Hàng năm đến Mùa Chay, bà cháu chúng tôi đi tĩnh tâm
Sau bốn ngày đi trượt tuyết của tuần lễ nghỉ đông, hôm nay bà cháu chúng tôi đi tĩnh tâm ở Villa St-Martin, một trung tâm Tĩnh tâm của các cha Dòng Tên ở Montréal.
Chúng tôi đã có thói quen đi tĩnh tâm hàng năm, ít nhất một năm một ngày ở một nơi thinh lặng.
Tôi là Xavier, 13 tuổi. Tôi đi tĩnh tâm lần đầu lúc 8 tuổi.
Tôi là Felix, 9 tuổi, tôi đi tĩnh tâm lần đầu lúc 6 tuổi.
Tôi là Agata, trên 40, mẹ của Xavier và Felix.
Tôi là Marta, xấp xỉ 70, bà ngoại của Xavier và Felix.
Chúng tôi có một mong muốn chung là được thinh lặng bên nhau, vào nhà nguyện cầu nguyện với nhau, đọc với nhau một đoạn Phúc Âm.
Trong các năm qua, chúng tôi đi tĩnh tâm ở hai nơi một nơi là của các cha Dòng Tên, một nơi là của các xơ Dòng Kín, ở đây có bạn của tôi đi tu. Xavier và Felix thích chỗ này vì nhà nguyện ở đây lúc nào cũng có một nữ tu trực cầu nguyện 24/24, Xavier và Felix nói, khi vào nhà nguyện cảm thấy mình có bạn!
Mục đích của Xavier đi tĩnh tâm năm nay là “xin cho con thắng được bản năng của con, chuyện tốt con muốn làm thì con không làm, chuyện xấu con không muốn làm thì con thích làm và xin cho con đàng hoàng dễ thương với mọi người.”
Felix xin được mở lòng ra để yêu thương tất cả mọi người.
Mẹ Agata thì xin thoát ra khỏi nạn bám bính, bám dính vào con cái, bám dính vào tính cầu toàn.
Bà ngoại Marta đi để cảm tạ ơn Chúa về tất cả những gì mình đã nhận được.
Sáng thứ năm 5-3, ba bà cháu đến nhà tĩnh tâm trước, mẹ Agata còn bận đi làm nên chiều mới đến.
Ba bà cháu đến, nhận phòng, vào nhà nguyện chào Chúa, sau đó đi ăn cơm trưa. Buổi trưa có món gà chiên với mè rất ngon.
Khi nhận phòng, họ cho mình lựa hai phòng, một phòng sáng sủa có hai giường nhưng không có phòng vệ sinh trong phòng. Một phòng hơi tối tăm nhưng có phòng vệ sinh trong phòng.
Ba bà cháu chọn phòng sáng sủa nhưng anh Xavier cứ bàn lui bàn tới bên thua, bên thiệt của phòng tiện nghi và phòng không tiện nghi. Bàn nhiều quá, đến một lúc Felix lên tiếng: “Xavier, thôi đủ rồi, phòng tiện nghi hay không tiện nghi không làm thay đổi cuộc đời của em, nhưng Lời Chúa mới làm thay đổi cuộc đời của em!!!”
Về phòng, ba bà cháu nói chuyện về quỷ. Số là căn phòng này khi lần đầu đi tĩnh tâm với Xavier, trong khi ngủ, bà ngoại Marta có cảm giác như có một bọn quỷ tới giật chăn mình thật mạnh. Lúc đó bà ngoại nói, “Ồ, đừng phá tôi…” và sau đó thì đi ngủ tiếp.
Xavier và Felix đều hỏi: “Có quỷ không?”
Bà ngoại giải thích: Quỷ không hiện ra dưới hình thức người có đuôi, mặt có sừng nhưng quỷ là lực xấu thúc đẩy mình làm chuyện xấu. Mình phải ý thức khi biết đó là lực xấu, suy nghĩ xấu thì phải đuổi nó đi ngay, đừng nấn ná, nó sẽ tấn công tiếp và nhiều lúc mình thua nó.
Sau đó ba bà cháu đi dạo ngoài trời. Felix có dịp phá phách nghịch ngợm nhưng cũng nghiêm túc không kém!
Về lại nhà tĩnh tâm, ba bà cháu vào nhà nguyện thì tình cờ tham dự thánh lễ của nhóm “Con có yêu Ta không? M’aimes-tu?” do ông Alain Dumont điều khiển. Cha Roch Lapalme dâng thánh lễ.
Bài Phúc Âm hôm nay là đoạn Phúc Âm thánh Luca: 16: 19-31 kể câu chuyện người nhà giàu và ông Ladarô. Giảng lễ không phải là cha chủ lễ nhưng là bài suy niệm của ông Alain. Ông nói đây là đoạn Phúc Âm tiêu biểu cho ba chuyện:
– Mắt đền mắt, ngươi đền ngươi: không cho tôi ăn khi tôi đói thì bây giờ tôi không cho một giọt nước.
– Đền tội là đền tội, không dung tha.
– Lên án người giàu.
Ai trong chúng ta cũng có lúc thấy mình trong vai người giàu và trong vai người nghèo.
Người giàu ở đây là người giàu sụ, thời nào cũng là thiểu số trong xã hội, họ giàu “lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Người giàu ở đây họ cũng thiếu thốn đủ chuyện, nhất là về mặt thiêng liêng nhưng họ dùng lụa là gấm vóc để che sự thiếu thốn của mình. họ sống không cần ai.
Người nghèo ở đây là người nghèo tột cùng, người nghèo không có một cái gì, một người thiếu tình yêu và khao khát tình yêu. Người nghèo ở đây sống phước thật tám mối ngoài ý muốn của mình. Họ như con cá mắc cạn. Người nghèo trong nghĩa bị giao động tột cùng trong lòng, từ giao động này chúng ta đi tìm một con đường để thoát, để được cứu rỗi.
Trong xã hội có rất nhiều Ladarô, mỗi người đều đi tìm tình yêu trong đời sống thiêng liêng nhưng lại bị kẹt trong thế giới vật chất, vậy nếu mình thiếu tình yêu thì tình yêu này ở đâu?
Ladarô đã biết đặt đức tin của mình nơi tình yêu và sớm muộn gì đức tin này cũng được nảy nở và trở thành cây mọc bên bờ suối. Một cây mọc bên bờ suối thì nó sẽ sinh hoa trái tốt, hoa trái tốt đó là chính mình.
Bài Phúc Âm để lại nhiều suy nghĩ trong lòng ba bà cháu.
Dự thánh lễ xong thì đến giờ ăn cơm, mẹ Agata đến đúng giờ cơm và cả nhà đi ăn tối với nhau. Bữa cơm có món thịt nướng xâu rất ngon.
Đến tối cả nhà làm phút hồi tâm. Phút hồi tâm là đọc lại đoạn Phúc Âm trên và mỗi người nói câu nào, đoạn nào đánh động đến mình.
Xavier và mẹ Agata thì được đánh động bởi câu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.”
Felix và bà ngoại Marta thì được đánh động bởi câu: “Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.”
Felix nói: “Sao ông Ladarô này giống con, bị mụn loét đầy người, hồi nhỏ con cũng bị mụn loét, bây giờ con cũng hay bị ngứa, con gãi sướt hết cả người, nhưng mà để cho con chó liếm thì ghê quá!”
Xavier thì thấy mình quá sướng và không biết làm sao để xứng đáng với những điều mình có được.
Mẹ Agata cũng vậy, không biết làm sao để đền đáp với những ơn mình đã nhận được.
Trong tâm tình như vậy, cả nhà đọc một kinh Lạy Cha rồi đi ngủ.
Gọi là đi ngủ nhưng trước khi đi ngủ thì mấy mẹ con vào nhà nguyện cầu nguyện với Chúa một lúc. Xavier và Felix chạy vô chạy ra nhà nguyện như.. đi chợ! Trong lúc cầu nguyện thì Xavier xúc động quá, bật khóc vì thấy mình quá đầy đủ, quá hạnh phúc so với nhiều người khác.
Sáng thứ sáu ngủ dậy, ăn sáng xong cả nhà vào nhà nguyện chào Chúa, sau đó thì dự thánh lễ chung với nhóm “Con yêu Ta không?” Hôm nay là thánh lễ bế mạc tuần tĩnh tâm của họ.
Bài Phúc Âm hôm nay là bài dụ ngôn “Những người làm vườn nho sát nhân”(Mc 12: 1-12) kể câu chuyện ông chủ vườn nho giao cho tá điền canh tác vườn nho và ông đi xa. Đến mùa lần lượt sai đầy tớ đến thu hoa lợi vườn nho nhưng lần nào họ cũng bị đánh đập và cuối cùng là bị giết. Rốt cuộc ông không còn ai để sai, ông sai con ruột yêu dấu của mình hy vọng họ sẽ nể nang nhưng họ cũng không nể nang, Họ giết quách nó và hy vọng gia tài sẽ về tay họ. Ông chủ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.
Trong câu chuyện này, ông Alain liên tưỏng đến bối cảnh người cha có người con bị giết và hoàn cảnh riêng của ông, ông có người con bị nghiện ngập và ông cũng đã từng nghiện ngập. Ông đau khổ thấy con mình trong cảnh này cho đến một ngày, ông nghe có tiếng nói trong lòng mình: “Ta đã cho Con Một của Ta cho con, vậy con hay cho con của con cho Ta.”
Tiếng nói đó đã giải thoát cuộc đời của ông, đã làm cho ông như chết đi sống lại.
Sau đó, ông để băng nhạc bài hát “Cho Người Con trong tay Mẹ” của linh mục André Dumont thuộc Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ và cũng là anh ruột của ông cho mọi người nghe.
Khi nghe bài hát này, có một bà trong nhóm khóc sướt mướt vì bà có cô con gái đang bị ung thư vú. Mẹ Agata cũng khóc sụt sùi vì lời của bài hát, sau mỗi câu hát là câu Kính Mừng Maria, Je vous salue Marie, nghe như một lời thán phục cho sự chịu đựng phi thường của Mẹ Maria. Felix ngồi bên cạnh xoa xoa tay mẹ như ngầm nói, “Mamy ơi, con thương mamy lắm, mamy đừng buồn.”
Cho Người Con trong tay Mẹ
Đã mang tất cả hy vọng của trái đất
Cho Người Con trong tay Mẹ
Đã cho con niềm vui,
Kính mừng Maria.
Lễ xong, ba mẹ con Agata, Xavier, Felix ôm nhau, mẹ Agata cám ơn Chúa cho mẹ nghe bài hát này để mẹ biết phó thác con cái mình vào bàn tay của Chúa, không còn “nắm chặt” con của mình trong tay.
Xavier, Felix rất vui: “Mẹ nhớ nhé, mẹ đừng để ý đến mấy chuyện lặt vặt của tuổi chúng con mẹ nhé!”
Hết tĩnh tâm của nhóm, buổi ăn trưa hôm nay là buổi ăn cuối cùng họ ngồi ăn chung và vui vẻ nói chuyện. Đến phần chào hỏi, khi họ biết Xavier và Felix đi tĩnh tâm hàng năm, dĩ nhiên là họ tròn mắt.
Và đã có những câu hỏi để xem hai anh hùng này là “anh hùng tự nguyện hay anh hùng bị bắt buộc”.
– Con thích đi tĩnh tâm không?
– Dạ có, con thích đi.
– Con thích đi tĩnh tâm trong thinh lặng?
– Dạ có, con cũng quen rồi, mấy năm trước con đi ở nhà xơ Tuyết, con được mẹ dặn trước là phải thinh lặng, với lại ở đó không ai nói gì hết nên con cũng không dám nói.
– Con tin Chúa?
– Dạ, con tin chứ, không có Chúa làm sao có mình.
– Con xin Chúa ơn gì ở buổi tĩnh tâm này?
– Dạ, con xin Chúa mở lòng ra để con biết Chúa.
– Vì sao phải mở lòng ra?
– Dạ vì nếu không mở lòng ra thì mình nghĩ đến mấy chuyện khác.
– Con có muốn tiếp tục đi tĩnh tâm không?
– Dạ muốn chứ!
– Các con biết không, các bà rất ngạc nhiên khi thấy các con đi lễ, các bà để ý xem các con dự thánh lễ như thế nào. Các bà thấy các con cầm sách theo dõi phần phụng vụ, các con thuộc kinh, các con xoay mình hướng về bàn thờ. Như thế là các bà hiểu các con không giả vờ. Các bà khen các con nhé. Các con ngoan lắm. À, ăn xong các con còn chùi bàn như người lớn!
Khi ra về, cả nhóm vẫy tay chào chúng tôi, thật cảm động làm sao.
Bà ngoại Marta
Montréal 6 tháng 3-2015