la-croix.com, Claire Lesegretain, 2015-08-11
Một năm sau Giáo hội Hàn Quốc nhìn thành quả của chuyến đi này qua số tân tòng được tăng lên.
“Ngày Phanxicô” là tên mà địa phận Daejeon, ở miền Trung của Hàn Quốc gọi cho ngày 15 tháng 8-2015, ngày kỷ niệm Thánh lễ Đức Mẹ Lên Trời do Đức Phanxicô cử hành năm 2014 ở Sân vận động thành phố Daejeon, với sự tham dự của 50 000 tín hữu Hàn Quốc.
Trước Thánh lễ, Đức Phanxicô đã gặp riêng thân nhân và những người sống sót trong vụ đắm phà Sewol, xảy ra năm tháng trước đó làm cho 250 học sinh bị thiệt mạng.
Ở sân vận động, Đức Giáo hoàng cũng ngừng xe để thăm hỏi các gia đình nạn nhân. Ngày hôm sau, ở tư dinh Sứ thần Tòa Thánh, Đức Phanxicô đã rửa tội cho một phụ huynh của các nạn nhân bị chết, sau biến cố, ông xin vào đạo.
Cảm nhận sâu đậm
“Các hành vi của Đức Phanxicô đã để lại một tình cảm sâu đậm”, ông Cheon Seung-hoon tùy viên báo Hàn Quốc Dong-A Ilbo ở Paris cho biết như trên. Nhiều người Hàn Quốc cho rằng tai nạn đắm phà liên hệ đến nạn tham nhũng, đến việc chạy theo lợi nhuận, thiếu luật lệ an toàn và những việc này đã làm cho dân chúng mất lòng tin ở nhà cầm quyền.
Trong khi cuộc điều tra nguyên do vụ đắm phà vẫn còn dậm chân tại chỗ, thì trong lần các giám mục Hàn Quốc đến Rôma trong chuyến đi ngũ niên, Đức Giáo hoàng hỏi thăm việc điều tra vụ này đến đâu rồi. Điều này đã làm cho người Hàn Quốc lại xúc động, họ cảm động vì biết Đức Giáo hoàng vẫn tiếp tục cầu nguyện cho các nạn nhân và người thân của họ.
Như vậy, theo ông Cheon Seung-hoon thì không ngạc nhiên khi thấy “hiệu ứng Phanxicô” tiếp tục được cảm nhận sau một năm ngài viếng thăm, từ 14 đến 18 tháng 8-2015. Con số tân tòng gia tăng là một trong những điểm quan trọng của hiệu ứng này: tổng cộng có 124 748 người lớn rửa tội trong năm 2014, 5 % cao hơn năm 2013. Trong khi người ta ghi nhận từ năm 2013, con số này có khuynh hướng giảm xuống.
Chuyến đi của Đức Giáo hoàng đã củng cố thêm hình ảnh rất tích cực của Giáo hội công giáo trong đất nước này nhưng không vì vậy mà có tác dụng trực tiếp trên ơn gọi: từ mười năm nay con số các nữ tu liên tục giảm, các chủng sinh cũng vậy, năm 2014 giảm 1,9 %, một suy yếu được cho là vì chủ nghĩa cá nhân và tiến bộ kỹ thuật.
Chuyến đi thăm đơn sơ
Người Hàn Quốc được đánh động vì lối sống đạm bạc của Đức Phanxicô. Đầu tiên hết là ngài dùng chiếc xe Kia nhỏ ở một đất nước siêu-tiêu thụ, ai cũng mơ được lái “chiếc xe to sang trọng”, cha Emmanuel Kermoal cho biết, cha Kermoal là bề trên cộng đoàn Truyền giáo Nước ngoài của Paris (Missions eùtrangères de Paris, MEP) ở Hàn Quốc.
Cũng như khi ngài viếng thăm “Làng hoa” ở Kkottongnae để gặp những người khuyết tật thể xác và tinh thần, những em bé bị bỏ rơi, những người bị loại trừ, Đức Phanxicô cũng cho thấy ngài đi ngược dòng với văn hóa Hàn Quốc, một văn hóa chuộng sự thời thượng xã hội và thành công về mặt kinh tế.
“Lòng quan tâm cho những người nghèo nhất, những người ở bên lề, cách nói chuyện tự nhiên và chân thành của ngài đã được người dân ở đây xem như lời nhắn cho các lãnh đạo chính trị và tôn giáo, để cho họ thấy thế nào là một lãnh đạo đích thực”, ký giả Cheon Seung-hoon nói tiếp.
Tuy nhiên “các khóa huấn luyện được tổ chức trong các giáo xứ và địa phận để đào sâu các bài giảng, các thông điệp của ngài thì chưa thấy được kết quả cụ thể”, linh mục Armel Durand cho biết, linh mục Durand là linh mục của tổ chức Truyền giáo Nước ngoài của Paris (MEP) từ mấy mươi năm nay.
Người Hàn Quốc ít nói tiếng Anh, họ chưa có bản dịch thông điệp Chúc tụng Chúa cũng như bản dịch diễn văn về kinh tế Đức Giáo hoàng đọc ở Santa Cruz (Bolivia).
Kêu gọi giải hòa giữa hai miền Bắc Nam
Hàng giáo sĩ Nam Hàn dù được Đức Giáo hoàng khích lệ nên trở lại với tinh thần Phúc Âm và nên sống một lối sống đơn giản nhưng thật sự họ đã không thay đổi một cách sâu đậm… “Đối với các tu sĩ nam nữ, các giáo dân tận hiến cho người nghèo thì cuộc viếng thăm của Đức Giáo hoàng là một khích lệ cho họ; còn đối với những người khác, thì cuộc viếng thăm này chẳng làm thay đổi gì trong đời sống hàng ngày của họ”, linh mục Kermoal ghi nhận.
Đức Giáo hoàng khuyến khích hòa giải hai miền Nam Bắc, ngài đã bắn trúng mục tiêu. Nhất là với các thế hệ đau khổ với chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), họ mong muốn hòa bình tái lập trên đất nước.
“Nhưng từ một năm nay, không có dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy sự xích lại gần nhau của Seoul và Bình Nhưỡng”, linh mục Kermoal nhấn mạnh. Dù vợ của cựu chủ tịch Kim Đại Trọng (1998-2003) sẽ đến Bắc Hàn vào ngài 15 tháng 8 này để kỷ niệm 70 năm bán đảo thoát khỏi ách đô hộï của Nhật Bản.
Giáo hội Công giáo Nam Hàn
Trong số 49 triệu người dân Nam Hàn có 31 triệu Kitô hữu, 20 % Tin Lành, đa số thuộc giáo phái Phúc Âm và 11% Công giáo (5,5 triệu).
Đến bán đảo Hàn Quốc từ cuối thế kỷ 18, đạo công giáo bị chính quyền bách hại vì không cho thờ tổ tiên, một tín ngưỡng rất quan trọng đối với những người theo đạo Khổng cho đến năm 1910.
Theo hồng y Stephen Kim Sou-hwan, ở tòa giám mục Seoul từ 1968 đến 1998, nổi tiếng vì ngài chống chế độ độc tài quân sự trong những năm 1960-1980, Giáo hội Công giáo được xem như một giáo hội chống đối, nhất là trong việc đấu tranh cho dân chủ và dấn thân xã hội.
Trong những năm 1990, số người công giáo ở Hàn Quốc không ngừng gia tăng, với con số trở lại trung bình 2% mỗi năm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch