Khi tiếng chuông nhà thờ Lộ Đức gióng lên, Fatina, một tín hữu Irak đã khóc nức nở
la-croix.com, 2015-08-15
Cô Fatina Khalaf đã không cầm được nước mắt khi tiếng chuông nhà thờ Lộ Đức vang lên sau Thánh lễ hành hương hàng năm, nhân ngày Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tiếng chuông gióng lên để nhớ đến các tín hữu Irak như cô bị đuổi ra khỏi nước năm ngoái.
Tổng cộng 76 địa phận trong nước Pháp và trên 60 địa phận khác ở Âu Châu đã gióng chuông vào trưa thứ bảy 15 tháng 8 để tỏ lòng tương trợ với các tín hữu Trung Đông. Một cộng đoàn thiểu số đã trở thành đích nhắm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng, tổ chức này đã đuổi họ ra khỏi chính vùng đất của họ ở Qaraqosh, Mossoul, những vùng đất rộng lớn ở Irak và Syria nơi có hàng trăm ngàn tín hữu Kitô sống.
Biểu tượng đoàn kết này đặc biệt nổi bật ở Đền thờ Đức Mẹ Lộ Đức nơi hàng trăm tín hữu Trung Đông, đa số là người Irak đến dự Thánh lễ long trọng ở Đền thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm nhân ngày hành hương quốc gia thứ 142 ở đây.
Theo các nhà tổ chức cho biết, có khoảng 30.000 tín hữu về đây trong dịp này để kỷ niệm ngày Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra năm 1858 với cô bé Bernadette Soubirous.
“Tôi cảm thấy như chân mình không đạp đất. Tôi thấy như mình ở trên thiên đàng. Ngay trong giấc mơ, tôi cũng không tưởng tượng được mình đang ở đây”, cô Fatina Khalaf trả lời với hãng thông tấn AFP. Fatina Khalaf, 49 tuổi là kỹ sư ngành khoa học dân sự, năm ngoái đã cùng với chồng và ba con trốn khỏi Mossoul khi thành phố này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng tấn công. Họ đến được Liban rồi qua Pháp ngày 16 tháng 8 năm 2014, họ được quy chế tị nạn và sinh sống ở Châtillon, gần Paris.
“Khi còn ở Irak, thỉnh thoảng những người đi hành hương Lộ Đức đem nước Đức Mẹ Lộ Đức về cho chúng tôi. Mỗi khi có các cuộc xung đột bùng ra, chúng tôi rảy nước thánh lên trẻ con như khí cụ trang bị cho chúng lòng can đảm và đức tin. Quý vị tưởng tượng xem tâm trạng của tôi như thế nào khi ngày hôm nay tôi đứng trước nguồn suối này, nguồn nước đã giúp chúng tôi trong tất cả những năm vừa qua”, cô thốt lên.
Trước khi tiếng chuông vang lên, Tổng giám mục Georges Pontier, địa phận Marseille và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp đã cử hành Thánh lễ trước rất đông các giáo dân sốt sắng trong nhiều y phục sặc sỡ khác nhau. Họ là các đại diện các thành phố ở Pháp, Phi Châu, Á Châu, người khỏe mạnh cũng như người bệnh tật, người ngồi xe lăn, tất cả đứng sát bên nhau cùng cầu xin được chữa lành.
Trong bài giảng dâng hiến cho Đức Mẹ, Đức Tổng giám mục Pontier không nhắc đến các tín hữu Kitô Trung Đông bị tử đạo nhưng ngài tuyên bố trong lời mở đầu buổi lễ, chào mừng các tín hữu Irak và các tín hữu ở Trung Đông mà “chúng tôi nâng đỡ theo cách của mình”.
Sự hiện diện kín đáo của bà Ingrid Betancourt
Như các đồng hương đồng đạo của mình, họ hưởng được quy chế tị nạn ở Pháp nhưng họ kiếm việc làm rất khó, bà Edith Richard, người đi theo các tín hữu Trung Đông giải thích.
Một vài người đến từ thành phố Mossoul, họ là bác sĩ, kỹ sư nhưng chỉ nói tiếng Ả Rập. Một vài người khác đến từ thành phố Qaraqosh, họ ít học hơn và chỉ nói tiếng Aramêen, tiếng Xêmít, tổ tiên của tiếng Ả Rập. Các gia đình này rất cần sự giúp đỡ, bà Richrd cho biết, bà mặc chiếc áo có hàng chữ “Tôi không quên bạn” để ủng hộ các tín hữu Trung Đông.
Fatina giàn giụa nước mắt, cô hy vọng tiếng chuông của ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời hôm nay sẽ đánh động tâm hồn người Pháp và người ở các nước Âu Châu khác về số phận của những người thiểu số bị tử đạo này.
“Chúng tôi tất cả đã phải bỏ nước ra đi vì tôn giáo của mình, đã hy sinh tất cả vì tôn giáo”, cô nói.
Bà Ingrid Betancourt, người từng bị bắt làm con tin ở Colombia trong vòng 6 năm, từ năm 2002 đến 2008, cũng có mặt ở Lộ Đức trong dịp này. Đây là lần thứ hai bà đến Lộ Đức. Lần đầu tiên chỉ 10 ngày sau khi được phiến quân FARC thả, bà đã đến Lộ Đức để tạ ơn Đức Mẹ.
“Lòng biết ơn là ở đây. Tôi cảm thấy tốt trong đời sống của tôi”, bà trả lời với hãng thông tấn l’AFP.
Bà Betancourt là tín hữu rất sốt sắng, bà nhắc đến tình đoàn kết với các tín hữu Trung Đông. Số phận của họ là “lời nhắc để nhớ đức tin là bao gồm những gì, bà nói. Đó là một cái giá rất rất lớn để trả.”
Marta An Nguyễn chuyển dịch