Trang trại của Tòa Thánh
parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2015-08-15
Đức Giáo hoàng vừa công bố thông điệp Chúc tụng Chúa, trang trại Vatican cung cấp nông phẩm cho bữa ăn của ngài.
“Nhất là đừng kể chuyện này ra”, ông Alessandro Reali, giám đốc khu nông nghiệp Castel Gandolfo vẫn còn xúc động khi thố lộ với tôi. “Ngày 16 tháng 11-2014, sau khi đến xem tác phẩm của nhà điêu khắc Alejandro Marmo đồng hương với ngài, Đức Phanxicô đến ban phép lành cho nông trại và ăn sáng với chúng tôi. Thực đơn: mozzarella, (món phô mai truyền thống của người Ý), thịt gà, bruschetta với cà chua trộn dầu ô-liu nhà làm, bánh tạc trái cây cũng của vườn nhà. Sản phẩm của chúng tôi là duy nhất. Chúng tôi giải thích cho ngài biết, sản phẩm đa dạng của chúng tôi mọc lên tốt nhờ mặt trời, nước và phân bón tự nhiên.”
Hai mươi lăm hecta ngoài vùng, gần tư dinh mùa hè của các giáo hoàng là khu nông nghiệp của Tòa Thánh. Năm 1929, Đức Piô 1929 thành lập nông trại, ngài mong muốn phát triển trồng trọt ở đây, nhấn mạnh đến sự kết hợp của Giáo hội công giáo với cuộc sống nông thôn. Và thế là ngay từ đầu miếng đất rộng từ hồ Albano qua phía bên kia tyrrhénia được trang bị các dụng cụ cao cấp, được nghiên cứu kỹ lưỡng với thách thức đầu tiên: phối hợp được tính hiện đại và truyền thống mà vẫn giữ được nét đạm bạc và trang trọng. Tham vọng chính đáng cho một nơi có cảnh đẹp tuyệt vời như thiên cung mà chức vụ là cung cấp nông sản cho bàn ăn của giám mục địa phận Rôma. Chính vì vậy mà từ gần một thế kỷ nay, mỗi ngày có chiếc xe tải nhỏ chạy một vòng 24 cây số từ đây đến Vatican để giao nông phẩm tươi: hoa quả, rau tươi, sữa tươi, trứng, yaourt. Tòa Thánh không chờ kêu gọi dùng nông sản để… sống theo môi sinh lành mạnh!
Như lời giải thích của ông Reali: “80 con bò cái của chúng tôi ăn rơm, củ cải đỏ và nước rỉ đường. 700 lít sữa sản xuất mỗi ngày là sữa tinh khiết, không vi trùng, chuồng trại được rửa thường xuyên bằng tia nước mạnh. Kết quả là các sản phẩm như yaourt, phô mai được khử trùng, không có vị axit vì chúng tôi không bao giờ dùng sữa bột. Còn 350 gà mái của chúng tôi được thả tự do đi ăn nên trứng được thơm ngon. Chúng tôi dùng phân bón tự nhiên từ các trái cây như mận, đào, lê, kiwi, cam quít, từ rau như cà chua, bí rợ, cà dê, ớt tây… và để cây trái lớn lên tự nhiên; chẳng hạn xà lách của chúng tôi mọc lên trong vòng 20 ngày chứ không mọc trong vòng 4 ngày!”
Tòa Thánh không chờ kêu gọi dùng nông sản để… sống theo môi sinh lành mạnh!
Chỉ có một điều buồn cho năm nay là chúng tôi không ép được dầu ô-liu, vì mùa hè nóng năm 2014 và những cơn mưa lớn đã phá mùa gặt của 1500 cây ô-liu. “Hơn nữa chúng tôi buộc lòng phải dùng chất hóa học để bảo vệ chúng khỏi bị vi trùng Xylella fastidiosa phá, loại vi trùng này làm cho dầu bị đục và không vệ sinh cho người dùng. Nhưng chúng tôi gặp may khác, thời tiết không đến nỗi xấu để phá tám tổ ong của chúng tôi: các tổ ong vẫn tiếp tục cung cấp 280 kí lô mật mỗi năm. Và cuối cùng là sản xuất rượu vang đỏ, Cesanese del Piglio, Trebbiano và Malvasia trắng, tất cả đều ngon. Thử nghiệm mới của chúng tôi: chúng tôi vừa gieo trồng các hạt giống của Tổng thống Obama tặng: bí vàng, rau bi na, rau mùi, dưa leo, ớt tây.” Như thế chúng tôi đủ sản phẩm để thay đổi cho bữa ăn của Đức Giáo hoàng Argentina, người ít có “tâm hồn đồng quê” như các vị tiền nhiệm của ngài. Tuy nhiên ngài rất vui khi thấy các sản phẩm thặng dư được bán một làng nhỏ ở khu vực Castel Gandolfo, ở chợ Annona của Tòa Thánh và cho 55 nhân viên làm việc ở nông trại. Các sản phẩm này được trình bày bắt mắt bằng huy hiệu Tòa Thánh.
Sau thành công của việc mở các ngôi vườn Vatican danh tiếng cho khách vào xem có trả tiền, Đức Phanxicô đã quyết định mở nông trại ra cho mọi người. Cho đến bây giờ, nông trại chỉ mở cửa cho các trường học trong vùng. Và thế là có hàng ngàn người được vào xem hàng rào hoàng dương cắt tỉa khéo léo thành từng vòm cầu. Từ nay các người hướng dẫn nông trại có thể kể các tích sự về nông trại cho du khách nghe, rằng Đức Gioan-Phaolô I không có thì giờ đến trang trại vì triều giáo hoàng của ngài chỉ ngắn có 33 ngày; ngược lại chúa nhật trước ngày bầu chọn của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã cùng với hồng y Ba Lan Deskur bạn của mình đến đây cầu nguyện. Một lời cầu nguyện mang đến hoa trái! Vì sau đó ngài hay đến đây, một phần ngài thích nơi chốn yên tĩnh quý tộc này, nơi ngài tiếp nhiều đồng hương Ba Lan và các sinh viên. Ngài cũng gặp con cái của các nhân viên, các em mang đến cho ngài một cuộc sống khác với cuộc sống hàng ngày của ngài. Mỗi mùa hè Đức Bênêđictô XVI cũng đến nơi thơ mộng này để nghỉ ngơi, viết lách và ngài mời anh Georg của mình, các bạn bè trí thức, các thần học gia đến đây… và khi chiều xuống, ngài đàn dương cầm các bản sonate của Mozart, Bach hay Beethoven. Đức Giáo hoàng danh dự cũng về đây hai tuần đầu tháng 7, ngài chỉ về lại Vatican khi Đức Phanxicô đi Nam Mỹ về, như thử ngài muốn kín đáo ở bên cạnh Đức Phanxicoô, hỗ trợ Đức Phanxicô theo cách riêng của ngài…
Một công việc mới: ươm các hạt giống khổng lồ của Tổng thống Obama tặng
Dù xuất thân từ một nước mà nông nghiệp đứng hàng đầu, Đức Phanxicô không thích nghỉ hè cũng không thích đồng quê. Ngài lại càng không thích villa hoành tráng Barberini mà theo ngài thì quá huy hoàng và quý tộc. Chúng nhắc ngài nhớ đến các đại điền chủ Argentina mà dưới mắt ngài là quá kiêu căng và đầy quyền lực. Nhưng ngài đã suy nghĩ từ lâu về môi sinh và gần đây, ngài đã công bố một thông điệp ca ngợi thiên nhiên, nhấn mạnh đến tầm quan trọng phải bảo vệ quả đất và sự sống, và nhờ nông trại kiểu mẫu này, ngài đã cho thấy một ví dụ. Ở đây nông phẩm trồng trọt theo môi sinh tự nhiên đã nuôi sống được trên 50 gia đình và đã thắng rất nhiều giải thưởng nông nghiệp. Dù Vatican không phải là nước Ý, thì bán đảo này cũng là nước nông nghiệp thứ ba của Cộng đồng Liên hiệp các nước Âu Châu. Tháng 11 năm 2014, khi Đức Phanxicô đến thăm đây lần thứ ba, ngài quan sát hai con đà điểu và không cầm lại được, ngài hỏi những người chung quanh: “Các bạn có biết vì sao con đà điểu giấu cái đầu của nó không? Vì mấy con chim to lớn ăn cỏ này thích ăn những cây con mới mọc, chúng cả ngày chúi mũi xuống đất, chúng chôn trứng của mình dưới đất và có thói quen bảo vệ mặt mình khỏi bão cát sa mạc nên chúng cúi đầu sát đất!” Ồ, Đức Phanxicô biết cả khoa điểu học!
Khi đó một người bên cạnh nhắc cho ngài giai đoạn xáo trộn của lịch sử Vatican. Trong thời Thế chiến Thứ nhì, một sáng nọ giám đốc các “thành phố Tòa Thánh” lo lắng khi thấy chiếc xe tải nhỏ chở cho nông phẩm tươi bị chận không vào được cổng Thánh Anna, ông quyết định đóng bốn cọc làm tạm một cái chuồng nhỏ ở Vatican. Chiếc xe chở bảy con bò đến Vatican bị Cận vệ Thụy sĩ chặn, chờ kiểm xem có được phép cho vào không. Một quyết định táo bạo, buồn cười nhưng xứng đáng, và Vatican có sữa tươi cho đến ngày thành phố Rôma được giải phóng, tháng 6 năm 1944. Nông trại là sáng kiến của giáo hoàng Piô XII…
Câu chuyện này làm Đức Phanxicô cười… Ngài cầu nguyện và một cách máy móc, ngài gỡ cái nhẫn bằng bạc nặng nề ra, rồi mang vào lại, như thử đối với ngài đây là một cách biểu lộ tính tự do của mình. Các trẻ em con các nhân viên xin ngài một lời ước: xin Đức Giáo hoàng cho chúng một ngạc nhiên là chơi banh với chúng. Sân trực thăng trong nông trại tạm thời biến thành sân đá banh. Còn tôi, tôi mơ được tặng ngài hai con ngựa Argentina nhỏ của hai cô con gái thân yêu Marina và Cosima của tôi. Trên các ngọn đồi yên tĩnh này đã có bò, lừa, gà, đà điểu sống thanh bình… chỉ còn thiếu những con ngựa giống nhỏ để… phi nước kiệu ở chốn thiên đàng này!
Marta An Nguyễn chuyển dịch