America Mag – James Martin, S.J. 14/7/2015
‘Đây là sai lầm của tôi,’ những lời này giáo hoàng Phanxicô nói hôm 13-7, trên chuyến bay từ Nam Mỹ về Roma.
Các buổi họp báo trên chuyến bay đã thành một chuyên mục đặc biệt, một ví dụ sống động của ‘Tân Phúc âm hóa,’ và các nhà báo đều biết rằng các dịp này thường cho những vấn đề xôn xao dư luận. Lời bình luận ‘Tôi là ai mà phán xét?’ nói về các linh mục đồng tính, là quả bom đầu tiên cho loạt đối thoại trên chuyến bay này.
Nhưng, việc mới đây giáo hoàng thừa nhận sai sót của mình thật đánh động. Một nhà báo hỏi vì sao ngài đã không nói nhiều hơn về tầng lớp trung lưu (không đồng ý với việc ngài thường xuyên nói về sự dư dật của người giàu và các quyền lợi của người nghèo.)
Lời đáp của giáo hoàng thật trái ngược với lời đáp có thể có nơi các quan chức, vốn thường hay bảo vệ, bác bỏ, hay đánh lạc hướng. Nhưng, Đức Phanxicô đã nói, ‘Cảm ơn anh rất nhiều. Thật là một lời chỉnh rất tốt, cảm ơn anh. Anh đúng. Đây là lỗi của tôi khi không nghĩ về chuyện này. Tôi sẽ có nhận định về chuyện này, nhưng không phải để biện minh cho mình. Anh đúng. Tôi phải suy nghĩ một chút.’
Thật khoan khoái khi được nghe một quan chức thừa nhận rằng mình sai. Và đây không phải là lần đầu tiên một giáo hoàng làm việc này, và chắc chắn cũng không phải là lần đầu của giáo hoàng Phanxicô. Trong bài phỏng vấn với tạp chí America hồi 2013, không lâu sau khi được bầu, ngài đã đau lòng nhắc lại thời làm giám tỉnh dòng Tên Argentina, và đã dành nhiều thời giờ nói về các sai lầm của mình. ‘Phong cách quản trị của tôi trong Dòng Tên lúc đầu đã mắc rất nhiều lỗi. Con người độc đoán trong tôi và cách ra quyết định nhanh chóng của tôi đã khiến tôi mắc phải những vấn đề nghiêm trọng.’
Hơn nữa, một Kitô hữu phải biết thừa nhận rằng mình sai. Tại sao lại thế? Vì nhiều lý do.
Thứ nhất, chúng ta phải xin thứ lỗi vì các hành vi tội lỗi, hay sai sót. Không cần phải nói, chúng ta phải phân biệt ‘sai sót’ và ‘tội lỗi.’ Giáo hoàng Phanxicô không ‘mắc tội’ khi không nhắc nhiều đến tầng lớp trung lưu trong các bài nói chuyện và bài giảng của ngài. Nhưng trong nhiều trường hợp, việc thừa nhận một việc làm sai lầm là thừa nhận tội lỗi, và thần học Công giáo nhấn mạnh sự cần thiết phải thú nhận tội lỗi thành thật, xin được tha thứ và làm việc đền tội.
Chúng ta cần phải thừa nhận các việc sai trái của mình cả ở mức độ cá nhân lẫn đoàn thể. Và vế sau, đã được thể hiện ở Nam Mỹ, khi giáo hoàng xin thứ lỗi vì các ‘tội nặng nề’ và các tội ác mà giáo hội đã phạm phải với thổ dân bản đại trong thời kỳ thực dân.
Thứ hai, thừa nhận sai lầm là một nhắc nhở tốt rằng chúng ta không hoàn hảo. Với những người ở cương vị lãnh đạo, những người mà người khác thường làm theo, chịu sự hướng dẫn, cũng như ngưỡng mộ hay ái một, thường sa vào cám dỗ tự đại rất lớn.
Thừa nhận mình sai là một cách lành mạnh để giữ đức tính khiêm nhượng và chống lại khuynh hướng xem mình vĩ đại thậm chí cám dỗ xem mình là Đấng Thiên sai. Cha linh hướng của tôi thường nói rằng, ‘Có Tin mừng và có Tin còn mừng hơn nữa. Tin mừng là: có một Đấng Thiên sai. Tin mừng hơn nữa: Đấng đó không phải là bạn.’ Xem mình vĩ đại và như Đấng Thiên sai là những cái bẫy trong đời sống thiêng liêng. Bởi chúng cứ rỉ tai bạn rằng: bạn không cần Chúa, và rồi, bạn là Chúa.
Thứ ba, thừa nhận rằng mình đáng ra có thể làm được tốt hơn cũng là một tâm thức thực tế. Lắng nghe các phê bình với một tâm thức cởi mở, như giáo hoàng đã làm, đồng thời thay đổi đường lối và cải thiện mọi chuyện là một chiến lược điều hành tốt. Nó giúp bạn (và tổ chức của bạn) không rơi vào lố bịch và vô hiệu. Ngược lại, nếu không chịu nhận là mình cần những lời phê bình, thì bạn sẽ cứng đờ chai đá và không còn phù hợp xác đáng.
Vậy quyết tâm của giáo hoàng thừa nhận rằng mình cần thay đổi này, đến từ đâu? Một phần lớn là từ nền tảng dòng Tên của ngài.
Thánh Inhaxiô thành Loyola, vị sáng lập dòng Tên, đôi khi được mô tả như ‘Thánh Bảo trợ cho các Kế hoạch B.’ Nếu biết về cuộc đời ngài, bạn sẽ thấy ngài không ngừng thừa nhận các sai ầm của mình, suy nghĩ lại về các kế hoạch và tái xác định lại những mục tiêu của mình. Và ngài đã làm những điều này mà không mấy khi khi nghĩ rằng mình đã thất bại hay đã không nhận thức được ý Chúa.
Ví dụ như, khi là một chàng trai trẻ từ xứ Basque, ngài đã khao khát làm một hiệp sỹ. Ngài hoạch định để làm được điều này, lúc đầu là tiểu đồng, rồi là hiệp sỹ cho cho phó vương vùng đó. Mọi chuyện dường như thật rõ ràng cho đến trận Pamplona 1521, khi đạn pháo làm ngài bị thương ở chân và phải dưỡng bệnh trong lâu đài gia tộc mình. Rồi thì sao? Thay đổi, chính đó. Kế hoạch B bước vào, dù ngài không có khái niệm gì về kế hoạch B này.
Đến thời đến buổi, kế hoạch B được bày tỏ cho ngài. Khi hồi phục, thánh Inhaxiô đọc sách hạnh các thánh và cuộc đời Chúa Kitô, ngài cảm nhận một khao khát muốn theo gương các thánh. Vậy nên ngài lên đường hoán cải, khiến ngài từ bỏ giấc mơ làm hiệp sỹ, và dẫn dắt ngài đến một hang động nhỏ ở Manresa, nơi ngài được thấy những cảm nghiệm thần nghiệm cho ngài tin chắc rằng con đường của mình là đúng đắn.
Ở Manresa, thánh Inhaxiô quyết định cách tốt nhất để vươn đến Thiên Chúa là sống khắc khổ, và ngài đã hành xác cùng ăn kiêng mãnh liệt. Nhưng cuối cùng, ngài nhận ra rằng đây là một sai lầm, ngài đang làm hại sức khỏe mình. Rồi lại thay đổi nữa. Kế hoạch B mới là chăm lo cho sức khỏe. Và bài học này còn mang tính đoàn thể nữa: ngài đã đặt ra các quy định trong Dòng Tên rằng các tu sỹ dòng Tên phải chăm lo cho sức khỏe mình.
Kế hoạch B dạy cho ngài nhiều điều. Thật vậy, bác sỹ chẩn đoán thánh Phanxicô thành Assisi có các vấn đề về mắt, và chuyện này trầm trọng hơn do ngài thường khóc khi cầu nguyện, vậy nên bác sỹ đã bảo ngài là đừng khóc nữa. Nhưng ngài đã không làm, ngài cảm thấy mình bị mù còn hơn là từ bỏ sự an ủi thiêng liêng này. Còn khi thánh Inhaxiô gặp vấn đề tương tự, bác sỹ bảo ngài đừng khóc trong thánh lễ nữa, và ngài đã làm theo. Một lần nữa, ngài không sợ thay đổi. Ngài cũng không e ngại làm mọi chuyện theo cách khác với trước đó.
Rồi về sau, có lẽ một ví dụ đánh động nhất của việc thay đổi tiến trình, là chuyện thánh Inhaxiô quyết tâm hành hương Thánh địa. Sau một loạt chuyện hiểm nghèo, ngài cũng đến được Thánh địa, và rồi gặp được các thầy Phan Sinh giám sát ở đó bảo rằng nơi này quá nguy hiểm, và ngài phải rời đi ngay. Ngài nói rằng ngài chỉ đi nếu họ buộc ngài phải làm thế. Và họ đã ban lệnh như thế. Vậy là kế hoạch B được thực hiện, về nhà.
Trong suốt cuộc đời của mình, thánh Inhaxiô không ngừng sắp xếp lại mọi chuyện và chuyển sang kế hoạch B. Sau khi ngài quy tụ một nhóm tại Đại học Paris, nòng cốt lõi của Dòng Tên, họ quyết định đến Thánh địa. (Với riêng Inhaxiô, là đến Thánh địa lần nữa.) Nhưng chuyện này không làm được, và một lần nữa, lại chuyển sang kế hoạch B. Họ đến trình diện giáo hoàng, để được giáo hoàng sai đến bất kỳ nơi đâu ngài muốn. Cuối cùng, Inhaxiô muốn mình đơn thuần là một thành viên trong dòng như mọi người, và được sai đi đâu thì đi. Nhưng kế hoạch B xảy đến, ngài được bầu làm tổng quyền, buộc phải điều hành dòng, và sống cả đời còn lại ở Roma.
Vậy nên, nói rằng ‘Tôi sai lầm,’ và mở ra với một đường hướng mới, không phải là chuyện lạ với các tu sỹ dòng Tên. Bởi chúng tôi hẳn sẽ không tồn tại nếu như không có các thay đổi này trong đời thánh Inhaxiô. Ngài hẳn đã có thể là một người vô danh ở Thánh địa, chứ không thành lập một dòng tu.
Và chúng ta hẳn đã không có giáo hoàng mà chúng ta đang có hiện thời.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch