Sự thù ghét đã mở ra một dòng giống tử đạo mới

624

Catholic Herald – cha Raymond de Souza – 29/5/15

Giáo hội đã nhìn nhận một phạm trù rộng về tử đạo trong suốt thế kỷ XX.

20150523cnsto0031-800x500Việc phong chân phước cho cố tổng giám mục Oscar Romero của San Salvador, đã nảy sinh nhiều bình luận rằng Giáo hội đang xem xét lại định nghĩa của tử đạo. Điều này đúng phần nào, nhưng không phải là chuyện gì mới lạ. Giáo hội đã nhìn nhận một phạm trù rộng về tử đạo trong suốt thế kỷ XX.

John Allen đã viết rằng, ‘Việc phong chân phước cho tổng giám mục Romero là phê chuẩn một tiêu chuấn mới về ‘tử đạo’ trong Công giáo. Không nhất thiết phải là chết rõ ràng vì bị thù ghét vì đức tin [odium fidei,] do tay những người thù ghét đức tin. Một người có thể được nhìn nhận là tử đạo vì bị thù ghét vì đức mến [odium caritatis], là nạn nhân của những những người có động cơ thù ghét đức mến.’

Định nghĩa kinh điển về tử đạo là một môn đệ bị giết bởi vì bị thù ghét vì đức tin Kitô giáo. Một người bị ép buộc phải từ bỏ chân lý đức tin, nhưng vẫn đứng vững và phải trả giá bằng chính mạng sống mình, như Thomas More chẳng hạn. Hay như các tông đồ tiên khởi, là những Kitô hữu bị giết trong cuộc bách hại Giáo hội.

Giám mục Romero không bị giết vì một chân lý đức tin Công giáo cụ thể nào, nhưng là một mục tử, ngài đã lên án sự bất công đối với dân chúng El Salvador do tay quân đội và các thế lực quân phiệt trong chính quyền nước này. Ngài đã bị giết bởi tay những người thù ghét việc ngài bảo vệ cho đàn chiên của mình, bảo vệ cho dân mình, họ giết ngài bởi ngài bởi đã lên án sự dữ đang lan tràn trên mảnh đất này. Ngài bị giết bởi những người thù ghét đức mến mục vụ của ngài.

Giám mục Romero là người mới nhất được nhìn nhận là tử đạo, không phải hoàn toàn do bị giết vì sự thù ghét đức tin, nhưng là do sự trung tín sống đức tin của mình. Tháng 9 này, Benedict Daswa sẽ được phong chân phước ở Limpopo, Nam Phi. Ông là một người có gia đình, cha của 8 người con, một thầy giáo và hiệu trưởng, lãnh đạo của cộng đoàn Công giáo địa phương. Khi các bô lão trong làng đề nghị thuê một thầy phù thủy về để đương cự với các cơn bão mới xảy ra, Daswa đã từ chối tham gia. Và do đó, ông bị một tên du thủ du thực giết vào tháng 2, năm 1990.

Năm 2013, cha Pino Puglisi, một linh mục quản xứ nổi bật ở Palermo, Sicily, đã được phong chân phước. Cha bị giết hồi năm 1993, do những những lời giảng và khởi xướng chống mafia của mình, và đây cũng là sự trả đũa của mafia với lời lên án đanh thép của thánh Gioan Phaolô II đối với các băng đảng tội phạm này trong chuyến công du Sicily cùng năm đó.  Cha Puglisi là ‘vị tử đạo, chết vì bị thù ghét vì nhân đức và sự thật [odium virtuosi et veritatis].’

Việc giáo hoàng Piô XII phong thánh cho Maria Goretti trong năm thánh 1950 cũng thế. Cô gái nhỏ, chỉ mới 12 tuổi, đã chống cự sự cưỡng bức tình dục của cậu trai hàng xóm vào năm 1902. Nổi điên vì sự cương quyết của cô, cậu ta đã đâm hơn 12 nhát dao, và cô chết vì vết thương quá nặng, sau khi đã có lời tha thứ cho cậu. Thánh nữ nhỏ Maria Goretti, không bị giết vì đức tin Công giáo, nhưng vì sự cương quyết sống những nhân đức cần có của đức tin. Cô thà chết còn hơn phạm tội, và Đức Piô XII đã phong thánh cho cô bé nhỏ, vì cô bị giết do bởi bị thù ghét vì đức tiết độ [odium castigates].

Năm 1982, thánh Gioan Phaolô II đã yêu cầu các chuyên viên thần học cố vấn cho ngài xem liệu có thể phong thánh tử đạo cho cha Maximilian Kolbe được không. Cha đã được phong chân phước hồi năm 1970 vì chứng tá cho đức tin, được nhìn nhận đức mến cao cả của mình khi chết thay cho người khác trong trại Auschwitz. Các chuyên gia cố vấn cho rằng, xét ngặt, thì cha Kolbe không bị giết vì đức tin, bởi lính trại tập trung của Đức Quốc xã không bận tâm đến việc cha là người Công giáo hay là một linh mục. Nhưng, cha Kolbe đã giải thích cho hành động của mình bằng những lời đơn giản: ‘Tôi là một linh mục Công giáo.’ Đức Gioan Phaolô đã bác các cố vấn và tuyên bố cha Kolbe là một bậc tử đạo.

George Weigel, người viết tiểu sử của thánh giáo hoàng đã nói rằng, ‘Đức Gioan Phaolô đã đặt một mốc thần học quan trọng khi tuyên bố thánh Maximilian Kolbe là bậc tử đạo. Sự thù ghét con người có tính hệ thống là một phiên bản đương đại của sự thù ghét đức tin, bởi đức tin dạy rằng phẩm giá của con người là bất khả phân ly, và những ai thù ghét con người là thù ghét đức tin.’

Thế giới ngày nay, có nhiều thù ghét đang lởn vởn chực chờ. Có sự thù ghét đức tin, như kiểu ISIS hàng tuần hành hình các Kitô hữu vì họ theo Chúa Kitô vậy. Có thù ghét những người nhất quyết công bố và sống theo các chân lý đức tin, như trong cái chết của Romero, Daswa, và Puglisi vậy. Tất cả mọi thù ghét, dù ở mức độ nào, cũng đều đi ngược lại đức tin Kitô giáo vào Thiên Chúa là Tình yêu. Khi sự chống đối đức tin yêu thương này dẫn đến sát nhân, thì Giáo hội tôn kính dòng máu đổ ra là tử đạo, và nguyện xin dòng máu của các ngài là hạt giống nảy sinh cho Kitô hữu.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Cha Raymond de Souza là linh mục thuộc Tổng giáo phận Kingston, Ontario, và là tổng biên tập của tạp chí Convivium.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch