Chúng ta chỉ biết được Chúa Kitô bằng cách chạm vào những vết thương của Ngài

357

Hôm thứ năm, Giáo hoàng Phanxicô nói rằng chúng ta chỉ có thể biết được Chúa Kitô bằng cách chạm vào những thương tích của Ngài, và nhấn mạnh rằng thà có ít linh mục hơn chứ đừng chấp nhận những ai không có can đảm chịu đựng, vượt qua được sự cô đơn mà đem tình thương đến với đàn chiên của mình. Ngài cũng thúc giục các giáo dân đừng để bị cuốn theo tai tiếng tham nhũng chính trị, nhưng hãy tham dự vào đời sống chính trị để thăng tiến lợi ích chung. Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng người Công giáo không nhất thiết phải có đảng riêng của mình. Trên đây là những lời của giáo hoàng trong buổi tiếp kiến với 2 hiệp hội Công giáo, Cộng đoàn Đời sống Kitô hữu ở Ý, và Liên đoàn Truyền giáo của Sinh viên Ý.

2b14ed6352112213750f6a7067008410

Giáo hoàng Phanxicô đã soạn bài diễn văn thúc giục những người hiện diện hãy làm hết sức mình để loan truyền một nền văn hóa công bằng và hòa bình, vươn ra với những người nghèo và cần kíp nhất trên thế giới. Nhưng ngài đã không đọc bài soạn sẵn này.  Thay vào đó, ngài trả lời tự phát các câu hỏi mà 4 người tham dự đặt ra cho ngài.

Trước tiên, một phụ nữ làm việc mục vụ trong tù cho những tù nhân chịu án chung thân, hỏi xem làm thế nào để truyền hi vọng và cảm nghiệm hi vọng này có thể giúp biến đổi tâm hồn người ta như thế nào. Đức Phanxico nói rằng tất cả chúng ta đều là người có tội, và phải có lòng biết ơn, cũng như nhắc nhở bản thân rằng mình không ở trong tình trạng như các tù nhân này, cũng là nhờ ơn Chúa. Giáo hoàng cũng nói rằng khi mục vụ cho một tù nhân, thì việc làm đáng giá hơn lời nói, tốt hơn nên cầm lấy tay tù nhân, ân cần với họ, khóc cùng họ, hơn là cố nói cho nhiều.

Câu hỏi thứ hai là của một cô gái trẻ hỏi xem làm thế nào người trẻ có thể giữ được ý thức hi vọng. Đức Thánh Cha trả lời rằng thường thật khó để giữ hi vọng khi chúng ta chứng kiến những sự dữ đang xảy ra trên thế giới, chứng kiến tất cả những tham nhũng thối nát quanh chúng ta.  Nhưng, ngài tiếp, hi vọng là một ơn của Chúa, Đấng không bao giờ bỏ rơi chúng ta, và hi vọng hay đức cậy cũng là đức tính của những ai có lòng khiêm nhượng.

Câu hỏi thứ ba được một linh mục đặt ra, hỏi giáo hoàng xem thử một phong trào như Cộng đoàn Đời sống Kitô hữu ở Ý, có thể đem lại gì cho lĩnh vực đào tạo Kitô giáo và giáo dục thanh niên. Đức Phanxicô trả lời rằng, chạm đôi tay chúng ta vào những thương tích của Chúa Kitô có thể là một liều thuốc cho những căn bệnh trầm trọng nhất thời đại này, căn bệnh lãnh đạm.  Ngài nhấn mạnh rằng, bạn chỉ có thể biết được Chúa Kitô, bằng cách chạm tay vào những thương tích của ngài, và đây là cách thức đúng thật, chứ không phải cứ sai lầm nói về Thiên Chúa và việc gặp Ngài, nhưng chỉ là nói về một Thiên Chúa lan man.  Giáo hoàng Phanxicô cũng cảnh báo vị linh mục rằng khi phải chọn các ứng viên cho chủng viện, thì dù người đó có thông minh và có khả năng đến đâu đi chăng nữa, nhưng lại không có cảm nghiệm chạm đến Chúa Kitô, ôm lấy Ngài, và yêu mến Chúa đầy thương tích của mình, thì không thể thu nhận được.  Ngay cả khi có ít linh mục hơn, thì tốt hơn vẫn nên hướng đến chất lượng hơn là số lượng.

Câu hỏi cuối cùng là của một người đàn ông, hỏi ngài xem thử làm thế nào để tăng cường mối liên hệ giữa đức tin vào Chúa Kitô và trách nhiệm làm việc vì một xã hội công bằng và quan tâm hơn.  Giáo hoàng trả lời bằng cách thúc giục những người Công giáo hãy gắn bó hơn nữa trong chính trị, để làm việc vì lợi ích chung, chứ đừng nản lòng bởi các tai tiếng tham nhũng. Đức Phanxicô cũng nhấn mạnh rằng người Công giáo không nhất thiết phải lập đảng riêng của mình. Ngài tiếp tục rằng chính trị như một sự tử đạo với nhiều cạm bẫy, nhưng ngay cả khi tay vấy bùn, thì hãy biết, và phải xin tha thứ, và tiếp tục con đường đó. Điều này đặc biệt quan trọng bởi ngày nay, thế giới toàn cầu hóa đặt tiền bạc, thần tài vào vị trí trung tâm của chính trị, và bất kỳ ai không còn hữu dụng thì bị loại ra ngoài, đặc biệt là người già và người trẻ.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Radio Vatican Eng