Các tu sĩ trẻ, “Phải chấp nhận khía cạnh huyền bí của cuộc sống”
la-croix.com, Frederique le Brun, 30-4-2015
Clémence Houdaille ghi lại.
Cuối tuần này, từ 1 đến 3 tháng 5 – 2015, 700 nam nữ tu sĩ trẻ dưới 45 tuổi họp nhau ở hội nghị Brother and Sister Act ở Paris, hai tu sĩ trẻ, linh mục Xavier Séclier, 36 tuổi, khấn trọn năm 2006 và chịu chức năm 2010 ở dòng Nam tử Bác Ái và nữ tu Nathalie Requin, 32 tuổi, khấn tạm ở Dòng Đức Mẹ năm 2010 và đang nhận định để khấn trọn. Họ trao đổi ở trụ sở báo La Croix về đời sống thánh hiến của mình.
Hai bạn đã khám phá đời sống thánh hiến như thế nào và đã vào tu ở dòng nào?
Nữ tu Nathalie Requin: Khi còn nhỏ tôi rất thích Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Đối với tôi, đi tu là tu Dòng Kín. Sau đó tôi biết đến các nữ tu qua Phòng trào Thiếu Nhi Thánh Thể (MEJ). Khi còn là sinh viên, tôi ở nội trú ba năm ở nhà do các nữ tu Dòng thánh Ursula chăm sóc, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình đi tu. Cuối cùng một cô bạn kéo tôi đi ôn bài để chuẩn bị thi thạc sĩ ở Dòng Đức Mẹ ở Sucy-en-Brie. Dưới mắt tôi, các nữ tu này hoàn toàn bình thường và cuộc sống đơn sơ trong tình chị em của họ đã đánh động tôi, giúp cho tôi hình dung được khuôn mặt của một đời sống thánh hiến mà tôi bị thu hút.
Linh mục Xavier Séclier: Nam tử Bác Ái là các tu sĩ phụ trách giáo xứ nơi tôi sinh ra, Villeneuve-Saint-Georges (Val-de-Marne). Tôi thích tính đơn sơ của họ, họ rất gần với giáo dân của mình, họ không ở trên bệ cao. Con người đích thực và niềm vui của họ đã chinh phục được tôi. Nếu bạn thấy những người tóc bạc có nụ cười rạng rỡ thì bạn phải thèm! Chính niềm vui của họ đã lôi cuốn tôi.
Nữ tu Nathalie: Các khuôn mặt vui vẻ và bình an, đúng, nó rất lôi cuốn. Khi tôi gặp các sơ, tôi cảm nhận họ có bình an dù lúc đó họ đang gặp lo âu. Ở bàn ăn, họ nói rất nhiều về vấn đề của họ nhưng dù sao, chứng từ đời sống thánh hiến của họ vẫn có đó, dưới hình thức hợp nhất của trọn con người, dĩ nhiên không chối cãi là có những chuyện rắc rối.
Khi vào dòng tu, chuyện gì đã xảy ra cho các bạn và cho thân nhân của mình?
Linh mục Xavier: Hồi đó tôi làm việc trong lãnh vực báo chí, tôi là trợ lý xuất bản bằng máy điện toán. Tôi cũng tiếc khi phải bỏ nghề nhưng tôi cảm thấy mình phải bước qua một chuyện khác. Tôi còn nhớ khi tôi đi, mọi người đều buồn. “Bạn sắp làm gì vậy?”, các đồng nghiệp hỏi tôi. Tôi nói với họ: “Đừng lo…” Một bầu khí bình thản lan ra.
Nữ tu Nathalie: Tôi học ở Trường Cao Đẳng Hành Chánh, thạc sĩ văn chương cổ điển. Con đường của tôi đã được vạch sẵn: tôi sẽ làm tiến sĩ, ông bà nội ngoại hình dung tôi sẽ vào trường Quản trị Quốc gia (ENA), sẽ là một trong những người đậu đầu, làm việc ở Hội đồng Quốc gia, lấy một sinh viên hành chánh… Nhưng tôi không thích con đường này cho mấy. Tôi đi thiện nguyện ở Togo, Phi Châu một năm ở Dòng Đức Mẹ. Ở đó, tôi là cô giáo, hành nghề tôi đã học. Tôi sống với các nữ tu và tôi thấy sự quân bình trong đời sống của họ hợp với tôi.
Với các đồng nghiệp và bạn bè, chắc chắn các bạn là những người đầu tiên chọn cuộc sống này, khi các bạn báo tin cho họ, phản ứng của họ như thế nào?
Linh mục Xavier: Tôi ngạc nhiên vì có một số bạn không ngạc nhiên. Chắc chắn khi còn ở đó, họ đã thấy tôi phần nào đã có đời sống tu trì. Có người thì không hiểu. Đó là một phần của sự từ bỏ: có những cây cầu bị cắt vì đường đi quá khác nhau. Còn cha tôi thì ông nói: “Ba không phải là người sẽ nói: ‘Chúng ta thiếu linh mục nhưng đừng đụng đến con tôi.’” Như thế đối với tôi đã là một phúc lành.
Nữ tu Nathalie: Các bạn không có đạo của tôi thì chấp nhận vì họ thấy khía cạnh nhân bản ở đây, trong suy nghĩ là tôi sẽ phục vụ, sẽ hữu ích. Còn các bạn công giáo thì hỏi tại sao tôi lại quyết định như vậy. Còn cha mẹ tôi thì không đơn giản chấp nhận con mình đi con đường khác con đường của mình, họ không biết những khó khăn cũng như niềm vui của con đường này.
Sơ Nathalie, sơ chưa từ bỏ hoàn toàn đời sống trước đây vì sơ vẫn còn đi dạy.
Nữ tu Nathalie: Khi vào nhà dòng, tôi đã nghĩ đến việc bỏ làm luận án tiến sĩ, bỏ công việc nghiên cứu, nhưng sau lần khấn đầu tiên, điều đầu tiên nhà dòng xin tôi là tiếp tục làm luận án tiến sĩ. Thật ra tôi thấy ở đây có một sự nhất quán. Đời sống thánh hiến không phải là đời sống đòi hỏi tôi phải từ bỏ tất cả khát nguyện sâu đậm của tôi cũng như các khả năng của tôi. Tôi cảm thấy có trách nhiệm phải phát triển các ơn ban của mình và những gì tôi đã được đào tạo để cống hiến cho đời sống nhà dòng.
Linh mục Xavier: Tôi cảm thấy những gì tôi sống có thể triển nở theo một cách khác. Nếu đời sống tu trì không làm cho mình triển nở thì phải ngưng ngay! Tôi đồng ý với những gì sơ Nathalie nói về đào tạo tri thức. Tôi nghĩ điều này rất quan trọng trong đời sống tu trì.
Nữ tu Nathalie: Lúc nào tôi cũng buồn khi thấy một vài dòng hoàn toàn đóng kín tầm vóc này, cho rằng phải làm việc hoặc phải phục vụ. Tầm vóc tri thức không xung khắc với đức ái nhưng ngược lại nó nuôi dưỡng đức ái.
Nhưng vậy thì đâu là từ bỏ để biện minh cho việc mình chọn lựa con đường này?
Linh mục Xavier: Trong mọi đời sống đều có những từ bỏ! Sơ Nathalie đã từ bỏ lập gia đình với một anh sinh viên hành chánh!
Nữ tu Nathalie: Chính các từ bỏ làm cho bạn tự do hơn. Tôi không chọn lựa độc thân nhưng chọn lựa đời sống cộng đoàn và tôi đã trải nghiệm, nó làm cho tôi được tự do để yêu thương hơn. Vậy sẽ đáng lo nếu không có một từ bỏ nào! Đó sẽ là dấu hiệu cho thấy tôi đã chọn một đời sống quá dễ, và tôi trốn một cái gì.
Khi dấn thân sống với những người đôi khi rất lớn tuổi, và lại là một mình trong thế hệ của mình, các bạn có nghĩ mình sẽ là những người cuối cùng giữ đền không?
Nữ tu Nathalie: Khi tôi vào Nhà dòng Đức Mẹ thì từ 20 năm nay tỉnh dòng Pháp không có một ơn gọi nào. Hai người trẻ nhất cộng đoàn có lẽ ở tuổi mẹ tôi. Và từ đó không có ai vào dòng thêm nữa. Điều này vẫn là một bí ẩn. Đôi khi vấn đề này làm cho tôi lo, làm cho tôi tự hỏi tương lai của tôi sau này sẽ như thế nào. Dù bây giờ có các cô trẻ vào nhà dòng, tôi vẫn là người duy nhất của thế hệ mình.
Linh mục Xavier: Khi tôi vào dòng Nam tử Bác Ái thì từ 12 năm nay chưa có ai chịu chức, điều này tạo ra một lỗ hổng liên thế hệ rất quan trọng. Trong những năm sau có thêm bốn người vào dòng nhưng vẫn còn xa con số của những năm 1950! Trong cộng đoàn của tôi, người trẻ nhất có số tuổi gấp đôi tuổi tôi.
Hàng ngày, đâu là những trở ngại cho sự cô đơn liên thế hệ này?
Linh mục Xavier: Tôi không thể nói về những phim mới (Goldorak) trong cộng đoàn, đó là một cái gì các anh em khác trong dòng không biết!
Nữ tu Nathalie: Điều tệ nhất là khi tôi chiếu phim Astérix và Obélix – Mission Cléopâtre cho cộng đoàn xem, tôi cười suốt từ đầu đến cuối nhưng các sơ khác thì không… Một điều đáng phải sợ là mình trở thành con nít khi tự nhủ: “Mình là người trẻ nhất, vậy làm gì cũng được…” Do đó mình nghĩ mình có câu trả lời cho tất cả mọi sự chỉ vì mình là thế hệ trẻ. Nhưng điều này bắt buộc chúng tôi phải mở lòng, đừng ở trong khuôn khổ tuổi của mình, và phải sẵn sàng gặp tất cả mọi người ở mọi thế hệ.
Linh mục Xavier: Chúng tôi không thể để 100% thì giờ của mình để sống trong cộng đoàn, chúng tôi cũng gặp những người trẻ khác trong công tác tông đồ của chúng tôi. Đương nhiên là tôi vẫn giữ quan hệ với các bạn cũ đã lập gia đình của tôi… Các cuộc gặp gỡ cũng giúp tôi xây dựng con người của mình, tôi nghĩ đời sống chiêm nghiệm sẽ rất khó khi phải sống với người anh em mà họ đáng tuổi ông của mình.
Đâu là tình huynh đệ với những người lớn tuổi hơn mình?
Nữ tu Nathalie: Mình không chọn nhau nên đây là công việc mỗi ngày, là nhận nhau là chị em. Có những lúc thuận lợi để có tình chị em như trong giờ Phụng vụ giờ kinh. Chúng tôi có giờ hương nguyện chung với nhau, một giờ ở nhà nguyện, chúng tôi nâng đỡ nhau trong giờ kinh thinh lặng… Phải chấp nhận khía cạnh huyền bí của cuộc sống, nếu không sẽ không đứng vững về mặt nhân bản. Chúng tôi có giáo dục, đào tạo, nguồn gốc thật khác nhau! Nhưng tình huynh đệ là có thật và đó là chứng cứ đầu tiên của chúng tôi.
Các bạn có nhận thấy một vài cách xưa cổ trong đời sống tu hành các bạn đang sống không?
Linh mục Xavier: Vấn đề ấu trĩ hóa như sơ Nathalie nêu ra rất quan trọng. Chúng tôi không còn cái thời như những người lớn tuổi, họ rời gia đình để vào nhà dòng rất sớm. Bây giờ trước khi vào nhà dòng, đa số chúng tôi đã tự lập, đã có căn hộ, đã trả các biên lai, đã có đời sống tình cảm… Các bề trên phải ý thức chuyện này.
Các bạn có thấy ra điểm yếu, điểm mạnh đặc biệt nào của thế hệ các bạn trong đời sống tu trì không?
Linh mục Xavier: Chúng tôi là thành quả của thế hệ mình, thế hệ đánh dấu bởi một hình thức nào đó của chủ nghĩa cá nhân.
Nữ tu Nathalie: Về khía cạnh tích cực thì chúng tôi có một sự độc lập nào đó, làm cho chúng tôi không hoàn toàn chờ tất cả ở cộng đoàn.
Linh mục Xavier: Chính là vì chúng tôi đã có một cuộc sống khác trước đó! Chúng tôi có thể có sáng kiến. Nhưng đôi khi chúng tôi phải bó tay: “Con phải hỏi… Người ta đồng ý với con, nhưng lần sau con phải đúng hơn…”
Có thể dấn thân để sống trọn đời được không?
Nữ tu Nathalie: Trong đời sống tu hành, khái niệm về thời gian sẽ khác. Tôi không có điện thoại cầm tay, như thế không thể liên lạc với tôi ngay được. Khi tôi xin một cái gì, có khi phải chờ vài ngày. Khác biệt thời gian này phải học về lâu về dài. Để có thể dấn thân, tôi phải dựa trên sự Cứu Rỗi: Nếu Chúa dấn thân với tôi là để mãi mãi, vì Ngài trung tín.
Linh mục Xavier: Sự dấn thân của các người lớn tuổi cũng quan trọng. Họ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, dù có những giây phút thăng trầm trong cuộc sống, con đường này vẫn là con đường có thể đi được… Tôi rất ngưỡng mộ những người đã qua giai đoạn của những năm 1960-1970, đôi khi họ là những người duy nhất trong lớp chủng sinh của họ còn ở lại với Giáo hội.
Khi chọn bậc sống độc thân, làm sao giữ được quân bình về mặt tình cảm?
Nữ tu Nathalie: Tôi nhận ra lời khấn khiết tịnh không những dấn thân về mặt thể xác mà còn cả tâm hồn và trí tưởng tượng, đôi khi còn khó hơn nữa. Tôi biết tôi vẫn là một phụ nữ, vẫn có những ước muốn nhưng tôi nhìn nó với một đầu óc hài hước. Giữ quan hệ bạn bè với cả hai phái cũng rất quan trọng. Tôi thích làm việc với các bạn đồng tu nam trong nhà dòng, vì tôi cảm thấy được bổ túc cho nhau. Và cộng đoàn, dù cộng đoàn không thể đáp ứng hết tất cả nhu cầu tình cảm, nhu cầu được công nhận của chúng tôi, nhưng cộng đoàn vẫn là nguồn triển nở nếu sự quân bình được lành mạnh và nguồn của niềm vui. Tôi hạnh phúc được học khiêu vũ cổ điển lại mà tôi đã tập từ năm tôi 17 tuổi, bởi vì tôi thấy đó là một cách diễn tả theo cơ thể của mình.
Linh mục Xavier: Phải có đầu óc hài hước nếu không mình bị co cụm và không dám nhúc nhích. Tôi cũng tin tình bạn nam nữ rất quan trọng, nó giúp mình có những người bạn thân tín mà mình không có, vì đây không phải trong tương quan quyến rũ.
Đâu là những mong chờ của các bạn đối với xã hội để xã hội nhận biết các bạn?
Nữ tu Nathalie: Về sự nhất quán và về tính đích thực. Tôi có cảm tưởng người dân rất nhạy cảm về chứng cứ này. Thường thường những người chúng tôi gặp, họ đi tìm người có đời sống thánh hiến. Một cô bạn nói với tôi: “Tôi đi gặp một nữ tu, không phải một cô bạn.”
Linh mục Xavier: Đối với một số người, chúng tôi giúp họ đứng vững ở khu phố Courneuve nơi chúng tôi ở, một khu phố khá khó khăn. Những người đến gặp chúng tôi mang theo một danh sách các lo âu, các gánh nặng của họ, họ ra về và cám ơn chúng tôi đã lắng nghe dù chúng tôi không nói gì. Họ biết khi họ đến với chúng tôi, họ không bị xét đoán.
Marta An Nguyễn dịch