Ống kính của nhiếp ảnh gia cũng có thể là một vũ khí!

266

lefigaro.fr, 02-04-2015

Ống kính của nhiếp ảnh gia cũng có thể là một vũ khí

Hudea, 4 tuổi, nghĩ rằng ống kính của nhiếp ảnh gia là một vũ khí. Câu chuyện của em bé người Syria làm cư dân mạng xúc động hơn một tuần nay đã được ký giả Nicolas Basse làm sáng tỏ.

Trong vòng một tuần, bức hình em bé Syria mắt nhìn ống kính, hai tay giơ lên trời đã làm cư dân mạng xúc động và truyền đi hàng chục ngàn lần trên các trang mạng xã hội. Đài BBC đã điều tra và đã tìm ra được nhiếp ảnh gia chụp bức hình này.

Ngày 24 tháng 3 vừa qua, nhiếp ảnh gia người Palestina, bà Nadia Abu Shaban ở dãi Gaza đã cho đăng trên trang Twitter của mình bức hình em bé Syria, hai tay giơ lên trời, nét mặt vừa sợ hãi vừa cam chịu với câu viết: “Một nhiếp ảnh gia đã chụp bức hình em bé người Syria, em tưởng ống kính máy chụp hình là vũ khí nên em giơ tay lên đàu hàng!”, không ai biết chính xác bức hình này chụp lúc nào nhưng bức hình được truyền đi cả ngàn lần trên Internet và đã gây xúc động mạnh.

Các phản hồi nhanh chóng bình: “Thật khủng khiếp”, “Thật xấu hổ cho nhân loại!”, “Thật quá buồn!” vân vân… Tiếp theo là câu hỏi về sự thật của bức hình này. Trước những câu hỏi này, nữ ký giả Palestina thú thật là không biết bức hình này được chụp ở đâu, ai chụp và chụp khi nào.

BBC điều tra

Đứng trước tầm rộng lớn và các câu hỏi chung quanh bức hình, đài BBC lên đường đi tìm dấu vết của nhiếp ảnh gia nào đã chụp bức hình này. Trong vài giờ, đài BBC Anh quốc đã lần dò ra Osman Sagirli là tác giả bức hình có “khuôn mặt buồn nhất thế giới” này. Ông là ký giả nhiếp ảnh người Thổ Nhĩ Kỳ làm việc từ 25 năm nay trên các thảm họa và các cuộc chiến tranh, hiện nay ông làm việc ở Tanzania, ông cho biết ông gặp cô bé 4 tuổi tên là Hudea vào cuối năm 2014 trong một trại tị nạn ở Atmeh, cách biên giới Thỗ 10 cây số. Ông cho biết bức hình này đã được đăng ở nhật báo Thỗ Turkiye Gazetesi vào tháng 1-2015 vừa qua.

Trả lời cho đài BBC, ông tuyên bố: “Tôi đã dùng máy có ống kính để chụp và em nghĩ đó là một vũ khí. Sau khi chụp hình, tôi mới nhận ra điều này khi thấy em mím môi và đưa hai tay lên trời. Thường thường khi thấy ống kính, trẻ con hoặc bỏ chạy, hoặc lấy tay che mặt, hoặc cười.” Để biện minh cho việc chụp bức hình này, ông nói thêm: “Biết rằng đây là những người tị nạn nhưng qua trẻ con, ý nghĩa của sự đau khổ càng mạnh hơn là qua người lớn. Qua sự ngây thơ của mình, trẻ con cho thấy xúc cảm của chúng nhiều hơn.”

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Trong ngày tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, chúng con nguyện xin Chúa cho những người đang đóng đinh anh em mình biết sám hối, từ bỏ vũ khí để nhân loại được sống hòa bình yêu thương nhau hơn.