã kẹt ở đây trong 5 tháng qua. Anh đã từ bỏ việc mạo hiểm vượt biển qua Anh quốc, thay vào đó quyết định học tiếng Pháp để giúp cho các di dân giao tiếp với nhà chức trách và các tổ chức xã hội.
Theo quy định, thì anh nên xin cư trú ở Ý, nơi anh đã lăn dấu vân tay đầu tiên. Nhưng anh miễn cưỡng với chuyện về nhà. ‘Khi đến Ý, tôi thấy nó giống hệt Darfur.’
Còn Amjaad ‘người xây dựng’ sẽ không dự các buổi hội, nhưng lý do chỉ là bởi anh đang bận đưa một cư dân khác, ‘một người hoàn toàn bị đánh gục bởi những gì đã trải qua’ đến gặp bác sỹ.
Trại Jungle 2 có lẽ chỉ là nơi ở tạm thời cho nhiều cư dân ở đây, nhưng chuyến hành trình đầy khó khăn và bị xâm hại mà cũng đầy ân cần và tình đồng bạn này, sẽ ở trong lòng họ mãi mãi.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch