Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ cầu cho hơn 1triệu rưỡi người Armenia đã bị giết. Ngài nhắc lại 2 ‘bi kịch chưa từng có’ do tay Đức Quốc xã và Stalin, nhắc lại những cuộc thảm sát ở Cambodia, Rwanda, Burundi và Bosnia, cũng như những đau khổ của các Kitô hữu vẫn còn phải chịu ngày nay.
Vatican Insider – Andrea Tornielli – 12/4/15
‘Đáng buồn thay, ngày nay chúng ta cũng nghe thấy những tiếng kêu bị bóp nghẹt và bị bỏ rơi của nhiều anh chị em không có khả năng tự vệ của chúng ta, vì đức tin vào Chúa Kitô hay vì gốc gác dân tộc của mình, mà bị giết chết công khai và tàn bạo, bị chặt đầu, đóng đinh, thiêu sống, hay bị buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ.’ Mở đầu thánh lễ cử hành để tưởng niệm 100 năm biến cố Metz Yeghern, ‘Tội ác Khủng khiếp,’ giết hại 1triệu rưỡi người Armenia, do bởi tay Đế chế Ottoman vào năm 1915, Đức Phanxicô nhắc lại rằng các thảm kịch to lớn chưa từng có trong thế kỷ XX, đáng buồn thay vẫn chưa lùi hẳn vào dĩ vãng.
Đức Phanxicô lên tiếng rằng, ‘Ngày nay, chúng ta cũng đang trải qua một dạng diệt chủng cho bởi sự lãnh đạm chung lan rộng, một sự thinh lặng đồng lõa của Cain. Trong thế kỷ trước, gia đình nhân loại đã sống qua 3 bi kịch khủng khiếp chưa từng có. Đầu tiên là vụ được xem như ‘cuộc diệt chủng đầu tiên trong thế kỷ XX’ đã đánh vào người dân Armenia, quốc gia Kitô giáo đầu tiên, cũng như người Công giáo và Chính thống ở Syria, Assyri, Chaldea, và Hi Lạp. Các giám mục và linh mục, các tu sỹ và giáo dân nam nữ, người già và ngay cả trẻ con vô lực và người bệnh cũng bị giết hại.’ Đức Phanxicô đã dùng từ ‘diệt chủng’ để nhắc đến vụ tàn sát người Armenia, dù ngài chỉ dẫn lại lời của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II trong tuyên bố chung ký với thượng phụ Kakerin II hôm 27 tháng 9 năm 2001 ở Etchmiadzin.
Giáo hoàng tiếp lời rằng, ‘Vẫn còn thêm hai bi kịch nữa do tay Đức Quốc xã và Stalin. Và gần đây còn có các cuộc tàn sát hàng loạt khác nữa, như ở Cambodia, Rwanda, Burundi, và Bosnia. Dường như nhân loại không thể ngăn được việc đổ máu những người vô tội. Dường như nhiệt huyết tăng cao sau khi chấm dứt Thế chiến II đã tàn lụi và giờ tiêu tan đâu mất. Dường như gia đình nhân loại đã không chịu học biết từ những sai lầm khủng bố của mình, nên ngày ngay, vẫn có những người cố gắng trừ khử người khác nhờ sự giúp sức của một số người nữa, cũng như nhờ sự thinh lặng đồng lõa của những người bàng quan đứng nhìn. Chúng ta vẫn chưa học biết được rằng ‘chiến tranh là điên rồ’ là ‘tàn sát vô tri.’
Đức Phanxicô nói với ‘Các tín hữu Kitô Armenia thân mến, ngày hôm nay,với lòng đầy đau đớn, nhưng cũng đầy hi vọng nơi Chúa Phục sinh,chúng ta nhớ lại 100 năm tấn bi kịch này diễn ra, cuộc tàn sát vô tri khủng khiếp mà cha ông các bạn đã phải hứng chịu. Cần phải, và thực sự là trách nhiệm phải, tôn vinh ký ức về họ, bởi bất kỳ lúc nào ký ức phai mờ, thì ma quỷ sẽ cho các vết thương mưng mủ. Giấu diếm hay chối bỏ sự dữ, thì cũng như cứ để vết thương đổ máu mà không chịu băng bó lại vậy!’
Trong bài giảng, Giáo hoàng Phanxicô thêm rằng, ‘đối diện với những bi kịch trong lịch sử nhân loại, chúng ta nhiều lần thấy chấn động, tự hỏi mình, “Tại sao?’ Sự dữ của nhân loại có thể xuất hiện trong thế giới như một hố thẳm, một trống rỗng: không có tình yêu, không có sự lành, không có sự sống. Và rồi chúng ta hỏi nhau: làm sao để lấp đầy trống rỗng này đây? Với chúng ta, điều này không thể được, chỉ Thiên Chúa mới có thể lấp đầy sự trống rỗng vốn cưu mang sự dữ trong lòng chúng ta và trong lịch sử nhân loại. Chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, đã chết trên thập giá và lấp đầy hố thẳm tội lỗi với chiều sâu của lòng thương xót Ngài.’
Cuối thánh lễ, Giáo hoàng phát một thông điệp tưởng nhớ 100 năm biến cố diệt chủng này. ‘Việc nhắc lại những gì đã xảy ra, không chỉ là trách nhiệm của người dân Armenia và Giáo hội Hoàn vũ, nhưng là của toàn thể gia đình nhân loại, để những lời cảnh tỉnh từ bi kịch này sẽ giữ không để chúng ta rơi vào những thảm kịch tương tự, vốn đi ngược lại Thiên Chúa và phẩm giá con người. Sự thật là, ngay ngày nay, những cuộc xung đột biến thành bạo lực phi lý, không cách nào bào chữa được, và lại dấy lên bằng cách lợi dụng các khác biệt tôn giáo và chủng tộc. Tất cả những nguyên thủ và tổ chức quốc tế, đều được kêu gọi phải chống lại những tội ác này với một ý thức trách nhiệm vững vàng, không mập mờ và thỏa hiệp.
Mong sao lễ kỷ niệm đáng buồn này, trở nên một dịp suy tư khiêm nhượng và bình tâm, và mong sao mọi tâm hồn biết mở ra với sự tha thứ, vốn là nguồn an bình và tân tạo hi vọng … Nguyện xin Chúa ban cho người dân Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa bước tiếp trên con đường hòa giải, và nguyện xin hòa bình cũng đổ xuống Nagorno Karabakh (cộng hòa độc lập tự xưng của Azerbaijan ở Nam Causacus).
Với các Kitô hữu chúng ta, trên tất cả, mong chúng ta có một thời gian cầu nguyện sâu sắc. Qua quyền năng cứu chuộc của lễ hi sinh trên thập giá của Chúa Kitô, nguyện xin máu đã đổ ra đem lại phép lạ hiệp nhất trọn vẹn cho các môn đệ Chúa. Cách riêng, nguyện xin Chúa Kitô cho mối dây huynh đệ vốn có giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Tông tòa Armenia thêm bền chặt. Chứng tá của nhiều anh chị em không có khả năng tự vệ đã hi sinh tính mạng mình vì đức tin, đang hiệp nhất các tuyên tín khác nhau: chính đây là sự đại kết trong máu, vốn đã thúc đẩy thánh Gioan Phaolô II mừng kính các vị tử trong năm thánh 2000.’
Bi kịch của người dân Armenia mở đầu khi Đế chế Ottoman vào khoảng đêm 23 và 24 tháng 4, năm 1915, bắt giữ các gia tộc quyền thế nhất Armenia ở Constantinople. Trong chỉ một tháng sau, hơn 1000 trí thức Armenia, bao gồm các nhà báo, nhà văn, nhà thơ, và các nghị viên, bị đày đi nhà ngục Anatolia, nhưng đều bị giết trên đường đến đó. Các việc bắt giữ và lưu đày được chủ mưu bởi đảng ‘Thanh niên Thổ.’ Các gia đình Armenia bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và của cải, mà đi vào vùng hoang mạc, hàng trăm ngàn người đã bỏ mạng vì đói, bệnh tật hay kiệt sức. Những chuyện thuật lại qua lời những người sống sót, thực sự quá đỗi đau lòng. Hành trình chết chóc này được được quân đội Thổ kết hợp với các quân quan chức quân đội Đức. Hàng trăm ngàn người Armenia khác bị dân quân người Kurd và quân đội Thổ tàn sát.
Các tấm ảnh mà Armin T. Wegner bí mật ghi lại là lời chứng hùng hồn cho các tội ác này. Những hành động lưu đày, giết chóc có tính toán này, khẳng định gần như chắc chắn sự thật rằng người dân Armenia là những nạn nhân của cuộc diệt chủng đầu tiên trong thời hiện đại, dù cho Thổ Nhĩ Kỳ có phản đối, không chỉ là không chấp nhận cụm từ ‘diệt chủng’ mà còn chính thức chống lại bất kỳ quốc gia nào dùng từ này, và khăng khăng rằng những người bị giết chỉ khoảng dưới 500 ngàn, và do bởi chiến tranh hay nạn đói mà thôi. Nhưng nghị viện của 22 quốc gia đã chính thức nhìn nhận thảm họa Diệt chủng Armenia, trong đó bao gồm Nga, Pháp, Ý, Đức, Canada và Argentina.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch