Mẹ và con – Giáo hoàng Phanxicô chia sẻ lòng sùng kính mật thiết riêng với Mẹ Maria
CNS – Cindy Wooden – 4/16/2015
Giáo hoàng Phanxicô nói rằng, từ Phục Sinh đến Lễ Hiện Xuống, và đặc biệt là trong tháng năm kính Mẹ, người Công giáo chúng ta đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng [Regina Coeli] với tình cảm của con cái vui mừng bởi Mẹ mình vui mừng vì Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
Dù ngài có lòng sùng kính sâu đậm với Mẹ Thiên Chúa, nhưng lòng sốt sắng này rất đơn sơ rằng: Mẹ Maria là Mẹ của mọi tín hữu, và Chúa Giêsu sẽ không để những người theo mình phải mồ côi.
Đức Phanxicô rõ ràng kính mến Đức Mẹ trong lòng và trong trí, nhưng cũng rất cụ thể. Bất kỳ lúc nào giáo hoàng đi ngang qua một tượng ảnh Đức Mẹ, ngài đều hôn kính hay nhẹ nhàng đặt tay lên tượng ảnh.
Tất nhiên, tôn kính Mẹ Thiên Chúa là một truyền thống Công giáo lâu đời, là lòng sốt mến và một phần chính yếu trong giáo huấn của các giáo hoàng. Khẩu hiệu của thánh Gioan Phaolô II ‘Totus tuus’ (Tất cả là của Ngài) và chữ M lớn trên huy hiệu giáo hoàng, đều là các hình tượng rõ ràng nhất của một lòng sùng kính đem lại một loạt giáo huấn về Đức Mẹ, về vai trò của Mẹ trong đời sống đức tin Công giáo và về tầm quan trọng của lần hạt mân côi.
Giáo hoàng Phanxicô không có gì khúc mắc với lòng sùng kính hay giáo huấn về Đức Mẹ của thánh Gioan Phaolô.
Nhưng hai ngài có những khác biệt.
Cha Sabatino Majorano, dòng Chúa Cứu Thế, giáo sư tại Học viện Alphonsianum ở Roma cho biết, ‘Tâm tình sùng kính Đức Mẹ của giáo hoàng Phanxicô thiên về cá nhân hơn, mật thiết hơn.’ Đức Phanxicô cho thấy ‘tình cảm giữa một người con với mẹ mình, còn với Đức Gioan Phaolô là tình cảm giữa thần dân với nữ hoàng của mình.’
Cha Sabatino tin rằng, sự khác biệt này là do gốc gác mà ra. Gốc gác La Tinh của giáo hoàng Phanxicô, [không chỉ là ở Argentina, mà còn do gốc Ý của gia đình ngài] và gốc Slavic, văn hóa Ba Lan của thánh Gioan Phaolô.
Giáo hoàng Danh dự Bênêđictô XVI, nói và viết về Đức Mẹ, ít hơn người tiền nhiệm và kế nhiệm của mình, nhưng triều giáo hoàng của ngài đã khởi xướng một tập tục kính Đức Mẹ giờ rất vững vàng là: Dù là ngày lễ kính Đức Mẹ hay không, thì đều đặt tượng Đức Mẹ trang trọng gần bàn thờ giáo hoàng làm lễ.
Thói quen chạm vào tượng ảnh Đức Mẹ của giáo hoàng Phanxicô là một nét đặc thù Mỹ La tinh, mà cha Majorano đã thấy hàng ngàn lần ở đền thánh Đức Mẹ Aparecida tại Brazil, do các cha Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. ‘Cảm nghiệm xúc giác là một phần của cầu nguyện. Đây là lòng đạo cụ thể, thiết thực, chứ không chỉ là một khái niệm hay lý thuyết.’
Trong thánh lễ và các phụng vụ chính thức khác, giáo hoàng Phanxicô thường dâng trầm hương kính tượng ảnh Đức Mẹ. Ngài nhắc đến và thường nói về các tượng ảnh này.
Hồi tháng 7 năm ngoái, tại Caserta, nước Ý, giáo hoàng Phanxicô cử hành thánh lễ mừng kính thánh Anne, thân mẫu Đức Mẹ. Một bức tượng thánh Anne đang cầm tay con gái yêu Maria, được đặt bên cạnh bàn thờ.
Trong bài giảng, giáo hoàng nói rằng, ‘Khi dâng hương, tôi thấy một điều rất đẹp. Tượng thánh Anne không có triều thiên, nhưng con gái Maria thì có. Thánh Anne là một người nữ chuẩn bị cho con gái mình trở thành nữ hoàng, trở nên nữ hoàng trên trời dưới đất. Và thánh nữ đã làm quá tuyệt vời.’
Hồi tháng 3 khi đến thăm Napoli, giáo hoàng Phanxicô nói với các linh mục, tu sỹ và chủng sinh rằng một trong những cách để bảo đảm Chúa Giêsu là trung tâm đời sống mình chính là ‘xin Mẹ Ngài đưa bạn đến với Ngài. Một linh mục, một tu sỹ, một nữ tu không yêu mến Đức Mẹ, không cầu nguyện với Mẹ, và tôi dám nói là không lần hạt mân côi, thì thế đó, nếu bạn không yêu mến người mẹ, thì Mẹ sẽ không trao cho bạn Con mình.’
Cũng trong dịp này, giáo hoàng nhắc lại quyển sách ‘Vinh quang Đức Maria’ viết bởi thánh Alphonsus Liguori, hồi năm 1750. ‘Trong quyển này, tôi thích đọc các câu chuyện về Đức Mẹ sau mỗi chương, qua đó bạn thấy được Đức Mẹ luôn luôn dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu.’
Cha Majorano, chuyên gia về các tác phẩm của thánh Alphonsus, nói rằng cha và các bạn trong dòng không ngạc nhiên khi nghe Giáo hoàng Phanxicô tôn vinh tác phẩm 265 năm tuổi của đấng sáng lập Dòng.
Cha Majorano nói rằng, phong cách của thánh Alphonsus khi nói về Đức Mẹ phản ánh văn hóa La Tinh mà thánh nhân và giáo hoàng cùng chia sẻ, ‘nồng ấm, viết từ trái tim hơn là cái đầu, dù đầy mẫn tuệ. Nhìn chung, trong các sách của mình thánh Alphonsus cho thấy hiểu biết sâu sắc về tác phẩm của các giáo phụ và các ngòi bút lớn trong giáo hội, mà thánh nhân đã không ngừng trích dẫn lại, nhưng ngài viết về Đức Mẹ bằng tấm lòng nhiều hơn nữa.’
Hai điểm trung tâm trong đời sống của thánh Alphonsus là ‘về đóng đinh khổ nạn là biểu lộ tình yêu [chứ không phải công lý của] Thiên Chúa, và về Đức Mẹ.’ Đây là hai thực thể đã truyền động cho việc giảng dạy và sứ mạng của thánh nhân.’
Thánh Alphonsus tập trung vào vai trò của Đức Mẹ, ‘Nữ vương Thương xót.’ Cha Majorano giải thích, ‘Đặc tính căn bản mà thánh Alphonsus nhấn mạnh chính là về Đức Mẹ, người chào đón của Thiên Chúa, nghĩa là khi chúng ta thấy e ngại đến với Chúa vì thân mang tội lỗi, thì Mẹ chào đón và giúp chúng ta đến với Ngài. Vậy nên, lòng thương xót của Mẹ chính là sự đón nhận, và là sức mạnh chuyển cầu cho chúng ta, lòng thương của Mẹ luôn luôn dự liệu những gì chúng ta cần, như trong tiệc cưới Cana vậy.’
Trong văn kiện chính thức công bố Năm Lòng Thương xót 2015-2016, giáo hoàng Phanxicô viết rằng, ‘Đức Mẹ chứng thực rằng lòng thương xót của Con Thiên Chúa là không giới hạn và cho tất cả mọi người, không trừ một ai.’ Chúng ta hãy hướng về Mẹ trong kinh Lạy Nữ Vương [Salve Regina] một lời kinh cổ nhưng luôn mới, để Mẹ không ngừng hướng đôi mắt nhân từ nhìn đến chúng ta, và cho chúng ta xứng đáng được chiêm ngắm dung nhan đầy thương xót là chính Con của Mẹ, Chúa Giêsu.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch